Đầu tiên và cuối cùng

FB Uông Triều

(Repost bài viết này vì hôm qua nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mới chính thức được “mổ” con lợn của đời mình, mà khi in sách cả nhà xuất bản và một số bạn đọc phải nín thở hồi hộp cho đến phút chót! Ùa, cái nước này nó thế đấy!)

Tôi cứ nghĩ nếu hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Xuân Khánh được xuất bản ngay từ lúc nó hoàn thành thì vị thế của Nguyễn Xuân Khánh trong lịch sử văn học Việt Nam đã khác. Rất tiếc nó đã được xuất bản quá muộn mằn, năm ngoái là MIỀN HOANG TƯỞNG, năm nay là TRƯ CUỒNG, tất nhiên cả hai cuốn sách này đều phải có một cái tên khác để “hợp với thời thế”. Vậy trong 5 cuốn tiểu thuyết của họ Nguyễn, cuốn nào là hay nhất, tôi xếp hạng như sau: 1. Trư Cuồng, 2. Miền Hoang Tưởng, 3. Hồ Quý Ly. Hai cuốn đầu tiên đương nhiên mang những khát vọng mãnh liệt và táo bạo nhất của Nguyễn Xuân Khánh. Ông còn trẻ, bị rơi vào cảnh túng quẫn, bần cùng nhưng sự dũng cảm và khát vọng của ông thì vô cùng lớn. Ông đã viết theo cách cảm nhận của riêng ông, ông đã sớm nhận thấy một sự “ lầm đường, lạc lối” nào đấy từ rất sớm. Ông không chỉ viết về hiện thực như đa số các nhà văn cùng thời, ông tìm hiểu cuộc sống, suy nghĩ của người trí thức, nhận thức của họ với xã hội, những phản tỉnh về một con đường mù mờ, hoang đường.

Nguyễn Xuân Khánh đã khai thác cuộc sống tinh thần của người trí thức, đau đớn giày vò bởi cuộc sống bế tắc, nghèo khổ, những chân lý mà họ biết được, họ không bị đánh lừa, làm cho bị mờ mắt, họ biết cái gì đúng, cái gì sai, cái viển vông của những thứ vĩ đại vớ vẩn, không có một kích cỡ phù hợp với cuộc sống và lịch sử…

Vì tất cả những điều ấy, hai cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Xuân Khánh là đáng đọc nhất, dù xuất hiện của nó quá muộn mằn và cay đắng bởi thời gian. Nó chẳng làm hại ai và cũng chẳng có gì phải sợ nó, đó là sự thực và những trải nghiệm, khát khao của những người biết suy nghĩ, có học thức. TRƯ CUỒNG là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Xuân Khánh nhưng nó lại được xuất bản sau cùng vì nhà văn đã tuyên bố ngừng viết.

Với tất cả sự kính trọng của mình, tôi nghĩ đó là cuốn tiểu thuyết đáng được đọc và càng quý hơn nhân cách và thái độ của nhà văn. Một nhà văn và một trí thức lớn. Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng được gọi như thế.

P/S: Hôm qua tôi đi dự buổi nói chuyện về cuốn Trư Cuồng này, thấy rất tâm đắc một ý phát biểu của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Cái gì nó thôi thúc thì cứ viết ra đi, đừng bao giờ đợi cho nó chín muồi, vì biết bao giờ cho chín muồi, cơ hội đến một lần và không bao giờ lặp lại. Cứ viết đi, bây giờ không in được thì sau này in cũng chẳng sao, việc gì phải so đo khi nào được in?

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1817458745245996&set=a.1381349432190265.1073741828.100009456636879&type=3&theater

Comments are closed.