Đôi dép cao su và nghĩa trang Việt Nam Cộng hòa…

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

Xã Bình An được đôn lên thành “phường” thế là đường làng lên phố. Không biết có ý chọc ngoáy gì không mà con đường làng băng qua cái nghĩa trang Việt Nam Cộng hòa xưa được đặt tên là Thống Nhất?

Đoàng!

Trước đây cái nghĩa trang gom hơn 20 ngàn xác lính và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa này là khu quân sự. Cấm vào!

Giờ, 27 tháng 7 năm 2015. Tức hôm nay, gã vừa bước vào cánh cổng có bảng đề “Nghĩa trang Nhân dân Bình Dương” một tiếng quát của chàng bảo vệ vang lên.

Đi đâu?

Ơ hay có thằng dở hơi mới mò vào nghĩa địa của người chết để nhậu, để tán gái, để ngắm cảnh làm thơ.

Tìm mộ.

Người chết tên gì?

Không biết.

Phải xuất trình chứng minh nhân dân mới được vô.

Gã ngoan ngoãn trình chứng minh nhân dân của gã. Chàng bảo vệ trẻ gầy ngẳng dẫn gã vào phòng bảo vệ. Chàng ta ghi chép họ tên, địa chỉ của gã vào một cuốn sổ to đùng. Xong, đưa gã ký tên. Ký thì ký. Xoẹt.

Hơ, hơ, gã đi khắp đất nước này lần đầu tiên thấy một nghĩa trang người chết lại tên là “nghĩa trang nhân dân” muốn vào thắp nhang phải trình giấy tờ tùy thân, phải ghi họ tên vào sổ theo rõi, trình báo.

Bây giờ thấy con đường ngoài cổng kia mang tên là “Thống Nhất” càng hài hước.

Cười, cười… anh đang cười đấy Nông ơi. Hôm nay ngày tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, mọi năm anh thường đi Mộc Hóa, Long An nơi 40 năm rồi giữa tuổi 20 em yên nghỉ như câu thơ của cha: “Con đi rồi như một cánh hoa bay. Giờ quê con đó Vàm Cỏ Tây”.

Thì sáng nay thắp nhang trên bàn thờ cha mạ và em, anh nói rằng: Con xin phép cha mạ, anh xin phép Nông cho con, cho anh đi thắp nhang cho những người lính Việt Nam Cộng hòa chết trận.

Không tiếng trả lời.

Gã thấy nước mắt gã chảy. Có nghĩa là cha mạ gã và Nông đã đồng lòng.

Lúc này đi bên những bạt ngàn mộ những người nếu còn sống thì cũng bằng tuổi gã, bằng tuổi anh gã, hoặc bằng tuổi Nông. Thôi cho gã gọi chung là các anh.

Chúng ta sẽ không nói nữa về quá khứ bởi nó quá ư thảm khốc đau buồn. Chúng ta thôi không nói nữa về ai thắng cuộc, ai thua cuộc.Thời gian đã đủ dài để có thể nhận biết rằng cả hai bên những người lính cầm súng đều chung một ước nguyện Thống nhất quốc gia, đều chung một ước vọng hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Nhưng vì sao lại chĩa súng giết nhau thì lại là câu hỏi cay đắng nhất của lịch sử mà những người lính ấy của cả hai sắc cờ đã ngã xuống không có trách nhiệm phải trả lời.

Gã nhớ một lần đến một nhà tranh rách nát ở Bến Tre, má Tư áo bà ba sờn rách. Trên bàn thờ hai cái ảnh, một mặc đồ quân cộng sản, một mặc đồ quân quốc gia. Má kể khi má trưng cả hai trên bàn thờ mấy cha cán bộ trên huyện bắt má cất ảnh người mặc đồ quân quốc gia Việt Nam Cộng hòa xuống. Má đã xuống bếp lấy cây rựa. Má bảo, đứa nào cũng là con tao hết. Thằng nào ngăn cách tình má con của tao, tao chém.

Gã thắp nhang cho những trung sĩ Mét, trung sĩ Dũng, hạ sĩ Thanh, hạ sĩ Cước, binh nhì Nhót, trung sĩ Trí… Má Tư ơi trong những chàng trai nằm đây 40 năm rồi không hương khói có anh nào là con trai của má không?

Gã thắp hết bó nhang lấy từ bàn thờ cha mạ và em trai Nông của gã, tay mỏi, khói cay. Chả có bông hoa nào hết, chỉ có lá, lá mục, lá khô, chỉ có cỏ, cỏ khờ, cỏ dại. Các anh nằm đấy có ai liếc nhìn ngang thấy xột xoạt bước chân trên đôi dép râu không?

Gã đã quyết định xỏ chân vào đôi dép râu mà những đồng đội của em gã, và chính em gã đã mang dọc dài các chiến trận và khi ngã xuống chôn vùi cùng đất lạnh để muốn gửi một lời nghẹn thương: Chúng mình cùng một Tổ quốc, chúng mình cùng một nhà, chúng mình cùng một Mẹ.

*** 

Khi chia tay, gã lại thấy cái bảng đề tên đường: Thống Nhất, gã lại thấy tấm bảng đề trước nghĩa trang: Nghĩa trang Nhân dân. Gã không còn thấy buồn cười nữa, không còn thấy mỉa mai hài hước nữa.

Thống Nhất là ý nguyện chung của tất cả con dân nước Việt dù ở bên nào, phe nào. Nhân dân –  khi sống là Nhân dân, khi chết vẫn là Nhân dân.

27.7.2015

Comments are closed.