Đọc và hiểu

(Đọc hiểu thật quan trọng)

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

Hôm vừa rồi, sau khi đăng LẠC, LÚA, LỢN, LANG, LUỒNG [xem ở đây – Văn Việt], tôi nhận được một cú điện thoại, xưng tên Sơ, không họ. Tôi chào và hỏi anh ở đâu. Trả lời: Bạn đọc. Tôi hỏi: Anh gọi tôi có việc gì? Đầu kia giọng rất nghiêm trọng: Tại sao ông viết nói xấu lãnh đạo?
Tôi hỏi: nói xấu chỗ nào? Anh ta dẫn chứng: Ông viết “cứ mỗi lần nhìn thấy lãnh đạo cười là tôi lại cho rằng họ đang nghĩ đến lúa, lợn, lạc, lang, luồng…” rồi lại còn chú thích chỉ nhớ 5 cái L, thiếu cái thứ 6, gợi cho người đọc nghĩ tới cái mất dạy của phụ nữ.

Ban đầu tôi định đùa tiếp hỏi xem “cái mất dạy” của phụ nữ là cái gì, nhưng sau thấy không nên đùa với loại này, đành nghiêm túc:
– Anh nói thế trước hết là xúc phạm “cái mất dạy” của phụ nữ. Thứ nữa, anh cho cái thứ 6 là “cái mất dạy”. Đó là anh hiểu thế, tôi không nghĩ như anh. Bây giờ tôi mới nhớ ra: cái thứ 6 của quê tôi là lươn (lạc, lúa, lợn, lang, luồng, lươn).
Đầu bên kia vẫn quy kết: “nhưng rút cuộc vẫn là nói xấu lãnh đạo, vì cho rằng lãnh đạo nước ta chỉ nghĩ đến cái vụn vặt, thấp bé; không nghĩ được gì lớn lao, to tát, mang tầm quốc tế…”. Anh ta làm một thôi như thi hùng biện.

Tôi xẵng giọng:
– Này ông: nghĩ về lạc, lúa, lợn, lang, luồng là nghĩ về nông dân. Người lãnh đạo ngồi trên cao tít mà luôn nghĩ về nông dân thì đó là xấu hay tốt? Viết về lãnh đạo như thế là ca ngợi hay bôi xấu???
Tút…tút….tút… Máy tắt. Không thấy bên kia nói lại gì.
Chào cũng không.

14-06-2017

Comments are closed.