Sương Nguyệt Minh
Có một vòng tròn bất tử Gạc Ma xót thương đến nghiêng trời lệch đất. Vòng tròn ấy bắt đầu từ thiếu úy Trần Văn Phương, bên cạnh là binh nhì Nguyễn Văn Lanh tiếp theo là đồng đội đứng quây quanh lá cờ đỏ sao vàng như là… cột mốc chủ quyền Việt Nam hiên ngang cắm trên bãi đá san hô đảo chìm Gạc Ma ngày 14.3.1988.
Cái vòng tròn bất tử quây quanh quốc kỳ ấy không phải là vòng tròn trắng vô nghĩa, lại càng không phải con số 0 tròn trĩnh vô hồn. Cái vòng tròn bất tử ấy là vòng người lính giữ đảo và công binh xây đảo với trái tim yêu nước rực lửa.
Có một sự thật xót thương nghiêng trời lệch đất đi đến vòng tròn bất tử là: Cuối năm 1987, Trung Quốc đưa nhiều tàu quân sự xâm nhập vào vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Bằng cái nhìn tầm chiến lược và sự nhạy cảm chính trị, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nghĩ đến cuộc khủng hoảng biển Đông, rất có thể các bãi san hô, đảo chìm hải quân ta chưa kịp đứng chân sẽ là mục tiêu xâm chiếm của người phương Bắc. Thực ra, từ năm 1984, đô đốc Giáp Văn Cương đã dự báo: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân Việt Nam". Với cương vị Tư lệnh hải quân nhân dân Việt Nam, ông yêu cầu tác chiến chủ động lập kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa. Ông báo cáo với Bộ Chính trị, Bộ Quốc Phòng nhanh chóng đưa công binh ra xây dựng, “kê cao” đảo chìm đảo nổi, kiên cố nhà dàn DK. Có lúc tôi nghĩ ngợi đến phẩm chất của một vị đô đốc và tự đặt câu hỏi về vai trò cá nhân trong lịch sử rằng: nếu như đô đốc Giáp Văn Cương không lệnh cho tàu chở lính hải quân ra chiếm giữ nhanh những đảo chìm chưa có quân đồn trú bằng một mệnh lệnh kiên quyết mau lẹ: "kiên quyết đóng quân nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi". Chiến dịch CQ88 bắt đầu từ đó. Đảo chìm, bãi đá của mình không có người thì nước ngoài sẽ nhảy vào chiếm đóng trái phép. Vì vậy, trên đất liền, những cuộc tiễn đưa rưng rưng nước mắt lẫn nụ cười dầy thêm để lính ta có mặt ở hàng chục điểm đảo chìm trước khi quân Trung Quốc kéo đến. Tình hình căng thẳng. Bất an. Bất ổn. Nhiều người nghĩ đến một cuộc chiến tranh mới sắp được châm ngòi. Nỗi lo lắng của người đất liền và niềm ưu tư của người đi biển rất đỗi con người. Lính thời đánh Mỹ, đánh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã phục viên lại nghĩ đến chuyện… tái ngũ khi có lệnh tổng động viên. Đất nước bước vào thời dông bão mới. Tháng 3.1988, tàu HQ 604, HQ605 và HQ505 chở quân, chở sắt thép xi măng, cát đá… ra đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao với tinh thần “quyết đóng quân nhanh” và “kê cao đảo”, họ đâu có biết chỉ sau đó ít ngày đã tự nguyện làm vòng tròn quây quanh lá cờ tổ quốc.
Nhà triết học người Pháp Denis Didero nói rằng: “Sức mạnh đạt được nhờ bạo lực chỉ là sự chiếm đoạt.” Sự thực là Gạc Ma bị chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực tàn khốc. Người lính đứng sát bên người lính dang cánh tay không một tấc sắt giằng giật giữ cờ; ngực trần ưỡn ra hứng đạn 37mm và pháo 100mm của quân lính dã man Trung Quốc. Thịt da nào chịu nổi đạn bắn thẳng!? Máu xương nào chịu nổi pháo hạm nặng trút xuống đầu người lính giữ đảo những quầng lửa đỏ chói chớp xanh?! Tàu vận tải mỏng manh như lá tre trên biển cả chở người lính chỉ có tiểu liên AK phòng vệ với đá cát, xi măng, sắt thép sao chịu nổi sức tấn công như vũ bão, không thương xót, cuồng điên từ tàu hộ vệ tên lửa của kẻ thù phương Bắc?! Một sự tương quan chênh lệch lực lượng quá lớn: 3 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu vận tải của Trung Quốc được trang bị pháo 100mm, súng 37mm phòng không, pháo phản lực phóng loạt chống ngầm, súng máy hạng nặng 14,5mm, tên lửa chống hạm điên cuồng quyết đè bẹp nhấn chìm 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam chở vật liệu xây dựng và lính công binh quen mang vác gùi thồ, quen vôi vữa xây trát, cùng với một số lính hải quân đánh bộ chỉ được trang bị súng tiểu liên AK47 và một ít B40.
Cái vòng tròn bất từ ấy bắt đầu từ thiếu úy Trần Văn Phương, cạnh anh là binh nhì Nguyễn Văn Lanh, tiếp nối tiếp là đồng đội quây quanh lá cờ đỏ sao vàng. Trần Văn Phương bị một lưỡi lê xả vào người, anh vẫn ôm chặt cờ tổ quốc, anh bị thêm một viên đạn vào đầu. Binh nhì Nguyễn Văn Lanh lao vào giằng lấy cờ tổ quốc từ tay kẻ thù, rồi anh cũng bị một lưỡi lê xọc vào bụng… Bạn đọc hãy hình dung: Đồng đội ở trên tàu HQ604 lao xuống biển bơi vào Gạc Ma tiếp viện. Và sau trận giáp lá cà đỏ máu, những tên lính Trung Quốc dã man lui ra xa, rút khỏi đảo Gạc Ma lên xuồng về tàu. Sức mạnh bạo tàn bắt đầu. Trọng pháo trên tàu chiến Trung Quốc thi nhau… nã đạn, chụp các quầng lửa xuống đầu những người lính hải quân Việt Nam tay không vũ khí, nã vào các con tàu vận tải của ta mong manh như lá tre trên biển cả. Ôi! Xót thương những người lính cầm xà beng, cuốc chim và đôi vai trần đẫm mồ hôi xây đảo, với người lính cầm tiểu liên AK vừa lau dầu mỡ… mà không được nổ súng trước. Nổ súng trước là cái cớ để kẻ thù vu oan giá họa, gây sự chiếm đảo bằng vũ lực. Không nổ súng trước, chứ không phải… không được nổ súng! Gạc Ma đã bị… thảm sát! Máu đã đổ luênh loang đỏ cả vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma và nỗi đau nghẹn ngào… tức tưởi!
Thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ. Nhớ nhung hay lãng quên? Xếp lại quá khứ, hay đóng băng và bỏ qua tội ác? Nhiều năm trước, tôi cảm thấy thật xót xa khi hỏi nhiều người già, con trẻ, họ không biết sự kiện Gạc Ma. Cứ như Gạc Ma là cái gì đó xa xôi, bí ẩn lần đầu tiên được nghe thấy trong đời. Chẳng lẽ, người đời vô tình hoặc lãng quên một sự kiện động trời Gạc Ma? Không! Cái kim trong bọc mãi cũng chòi ra. Sự thật có thể tạm thời bị che giấu, hoặc cần phải phong bao gói ghém chưa đến lúc mở ra vì lợi ích toàn cục, thì trước sau cũng sẽ phải giải mã, bạch hóa, trả lại sự thật vốn dĩ đã có, đã từng xảy ra. Mừng thay! Gạc Ma và ngày 14.3 năm nay đã được nhiều lần nhắc đến và nhiều người biết đến. Nhưng, ngay cả khi đang viết những dòng chữ này về vòng tròn bất tử Gạc Ma, thì tôi lại thảng thốt đặt mình vào tâm trạng người mẹ, người vợ liệt sĩ ở đảo Cô Lin, Len Đao? Bởi vì sự kiện ngày 14.3.1988 không chỉ có sự hi sinh thiêng liêng của người lính giữ đảo Gạc Ma. Cái vòng tròn bất tử quây quanh cờ đỏ sao vàng ấy là máu đỏ người lính giữ đảo Gạc Ma cộng với những người lính khác hi sinh giữ đảo Cô Lin, Len Đao hợp thành danh sách 64 liệt sĩ dâng hiến đời trai trẻ cho tổ quốc.
Người ta đã đúc kết rằng: “Chỉ mất một phút để có cảm tình, một giờ để thích, một ngày để yêu, nhưng phải mất cả đời để quên đi ai đó”. Một người có thể quên đi một người, nhưng một dân tộc thì không thể quên một sự kiện hi sinh của nhiều người lẫm liệt. Quên đi một người đã khó, quên cả một cuộc thảm sát nhiều người càng khó hơn. Quên sao được! Gạc Ma không phải là một người, và cộng với Cô Lin, Len Đao là những 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh, nhưng có đến 61 người lính xương cốt nằm dưới đáy biển khơi, da thịt tan hòa vào nước mặn. Quên sao được! Gạc Ma là biển đảo – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc kẻ thù đã tước đoạt. Không quên và không quên!
Nữ thi sĩ Nguyễn Phan Quế Mai sống ở phía trời Tây cách quê hương nửa vòng trái đất cũng đã cất tiếng thơ xót thương tưởng nhớ các anh: “Gạc Ma, ơi Gạc Ma/… Vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng/ Sách chưa ghi nhưng lòng người đã tạc / 64 tên Người vào gấm vóc non sông”. Non sông ta cũng thật lạ kì! Cứ y như là lịch sử chọn lựa dân tộc ta làm những người lính đi đầu, làm người cận kề kìm hãm, giữ chân, chặn đứng âm mưu hàng ngàn năm triền miên bành trướng của ngoại bang phương Bắc. Ngày xưa đã giữ đất liền. Bây giờ giữ biển đảo. Lúc nào cũng gánh trên vai sứ mệnh… giữ nước! Giữ nước và dựng nước thì mới giữ được giống nòi dân tộc. Tôi đồ rằng: sẽ vẫn còn, sẽ tiếp tục có nhiều người lính tan vào gấm vóc non sông. Chúng ta sẽ còn buộc phải chấp nhận những Mộ Gió dày thêm ở đất liền ngóng ra biển cả, và những Mộ Sóng dày thêm trên mặt biển khơi.
Sau những ngày đi đảo Trường Sa, nữ thi sĩ Trần Mai Hường và nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã rưng rưng hát lên bài ca Mộ Sóng: “Mười bốn tháng ba – Gạc Ma/ Lật sóng tìm quá khứ/ Thềm lục địa đây rồi/ Ngày Trường Sa bầm đỏ/ Nỗi đau nào khép cửa/ Nỗi đau nào cài then/… Mộ sóng trùm khói nhang/ Đặc quánh những nỗi buồn/ Tiếng vọng từ sâu thẳm/ Quặn thắt lòng đại dương/ Mộ sóng nơi anh nằm/ Máu thắm đỏ san hô/ Anh linh hòa sóng biếc/ Cứ lặng thầm tỏa hương.” Có một sự thật xót xa là: hầu hết những người lính hi sinh ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, thân xác không đưa được vào đất mẹ, mà xương cốt nằm lại dưới đáy biển khơi. Nghĩ đến thịt da các anh hòa vào nước mặn, là tôi lại nhớ đến bài thơ Mộ Gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc: “Mộ gió đây,đất thành xương cốt/ cứ gọi lên là rõ hình hài/ mộ gió đây,/ cát vun thành da thịt/ mịn màng đi,/ dìu dặt bên trời…/ Mộ gió đây,/ những phút giây biển lặng/ gió là tay ôm ấp bến bờ xa/ chạm vào gió như chạm vào da thịt/ chạm vào/ nhói buốt/ Hoàng Sa…/ Mộ gió đây./ giăng từng hàng, từng lớp/ vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi là mộ gió,/ gió thổi hoài, thổi mãi/ thổi bùng lên/ những ngọn sóng/ ngang trời!”. Những người lính nằm lại mãi mãi dưới đáy biển Hoàng Sa, Trường Sa không bao giờ biến mất. Trong tâm tưởng quê hương, đất cát thành da thịt họ và họ biến thành gió, thành lớp lớp hùng binh tiếp tục canh giữ biển khơi. Tôi tin rằng linh hồn những người lính giữ biển khơi Tổ Quốc sẽ thanh thản, an lành; bởi họ biết rằng đất mẹ không bao giờ quên mình. Ít nhất, thì những con tàu mỗi lần ra đảo Trường Sa cũng neo lại ở khu vực Gạc Ma, mọi người dồn hết lên boong tàu làm lễ tưởng niệm các anh.
Một bàn thờ dã chiến chuẩn bị từ đất liền. Gói gạo quê. Túi muối. Đĩa xôi to. Hoa quả… và hương trầm nghi ngút. Từng người đứng thành hàng như đội ngũ duyệt quân. Nhạc Chiêu hồn tử sĩ trầm buồn, nhè nhẹ lẫn tiếng sóng vỗ cũng nhẹ và gió biển se sắt thổi trong lời tưởng niệm buồn da diết: “Kính thưa các anh linh liệt sĩ! Chúng tôi – Đoàn công tác của Bộ Quốc Phòng đi ngang qua khu vực biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Chúng tôi cảm thấy các liệt sĩ đang chờ đón, vẫy gọi chúng tôi, đang ở rất gần, đang ở cạnh, ngay trên boong tàu này. Chúng tôi không quên ngày 14.3.1988, các đồng chí hiên ngang bảo vệ chủ quyền biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và đã anh dũng hi sinh. Dường như, vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi tiếng nói của thiếu úy Trần Văn Phương – đảo phó đảo Gạc Ma: Không được lùi bước! Quyết để máu mình tô thắm thêm lá cờ Tổ Quốc!
… Hôm nay, biển Đông vẫn dậy sóng lừng. Quần đảo Trường Sa vẫn chưa thực sự bình yên vì âm mưu và hành động xâm lấn biển đảo. Chúng tôi xin thề với hương hồn các liệt sĩ; và xin nhắn nhủ với thế hệ mai sau: Dù khó khăn gian khổ hy sinh cũng bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa bình yên và xây dựng huyện đảo Trường Sa giàu mạnh…” Lần nào thả hoa tưởng niệm cũng khóc. Cả tướng lĩnh đến binh nhì… khóc. Cả đoàn công tác… khóc. Khóc vì không khí trang nghiêm, da diết, lay động, đánh thức cảm xúc thực sự. Khóc vì xót thương những người lính giữ đảo chết trẻ linh thiêng.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến cái chết bi tráng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã thành thơ: “Có những phút làm nên lịch sử. Có cái chết hoá thành bất tử. Có những lời hơn mọi bài ca. Có con người từ chân lý sinh ra”. Những người lính nằm xuống ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao cũng không thể lãng quên và trở thành bất tử. Các anh nằm xuống, máu xương thịt da hòa cùng biển mặn. Biển mặn hóa thành hơi nước, hơi nước thành mây. Gió đưa những đám mây trắng ngời ngợi đến nhức mắt về đất liền thành mưa. Từng giọt nước mưa dịu dàng lành hiền trong mát rơi rơi xuống mái nhà của mẹ, rơi cánh đồng, dòng sông quê cho mùa màng tươi tốt. Tôi đã từng đi tàu HQ ra Trường Sa, mê mải nhìn những ngọn sóng và có lúc tôi cảm nhận như linh hồn các anh đang bay trên ngọn sóng. Linh hồn các anh thì thầm, mỉm cười theo cánh hải âu trắng chao lượn trên mũi tàu. Ngồi trên boong con tàu đang lầm lũi đi trong đêm biển vắng, tôi tưởng tượng: Những người lính trẻ gác đứng trên đảo Cô Lin, Len Đao trong khuya khoắt, nghe thấy tiếng ốc gọi hồn đêm đêm nức nở và lại nhớ đến các anh. Tôi lại nghĩ đến những người mẹ lưng còng lúc chiều đứng trông về phía biển ngóng con. Nghĩ đến người vợ trẻ tay xách nách con nhỏ mòn mỏi trông chồng như hòn vọng phu qua bao ngày tháng hao mòn đến bây giờ cũng đã thành cô, thành bà mà các anh vẫn chưa về. Nghĩ đến cụ Hoàng Nhỏ – cha của liệt sĩ Hoàng Văn Túy cứ đến ngày 14/3 là làm mâm cơm đem ra bãi biển cúng vọng 64 liệt sĩ Gạc Ma. Ôi! Cái đất nước dáng cong cong hình chữ S nghèo khó thời chiến tranh đã mất mát chia ly, thời bình vẫn chưa yên mỏi mòn ngóng đợi người thân.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng: “Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người”. Những kẻ dặt dẹo, la cà quán xá, đốt đời bằng đánh bạc với nợ nần, hay ranh ma, lọc lõi như bố già ma túy đem cái chết trắng đầu độc đồng loại, hoặc mê muội chìm ngập vào ngáo đá thì sống cũng như là chết.
Còn các anh đã tan biến thân thể vào nước mặn đại dương. Các anh ở lại với đáy biển sâu làm bạn với những cây san hô ngũ sắc lộng lẫy lung linh, với những con rùa biển hiền lành, và đêm đêm hóa thân vào tiếng ốc gọi hồn. Các anh đã thăng lên cùng vòng tròn bất tử, người đời nhắc đến Gạc Ma, nói đến biển đảo là… nói đến các anh. Không thể nào quên được!
Gạc Ma, mãi mãi xót thương đến nghiêng trời lệch đất!
Nguồn: FB Sương Nguyệt Minh