Giải thưởng thường dân

(Rút từ facebook của Pháp Vân)

Ở nước ta, những huân chương cao quý nhất như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, thường được tặng có các nhà lãnh đạo trước hoặc sau khi về hưu. Các danh hiệu cao quý như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, hoặc Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, thì lãnh đạo chiếm cũng nhiều. Thành ra có nhiều Nhà giáo Nhân dân nhưng mấy chục năm không lên bục giảng, Thầy thuốc Nhân dân nhưng gần nửa đời người có chữa bệnh cho ai đâu, Nghệ sĩ Nhân dân cũng nhiều người đã hết thời biểu diễn nghệ thuật.

Nói về các giải thưởng thì năm nào giải thưởng Hội Nhà văn cũng lắm chuyện ỷ eo, lùm xùm. Thi hoa hậu cũng lắm scandal-bê bối.

Bởi thế mà có ông thầy giáo tự xưng tôi là thầy giáo nhân dân (chứ không phải là Nhà giáo Nhân dân), vì nhân dân trả tiền cho tôi (dạy thêm, chứ nhà nước không trả).

Từ thực trạng ấy, tôi có ý đề ra một Giải thưởng Thường dân (tôi không muốn dùng chữ “Nhân dân” đã bị lạm dụng quá nhiều), mà trong bài này tôi muốn đề cập đến hai câu chuyện sau đây.

Chuyện thứ nhất là bài thơ của Trần Nhương “Có lẽ nào em đã đi xa” sáng tác năm 1977 và được đăng lên trang nhất báo Văn Nghệ năm đó. Có lẽ sau thời gian quá lâu, người ta đã quên nó rồi. Thế mà có người trong hoàn cảnh éo le, vẫn không quên được. Câu chuyện xảy ra thật tình cờ. Một cô gái trẻ tên là Nguyễn Thanh Hương cùng bà mẹ định cư ở Boston, MA, Hoa kỳ, viết trên fb vào giữa năm 2013 như sau:

Cuối tuần rồi, nhà mình có “khách văn đến nhà”. Mà khách văn thì chỉ có bà mẹ mình là tiếp được vì mình thì nhố nhăng chẳng có tư cách gì tiếp, chỉ lăng xăng cười góp thì ok. Bác khách văn này vốn là một sĩ quan quân lực VNCH, viết văn làm thơ, bên hải ngoại này trong giới cũng nhiều người biết. Mẹ mình vốn là một cô giáo dạy văn cấp 3 trung học dưới mái trường XHCN 40 năm trong nghề. Chuyện xa chuyện gần, chuyện xã giao bóng bẩy rồi thì cũng quay về với chuyện Bắc-Nam: ngôn ngữ, văn chương, thơ phú và tất nhiên là phải xoay quanh cuộc chiến tranh ấy. Có lúc cao trào cả đôi bên đều cố tỏ ra thản nhiên nhưng chắc hẳn trong lòng bên này hay bên kia cũng có ấm ức, nghe giọng nói của mẹ thì mình biết. Còn bác kia thỉnh thoảng lại xin lỗi rằng tôi nói gì không phải, chị thông cảm. 

Có một chi tiết trong câu chuyện mình muốn nói hôm nay là câu chuyện của bác nhà văn. Bác ấy kể rằng lần đầu tiên bác biết một bài thơ “Miền Bắc” về chiến tranh là khi ở trong tù (Yên Bái hay Tuyên Quang gì đấy), trên một nửa trang báo nhặt được trong… cầu tiêu. Khi đó khát đọc lắm nên các bạn tù chuyền tay nhau mẩu báo đó. Đó là một bài thơ của nhà thơ Trần Nhương. Bác đọc mấy câu: 

“Sau trận bom tiếng hát em còn đấy

Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy

Chỉ con đường còn đó đón xe qua” 

và câu cuối cùng “Em ở nơi đâu, ngơ ngẩn rừng già”.

Bác đã rất thích và ấn tượng với bài thơ ấy, mặc dù đó là bài thơ ca ngợi cô gái TNXP miền Bắc sửa đường Trường Sơn! Đến bây giờ sau 30 năm bác vẫn còn nhớ đoạn thơ trên và tác giả, và bác luôn đánh giá cao nhà thơ Trần Nhương. 

Lúc này mẹ mình phấn khởi lên ngay, bảo “Trần Nhương là hàng xóm nhà tôi, tôi chơi với vợ ông ấy”… hehe. Mình thì bảo “chú Trần Nhương là bạn FB của cháu đấy, để cháu kể chú ấy nghe có một người “ngưỡng mộ” chú hơn 30 năm nay mà chú ko biết”. 

Sau đó, Thanh Hương đã copy một đoạn trong fb của người nhà văn cựu sĩ quan VNCH gửi cho nhà thơ Trần Nhương như sau:

Nhorung Ho 

(Cựu sĩ quan VNCH)

Tôi ở miền Nam. Làm lính. Sau năm 1975, bị kết tội làm lính đánh thuê “chống nước cứu Mỹ”. Và đi tù là chuyện không tránh khỏi. Trại tù nằm tận trên miền thượng du Bắc Việt, thuộc Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Với chế độ miền Nam lúc trước, đi tù xa xôi và lao động nặng nề cực nhọc như thế, gọi là “tù khổ sai biệt xứ”. Nhưng với chế độ Cộng Sản lúc đó, người ta gọi là “cải tạo” cho có vẻ hiền hoà nhân đạo. Thật vậy, hai tiếng “cải tạo” nghe nhẹ nhàng nhưng cái thực trạng khắc nghiệt kinh người của nó đã làm bao nhiêu người vĩnh viễn nằm lại giữa chốn núi rừng thâm u Việt Bắc.

Trong hoàn cảnh bi đát ấy, chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít thông tin về xã hội bên ngoài. Nhất là không được đọc bất cứ điều gì liên quan đến chữ nghĩa. Chúng tôi trở thành những người “khát đọc” (nói theo kiểu Thanh Hương Nguyễn).

Một ngày, có anh bạn tù được gọi lên “khung” để làm công tác quét dọn cầu tiêu cho cán bộ chỉ huy trại tù. Anh nhặt được nửa tờ báo người ta dùng để lau chùi khi đi vệ sinh. Anh đem về lán, chúng tôi chuyền tay nhau đọc như muốn nuốt từng con chữ. Trang báo chỉ còn một nửa, không biết tên báo là gì. Trong ấy, ngoài vài bài văn xuôi đứt đoạn, may mắn còn được một bài thơ trọn vẹn. Tôi đọc qua vài lần là thuộc. Xin miễn bình luận khen chê, bởi trên quan điểm chính trị không dễ gì chúng ta có thể ngồi lại với nhau. Nhưng qua bài thơ (văn học), mình dễ dàng cùng cầm tay nhau thân thiện.

Mấy mươi năm qua rồi. Bao nhiêu vật đổi sao dời. Tâm trí tôi cũng nhoà dần theo ngày tháng. Bài thơ tâm đắc năm xưa, bây giờ chỉ còn nhớ tên tác giả Trần Nhương, và loáng thoáng mấy câu in đậm hình ảnh bi hùng thơ mộng của một người con gái:

…./Sau trận bom tiếng hát em còn đấy/ Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy/ Chỉ con đường còn đó đón xe qua.

Và:…../ Em ở nơi đâu? Ngơ ngẩn rừng già.

Hôm ngồi nhà Thanh Hương, chúng tôi nói về một giai đoạn văn học hai miền Nam Bắc. Vô tình tôi kể lại trường hợp đọc bài thơ của Trần Nhương với nhiều ái mộ tác phẩm cùng người làm thơ. Và cho biết đó là bài thơ đầu tiên mà tôi tiếp xúc với văn học miền Bắc. Không ngờ, hai mẹ con Thanh Hương mặt mày rạng rỡ, cho biết nhà thơ Trần Nhương là người thân cận láng giềng. Cô Thanh Hương lục ngay trên NET ra bài thơ ấy với tựa đề: Có lẽ nào em đã đi xa.

Bây giờ, đọc lại toàn bài vẫn thấy hay như thuở nào. Cám ơn nhà thơ Trần Nhương đã cho đời một bài thơ đẹp. (Hết fb Nhorung Ho)

Trời! Đọc đến đây tôi lập tức thốt lên ngay: “Bài này phải được giải thưởng lớn mới phải”, nhưng là giải thưởng gì? Ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu: “GIẢI THƯỞNG THƯỜNG DÂN”, nó cao quý hơn mọi giải thưởng Nhà nước, vì nó đã vượt biên giới, bỏ qua các xung khắc chính trị, vượt thời gian, thơ đến với thơ, lòng người đến với lòng người. Bài thơ ca ngợi người ở chiến tuyến bên này mà lại được người ở chiến tuyến bên kia đón nhận, cảm thông. Thật là tuyệt vời!

Chuyện thứ hai là về bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng.

Vương Trọng kể rằng:

“Bài thơ Hai chị em của tôi viết cách đây đã gần ba mươi năm. Sau khi nghe đài phát thanh hoặc truyền hình phát bài thơ này, bạn đọc xa gần không ít người viết thư nhờ tôi chép hộ hoặc hỏi chuyện xung quanh bài thơ.

Năm 1985, tôi có một người bạn cùng cơ quan đang sống ly thân với vợ và đưa hai đứa con đến ở chung trong căn phòng làm việc. Hôm đó tôi đến tìm anh bạn thì gặp hai chị em đang chơi nhảy lò cò trên nền gạch. Tôi hỏi bố cháu đâu, thì con chị bảy tuổi trả lời hết sức hồn nhiên: ” Bố mẹ cháu đang ra toà”, rồi lại chơi với em, như chuyện ra toà kia chẳng có liên can gì đối với chúng. Tôi sững người và một tứ thơ hình thành: Đó là sự ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ và nguy cơ của việc bố mẹ ra toà mang lại. Trong bài thơ, tôi viết không hoàn toàn đúng thực tế mà mình đã chứng kiến, mà dựng cảnh thằng em khóc, đứa chị dùng chuyện bố mẹ ra toà như một món quà để dỗ em, vì nó không hề hiểu ra toà là gì.

Bài thơ này sau khi đăng lên ở Tuần báo văn nghệ năm 1986 và sau đó các báo khác cũng như các tập sách đăng lại nhiều lần, được nhiều cặp bố mẹ quan tâm, đặc biệt đối với những cặp vợ chồng phải sống xa nhau, thì người này đọc được thường chép gửi cho người kia, như mượn lời thơ để khuyên nhau cố giữ vẹn tròn tình vợ chồng, trước nhất vì hạnh phúc của những đứa con. Bạn tôi làm toà án có kể rằng, trong phòng hoà giải của huyện nọ, người ta cắt bài thơ này dán lên tường, để mỗi khi có những cặp vợ chồng đưa đơn ly hôn, người ta khuyên họ nên đọc bài thơ rồi về nhà suy nghĩ nếu không có gì thay đổi thì hôm sau lại nạp đơn cũng không sao. Nghe nói bài thơ đã có tác dụng làm nhiều cặp bố mẹ nghĩ lại và trở lại chung sống với nhau. Tôi nghĩ rằng, không phải mọi cặp bố mẹ đưa nhau ra toà để ly hôn đều có nguyên nhân chính đáng; mà ít nhất có tới 50% số vụ đưa nhau ra toà đó không phải do quá xung khắc không thể sống được với nhau, mà chẳng qua vì tự ái vặt, có khi chỉ vì không ai muốn xin lỗi trước. Đối với những cặp vợ chồng như thế, bài thơ là thông điệp nhắc nhở: hãy vì những đứa con mà làm lành với nhau.

Khoảng năm 1992, một hôm tôi thấy một cặp vợ chồng dắt theo một đứa con chừng dăm tuổi đến phòng làm việc để cám ơn tôi vì bài thơ đó đã gắn kết hai anh chị khi họ sắp ra toà, và nhờ vậy bây giờ hai vợ chồng vẫn chung sống với cháu trai kháu khỉnh đó. Có một tập sách viết về hôn nhân và gia đình do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1993 hay 1994 gì đó có in bài thơ này nhưng với đầu đề là “Dỗ em” và tác giả là… Khuyết danh! Điều này chứng tỏ người biên soạn sách đã chép bài thơ này theo dòng “văn học truyền miệng”. Điều đó càng chứng tỏ bài thơ đã truyền từ người nọ sang người kia, nhất là đối với các bậc bố mẹ trẻ. Có nhà thơ tự hào vì thơ họ kén người đọc. Tôi thì ngược lại, nghĩa là khi được nhiều người đọc, người thuộc, tôi càng mừng…”

Với tôi, – người viết bài này – ngoài bài thơ “Hai chị em” còn có nhiều bài khác của Vương Trọng làm tôi rơi nước mắt. Ví như bài “Với đứa con ngoài giá thú”. “… Mặc người đời gọi con ngoài giá thú / Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn. / Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ / Vẫn suất cơm tập thể quá khiêm nhường / Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa / Hạnh phúc nào bằng san sẻ, yêu thương” và “Sinh con ra, mẹ vẫn nằm giường một / Có khác chăng là kê lại góc phòng / Ngày nghỉ đẻ phải trừ vào ngày phép / Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong. / Vài tháng tuổi, con đã quen kẻng thức / Mẹ đi làm, con lên địu đi theo”, Và kết luận: “Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm / Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi?”.

Tôi nghĩ, nếu quả thật có một Giải thưởng Thường dân, do những ngưởi thường dân bầu chọn, chắc chắn nhiều bài của Vương Trọng sẽ đạt giải hạng A. Không biết nhà thơ có sẵn sang nhận giải hay không? … 

TM

Viết lần đầu, Vancouver 6/2013

Viết lại và bổ sung, Hà Nội 1/2017

Mời đọc lại hai bài thơ

CÓ LẼ NÀO EM ĐÃ ĐI XA

Có lẽ nào em đã đi xa

Sau trận bom tiếng hát em còn đấy

Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy

Chỉ con đường còn đó đón xe qua

Có lẽ nào em đã đi xa

Đêm suối lũ giữa ngầm em đứng đó

Suối rộng quá mà dáng em lại nhỏ

Bao xe đi cửa kính nước mưa nhòa

Có lẽ nào em đã đi xa

Ngọn đèn nhỏ đỉnh đèo vẫn sáng

Như bình minh giữa một vùng chạng vạng

Cho người qua yên tĩnh ngỡ quê nhà

Có lẽ nào em đã đi xa

Tay con gái khéo đường kim mụn vá

Áo đồng đội trăm thứ mồ hôi lạ

Xe chỉ luồn kim câu hát mặn mà

Có lẽ nào em đã đi xa

Tóc lá sả thơm suốt đường con gái

Phong lan ngụy trang hoa cuối mùa nở mãi

Nụ cười em gửi lại trong hoa

Có lẽ nào em đã đi xa

Vầng trăng hỏi vào đêm, bông hoa hỏi vào ngọn gió

Đều như thấy em vừa đến đó

Vết chân in đẹp lối em qua

Có lẽ nào em đã đi xa

Ngày toàn thắng biết bao người đều hỏi

Con đường đỏ cháy lên như tiếng gọi

Em ở nơi đâu? Ngơ ngẩn rừng già

Có lẽ nào em đã đi xa…

Trần Nhương

1977

HAI CHỊ EM

– Nín đi em, bố mẹ bận ra toà!

Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi

Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói

Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm

Không nấu nướng và không hề trò chuyện

Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm

Cùng một đường, sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu

Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói

Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi

Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.

Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve

Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp

Nó sung sướng vào ra tíu tít

Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra.

Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà

Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý

Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký

Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.

Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà

Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ

Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố

Hai chị em rồi sẽ mất nhau.

– Nín đi em… em khản giọng khóc gào

Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt.

Những bố mẹ bên bờ chia cắt

Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình.

Vương Trọng

1985

Xem thêm một số comment của cư dân mạng về bài thơ của Vương Trọng.

Mic Jer Minh Huyền: Mình biết đến nhà thơ Vương Trọng qua bài thơ này! Hồi đó còn bé nhưng nghe bố đọc cho mẹ cùng hàng xóm nghe mình đã cảm nhận được cái hay của nó, mê tít và tìm cách chép lại. Hồi đó bố chép ở đâu đó mang về, cả khu tập thể cứ thế chuyền tay nhau chép lại đến nỗi “bản gốc” nát nhừ, tơi tả… Bài thơ đã trở thành cứu cánh, cầu nối của nhiều cặp đôi bên bờ chia cắt. Thật hay, thật nhân văn và thật hữu ích…

Truc Ha An: EM RẤT HAY LÀM THƠ VÀ CŨNG RẤT HAY ĐI ĐẠI HÔI, MỖI KHI PHẢI PHÁT BIỂU EM THƯỜNG ĐỌC BÀI NÀY CỦA ANH TỪ 20 NĂM RỒI VÀ CŨNG ÍT NHIỀU NÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIA ĐÌNH EM, CÁM ƠN ANH, MẶC DÙ Ở THẬT XA NHƯNG EM VẪN HAY ĐỌC THƠ ANH, CHÚC ANH VÀ GIA ĐÌNH KHỎE MẠNH, HẠNH PHÚC

Hồng Anh Trần: Cháu đã đọc bài thơ này nhiều lần rồi. Cả trong những bài giảng văn của cháu, học trò cũng rất thích nghe, nhiều em còn khóc đó ạ. Cảm ơn chú vì tác phẩm đầy chất nhân văn.

Thanh Khuc Tôi không biết tại sao có được bài thơ này, chỉ thấy trên bàn làm việc, rồi sau đó mỗi khi hoà giải các vụ án ly hôn tôi đều vận dụng ý thơ để hoà gỉải, cũng có hiêụ quả. Sau này sang ct ở Tư pháp, tôi lại sử dụng làm tài liêụ ” kỹ năng – tập huấn hoà giải cơ sở” và tuyên truyền luật hôn nhân & gia đình. 

Cảm ơn anh VTrong.

Tran Dinh Nhan Nhantran: Em đã đọc và thuộc bài thơ này từ lâu lắm mà không biết tác giả. Hay và vô cùng xúc động. Có lẽ nó đã giúp hàng ngàn cặp vợ chồng đoàn tụ trở lại khi được đọc bài thơ. Thiển nghĩ khi thụ đơn ly hôn, hoặc trước khi hòa giải, cán bộ tòa án phát cho họ một bản photocopy bài thơ sẽ tác dụng hơn bất cứ mọi lời tư vấn, khuyên giải nào. Ai bảo thơ là vớ vẩn nhỉ. Nếu có danh hiệu “Nhà hòa giải nhân dân”, em tin VT sẽ là người đầu tiên được phong tặng. Thay mặt một số độc giả xin chân thành cám ơn Bác thật nhiều.

Comments are closed.