Gieo ánh sáng

(Rút từ facebook của Trần Hữu Khánh)

Tưởng nhớ lão huynh Bùi Tiến An
Kính dâng hương hồn Cha thân yêu của con.

Lần đầu tôi biết anh Bùi Tiến An, là khi anh tới nhà gặp cha tôi về vấn đề Hướng Đạo. Đó là thời gian khoảng nửa cuối thập niên 1980, khi phong trào Hướng Đạo đang nhen nhóm các hoạt động và gặp rất nhiều khó khăn.

Hướng Đạo Việt Nam là một tổ chức thanh thiếu niên được huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập năm 1931, và được công nhận là thành viên của Phong trào Hướng Đạo Thế giới. “Mục đích của phong trào là giáo dục bổ túc cho giáo dục gia đình và học đường, giúp thanh thiếu niên rèn luyện tính khí, tính tháo vát, để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, chuẩn bị để trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, biết trọng danh dự và hữu ích cho xã hội” (theo Wikipedia). Phong trào Hướng Đạo quy tụ rất nhiều nhà trí thức lớn như Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Phạm Biểu Tâm, Trần Duy Hưng, Đặng Văn Việt, Cung Giũ Nguyên… Sau 1945, dù được công nhận là một tổ chức tích cực, có nhiều đóng góp cho kháng chiến, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Chủ tịch danh dự của Hội (tháng 5 / 1946), nhưng Hội Hướng Đạo Việt Nam ở miền Bắc chỉ tồn tại trên danh nghĩa một thời gian ngắn rồi chấm dứt mọi hoạt động. Phần Cha tôi, ông chơi Hướng Đạo từ năm 1939 ở Đạo Ái Tử – Quảng Trị, và khi gia đình tôi chuyển vào SG từ nửa đầu thập niên 1950, ông tiếp tục tham gia Hướng Đạo rồi trở thành Đạo trưởng Đạo Cửu Long – châu Gia Định. Ở miền Nam ngày trước, phong trào Hướng Đạo phát triển rộng trên tất cả các tỉnh thành. Đúng theo kịch bản miền Bắc, sau 1975 Hội Hướng Đạo Việt Nam cũng bị ngưng hoạt động. Khoảng giữa thập niên 1980, sau khi về hưu một thời gian, ngoài tham gia công tác địa phương, cha tôi đã cùng một số huynh trưởng kỳ cựu họp nhau lại tìm cách phục hồi phong trào Hướng Đạo nhằm tạo sân chơi cho thanh thiếu niên Thành phố, với ý nguyện hết sức chân thành, là tự nhận lãnh một phần nhỏ trách nhiệm trong việc giáo dục và định hình nhân cách cho tuổi mới lớn. Tôi nhớ hồi ấy Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam do anh Huỳnh Tấn Mẫm làm Chủ tịch Hội và Trường Đoàn Thanh niên Thành phố do chị Trần Thị Minh Chánh (cũng là cựu Hướng Đạo Sinh) làm Hiệu trưởng rất hưởng ứng việc này. Nhiều cuộc cắm trại, sinh hoạt ngoài trời được tổ chức, quy tụ khá đông thanh thiếu niên tham gia, làm tăng sinh khí cho các hoạt động Đoàn Đội.
Hướng Đạo mới bước đầu tập hợp đội ngũ lập tức đã nhận được cái nhìn ngờ vực! Cũng phải thôi. Bởi đây là một tổ chức mang tầm quốc tế, xuất phát từ một nước tư bản và có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, hoạt động theo nguyên tắc phi chính trị và phi tôn giáo. Trong cái nhìn của nhà cầm quyền đương thời, làm sao có thể mở cửa giao du với bọn đế quốc sài lang mà ta vừa đuổi chạy cong đuôi với khí thế “bách chiến bách thắng”?! Đó là chưa nói đến việc cần xem xét “động cơ và mục đích” của đám cựu huynh trưởng này!!! Đáng nghi ngờ lắm chứ! Bởi vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi khởi động phong trào, Hướng Đạo đã bị chụp cho cái mũ phản động, là “âm mưu đổi màu cờ Tổ quốc”, nhằm xóa bỏ công lao xương máu giải phóng dân tộc…. Vụ án Khăn quàng xanh được dàn dựng khá bài bản. Khoảng đâu năm 1987- 1988 tôi không nhớ rõ, báo SGGP xuất xưởng nhiều bài báo sắc bén tinh thần Mác Lê, mở màn là bài của ông nhạc sĩ hăng hái họ Trương xứ Quảng, kéo theo sự tham gia của một số người trong đó có nhà trí thức nổi tiếng là BS Nguyễn Khắc Viện. Hàng loạt đả kích và quy chụp nặng nề khiến một người ngay thẳng như cha tôi, một người chân chính từng trải mười mấy năm tù tội vì yêu nước phải rơi vào ngỡ ngàng, bị hàm oan mà không có chỗ trên mặt báo để phản bác! (Sau này khi hiểu hóa ra mình chỉ bị lợi dụng cho ý đồ của ai đó, ông Nguyễn Khắc Viện tỏ ra ân hận mà thổ lộ với ông Nguyễn Phước Hoàng: “Bậy quá, tôi không biết gì cả! Tôi thật có lỗi với anh Khuê!”. Chuyện này, tôi chỉ nghe qua lời Trưởng Hoàng, một cựu đại tá QĐND cũng là cựu Hướng Đạo Sinh ở miền Bắc, là bạn thân của Cha tôi cũng là bạn của ông Viện, kể lại).
Tuy sốc nặng vì bị vu oan, Cha tôi vẫn không bỏ cuộc. Ông cùng các bạn đồng chí hướng nhiều lần gửi kiến nghị tâm thư đến các cơ quan hữu quan, kiên trì giải thích việc làm của mình. (Sau này, anh em Hướng Đạo có thống kê Cha tôi đã lần lượt gửi 7 bức tâm thư thỉnh nguyện đến Tổng bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Thủ tướng, Ban Dân vận Trung ương, Bí thư Thành ủy TPHCM… trong vòng 15 năm!). Tôi nhớ hồi ấy ở nhà tôi thường xuyên xuất hiện Công an văn hóa đến làm việc, và lâu lâu lại có thư triệu tập Cha tôi lên giải trình. Trải nhiều năm ròng rã mà sự việc vẫn không tiến triển tốt hơn, ngay cả khi có sự quan tâm của Đại tướng Mai Chí Thọ thì mọi lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Không có một văn bản chính thức nào công nhận sự tồn tại của tổ chức này. Vẫn là “ Hướng Đạo chui, công khai bất hợp pháp” nói theo kiểu hài hước pha trò của Cha tôi!!!
Trong tình thế tương lai Hướng Đạo “tối đen như cái tiền đồ chị Dậu” ấy, anh An đã gặp Cha tôi. Ban đầu, anh đến với tư cách cán bộ Ban Dân vận Thành ủy đi “tìm hiểu nguyện vọng quần chúng nhân dân”, và kiên nhẫn ngồi nghe cha tôi trình bày sự việc. Không biết anh “dân vận” (!) kiểu gì, mà chính anh lại bị thuyết phục bởi tâm nguyện của các huynh trưởng Hướng Đạo, và bị lôi cuốn vào cái hoạt động “chui, công khai bất hợp pháp” ấy (!). Rồi khi các trưởng Phan Kim Phụng, Nguyễn Phước Hoàng, Nguyễn Thúc Toản, Trần Hữu Khuê, Nguyễn Duy Thu Lương… đã già yếu không còn đủ sức đảm đương công việc, thì chính anh đã không ngần ngại nhận lãnh trách nhiệm chuyển giao, làm Trưởng ban Vận động Công nhận Phong trào Hướng Đạo Việt Nam, kiên trì tìm đường mở hướng cho thanh thiếu niên có một sân chơi bổ ích. Nghe có vẻ lạ lùng! Nhưng không, thật ra không có gì lạ, bởi chính anh cũng là một… cựu huynh trưởng Hướng Đạo. Báo Cần Mẫn là tên Rừng của anh trước khi anh rời quê hương vào Sài Gòn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1962, khi chưa tròn 20 tuổi.
“Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo cả đời”, tinh thần ấy đã gắn kết anh với Cha tôi, mặc dù về tuổi tác, anh còn trẻ hơn người anh cả đã hy sinh của tôi hai tuổi. Rồi một ngày cách đây mười năm, khi Cha tôi hấp hối trong bệnh viện, tôi nghĩ ngay đến anh và bốc máy nghẹn ngào hỏi, liệu Hướng Đạo có lo cho Cha em được không? Chiều hôm ấy, khi xe cứu thương đưa Cha tôi về nhà cũng là lúc anh có mặt, cùng anh chị em chúng tôi bàn việc hậu sự cho Cha tôi.
Lễ tang Cha tôi được tổ chức chu đáo và trang trọng, một phần là có sự giúp sức của Hướng Đạo. Các tráng sinh và thiếu sinh thay phiên nhau trực nhật giúp gia đình tiếp đón khách. Ngày động quan an táng, các em cầm vòng hoa đứng dọc hai bên con hẻm ra tận đường lớn. Khi linh cữu đi qua, Hướng Đạo Sinh nhất loạt chào tay trái theo nghi thức Hướng Đạo. Một hình ảnh đẹp và trang trọng mà chúng tôi luôn ghi nhớ!
Vào buổi tối trước ngày an táng, các trưởng lão cùng các huynh trưởng trụ cột của các đơn vị Hướng Đạo đang hoạt động ở TPHCM và các tỉnh lân cận tụ hội về rất đông quanh linh cữu Cha tôi. Ngoài một số trưởng lớn tuổi mà tôi không nhớ tên, còn có các trưởng Phạm Văn Nhơn, Trần Văn Tạo, Phan Ngọc Diêu, Nguyễn Bá Thùy, Nguyễn Phú Thọ, Tôn Thất Quỳnh Hòe, Đinh Hữu Quyến, Hồ Hiếu, Nguyễn Minh Triết, Vương Thới Trung… Lão trưởng Nguyễn Duy Thu Lương chủ trì buổi lễ và trưởng Bùi Tiến An, Trưởng ban Vận động Công nhận Hội Hướng Đạo Việt Nam đọc điếu văn do chính anh chấp bút:
“Một Huynh trưởng đầy nhiệt tình, một nhà giáo tận tụy…
“Người tình nguyện làm lá chắn cho các sinh hoạt hướng đạo…
“Trưởng là tấm gương lớn về lòng yêu nước, tấm gương TRƯỢNG PHU, uy vũ bất năng khuất để cho đàn em chúng tôi noi theo…” (trích Điếu văn)
Phút mặc niệm diễn ra trong tiếng khẩu cầm réo rắt. Rồi các huynh trưởng xếp hàng dọc, người sau để tay trên vai người trước, bàn tay nối tiếp bàn tay chạm vào linh cữu, như gửi gắm tình thương mến của toàn thể HĐS tiễn biệt người bạn già vừa lìa rừng. Là Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê, nguyên Đạo trưởng Đạo Cửu Long, nguyên Ủy viên ngành Tráng Bộ Tổng ủy viên Hướng Đạo Việt Nam trước 1975, nguyên Trưởng ban Liên lạc HĐS tại TPHCM sau năm 1975, người “trong suốt 15 năm qua, vì PHONG TRÀO vì TRẺ EM, đã không mệt mỏi, liên tục bảy lần gửi thư, tâm thư, ý kiến, tờ trình, thỉnh cầu, thỉnh nguyện, rồi kiến nghị lên các cơ quan hữu trách từ Thành phố đến Trung ương để xin cho Phong trào Hướng Đạo được hoạt động chính thức trở lại” (…) với tâm nguyện “là làm sao cho thanh thiếu niên Việt Nam được chơi Hướng Đạo, để trở nên người công dân tốt, trung thành với Tổ quốc, giúp ích mọi người, tự lập thân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Và như con chim trước khi lìa rừng, đã cất cao tiếng hót lần cuối để cho toàn đoàn được bay cao, bay xa.” (trích Điếu văn)
Lễ tưởng niệm trang nghiêm đầy xúc động ấy được ghi nhận sau đó qua một loạt bài in trong các tập san nội bộ của Hướng Đạo (thời đó, thế giới mạng chưa phát triển như hiện nay) như: “Đêm chia tay vĩnh biệt Cò Trảng Bom”, “Lão trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê – Điều trần không mệt mỏi…”, “Lão trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê đã lìa rừng”… Tôi đọc được ở đó biết bao tình cảm thắm thiết cùng lòng quý trọng của Hướng Đạo Sinh dành cho người bạn già đã dốc toàn bộ sức tàn vì sự nghiệp khôi phục Hướng Đạo, đã vì tâm nguyện yêu nước yêu trẻ mà chịu cảnh lên bờ xuống ruộng hơn 15 năm kể từ 1985 đến sau năm 2000, đến khi quá già yếu mới chịu buông tay. Thậm chí có người còn ví Cha tôi như Nguyễn Trường Tộ ngày xưa, kiên trì với các cuộc điều trần (dù biết là vô vọng!).
“Mai sau nếu quả thật có một ngôi nhà Hướng Đạo thì Trưởng Khuê có thể tự hào “Lão Trâu này đã từng Cần Cù kéo gạch kéo cát đắp móng xây nền…” (trích bài “Lão trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê – Điều trần không mệt mỏi” của huynh trưởng Sáo Dễ Thương).
Càng đọc, tôi càng thấy hổ thẹn vì bấy lâu không hiểu hết ý nghĩa công việc cũng như tâm huyết của Cha mình. Thấy Cha lúc ấy đã bảy tám mươi tuổi mà liên tục bị An ninh quấy nhiễu, có hôm giữa trưa bị triệu tập để giải trình gì đó phải đội nắng mà đi, tôi vừa lo vừa bực bội. Lại nảy sinh chuyện vài người không cùng mục đích trong sáng ban đầu mà chỉ lợi dụng Hướng Đạo để trục lợi cá nhân, khiến nội bộ không thực sự thống nhất đoàn kết, dẫn đến việc xin chính quyền phục hồi phong trào Hướng Đạo càng gặp khó khăn hơn. Tình hình ấy khiến Cha tôi hết sức buồn rầu lo nghĩ. (Tôi vừa đọc trên trang Wikipedia của Hướng Đạo, thấy có kẻ tự nhận mình là người duy nhất có công trong việc tập hợp sinh hoạt Hướng Đạo công khai từ năm 1987!!!). Thay vì chia sẻ đồng cảm với Cha, tôi lại ngu dại về hùa với vài người trong nhà, có lúc thô bạo lên tiếng can ngăn Cha đừng dính líu với HĐ nữa, với ý nghĩ thiển cận, là để giữ gìn sức khỏe và sự an toàn cho Cha!!!. Những lúc ấy, cha tôi không phản đối mà chỉ im lặng thở dài… Nghĩ lại, tôi vô cùng ân hận. Chỉ vì ấn tượng xấu về một vài phần tử Hướng Đạo biến chất kia mà tôi đâm ra mất cảm tình và không ủng hộ việc phục hồi Hướng Đạo. Tôi nhớ những lần Cha kể chuyện Hướng Đạo ngày xưa trước khi Cha tôi bước vào vòng lao lý lần thứ tư trong đời, nào Trại trường Tùng Nguyên (Đà Lạt 1958), nào Trại họp bạn Phục Hưng toàn quốc (Trảng Bom – Đồng Nai 1959) quy tụ hơn 2300 Hướng Đạo Sinh mà Cha tôi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Trật tự của Trại, từ đó được đặt biệt danh là “Ông Cò Trảng Bom”. Cha còn hướng dẫn tôi làm các kiểu nút thắt, cách treo võng, cách định vị tìm phương hướng khi đi lạc trong rừng, cách gõ tín hiệu Morse tích tích te te để liên lạc với nhau, cách cứu nạn, nói chung là các kỹ năng ứng phó ngoài thiên nhiên. Và trên hết là tôn chỉ mục đích của Hướng Đạo, là trọng danh dự, là không ngại khó khăn, sẵn sàng giúp ích cộng đồng… Lúc ấy tôi chỉ lơ là, nghe tai này lọt qua tai kia rồi trôi luôn, chẳng ghi nhớ được gì nhiều, chắc hẳn tôi đã làm Cha buồn lòng lắm. Đứa con bất hiếu là tôi không hiểu rằng đó không chỉ là những giây phút Cha sống lại với niềm đam mê thời trẻ, mà thực sự Cha muốn gửi gắm cho tôi những điều Cha e mình không kịp chạy đua với thời gian để hoàn thành tâm nguyện. Tiễn Cha về lòng đất xong, tôi quyết định cho đứa con trai hơn 10 tuổi của mình gia nhập Hướng Đạo với mong muốn chuộc lại một phần lỗi lầm của mình trước hương hồn Cha. Nghe tôi bày tỏ ý định của mình, anh An vui lắm, anh sốt sắng giới thiệu cháu vào Thiếu đoàn Nguyễn Tri Phương, Liên đoàn Kỳ Hòa thuộc Đạo Cửu Long, do trưởng Nguyễn Bá Thùy làm Đạo trưởng. Anh còn tặng cu con quà kỷ niệm là huy hiệu Hướng Đạo, cũng như cho mẹ con tôi mượn tăng lều để đi trại. Cũng đến lúc đó tôi mới biết trưởng Thùy vốn là tráng sinh của đạo Cửu Long cũ hồi đầu thập niên 1960, khi Cha tôi còn là Đạo trưởng, và Đạo Cửu Long vừa phục hồi hoạt động ít lâu trước khi Cha tôi qua đời. (Tôi không biết Cha tôi có được báo tin này không, nếu có chắc Cha sẽ vui lắm, vì như trưởng Vương Thới Trung có lần kể, Cha tôi luôn mong muốn tái lập Đạo Cửu Long). Sau này, hàng năm đến ngày giỗ Cha tôi, trưởng Thùy cùng một số huynh trưởng luôn đến thắp nhang tưởng nhớ. Mỗi khi làm tập san hay kỷ yếu nội bộ, trưởng Thùy đều viết về Cha tôi, người sáng lập Đạo Cửu Long với lòng trân trọng. Cái tình ấy của Hướng Đạo chắc cũng khiến Cha tôi thỏa nguyện phần nào nơi chín suối.

Từ chỗ là bạn của Cha, anh Bùi Tiến An lại trở thành người bạn lớn tuổi của tôi khi André Menras Hồ Cương Quyết trở lại Việt Nam năm 2002 và thành lập Hội Hữu nghị Phát triển và Trao đổi Sư phạm Pháp-Việt, gọi tắt là ADEP (Association d’Amitie de Developpement et d’Echanges Pedagogiques France-Vietnam). Hiệp hội ban đầu dựa trên mối thân quen của Chủ tịch Hội André với những cựu tù nhân chính trị Việt Nam trước 1975, mà theo cách tự đặt tên là bộ tộc Tà ru [Tù ra – Văn Việt]. Tham gia hoạt động thời kỳ đầu của ADEP có Tà ru Cao Lập, Bùi Toản, Bùi Tiến An…, còn tôi là Cu tòn, con của Papa Khuê, cha nuôi của Andre hồi ở chung khám Chí Hòa. Về phía Pháp, ngoài Andre còn có một số anh chị trụ cột như Robert Renau, Claudine và Marc Alberti, Helene và Gerard Ratiney… Cũng nhờ quan hệ hữu nghị này mà Xuân Robert (hiện là Chủ tịch ADEP, thay cho André Menras đã trở thành Chủ tịch danh dự) cuối cùng tìm thấy mối lương duyên với cô giáo trẻ Hoài Xuân trong một chuyến mời các giáo viên song ngữ tại TPHCM sang thực tập ở Pháp năm 2006.
Hiệp hội ADEP hỗ trợ học tập cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam. Với mỗi học sinh được đề cử, ADEP cam kết trao học bổng cho đến khi em học xong bậc PTHH. Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Secours Populaire Francais (SPF- Hội Cứu tế Nhân đạo Pháp), một tổ chức phi chính phủ của Pháp có tầm ảnh hưởng hoạt động toàn thế giới, Chủ tịch SPF là Julien Laupetre thông qua Andre Menras đã mời 18 em học sinh nghèo Việt Nam cùng 4 người hướng dẫn mà tôi là trưởng đoàn sang thăm Pháp trong ba tuần lễ. Năm 2007, tôi lại làm phiên dịch, tháp tùng các anh chị Tà ru Việt Nam sang Pháp theo lời mời của ADEP. Sau các chuyến đi này, số bạn bè của ADEP ở Việt Nam tăng lên, và ngoài một số vị đã quen từ trước, tôi cũng biết thêm một số vị khác như chú Phạm Văn Ba (Quảng Nam, đã qua đời), Bùi Hồng Thái (Nha Trang, đã qua đời), Tư Cẩn (Trịnh Văn Lâu), dì Huỳnh Ngọc Thanh, các chị Hoàng Thị Khánh, Ngô Thị Trúc, Phan Thị Định, Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Thị Cúc (qua đời năm 2017),… đạo diễn Nguyễn Hoàng, MC Lê Hưng ở HTV… Từ chỗ gắn với ADEP, tôi ngày càng gắn kết hơn với cộng đồng Tà ru, trong số đó khá nhiều người từng là bạn Hướng Đạo, là học trò, là con nuôi của Cha tôi. Mỗi khi nghe các anh chị ấy nhắc đến những kỷ niệm xưa cùng Cha tôi với lòng quý trọng, tôi thấy vui và được an ủi vô cùng, tưởng như Cha tôi vẫn còn đâu đây, chưa rời xa chúng tôi.
Từ lúc này, tôi có dịp gặp anh An nhiều hơn, nhiều lúc bị anh “triệu tập” đột ngột khi ADEP có việc cần kíp, đang giờ làm việc tôi phải lén dông xe qua nhà anh. Tuy nhiên, mối quan hệ vẫn chỉ gói gọn trong công việc chung. Chỉ đến khi gia đình tôi dọn về ở chung Cao ốc, có dịp chuyện gẫu cùng nhau mỗi sáng sớm khi vợ chồng tôi cùng anh đi bộ và tập thể dục, tôi mới dần dà hiểu thêm về anh. Về quê hương Nha Trang – Khánh Hòa nơi chôn nhau cắt rốn, mà anh rời xa từ thuở thanh niên theo tiếng gọi non sông. Về ông cụ thân sinh ra anh, vị Đốc học góa vợ khi còn trẻ vẫn chịu cảnh gà trống nuôi con, nhiều lần vào tù ra khám dưới chế độ cũ vì tội làm quốc sự. Ông cụ sống những năm cuối đời trong tình trạng bị quản thúc, chịu cảnh túng quẫn và nhắm mắt trong cô đơn vì các con tứ tán mỗi người một phương: con gái đi lấy chồng xa, con trai thì người ra Bắc, người thì bị đày đi Côn đảo… Về mẹ anh, người phụ nữ chẳng may vắn số. Bà qua đời trong chiến tranh, khi cùng chồng và năm đứa con nhỏ tản cư từ quê nội về sở đất do chính hai vợ chồng bà tạo dựng, cách đó mấy chục cây số. Ngày ấy, đường sá chưa thông suốt như bây giờ, lại đi tản cư phải xuyên rừng men theo đường núi mà đi để tránh bom đạn giặc. Chuyến đi gian khổ trải nhiều ngày trong tình trạng thiếu thốn lương thực, lại thêm căn bệnh sốt rét đã làm cạn kiệt sức khỏe của người phụ nữ đang kỳ thai nghén. Đến nơi chưa được bao lâu thì bà chuyển dạ sinh non, đứa trẻ sơ sinh không được nhìn thấy ánh mặt trời, còn người mẹ bị băng huyết rồi chết dần chết mòn trên giường bệnh vì không thuốc thang cứu chữa. Ký ức của một đứa trẻ lên ba chưa kịp ghi nhớ những kỷ niệm về Mẹ. Anh nói, nếu không có di ảnh của Mẹ trên ban thờ thì anh không còn nhớ mặt bà. Tuy nhiên, lời kể của Cha và người thân trong gia đình giúp anh hiểu về Mẹ, người phụ nữ đảm đang dịu hiền, chỉ dạy con bằng tình thương mà chưa từng một lần đánh mắng. Khi lớn khôn, anh thường nghĩ về Mẹ những ngày cuối đời, hình dung bà nằm một chỗ bất lực nhìn năm đứa con nhỏ quẩn quanh bên giường bệnh, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, hiểu rằng mình không thể vượt qua khổ nạn để tiếp tục sống mà nuôi đàn con thơ dại, nhìn đứa út ít mới ba tuổi là anh đang vô tư chạy nhảy mà không hề biết nó sắp lâm vào cảnh mồ côi; lúc ấy hẳn bà khổ tâm đau đớn lắm! Càng có tuổi thì lòng thương nhớ của anh dành cho người mẹ đã khuất càng lớn dần, cũng vì một điều bất cập gây đau lòng không chỉ cho riêng anh!
Mẹ và người em út xấu số của anh được chôn cất trong sở đất của gia đình anh từ năm 1946. Sau 1975, trong không khí hân hoan phấn khởi tột cùng của cả dân tộc, gia đình anh đã tự nguyện hiến toàn bộ 42 hecta ấy để chính quyền sử dụng vào các mục đích công ích. Khi đặt bút ký vào văn bản hiến đất, anh đâu ngờ rằng sau này, khi mấy mươi hecta ấy bị chia nhỏ cho hàng ngàn người sở hữu và trở thành khu thị tứ, thì oái oăm thay mộ mẹ và em anh lại rơi vào tình cảnh tồn tại bất hợp pháp!!! Lẽ đương nhiên, sở hữu chủ mới tìm mọi cách để “trục xuất” hai vong hồn kia ra khỏi đất của họ. Mỗi lần muốn vào thăm mộ mẹ và em, anh phải vạch hàng rào nhà họ mà len vào, khiến có lúc anh cay đắng thốt lên, đúng thiệt là chui lỗ chó!!! Đã nhẫn nhịn đến thế, mà chủ nhà còn xây tường kiên cố chặn luôn lối vào, anh phải vác đơn khiếu kiện nhiều lần họ mới chịu nhượng bộ phá bỏ. Vụ việc kéo dài hàng chục năm mà không đi đến đâu, dù anh chỉ nêu một nguyện vọng hết sức nhỏ nhoi, là cho phép mở một lối đi để gia đình anh có thể vào thăm mộ mà không phải chui rào như kẻ trộm! Vậy mà chính quyền vẫn đang tâm nhắm mắt làm ngơ trước lời thỉnh cầu của anh. Nghe đâu gần đây họ còn có ý định bốc mộ dời cốt ra khỏi khu đất ấy!!!
Thật chua chát và cay đắng!
Không chua chát và cay đắng sao được, khi các con từng không ngại ngần xả thân bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm giờ đây lại không sao giữ gìn an toàn cho nơi an nghỉ cuối cùng của mẹ mình! Ôi đạo lý Uống nước nhớ nguồn đã bị xoay chuyển trong tay kẻ cậy quyền cậy thế! Sở đất ấy, cha mẹ anh đã tạo dựng từ bàn tay lương thiện mà nên, không cướp bóc của ai, một sở đất hợp pháp, có văn tự mua bán, có bằng khoán hẳn hoi. Ấy thế mà giờ đây, muốn xin chục mét vuông mở một lối đi lại trở thành chuyện không tưởng!!!
Lật lại sự việc ngày xưa, sở đất 42 ha của cha mẹ anh để lại thuộc quyền sở hữu của hàng thừa kế thứ nhất, gồm năm anh em trong đó có anh. Tuy nhiên văn bản hiến đất lúc ấy chỉ có chữ ký của ba thành viên trong nhà. Nghĩa là theo luật định, văn bản ấy hoàn toàn không có giá trị pháp lý, bởi không có sự đồng thuận của hai thành viên còn lại. Nói cách khác, nếu chỉ có ba người ký, thì họ chỉ được quyền hiến đúng tỉ lệ đất tương ứng mà họ được sở hữu theo luật định,tức 60% tổng diện tích mà thôi. Thật là nực cười khi chính quyền thời ấy quá dễ dàng bỏ qua những sai sót về pháp lý trong việc hiến đất, rồi đến bây giờ lại trưng ra hết lẽ này cớ nọ để thoái thác giải quyết một việc nhỏ xíu xiu. Một lối đi chỉ tốn vài chục mét vuông đất có là gì so với 42 ha gia đình anh đã cống hiến cho Cách mạng ngày xưa!!! Anh chỉ còn biết ngẩng mặt kêu Trời!
Câu chuyện về nơi an nghỉ của người thân khiến anh đau đáu khôn nguôi. (Theo lời chị Cúc vợ anh kể lại, vẫn còn một điều anh chưa buông bỏ được trước khi từ giã cõi trần, chính là chuyện mồ mả của mẹ anh!). Nhưng như anh tâm sự, mất mát ấy dẫu nghiêm trọng, vẫn là chuyện nhỏ so với viễn cảnh xám xịt của nước Việt trước hiểm họa xâm lăng cận kề.
Trước đây, anh ít khi trực tiếp đề cập chuyện thời sự với con cái – có lẽ anh muốn giữ bình yên cho các con. Với người bạn đời vừa là bạn tù Côn Đảo của mình, hình như anh cũng không muốn gây liên lụy đến chị, dù chị là người đồng chí hướng, hiểu biết và có cái nhìn đúng đắn về thời cuộc. Thời kỳ đầu khi anh và tôi được hưởng sự “chăm sóc đặc biệt”, thường xuyên chia sẻ tô “bánh canh” tại Cao ốc nơi chúng tôi trú ngụ, anh dặn tôi đừng hở môi cho chị hay, vì anh sợ chị thêm lo. Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng, khi biết chắc chắn mình không qua khỏi, câu chuyện giữa anh với chị và các cháu hầu như chỉ xoay quanh chủ đề duy nhất, là hiện tình đất nước. Tôi vào bệnh viện thăm, thấy anh ngồi không vững phải tựa vào con gái, nhưng anh vẫn miệt mài nói về hội nghị Thành đô, về Hoàng Sa Trường Sa… cho đến khi đuối sức mới chịu ngừng. Dường như anh muốn truyền đạt cho các con nhiều nhất có thể trong một giới hạn thời gian ít ỏi nhất, tất cả hiểu biết và sở nguyện của mình. Kim đồng hồ tích tắc trôi đi, anh càng vội vã vì hiểu rằng thời khắc sắp điểm… Thậm chí đến sáng thứ Bảy 13.10.2018, khi bệnh viện trả anh về nhà, anh đã yếu lắm rồi, giọng chỉ còn thều thào, nhưng câu chuyện anh quan tâm vẫn chỉ xoay quanh chủ đề ấy. Chỉ đến lúc anh giận dữ kêu lên: “Ngu quá! Ngu từ trên xuống dưới!”, nhịp tim anh đồng thời tăng nhanh đột ngột lên gần 100 nhịp/ phút khiến chúng tôi thất kinh thì anh mới chịu thôi. Tôi còn kịp đọc cho anh nghe tin nhắn của Hồ Cương Quyết gửi từ Beziers và ghi âm trả lời của anh, chia buồn với bạn về cái tang của Maman Paulette. Tôi cũng chụp ảnh anh chị bên nhau, chị ngồi ở đầu giường nghiêng xuống trìu mến vuốt tóc anh. Đó là tấm ảnh cuối cùng của anh chị. 0h ngày 14.10, tôi chạy lên nhà thì tay anh đã buông xuôi, không còn ấm nóng nắm chặt tay tôi như lúc sáng, đôi mắt anh lạc thần nhưng vẫn mở to, có lẽ anh muốn thu trọn thế giới này vào cái nhìn lần cuối trước khi rời xa vĩnh viễn. Đến lúc này tôi mới dám thì thầm bên tai anh lời vĩnh biệt, tin là anh vẫn còn có thể nghe được. Ai đó bảo rằng trước người sắp ra đi, không nên hứa hẹn những điều mà mình không chắc làm được. Tôi biết sức mình không thể hoàn thành mọi tâm nguyện sinh thời của anh An, tôi chỉ dám hứa trong phạm vi hạn hẹp của mình, là sẽ thay mặt anh tiếp tục công việc của ADEP, để anh yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay.
…Ngẫm lại, giữa Cha tôi và anh có nhiều điểm khá tương đồng về hoàn cảnh. Cùng mồ côi ở tuổi lên ba. Mẹ anh mất vì sản nạn, còn Ông nội tôi vì bạo bệnh mà qua đời ở tuổi ba mươi, khi ông vừa thi Tú tài và sắp hưởng chế độ Tập ấm. Bà nội tôi cũng như ba anh, đã ở vậy nuôi con khôn lớn mà không tái hôn. Anh và Cha tôi tuy không chơi Hướng Đạo chung đơn vị, nhưng Báo Cần Mẫn và Trâu Cần Cù vẫn là bạn Rừng của nhau. Không cùng trại giam, nhưng đều từng nếm trải ngục tù Côn Đảo. Gia đình anh từng hiến đất cho Cách mạng, thì gia đình tôi cũng có mấy sào đất cùng ngôi trường nhỏ ở thị trấn Hồ Xá mà Cha Mạ tôi đổ vốn liếng tạo dựng hồi mới kết hôn; sau 1975 Cha tôi cũng không mảy may nghĩ đến việc xin lại đất đai sở hữu của mình. Phải chăng từ những điểm tương đồng ấy mà tuy không còn gặp nhau thường xuyên nữa, nhưng Cha tôi vẫn hiện diện trong suy nghĩ của anh?! Buổi sáng trước khi anh tắt nghỉ, khi chị em tôi đến thăm, đang bối rối không biết mở lời sao để an ủi người bệnh thì anh đã mỉm cười: “Anh sẽ chiến đấu tới phút cuối cùng, theo gương trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê, anh sẽ không bỏ cuộc!”. Và có lẽ, điều khiến hai con người ấy dễ dàng gắn kết với nhau mặc dù cách xa nhau một thế hệ, là lòng yêu nước, tính chính trực, không mưu lợi cho bản thân cũng không cầu an nhắm mắt trước nỗi đau của đồng loại. Là những người ươm mầm cái Thiện và luôn khao khát hướng về Ánh sáng. Anh may mắn hơn Cha tôi vì trước khi đi xa còn kịp phó thác cho các con những điều tâm nguyện của mình. Còn Cha tôi, đã một mình ôm theo nhiều nỗi trăn trở xuống mồ. Nhớ lại đâu hồi 1989 hay 1990 gì đó, khi tôi từ chối không vào Đ, chị bạn thân của tôi cũng là người được phân công bồi dưỡng phát triển tôi đã tìm đến Cha tôi. Thay vì hứa hẹn thuyết phục tôi, Cha tôi chỉ trả lời nhẹ nhàng, chú tôn trọng quyết định của nó, chú sẽ không can thiệp… Câu chuyện ấy, mãi sau này tôi mới biết, còn lúc đó Cha vẫn im lặng giữ kín cuộc gặp. Cha tôi là thế, luôn tin tưởng vào con và không hề ép chúng tuân theo mệnh lệnh của mình, còn tôi phận làm con lại có lúc lại muốn dùng ý chí của mình để áp đặt cha!
Sau đám tang Cha, tôi mới có dịp đọc bộ Hồi ký của Cha viết về đời mình, tôi mới hiểu hết niềm đau chôn giấu và cái nhìn đầy lo âu về thế cuộc, nỗi thất vọng vì niềm tin bị đổ vỡ, lý tưởng bị phản bội, cái lý tưởng mà vì nó Cha đã hy sinh trọn cuộc đời, lăn lóc qua biết bao nhà tù từ Lao Thừa Phủ, khám Chí Hòa, Tổng nha Cảnh sát, nhà tù Tân Hiệp đến ngục Côn Đảo… Suốt đời, Cha luôn cảm thấy có lỗi với Mạ vì đã không mang đến cho bà một cuộc sống an nhàn hạnh phúc, ngược lại còn đẩy bà từ một tiểu thư con nhà gia thế rơi xuống cảnh bần cùng, đôi vai gầy gánh cả gia nương bên chồng với hơn chục miệng ăn đến cạn kiệt tuổi thanh xuân…Tôi thức nhiều đêm bên Hồi ký của Cha, nước mắt rơi nhòe cả những dòng chữ viết tay, khi thấu hiểu nỗi đau mà Cha âm thầm chịu đựng một mình bấy lâu thì tất cả đã muộn màng. Không còn có một cuộc đời khác để tôi chuộc lại lỗi lầm của mình, tội bất hiếu ấy tôi sẽ mang theo đến trọn đời. Từ đó tôi chỉ biết tâm niệm, phải sống sao cho xứng đáng và cố gắng hoàn thành ước nguyện người sinh thành ra mình.
…Giờ đây, ở cõi xa xăm nào đó, anh An và Cha tôi đã gặp nhau. Dẫu không phải là sự nghiệp lẫy lừng chấn động theo kiểu ông này bà nọ, nhưng anh và cha tôi vẫn là tấm gương thiện lương, trung trực và nhân ái, làm điểm tựa tinh thần cho đời sau. Cũng như tôi may mắn là con của Cha, các cháu Trung và Hiếu hoàn toàn có quyền tự hào về Ba Bùi Tiến An của mình. Cả hai anh linh ấy sẽ luôn là ánh sáng soi rọi cho thế hệ sau tiến lên trong hành trình tìm một con đường, và nguồn sáng ấy sẽ không bao giờ lụi tắt trong tâm khảm những người ở lại./.
12/ 2018.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Huynh trưởng Báo Cần Mẫn Bùi Tiến An (ảnh chụp trước năm 1963 ở Nha Trang)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi, mũ và ngoài trời

Lão trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê (1915- 2008)

Trong hình ảnh có thể có: 15 người, bao gồm Khánh Trần Hữu, mọi người đang cười, ngoài trời

Anh An cùng các bạn Tà ru và ADEP Pháp ở Thành cổ Carcassone (Pháp, 2007). Đã có 4 người trong tấm ảnh này vĩnh viễn ra đi.

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang đứng

Trưởng Báo Cần Mẫn Bùi Tiến An thay mặt Ban Vận động Công nhận Hội Hướng Đạo Việt Nam đọc điếu văn trong lễ tiễn biệt Lão Trưởng Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê (27/4/2008).

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Tiếng khẩu cầm réo rắt trong phút mặc niệm Trưởng Khuê.

Trong hình ảnh có thể có: 3 ngườiNhững bàn tay của anh em Hướng Đạo gửi tình yêu thương đến người bạn già vừa lìa rừng, Trâu Cần Cù Trần Hữu Khuê.

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

Trưởng Nguyễn Duy Thu Lương (sơ mi trắng cà vạt đen), người bạn vong viên của Cha tôi cùng các trưởng Hướng Đạo trong phút tiễn biệt.

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Khánh Trần Hữu, mọi người đang cười, văn bản

Lễ trao học bổng ở Bến Tre cuối tháng 5/ 2018, chuyến đi cuối cùng của anh An với ADEP Pháp-Việt.

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, bao gồm Khánh Trần Hữu, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời

Vĩnh Long 29.5. 2018 .Nhìn anh An tươi tắn vầy, đâu ngờ chưa đầy 5 tháng sau anh đã ra đi?!

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Khánh Trần Hữu, mọi người đang ngồi

10g sáng 13/10/2018. Anh An vẫn còn tỉnh táo minh mẫn, miệng có lúc mỉm cười mà đôi mắt quá buồn!

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Tấm ảnh cuối cùng của Anh bên Chị. Chỉ hơn nửa ngày sau, anh qua đời.

Comments are closed.