Giễu nhại

(Rút từ facebook của Dzung Hoang)

 

Thấy thú vị bức hình và lời bình trên tường nhà bác Trần Ngọc Cư. Đề nghị các thầy cô Ngữ Văn khi dạy về Giễu nhại (parody), lấy hình và lời bình này để minh họa. “X đến thế là cùng” không phải là cách nói của một người, dẫu người ấy có cương vị xã hội cao đến đâu. Nhưng nay nó bị gán cho một người và chỉ một người thôi: một lời nói theo mẫu “X đến thế là cùng” lập tức bị nhận diện là đã phỏng theo “[…] dân chủ đến thế là cùng”; “X đến thế là cùng” được đối xử như một biểu hiện có tính chất căn tính (identity). Mà việc gán ghép này không phải chỉ là chuyện đùa chơi riêng của tôi hay của anh. Nó được sự hưởng ứng của cả xã hội.

Như thế, tâm thế của xã hội đã ngoặt sang một ngả rẽ: người có địa vị cao nhất trở nên mất giá nhất! Thế có chết cha “người ta” không! Than ôi! Thời oanh liệt (đại khái “Lời Bác làm cho chúng ta sáng ra”, “Bác soi đường chúng ta đi”, …) nay còn đâu!

Chính thể độc tài nào cũng cố tạo ra thừa mứa sự nghiêm trang và kinh hãi tiếng cười. Trong Tên của hoa hồng, Umberto Eco kể câu chuyện viên thủ thư mù tìm mọi cách để giết tất cả những ai dám tìm đọc cuốn sách về tiếng cười. Tại sao? Thì chính Marx từng nói: “Khi muốn đưa một hình thái xã hội đã già cỗi đến huyệt, thì lịch sử trải qua rất nhiều giai đoạn. Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử, chính là tấn hài kịch của nó […]. Tại sao lịch sử lại diễn theo tiến trình ấy? Là để cho nhân loại rời bỏ được quá khứ một cách vui vẻ”.

Giễu nhại trong trường hợp này không phải là tiếng cười dễ dãi, chỉ có tác dụng giải trí. Đó là sự giải thiêng, Mà giải thiêng tức là khởi phát của tự do tư tưởng, của sự chia tay với sợ hãi.

Comments are closed.