Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Hội đồng Giám đốc thẩm vi phạm nghiêm trọng luật Tố tụng hình sự!

Trịnh Xuân Thủy

Tôi kịch liệt phản đối cách thức tiến hành phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa kết thúc hôm nay.
Quan điểm của tôi không nhằm khẳng định Hồ Duy Hải có thật sự là thủ phạm hay không mà là Hồ Duy Hải phải được bình đẳng trước pháp luật, được xét xử theo đúng pháp luật.
Vụ án bưu điện Cầu Voi liên quan tử tù Hồ Duy Hải đã kéo dài 13 năm qua, mọi chi tiết liên quan gần như đã được bạch hóa hoàn toàn trước công luận. Qua 2 lần xét xử với phán quyết tử hình cho Hồ Duy Hải đã khiến dư luận không đồng tình chính vì những khuất tất, mâu thuẫn trong hồ sơ điều tra và cáo trạng trước tòa.
Thế nhưng, ở phiên giám đốc thẩm thì từ chủ tọa tới hội đồng xét xử đều có những vi phạm nghiêm trọng đối với bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Đối với vị trí chủ tọa:
– Ông Nguyễn Hòa Bình hoàn toàn không đủ điều kiện ngồi ghế chủ tọa phiên giám đốc thẩm vì chính ông đã từng kết án tử Hồ Duy Hải bằng quyết định không kháng nghị khi còn là Viện trưởng VKSNDTC – quyết định không kháng nghị do ông ký khẳng định “bản án là đúng người đúng tội” đồng nghĩa chính là quan điểm của ông với bản án tử hình dành cho Hồ Duy Hải.
– Trong khi xét xử, chủ tọa phiên tòa vi phạm nguyên tắc xét xử khi không cho luật sư tiếp tục tham gia phiên tòa. Dù sau đó đã cho luật sư trở lại sau khi có kiến nghị của LĐLSVN thì cũng đã hoàn thành hành vi vi phạm.
Đối với Hội đồng giám đốc thẩm:
– Các thành viên tham gia tố tụng bằng việc không có ý kiến khi chủ tọa yêu cầu luật sư không được tiếp tục tham gia cũng đã vi phạm chung như vi phạm của chủ tọa.
– Diễn biến phiên tòa cho thấy vi phạm nguyên tắc xét xử giám đốc thẩm: Giám đốc thẩm là phiên tòa cuối cùng, cao nhất trong cơ chế xét xử theo luật tố tụng hình sự. Do đó, hội đồng giám đốc thẩm chỉ căn cứ hồ sơ điều tra đã dùng tại các phiên tòa trước; xem xét các nội dung trong bản án đã có bị VKS kháng nghị hoặc yêu cầu của tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan không đồng tình với các bản án của các cấp xử trước đó. Xem xét các chứng cứ mới có xác định kết luận xét xử các cấp trước đó đối với bị can là đúng hay sai; có tội hay không chiếu theo qui định của pháp luật để quyết định chứ không phải sử dụng lại các suy diễn theo cùng nội dung đã thể hiện trong các phiên xử trước.
Phiên tòa giám đốc thẩm có thể có phán quyết trùng với phán quyết của các phiên xử trước đó nhưng bản chất phán quyết này là độc lập. Việc thành lập giám đốc thẩm để xét xử chính là tuyên hủy các phiên tòa trước để xét xử lại theo nguyên tắc phán quyết của tòa án cấp trên thay thế/hủy bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới.
Kháng nghị của VKSNDTC chỉ rõ hồ sơ vụ án “có nhiều tình tiết mâu thuẫn dẫn đến sai phạm tố tụng” nhưng chủ tọa và hội đồng giám đốc thẩm lại lái phiên xử theo hướng nghe điều tra viên lý giải 1 chiều, thừa nhận hồ sơ điều tra có sai sót nhưng lại không làm rõ sai sót đó có dẫn đến oan sai hay không. để từ đó đánh giá các nội dung kháng nghị chỉ là “chứng cứ gián tiếp; không làm thay đổi bản chất vụ án”. Cố ý né tránh trách nhiệm phải thực hiện theo yêu cầu của VKSNDTC trên vai trò giám sát.
– Đặc biệt: Việc biểu quyết “kháng nghị của VKSNDTC là trái pháp luật” chính là hành vi vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng của hội đồng giám đốc thẩm.
Kháng nghị của VKSNDTC thực hiện theo trình tự thủ tục pháp lý được qui định bởi luật tố tụng hình sự. Khi quyết định thành lập hội đồng xét xử giám đốc thẩm tức là đã chấp nhận kháng nghị là đúng pháp luật. Kết quả xét xử chỉ ra phán quyết bản án cho bị cáo chứ không phải xét xử dành cho cơ quan, tổ chức, cá nhân kháng nghị thực hiện quyền và nghĩa vụ trước pháp luật.
Đặc biệt, đây là phiên xử mà VKSNDTC đã được đích thân TBT, Chủ tịch nước đương nhiệm chỉ đạo sử dụng quyền của VNKSNDTC để làm rõ vụ án. Cho thấy vi phạm này của hội đồng giám đốc thẩm có dấu hiệu vượt quyền theo luật tổ chức hành chính nhà nước.
Kháng nghị của VKSNDTC phải đúng pháp luật mới có phiên giám đốc thẩm. Quyền kháng nghị của VNKSNDTC đối với phiên giám đốc thẩm thể hiện vai trò chính của VKSNDTC là thực hiện chức năng giám sát xét xử; thi hành luật tại phiên tòa đối với bản án và hồ sơ vụ án của các cấp xét xử trước chứ không phải trên vai trò công tố đối với bị cáo như các phiên tòa khác. Nói cách khác; vai trò công tố của VKSNDTC trong phiên giám đốc thểm là đối với hồ sơ, bản án chứ không phải với bị cáo trong bản án. Tòa giám đốc thẩm có trách nhiệm làm rõ các nội dung trong kháng nghị. Từ đó trả lời cho từng nội dung kháng nghị của VNKS thông qua phán quyết về bản án độc lập được VKS chấp nhận chứ không có quyền phán xét và biểu quyết về kháng nghị của VKSNDTC là “trái pháp luật” để làm cơ sở bác kháng nghị.
Từ những nhận định như trên. Tôi cho rằng Ủy ban tư pháp của Quốc hội; Hội đồng thẩm phán ra quyết định tuyên hủy phán quyết của phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đồng thời cho điều tra về các sai phạm của các cá nhân từ điều tra viên tham gia vụ án và cả các thẩm phán đã có các biểu hiện vi phạm pháp luật trong vụ án này.
Nguồn tham khảo: https://laodong.vn/…/hoi-dong-tham-phan-bieu-quyet-bac-khan…

Nguồn: FB Trịnh Xuân Thủy

Comments are closed.