“Ôi ta yêu đến đau thương Tổ quốc của mình”

(Rút từ facebook của Phạm Xuân Nguyên)

Khi nhận lời viết bài cho Tuần VietnamNet về thơ viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979, tôi không ngờ mình đã gặp phải một sự khó. Chắc chắn khi chiến cuộc nổ ra và trong thời gian chiến sự thơ đã có ngay, nhanh chóng và kịp thời, như những bài hát lập tức được viết ra và hát lên hồi ấy. Vì thơ nhạc là hai thể loại đáp ứng được nhanh nhất sự biểu lộ tình cảm, cảm xúc trước thời cuộc. Tôi vẫn nhớ vào đầu năm 1979 ấy, ngày nào trên các mặt báo cũng luôn có thơ đi cùng các tin chiến sự. Vậy mà bây giờ tìm thơ để viết bài thì tôi lại mất nhiều thời gian. Không thể vào thư viện lục lọi báo cũ, tôi tìm ở thư viện nhà mình với khá nhiều tập thơ của nhiều tác giả, khá nhiều tuyển thơ chung, lại cũng nhiều các tập thơ về người lính và chiến tranh. Vậy mà khó tìm được các bài thơ viết về cuộc chiến tháng 2/1979 ở biên giới phía Bắc. Do thơ viết theo thời sự nên các tác giả không đưa vào tập hay do tính thời sự của thơ đến bây giờ còn nguyên nên các tác giả đành bỏ ngoài tập? May sao, chịu khó lục lọi tôi cũng tìm được một số bài thơ viết từ ngày ấy và viết về ngày ấy. May nữa là trong tay tôi còn lại tập thơ Điểm tựa do Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam in năm 1984. Lời nhà xuất bản để đầu sách nói rõ: “Bọn giặc bành trướng Trung Quốc từ tháng 2 năm 1979 đến nay, sau ngày ồ ạt đem quân sang xâm lược nước ta, bị thua đau, chúng vẫn cay cú tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng biên giới phía bắc và hải đảo… Thơ về biên giới đã thành một đề tài đặc biệt, liên tục xuất hiện trên báo chí và các tập thơ xuất bản gần đây. Thơ về biên giới sẽ còn được viết tiếp với các khía cạnh phong phú khác nhau.” Theo như lời này thì thơ về biên giới nói chung và về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 nói riêng đã từng nở rộ và được khuyến khích, trân trọng, ít nhất là trong vòng mười năm sau cuộc chiến. Còn sau đó nó lặng dần và gần như tắt hẳn thì có lẽ là do thời thế thay đổi.

Lịch sử ghi lại: ngày 17/2/1979 chính quyền Trung Quốc bất ngờ xua sáu mươi vạn quân tràn qua Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, tiến hành cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” nhưng thực chất đó là một cuộc chiến tranh xâm lược. Sau một tháng bị quân dân Việt Nam kiên cường đánh trả, quân đội Trung Quốc đã phải rút về nước, nhưng xung đột quân sự do phía Trung Quốc gây ra ở biên giới vẫn còn kéo dài tiếp mấy năm sau nữa. Cuộc chiến tranh này là một “món nợ bá quyền” không kẻ nào có thể lấp liếm được.

“Món nợ bá quyền” này đã được nhà thơ dân tộc Tày Mã Thế Vinh ở Lạng Sơn nêu lên gãy gọn:

Sáng mười bảy tháng Hai
Bọn bành trướng Bắc Kinh
Phát động cuộc xâm lăng
Chiếm nước ta phía Bắc
Súng rền mé Tân Thanh
Xích tăng xé Hữu Nghị
Pháo từ trấn Bằng Tường
Khạc lửa vào Bản Dạt
Phá tan bao gia đình…

Kẻ mang món nợ này đã được nhà thơ dân tộc Thái Lương Quy Nhân nhận mặt chỉ tên rõ ràng:

Bỗng đâu kẻ kia
Chúi cổ, luồn rào, miệng ngậm lửa
Lá chuối rách chứ đâu phải lụa
Lòng quạ đen chứ đâu phải người
Than hồng giấu trong nẹp áo
Cổ đeo ống máu rình mò bờ giậu đâu phải anh em.

Một trong những nhà thơ lên tiếng sớm nhất về cuộc chiến là Phạm Tiến Duật. Một ngày sau khi chiến trận nổ ra, ông đã có bài “Trận đầu đánh thắng”:

1
Tội ác chúng nghìn xưa ta những muốn quên đi
Nhưng đến hôm nay lại hiện hình dáng cũ
Sự độc ác và hợm hĩnh cổ truyền
Đã dẫn xác đến đây nhờ ta đắp mộ
2
Để chút danh giá cuối cùng cũng tự vùi chôn
Máu Đại Hán hồi này lại lên cơn huyết áp
Ta đập nát giặc Trung Hoa xâm lược
Cũng một phần vì hoa biên giới mai sau
3
Đồng đội ơi các anh đánh rất tài
Nếu chúng chưa thật kinh hoàng, hãy cho thêm trận nữa
Đến bằng lửa chúng phải đi bằng lửa
Lần này đến ông đồng chúng cũng chẳng kịp chui
18-2-1979

Căm thù và tự hào – đó là cảm hứng của thơ thời chiến nói chung, và đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 thì cảm hứng đó càng bốc cao hơn, mạnh hơn, vì lần này “kẻ địch không phải ở đâu xa / lại chính là kẻ vẫn tưởng là ruột rà thân thiết / môi sát kề răng, đường cách mạng bao lâu khăng khít / những làng mạc đôi bên nghe chung một tiếng gà”. Đó là tiếng thơ của nhà thơ Xuân Diệu cất lên ngày 1/4/1979 khi ông thông báo cho các bạn nhà văn quốc tế “Một lần nữa chúng tôi lại chống quân xâm lược”. Nhà thơ của “gửi hương cho gió” lần này gửi tới bạn bè thế giới một quyết tâm của Việt Nam:

Chúng tôi nay, đứng trước một kẻ thù xảo quyệt, cậy đông
Đã mài sắc quyết tâm “Không có gì quý hơn Tự Do, Độc Lập”
Bọn bành trướng Bắc Kinh, trên đường chúng đổi trắng thay đen, tham lam, bạo ngược
Có chúng tôi, vững tin vào chính nghĩa không đi.

Nhà văn Nguyên Hồng viết bài thơ “Từ Mã Yên Sơn đến Lũng Phầy và biên giới Bắc Việt Nam 1979” vào ngày thứ ba của cuộc chiến (20/2/1979), liên hệ chiến thắng hôm nay với thời kháng Minh (diệt Liễu Thăng), kháng Pháp (đánh Đông Khê):

Chiến thắng! Chiến thắng!
Hai ngày vừa qua ta cũng mở trận đầu chiến thắng
3.500 quân Bắc Kinh và hơn 80 xe tăng
Điên rồ vượt sang Việt Nam xâm lấn
Đã thành những đống sắt thép xương thịt hôi tanh
Càng khuya càng không sao ngủ được
Vì thấy mình trẻ lại
Cùng cháu con tuốt gươm xung trận
Cùng cháu con được viết thêm những trang mới cho sử xanh.

Những con số quân sự đưa vào thơ vừa có tính thông tấn vừa chứa đựng sự hào sảng của người chiến thắng. Bởi sự ngạo mạn của kẻ cầm quyền đòi dạy cho Việt Nam một bài học đã gây nên những tội ác man rợ đối với những người dân Việt hiền lành, vô tội. Đó là một sự thật, một sự thật lịch sử. “Hỡi quỷ thần! Ai không tin cứ không tin / Sự thật vẫn là sự thật.” nhà thơ Lưu Trọng Lư đã khẳng định rõ ràng như vậy ngay từ tháng 2/1979 khi ông có mặt ở tiền tiêu biên giới. Ông kêu gọi “Thù này phải nhớ” trong bài thơ cùng tên viết tại Cao Bằng:

Thù này, anh ơi!
Phải nhân lên gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn
Thù này phải nhớ, thù này không tha!
Vì những giọt máu hồng
Dưới bàn tay quân thù độc ác
Vì những đôi mắt mới thành hình trong bụng mẹ
Chưa thấy được mặt trời
Và cho trong sáng cả cõi đời
Anh ơi, thù này phải nhớ!

Tiêu diệt kẻ thù bành trướng xâm phạm bờ cõi đất nước không chỉ là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà đúng là còn để “cho trong sáng cả cõi đời”.

Chế Lan Viên cũng đòi phải hỏi tội kẻ thù:

Ôi ta yêu đến đau thương Tổ Quốc của mình
Mỗi đất nước có một số phận riêng, một cuộc đời riêng, có phải?
Sau bao nhiêu năm, ta thèm sao một giấc ngủ lành
Những cánh tay thèm một mùa gieo vãi
Những hồn thơ mơ biết mấy công trình
Những đôi lứa thèm lượn, sli tình ái
Những thề nguyền đòi một ánh trăng thanh
Hạnh phúc ra tro, đôi lứa tan tành!
Cái ta xây cất mười năm, chúng thiêu tàn một buổi!
Tội ác ấy muôn đời không xóa nổi
Nhớ lấy tội chúng mày, lũ bành trướng Bắc Kinh!

Ông ca ngợi “Những Bà Trưng thời nay giong bọn Tô Định chúng bay từng bầy từng lũ” là “Các cô gái áo chàm, kiềng bạc đeo trên cổ / Dẫn giặc về trại tù, cô chửa từng quen”. Vì các cô chỉ quen cuộc sống thanh bình gieo lúa trên nương, múa khèn múa sạp. Nhưng “Ngàn lau trắng chở che từng cột mốc / Nơi biên địa cái gì không ý thức”. Vì vậy các cô chính là “Thần Chiến Thắng” trước kẻ thù hôm nay cũng là kẻ thù truyền kiếp, lũ “thái thú” tân trang bằng một ngọn cờ hồng.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông ca ngợi “Sức mạnh Việt Nam” bằng giọng thơ như giọng hịch của Quang Trung xuất quân đánh quân Thanh:

Hãy đánh cho
Quân xâm lăng không còn mảnh giáp
Xác xe tăng ngổn ngang núi rừng
Xác quân giặc chất thành trăm gò Đống Đa mới
Cho thế giới cùng ta hát khúc ca anh hùng
Cho những tên Tiểu Bình chỉ còn là tiểu tốt
Cho những tên Đắc Chí hết dương dương
Cho quân thù biết sức mạnh Việt Nam vô địch
Đụng vào đây là hết lối cùng đường.

Trái ngược với giọng căm phẫn đối với kẻ thù là giọng yêu thương dành cho quân và dân mình.
Nguyễn Duy thấy đêm ở chốt Đồng Đăng “Lửa đốt lòng ta những đêm không ngủ / Là ánh đèn đã tắt dưới làng dân”. Phạm Đức nhìn một chiếc dép trẻ em rơi trên đường “Thế mà sao hóa lửa / Đốt bỏng buồng tim tôi?” Trần Mạnh Hảo nói lời người lính chia tay khi con chưa ra đời vì “Giặc từ phương Bắc qua đây / Vội đi, cha chẳng đợi ngày con sinh”. Xuân Quỳnh hát ru em bé trên đường chạy giặc “Nhà em ở phía đằng sau / Làng em bao lũ giặc Tàu tràn qua”. Trúc Thông tưởng nhớ nhà báo Bùi Nguyên Khiết hy sinh ngay sáng 17/2/1979 “Anh ngã trong ác liệt / Rất nhẹ nhàng hương ở mãi trong ta”. Nguyễn Thị Hồng Ngát vỗ về trái tim nhà báo Nhật Bản Ishao Tacano hy sinh khi đang tác nghiệp chiến trường “Thôi anh nằm lại Lạng Sơn / Mùa hoa với những con đường vọng ru…” Anh Ngọc thương con bồ câu đứng một chân trên hè phố thị xã Lạng Sơn vì bị trúng đạn “Đứng một chân và đứng một mình / Hai cánh gãy xòe như hai cái nạng”… Đặc biệt Nguyễn Đình Chiến đã có bài thơ xúc động “Gặp lại các em” (1981) những đồng đội cũ chung chiến hào biên giới đã ngã xuống: “Các em đi khi mười tám tuổi xuân / Và để lại những trái tim trong trắng… / Đất của mình chứ đất của ai / Phải xông lên mà giữ / Tiếng các em gọi nhau trong chiến hào khói lửa / Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong”. Bài thơ này đã được trao giải nhất cuộc thi thơ 1982 – 1983 của báo Văn Nghệ.

Những câu thơ càng yêu thương càng làm người đọc đau đớn nhức nhối trước một thực tế phũ phàng của một cuộc chiến kéo dài một tháng nhưng vết thương và dư chấn thì in hằn mãi. Ngay từ khi đó và mãi về sau này các nhà thơ vẫn là những người đau đáu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao.

Năm 1981 Nguyễn Trọng Tạo viết:

khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
*
sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
tay ta treo. Đâu nghĩ có một lần…
*
như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá
thời tôi sống thêm một lần súng nổ
trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy!

Năm 1989, mười năm sau cuộc chiến, Nguyễn Duy trở lại Lạng Sơn thấy và ngẫm:

Đồng Đăng, Ải Khẩu, Bằng Tường
Chợ trời bán bán buôn buôn tít mù
Ta đầy một bị ưu tư
Giá như cũng bán được như bán hàng
*
Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan
Giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
AQ túm tóc Chí Phèo
Để cho hai bác nhà nghèo cùng thua

Thời gian cứ trôi đi. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 càng lùi xa phía sau. Tiếng thét của thơ “Thù này phải nhớ!” ngay khi cuộc chiến diễn ra vẫn còn nghe vọng lại, không phải để lại gây ra những cuộc chiến tranh mới, mà để không quên lịch sử, không chối bỏ ký ức, nhằm gìn giữ hòa bình trong danh dự và phẩm giá của một dân tộc biết chiến thắng mọi kẻ thù khi buộc phải cầm súng.

Mỗi năm đầu xuân hồi niệm cuộc chiến bảo vệ tổ quốc tháng 2/1979 tôi luôn muốn đọc to lên những dòng thơ Chế Lan Viên đã viết ngày 28/3/1979 như một sự tri ân người ngã xuống và nhắc nhở người đang sống:

Biên giới đã đứng lên diệt thù, thay Tổ Quốc
Nơi cao điểm nhất, ngày cao điểm nhất, giờ cao điểm nhất
Ôi những rừng không tuổi, suối không tên
Thơ chửa từng ghi, sử có khi quên
Nay một phút máu anh hùng đỏ rực
Trên nghìn non cao ấy có xương thịt con em ta trên mỗi chốt
Mỗi ngọn cỏ, nhành cây, muôn thuở hóa thiêng liêng
Họ dâng tất cả cho Tổ Quốc mà, đâu có để gì riêng?
Nghìn năm sau nhìn về đây xin hãy rất trang nghiêm
Giữ sông núi là giữ bằng máu xương ta, từng tấc đất.

Image may contain: 1 person, outdoor and nature

Hà Nội 15.2.2017

Comments are closed.