Kế sách Hướng ra Biển Đông của Nguyễn Trường Tộ

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Sáng chủ nhật vừa rồi gã có cuộc bàn tròn mini cùng Đức cha Nguyễn Thái Hợp và một số giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật bàn về ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo ở Việt Nam với văn hoá Việt Nam. Trên tay Đức cha Nguyễn Thái Hợp là cuốn sách về Nguyễn Trường Tộ. Gã đã từng đến viếng mộ Nguyễn Trường Tộ tại Giáo phận Vinh với tất cả sự thành kính. Gã luôn nghĩ nhà canh tân vĩ đại nhất đất nước ở thế kỉ 19 không ai khác là Nguyễn Trường Tộ.

Trong những tháng năm này của đất nước với những biến động ở Biển Đông liên quan sống còn tới vận mệnh dân tộc đọc lại những gì Nguyễn Trường Tộ đã dâng sớ cho Vua nhà Nguyễn hơn 150 năm trước về kinh tế biển gã càng thấy những dự cảm và tầm nhìn vĩ đại của ông.

Trước khi muốn thông thương với thế giới Nguyễn Trường Tộ đã vạch kế sách biến mọi miền đất nước thông thương. Ông viết: “Nước ta nhiều chỗ ghe thuyền phải đi vòng mất hơn tháng, tốn nhiều thì giờ, tiền bạc. Nên đào kênh đi tắt, hàng hóa sẽ lưu thông nhanh chóng, mọi việc qua lại dễ dàng”.

Tiếp theo Nguyễn Trường Tộ vạch kế sách về mở cảng biển thông thương với thế giới bên ngoài, cụ thể là với các nước văn minh phương Tây, kế sách khuyến khích tư nhân phát triển các đội tàu buôn vượt Biển Đông. Tiếc rằng các kế sách của ông lại gặp phải biết bao sự chống đối. Nhiều triều đại nhà Nguyễn với tầm nhìn bán lẻ mà đơn vị đong đếm là đấu, là thúng, đã thờ ơ lãnh đạm rồi lạnh lùng bỏ qua các kế sách mở cảng biển, hướng ra đại dương biến Đất nước thành một cường quốc Biển của Nguyễn Trường Tộ.

Đến hôm nay đọc lại các kế sách của Nguyễn Trường Tộ về khai cảng Biển Đông, hướng ra Biển Đông gã không khỏi bàng hoàng ngạc nhiên về tầm nhiên của ông.

Ông viết:

“Nước ta một mặt là bờ biển, đất hẹp mà dài, đường bộ khó đi, cho nên lấy xa làm gần thì chỉ có đường biển mà thôi”.

Ông viết tiếp:

“Khai cảng biển là một kế lớn có lợi lâu dài cho nước ta, thế mà nhiều người không hiểu, chỉ thấy cái cực nhọc trước mắt, bàn chuyện cản trở”.

Ông tha thiết kiến nghị:

“Ai bỏ tiền đóng tàu buôn thì được triều đình thưởng lớn”.

Thực chất các ông vua triều Nguyễn không ủng hộ việc mở cảng và lập các đội tàu thông thương với bên ngoài, không hề sợ “cực nhọc” như Nguyễn Trường Tộ giả vờ suy luận, mà vì nỗi sợ mở toang cửa thì người phương Tây vào xâm chiếm và quan hệ với phương Tây thì bị ảnh hưởng phương Tây. Tức là lấy cái thế an ninh, an toàn bảo thủ của tiểu cục trước mắt lấn át cái thế phát triển quốc gia đại cục.

Nguyễn Trường Tộ giả vờ suy luận cái “nỗi lo cực nhọc” là vì, hơn ai hết, với tài năng, sự uyên bác và tầm nhìn canh tân chiến lược của mình, ông thừa biết vì sao các thế lực vua quan nhà Nguyễn chống lại việc mở cảng kêu gọi tàu bè phương Tây vào và lập các đội tàu buôn đến các nước phương Tây. Cũng như ông quá hiểu, khi ông đưa kế sách “Hòa hiếu” với phương Tây, chủ động mời các nhà tư bản phương Tây vào làm khách của Việt Nam, chủ động tạo cho họ đầu tư, khai thác thị trường Việt Nam, tài nguyên của Việt Nam – điều mà họ nhăm nhăm muốn thực hiện (chứ không phải nhăm nhăm chiếm đất đai thuộc địa) ông đã bị quy kết là kẻ phản bội tổ quốc như thế nào.

Rõ ràng Nguyễn Trường Tộ muốn mở cảng chính là vì muốn chủ động đón gió Tây. Ông cho rằng chủ động đón gió Tây mới là tầm nhìn “an ninh” đại cục, mới tránh được những xung đột đẫm máu. Và, ông cho rằng chữ “Hoà hiếu” có nền tảng lợi ích đôi bên sẽ giúp Việt Nam tồn tại và phát triển bền vững.

Nguyễn Trường Tộ bộc lộ quan điểm trên rất minh bạch, khúc triết:

“Họ đến khai thác, nhân sự qua lại các nước mà phải mở đường giao thông ở nước ta. Như thế là nhân cái sức lực thành thuộc của họ mà giúp cho cái sức lực đang nuôi dưỡng của ta. Phàm chỗ nào họ đến là sẽ lập các hội như nhà thương, trường học miễn phí… dân ta sẽ được nhờ”.

Ông viết:

“Hiện nay cái ta thiếu là tài nghệ. Họ đến khai thác những điều có thể học được ta đều học lấy. Trong khoảng 10 năm thì tài nghệ trong dân gian ta chẳng khác gì họ nữa. Nhà nước không mất một đồng tiền mà việc học của nhân dân vẫn thành đạt”.

Và quan điểm “Hòa hiếu” đại cục được Nguyễn Trường Tộ đẩy lên vị trí “khách-chủ” phân minh:

“Nếu biết mở cửa buôn bán với nhau, họ không cản ta qua, ta không cản họ lại, hòa hợp với nhau, liệu trước việc sẽ xảy ra, đón kịp thời thế, khiến họ phải là khách mà ta là chủ”.

Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ trở nên vĩ đại chính là ở tầm nhìn chiến lược đại cục này. Tầm nhìn chiến lược đại cục ấy được Nhật hoàng Minh Trị của nước Nhật và Chulalongkorn của Thái Lan thực hiện, dẫn đến Nhật Bản và Thái Lan là hai quốc gia ở châu Á không hề bị ngoại xâm, đồng thời liên tục phát triển.

Trong khi đó các vị vua triều Nguyễn không thực hiện tầm nhìn chiến lược đại cục ấy (mà Nguyễn Trường Tộ đề xuất trước cả vua Nhật và vua Thái) dẫn đến Việt Nam bị tan nát bởi binh, đao và bị nhấn chìm trong màn đêm bảo thủ, lạc hậu.

Cũng chính vì nhà nước kế tục tầm nhìn thuyền nan thuyền thúng đánh bắt ven bờ của nhà Nguyễn, sau khi nhà Nguyễn sụp đổ hơn 70 năm nay, dẫn đến hiện tình hôm nay đất nước vẫn không hình thành được nền Kinh tế Biển hùng mạnh và vẫn chưa có được Hệ thống phòng thủ Biển đủ sức tiêu diệt bất cứ kẻ xâm lấn nào.

Đất nước của gã đang đứng trước một thảm họạ mất… Biển.

***

Gã ngạc nhiên là những ngày này của đất nước trên tay của một vị lãnh đạo công giáo là Đức cha Nguyễn Thái Hợp chứ không phải ai khác nâng niu cuốn sách tập hợp những kế sách của Nguyễn Trường Tộ.

Comments are closed.