Khi dối trá, con người đã biến dạng

Vương Trí Nhàn

 

Ngoài việc viết báo Trần Đĩnh còn là một dịch giả. Một trong những bản dịch tôi đã đọc của ông là cuốn Trương Nhung, “Những con chim hồng hộc”, nxb Phụ nữ, 2008.

Đây là đoạn viết về Trương Nhung trong Wikipedia:

Trương Nhung (Trung văn giản thể: 张戎; Trung văn phồn thể: 張戎; bính âm: Zhāng Róng; Wade–Giles: Chang Jung, Phát âm tiếng Trung: [tʂɑ́ŋ ɻʊ̌ŋ], tiếng Anh: Jung Chang, sinh 25 tháng 3, 1952) là một nhà văn quốc tịch Anh sinh tại Trung Quốc và hiện đang sống ở Luân Đôn. Bà nổi tiếng với cuốn truyện viết về gia đình mình.

“Wild Swans” đã bán trên 10 triệu bản khắp thế giới nhưng bị cấm tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cuốn tiểu sử Mao Trạch Đông dày 832 trang, “Mao: The Unknown Story”, của bà viết cùng chồng là sử gia Anh Jon Halliday, đã được xuất bản tại Anh tháng 6 năm 2005.

Trương Nhung sinh ra tại Nghi Tân, Tứ Xuyên ngày 25 tháng 3 năm 1952. Cha mẹ bà là viên chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và cha của bà là người đam mê văn chương. Từ khi còn nhỏ bà đã có tình yêu với việc đọc và viết, sáng tác thơ văn.

Là cán bộ Đảng, gia đình bà có cuộc sống tương đối tốt. Cha mẹ bà lao động cần cù và cha bà là một tuyên truyền viên có uy tín tại địa phương. Ông là “cán bộ cấp 10”, có nghĩa rằng ông là một trong 20.000 cán bộ quan trọng bậc nhất của Trung Quốc. Đảng Cộng sản cấp cho gia đình bà một chỗ ở trong khu nhà có tường bao và được canh gác, một người giúp việc, một tài xế, cùng với một vú nuôi cho năm anh chị em của bà. Những đặc quyền này là phi thường tại Trung Quốc những năm 1950 còn rất nghèo khó.

Nhưng gia đình bà cũng đã tan nát vì cách mạng văn hóa, chỉ may mắn sống sót và có dịp làm ăn trở lại khi ra định cư ở nước ngoài

“Wild Swans” mà Trần Đĩnh dịch là “Những con chim hồng hộc” có khi còn được dịch là “Những con thiên nga dại”.

Sau đây là một đoạn kể lại đời sống tinh thần của con người thời công xã nhân dân.

Mùa hè ấy, Trung quốc được gom lại thành những đơn vị mới, mỗi công xã có từ 2.000 đến 20.000 hộ. Một trong những nơi đi đầu của phong trào này là Tú Thủy ở tỉnh Hà Bắc và nó liền được Mao ca ngợi đánh bóng.

Để tỏ ra xứng đáng với sự quan tâm của Mao, đảng bộ địa phương tuyên bố sản lượng hạt cốc của họ tăng hơn trước mười lần.

Phần lớn dân chúng bị cuốn vào cái thế giới viển vông điên rồ này.

Nhiều người kể cả những nhà nông học và lãnh đạo cao cấp của Đảng nói họ đã chứng kiến các phép lạ này.

Những ai không ứng hợp kịp với các tuyên bố hoang đường của người khác thì bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình và tự phê bình là bảo thủ.

Dưới một nền độc tài như chế độ của Mao, nơi người ta giấu và chế biến thông tin, rất khó tìm thấy một người bình thường mà còn tin vào kinh nghiệm hay kiến thức của chính mình.

Lờ hiện thực đi rồi đơn giản đặt niềm tin vào Mao thì dễ sống. Ngừng lại để suy nghĩ hay ngờ vực thì có nghĩa là chuốc rắc rối vào người.

Sau khi kể một ví dụ, tác giả viết tiếp:

Người dân đã học được cách bất chấp lý tính mà đi đóng kịch mần tuồng.

Ngôn ngữ của họ dần thoát ly hiện thực trách nhiệm và ý nghĩ thực của con người. Cả nước trượt vào lối nói nước đôi.

Người ta nói dối nói dá dẻo quẹo bởi vì chữ đã mất nghĩa và chẳng còn có ai coi lời người khác nói là nghiêm chỉnh nữa.

Sau đó bệnh dối trá lại được củng cố bởi quy chế quân ngũ hóa xã hội.

Khi cho tổ chức ra những công xã đầu tiên, Mao nói cái lợi chính của nó là giúp cho việc kiểm soát dân chúng dễ dàng, vì từ nay nông dân thôi sống riêng lẻ mà được đặt vào một hệ thống tổ chức chặt đến không ai cựa nổi.

Một cách quân ngũ hóa nữa là đặt ra các nhà ăn tập thể.

Trích từ “Những con chim hồng hộc” bản dịch Trần Đĩnh, tr. 203- 205.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Comments are closed.