Lẽ nào cam tâm lỗi đạo với tiền nhân?

Nguyễn-Chương Mt

Tượng đài là cách minh thị giữa trời đất về dòng chảy lịch sử, cho thấy tâm tình nhớ ơn bao đời tiền nhân.

– Tại đô thị lớn nhứt Việt Nam hiện nay, chỉ vỏn vẹn bốn tượng đài danh nhân chống giặc phương Bắc xâm lược…!

– Những danh nhân lỗi lạc dựng xây Gia Định – Sài Gòn, trung tâm của toàn cõi Nam kỳ lục tỉnh: tượng đài ở đâu?

&1&

* Bốn tượng đài danh nhân có công trạng chống lại giặc phương Bắc xâm lược, được dựng tại Sài Gòn, là: Trần Hưng Đạo (bến Bạch Đằng), Quang Trung (trước chợ Nguyễn Tri Phương), Lê Lợi (bùng binh Cây Gõ), Trần Nguyên Hãn (trước chợ Bến Thành) (*). Cả bốn tượng đài này đều được xây trước năm 1975, khi Sài Gòn vẫn còn giữ tên Sài Gòn.

Để rồi… về sau này, khi Sài Gòn đã đổi tên thành TPHCM, xảy ra chuyện là hai tượng đài phải "di dời": tượng Lê Lợi biến mất khỏi bùng binh Cây Gõ, tượng Trần Nguyên Hãn không còn thấy tại bùng binh trước chợ Bến Thành!

* Sài Gòn nói riêng, Nam kỳ lục tỉnh nói chung, là cõi đất mới sáp nhập vào nước Việt từ thế kỷ 17. Bao thế hệ sinh ra và lớn lên tại Nam Kỳ dưới thời các chúa Nguyễn, và sau này dưới thời Nhà Nguyễn, hết thảy đều nằm ngoài những thời kỳ đụng độ với giặc xâm lược phương Bắc (từ Trung Hoa).

Có cần nêu gương cảnh báo trước HIỂM HỌA PHƯƠNG BẮC không? Hỏi, tức là trả lời. Thành thử phải viện dẫn, phải tạc tượng ghi ơn những bực anh hùng người Việt sinh trưởng từ miền khác.

Như Nguyễn Huệ (QUANG TRUNG) đã dẹp tan giặc Thanh. Như LÊ LỢI, như TRẦN NGUYÊN HÃN đã chiến đấu chống giặc Minh. Như TRẦN HƯNG ĐẠO đánh giặc Nguyên tan tác…

Hết thảy giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh đều là giặc từ bên Trung Hoa tràn sang xâm lược nước Việt.

&2&

Nếu nhìn tượng đài để phần nào hình dung vài đường nét chính trong dòng chảy lịch sử, ắt phải ngỡ ngàng: tpHCM (đổi tên từ Sài Gòn từ năm 1976) … "từ trên trời rơi xuống" thì phải?

Sao không trân trọng dựng nên tượng đài Chúa Tiên (NGUYỄN HOÀNG), người khởi lập Đàng Trong, mà từ việc định cõi này mới mở rộng gồm cả vùng đất phương Nam về sau?

Rồi những bực danh nhân làm tổng trấn Gia Định thành (mang danh "Gia Định thành" nhưng cai quản cả vùng Nam kỳ) như LÊ VĂN DUYỆT, TRƯƠNG TẤN BỬU, NGUYỄN HUỲNH ĐỨC – thảy đều có công trạng lỗi lạc làm cho vùng đất phương Nam trở nên trù phú. Sao không có tượng đài Trương Tấn Bửu, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức?

Trên lãnh vực giáo dục, văn hóa tại đất Sài Gòn-Gia Định này, nổi bật với nho sư VÕ TRƯỜNG TOẢN đi tiên phong mở trường dạy học đào tạo bao nhân tài; với TRƯƠNG VĨNH KÝ nhà bác học tài danh với công trạng phổ biến chữ Quốc ngữ. Quá xứng đáng để hậu bối chúng ta phải tạc tượng ghi ơn.

Không nhớ tới, dựng tượng đài cho thực UY NGHI NƠI QUẢNG TRƯỜNG của các vị: Chúa Nguyễn Hoàng, Trương Tấn Bửu, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký thì liệu hậu sinh được mấy phần thành người? ./.

———————————————————

(*): Còn có tượng Phù Đổng thiên vương, dù gì, cũng còn mang tính chất "huyền sử"; tượng An Dương Vương, nói cho cùng, vẫn còn tranh luận về "huyền sử mờ mịt" tới đâu; chỉ có 4 tượng đài dẫn trong bài là rõ rành về mặt chính sử.

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và tượng đài

Tượng Trần Hưng Đạo

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và tượng đài

Tượng Quang Trung

Có thể là hình ảnh về 1 người, ngoài trời và tượng đài

Tượng Lê Lợi (bùng binh Cây Gõ) biến mất, đâu rồi?

Có thể là hình ảnh về tượng đài và bầu trời

Tượng Trần Nguyên Hãn (bùng binh Chợ Bến Thành): biến mất, đâu rồi?

Nguồn: FB Nguyễn-Chương Mt

Comments are closed.