(Bài viết kỷ niệm 10 năm nhà xuất bản Tri Thức)
(Rút từ facebook của Đinh Bá Anh)
MƯỜI CHÍN THÁNG TÁM 2015, ngày kỉ niệm 10 năm thành lập Nhà xuất bản Tri Thức trùng với ngày kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, cuộc cách mạng khẳng định “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” với khát vọng đưa dân tộc “rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa”. Trong cái nóng bất thường của mùa thu Hà Nội năm nay, đi qua bàn tiếp tân của các nữ biên tập viên trang nhã, qua cửa hội trường khiêm tốn của Bảo tàng Phụ Nữ, tôi nhìn thấy những khôn mặt thân quen của các bậc trưởng lão, những người ít nhiều còn giữ ký ức của sự kiện bảy mươi năm trước: nhà giáo Phạm Toàn, nhà thơ Dương Tường, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – tất cả đều đã qua tuổi bát tuần.
Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, sinh năm 1940 tại Bắc Giang. Ông đã từng du học tại Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa Pháp, được phong học hàm Giáo sư vật lý năm 1983, từng giữ các cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia và Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Năm 2005 ông về hưu và thành lập Nhà xuất bản Tri Thức, trực thuộc Liên hiệp các tổ chức Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ở tuổi bảy lăm, Chu Hảo toát lên phong độ của một người luôn biết làm chủ nhịp thở và giữ được sự tĩnh tâm. Mười năm nay, ông là người chèo lái con thuyền Tri Thức và giữ nó không đi chệch mục tiêu: Khai minh.
Nếu nhìn kĩ vào tôn chỉ của Nhà xuất bản Tri Thức, ta thấy nó thật đơn giản và sáng rõ: “Cung cấp những tri thức nền quan trọng nhất trong kho tàng tri thức của nhân loại thông qua các bản dịch tốt và đáng tin cậy, hỗ trợ và góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy của các tầng lớp xã hội Việt Nam khi hội nhập vào thế giới đương đại“. Nó kế thừa một truyền thống đã được xác lập từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng luôn bị gián đoạn bởi các cơn biến thiên lịch sử và các hệ lụy do sự độc tôn ý thức hệ. Nhìn trên diện rộng, phần lớn những gì diễn ra ở Việt Nam trong vài thập kỉ qua, kể từ Đổi mới 1986, không nằm ngoài chữ: Dịch. Việt Nam copy, bắt chước, chuyển dịch tất cả những gì từ bên ngoài vào Việt Nam: từ cách quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, từ các bộ luật thương mại tới các bộ luật dân sự, từ cách quản lý đô thị tới quy hoạch nông thôn. Cuộc chuyển dịch và copy từ bên ngoài thâm nhập vào tất cả các khía cạnh của đời sống: cách chúng ta trang hoàng nhà cửa, tổ chức các buổi tiệc buffet, cho tới các mẫu, mốt, các show truyền hình giải trí và báo lá cải. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là: Trong cuộc chuyển dịch hung bạo và không thể cưỡng lại được này, đâu là những nguyên tắc, những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần phải du nhập, để xã hội không bị chao đảo? Cái gì có thể giúp chúng ta đứng được trong vận hội lớn của nhân loại, vận hội được xây dựng trên các giá trị căn bản về Tự do, Bình đẳng, Dân chủ và Nhân quyền, những giá trị mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn lớn tiếng tuyên bố ủng hộ (dù đến nay vẫn luôn đứng trong nhóm cuối trong các bảng xếp hạng quốc tế về các giá trị này)?
“Cung cấp những tri thức nền quan trọng nhất trong kho tàng tri thức của nhân loại thông qua các bản dịch tốt và đáng tin cậy” là con đường thẳng và ngắn nhất để bồi đắp nền tảng tri thức đặt trên cơ sở tiếng Việt, cơ sở khả dĩ hơn cả mà chúng ta có thể sử dụng để xây dựng xã hội Việt Nam. Có quan điểm cho rằng, việc dịch những tác phẩm kinh điển là lãng phí và không cần thiết, vì đội ngũ trí thức chỉ cần dùng tốt tiếng Anh và diễn giải lại các quan điểm bằng tiếng Việt là đủ, nhưng tôi cho rằng đây là một quan điểm sai. Ở điểm này Việt Nam không thể bắt chước Singapore mà nên nhìn sang các tấm gương Nhật Bản, Đài Loan hay… Trung Quốc. Một bản dịch tác phẩm kinh điển không chỉ có giá trị cung cấp tri thức, mà quan trọng hơn, nó còn tạo ra một “cơ sở dẫn chiếu” chung cho cộng đồng học thuật rộng lớn đặt căn bản trên cơ sở Việt ngữ, trở thành đối tượng tranh luận và trích dẫn. Một tác phẩm kinh điển như Bàn về tự do (On Liberty, J.S.Mill), bao lâu nó vẫn còn nằm dưới dạng tiếng Anh, nó vẫn chỉ là đối tượng tranh luận và trích dẫn của một cộng đồng hẹp. Nó khó có thể trở thành đối tượng tranh luận của giới trí thức rộng lớn, được giảng dạy trong trường học, hoặc được trích dẫn trong các diễn ngôn của các chính trị gia. Nó lại càng khó phủ sóng tới dân chúng. Ngay cả khi giới sinh viên, học sinh tương lai của Việt Nam phần đông có khả năng sử dụng tốt tiếng Anh (một việc nên khuyến khích), nhưng ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng hàng ngày để làm việc và giao tiếp vẫn là tiếng Việt, thì việc dịch vẫn là tuyệt đối cần thiết.
Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào khảo sát tác động của những cuốn sách của Nhà xuất bản Tri Thức trong mười năm qua, nhưng chủ quan mà nhìn nhận, tôi cho rằng chúng đã có những ảnh hưởng vô cùng tích cực. Những tư tưởng nguồn về các giá trị căn bản như Tự do, Bình đẳng, Dân chủ và Nhân quyền, về nhà nước hạn quyền, về xã hội dân sự hay tự do học thuật; hay những diễn ngôn về tự do và trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng… trong các trước tác của Kant, Locke, Mill, Rousseau hay de Tocqueville… có vẻ ngày càng được diễn giải hoặc trích dẫn nhiều hơn, không chỉ trong các công trình hàn lâm, mà đặc biệt đáng chú ý là trong các diễn ngôn thực hành, cả chính thống lẫn phi chính thống. Về phương diện xã hội, nhân văn, văn chương-nghệ thuật, những bản dịch các tác phẩm của Auerbach, Diderot, Le Bon, Weber, Küng, Lévi-Strauss, Bourdieu, Lyotard hay Guy Debord… đã lấp được những lỗ hổng đáng kể. Đặc biệt trong hai lĩnh vực được tranh luận nhiều nhất là giáo dục và kinh tế, những tác phẩm của Morin hay Dewey, Hayek hay von Mises chắc chắn đã có ảnh hưởng.
Dĩ nhiên trong mười năm qua, không chỉ có Nhà xuất bản Tri Thức, mà nhiều đơn vị xuất bản khác cũng có những đóng góp vào tiến trình du nhập tri thức tốt đẹp này. Song xét từ bình diện của những chuyển động náo nhiệt, với nhiều hứng khởi và không ít kịch tính, về cơ sở hạ tầng kinh tế của Việt Nam trong mấy thập kỉ qua, thì cuộc vận động trên thượng tầng tư tưởng – chỉ xét riêng ở góc độ tinh hoa nhất của nó – lại chậm chạm, cầm chừng và mệt mỏi. (Điều này dĩ nhiên dội tác động tiêu cực ngược trở lại hạ tầng, khiến cho sự phát triển kinh tế và xã hội trở nên rối rắm, mâu thuẫn, thiếu mạch lạc và thậm chí là tắc nghẽn.) Trong mười năm qua, Nhà xuất bản Tri Thức cho ra đời được khoảng 50 cuốn sách được xếp vào loại “kinh điển” và 30 cuốn sách thuộc loại “tri thức mới”. So với tham vọng ban đầu – 500 cuốn sách kinh điển – mục tiêu mới đạt được 1/10. Để hoàn thành mục tiêu, sẽ cần 90 mùa thu nữa.
(GS. Chu Hảo và các cán bộ Nhà xuất bản Tri Thức – @ NXB Tri Thuc)
Mặt khác, như nhiều trí thức đã nhận ra, song song với việc dịch, điều quan trọng không kém là định hướng, diễn giải và tiếp nhận; thậm chí khâu thứ hai này đôi khi phải đi trước khâu thứ nhất. Ngay cả khi tập trung được một nguồn lực lớn thì việc dịch, diễn giải, tiếp nhận vẫn là những hoạt động tổng hợp mà xuất bản chỉ là một công đoạn có tính kĩ thuật mà thôi. Nhắc lại cũng không thừa: Các cuộc canh tân của Nhật Bản và Hàn Quốc đều đồng hành với một ý chí chính trị từ bên trên, dẫn tới một cuộc chuyển mình to lớn và sâu rộng trên tất cả mọi lĩnh vực, mà hạt nhân vận động của nó nằm trong giới tinh hoa trong giáo dục và nghiên cứu. Việc định hướng, dịch và diễn giải những tác phẩm kinh điển thế giới phải nằm trong nhiệm vụ của những cá nhân xuất sắc nhất trong hai lĩnh vực này. Đó, nói thẳng ra, ở Việt Nam hiện nay phải là việc của những người đàn ông trung niên, sung sức, những giáo sư trưởng khoa, phó khoa, những tiến sĩ, thạc sĩ, những cán bộ nghiên cứu chủ chốt của các trường, viện, trung tâm, v.v.
Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Một cái nhìn xã hội học vào danh sách các học giả, dịch giả có đóng góp cho nhà xuất bản Tri Thức trong 10 năm qua sẽ cho ra một bức tranh u buồn. Bùi Văn Nam Sơn, vị học giả trụ cột của nhà xuất bản Tri Thức, người dịch Kant, Hegel và hiệu đính một phần lớn các bản dịch quan trọng của nhà xuất bản, sinh năm 1947, năm nay 68 tuổi. Nhà giáo Phạm Toàn, người dịch bộ “Nền dân chủ Mỹ”, sinh năm 1932, năm nay 83 tuổi. Học giả Chu Tiến Ánh, người dịch Edgar Morin, năm nay 82 tuổi. Các dịch giả Nguyên Ngọc, Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào đều ở độ tuổi U90. Các dịch giả khác như Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Nghị, Phạm Nguyên Trường đều ở độ tuổi U70. Hầu hết các học giả này đều hoặc đã về hưu, hoặc không đương giữ một vị trí nào trong hệ thống. Phải, cũng có một số học giả U40-U60 đóng góp vào kho sách của nhà xuất bản, nhưng chỉ rất ít người trong số họ giữ các vị trí có ảnh hưởng trong nghiên cứu, giáo dục. Đa phần là outsider.
Bức tranh u buồn này cần được phân tích. Do đâu mà những người đàn ông trung niên sung sức, những người đang nắm giữ các vị trí quyền lực trong nghiên cứu và giáo dục từ chối tham gia vào công cuộc dịch chuyển quan trọng này? Người viết bài này đã có câu trả lời của riêng mình, nhưng vì tính nhạy cảm chính trị (tác giả nhấn mạnh và tự kiểm duyệt), nên đành thất thố mà đẩy câu hỏi đó đến bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc có vị trí cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lí luận Trung ương.
Phần cuối bài viết nhân dịp kỷ niệm long trọng này của Nhà xuất bản Tri Thức, với tư cách một độc giả trung thành, xin gửi tới tất cả các biên tập viên đã và đang công tác trong nhà xuất bản, những bậc nữ lưu đã chăm sóc các bản thảo của các trưởng lão, lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc. Ở một thời đại suy đồi, khi các trí nhân quân tử chỉ biết lao đầu vào đấu đá, kiếm tiền với chém gió, thật may là ngọn lửa tri thức vẫn còn được giữ bởi những khối óc tinh tường của các trưởng lão và những đôi tay mảnh dẻ của các bậc nữ lưu vậy.