Mẹ… Nờ

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Gã phượt cùng Lưu Trọng Ninh, Tuấn Chu. Sau tết, xứ Bọ quê gã rỏn rẻn… rét. Phóng xe qua cầu Nhật Lệ hoành tráng chỉ cái vèo tới… Bảo Ninh rồi. Ngồi nhìn dòng Nhật Lệ cố chuồi ra Biển – Biển động sóng gồng vọt ầm ào đè bẹp mất tích những dòng nước của suối, của sông tinh khiết nguồn. Gã nao nao buồn đi trên những cồn cát và nhớ… mẹ Suốt mà gã thích gọi là Mẹ Nờ.

Gã nhớ lại một trưa “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” 24 năm trước gã trên một con đò nhỏ qua sông Nhật Lệ ở cái bến có hàng dừa thân đầy vết đạn bom, gần nơi Nguyễn Du làm câu thơ:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Gần nơi nhà thờ Tam tòa bị bom Mỹ chỉ còn trơ trơ bộ xương và những khoảng trống ô cửa rêu úa, còn vang vọng tiếng khóc của Hàn Mặc Tử khi chào đời làm lễ rửa tội.

Con đò và o lái đò đưa gã tới làng cát Bảo Ninh. Vào nhà mẹ Suốt. Mẹ Nờ. Cát, chỉ cát bỏng găm rát chân, cát, chỉ cát bỏng bềnh rát mặt.

Nhà Mẹ Nờ thực ra chỉ như túp lều tranh rách nát bên dòng Nhật Lệ, con sông mà từ thuở đi ở rồi làm cô chèo đò, rồi thành bà lão chèo đò, cho đến khi bị bom, máu đổ loang dòng sông Nước mắt, mẹ đã qua lại biết bao lần cùng biết bao lần tiếng gọi “đò ơi!”, cùng biết bao lần tiếng gọi “ơi đò!”.

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình

Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh…

Gã bước vào cái chòi của mẹ. Chòi bị bom dập ba lần. Ba lần dựng lại. Nhưng hai con trai của mẹ chết trận thì mãi mãi mất hút rừng xanh. Hàng xóm của mẹ là cụ Trương Thị Tàu lần lượt mang 26 khăn tang. Cụ bảo với gã: Ở chỗ ni , mần chi thì mần, nói chi thì nói đã có hương ước gặp nhau không nói chuyện người chết.

Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh…

Giữa trưa, không gió, nắng nồng nống, những cây xương rồng dại, những bông cỏ dại xác xơ. Mộ của Mẹ Nờ đây rồi. Một vồng cát, tấm bia gỗ chữ tỏ chữ mờ, ngôi sao cánh dài cánh cụt, màu đỏ lợt phai như màu máu khô. Gã lui hui thắp nén nhang cho mẹ.

Gan chi gan rứa mẹ nờ?

Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai?

Người cháu nội của mẹ nói với gã: “Tỉnh muốn rước mệ vô nghĩa trang liệt sĩ cho đàng hoàng, dòng họ không chịu vì ở đây mệ có ôông. Sống mệ có ôông thì chết mệ cũng phải có ôông”.

Gã hỏi: “ Vậy sao không đưa cả ông vào nghĩa trang liệt sĩ?”

Người cháu nội đáp: “Mệ là anh hùng, liệt sĩ còn ôông không được là liệt sĩ”.

***

Hai năm sau, năm 1994, gã trở lại Đồng Hới, trở lại dòng Nhật Lệ, gặp ông chủ tịch tỉnh Quảng Bình, ông khoe, tỉnh đã xây mộ rất đẹp cho mẹ Suốt rồi. Gã thấy rộn rạo trong người. Gã lại lên đò qua sông viếng mẹ.

Và câu chuyện này được gã ghi lại trên một tờ báo in ngày 6.8.1994. Gã xin chép lại đây. Vì đây là báo chí chính thống nên gã không thể xưng… gã mà xưng… tôi.

“Khi nghe ông chủ tịch tỉnh khoe vậy, tôi mừng lắm, chuẩn bị đi chụp hình ngôi mộ mới xây, liền bị một phóng viên báo địa phương đổ ào một gáo nước lạnh: “Đúng là cái mộ đã được xây rất đẹp, rất to ở nghĩa trang liệt sĩ nhưng vừa bị gia đình đập rồi vì đó lá ngôi mộ… giả”. Tôi quyết định đi xem thực hư thế nào. Sự thật như tay phóng viên nói. Ngôi mộ của mẹ Suốt – Mẹ Nờ vẫn còn nguyên chỗ xưa, vẫn một cồn cát, chỉ khác tấm bia gỗ ngày nào được thay bằng tấm bia bê tông. Tôi ngẩn người không hiểu nữa, cái sự thật này đáng buồn hay vui? Nhưng tôi nghĩ đó chính là khúc bi tráng như một nhà văn nào đó đã nói: Các cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại tình yêu là vĩnh viễn.

Tổ quốc VN đã có một mẹ Suốt anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, Tổ quốc luôn ghi ơn, nhưng với dòng họ, gia đình của mẹ thì mẹ còn là một người vợ suốt đời tảo tần hết mình thương yêu chồng, một người mẹ suốt đời hy sinh cho con. Vậy thì tại sao những người nhân danh là người đại diện của Tổ quốc lại không xây cho mẹ một ngôi mộ thật đàng hoàng ngay nơi mẹ yên nằm bên người bạn đời thân yêu của mẹ, và giữa lòng dòng họ, cháu con của mẹ, mà cứ nhất thiết bắt mẹ vào một nơi mà mẹ phải xa chồng, xa con?”

***

Biển vẫn đang động. Càng động. Gió từ khơi xa cuốn tung bọt sóng và cát mịt mù làm dòng Nhật Lệ ẩn hiện mờ ảo, cùng nhà thờ Tam tòa kia cũng ẩn hiện mờ ảo.

Nhà thờ Tam tòa bị bom Mỹ làm đổ chỉ còn lại mấy vòm cửa đã có một thời người ta muốn đập bỏ nó đi để lấy chỗ xây một công trình hiện đại nào đó. Gã khi gặp lãnh đạo tỉnh đã cương quyết chống lại và yêu cầu phải giữ lại cái xác nhà thờ ấy như một di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.

Và gã nghĩ câu chuyện nhà thờ Tam tòa cần giữ lại cũng như câu chuyện gia đình mẹ Suốt cương quyết giữ mộ mẹ bên tình yêu của mẹ dù chỉ là một vồng cát bên một vồng cát. Cái gì thuộc về cuộc đời, số phận, đức tin, tình yêu đều là những giá trị trường tồn.

Tiếc rằng ở đất nước của gã không phải ai cũng hiểu được điều đó.

Comments are closed.