(Rút từ facebook của Nguyễn Đông Thức)
Tuổi Trẻ có mời tôi viết một bài trong cuốn “Chuyện nghề – Chuyện người”, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.
Giữa bao chuyện lớn của TT, tôi chọn viết một đề tài rất nhỏ, khiêm tốn, về sự đóng góp của Tuổi Trẻ trong phong trào sáng tác văn-thơ-nhạc của giới trẻ thành phố, và phần nào cả nước (bài “Cái nôi”).
Chính nhờ các trang sáng tác đã có từ rất sớm, nhờ các cuộc thi sáng tác ngắn hạn và dài hạn (đáng kể nhất là cuộc thi Văn học tuổi 20 và cuộc thi thơ Bút Mới), định kỳ và không định kỳ, nhờ Tủ sách Tuổi Trẻ, tập san Áo Trắng…, Tuổi Trẻ đã góp phần không nhỏ trong việc tạo sân chơi, phát hiện và ươm mầm cho các tài năng văn chương. Đó cũng là một hoạt động đáng kể của tờ báo (đáng tiếc là do quan niệm của những người phụ trách sau này, cuộc thi thơ Bút Mới đã không còn được duy trì nữa).
Trong phần liệt kê các tên tuổi văn chương trẻ sau 1975 xuất hiện từ những ngày đầu trên Tuổi Trẻ, tôi nhắc hàng loạt tên, trong đó có nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả của những Quê hương, Phượng hồng, Những bông hoa trên tuyến lửa… Anh cũng đã có hơn 12 năm làm phóng viên Tuổi Trẻ, chọn và biên tập thơ, viết Tản mạn Cuối tuần, vẽ minh hoạ, biếm hoạ… Trong bài viết của mình, tôi chỉ nhắc chung tên anh trong hàng loạt cái tên nhà thơ trẻ cùng thời thập niên 1980, như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Thái Dương, Thanh Nguyên, Bùi Chí Vinh, Cao Vũ Huy Miên, Đoàn Vị Thượng…
Nhưng khi in sách, cái tên ĐTQ trong bài viết của tôi đã… biến mất!
Tôi biết ĐTQ hiện đang nằm trong “black list”, sau khi anh hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm biển đảo và có tên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn Độc Lập (tất cả những điều này có gì là sai ở một đất nước đã tự nhận là có tự do, dân chủ?)… Cũng như vài bạn cùng chí hướng, anh đang bị phong toả về kinh tế, không cho xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, xuất bản, báo chí…, coi như… thất nghiệp.
Anh hoàn toàn chấp nhận cái giá phải trả, thậm chí còn hài hước rằng “tôi xin cảm ơn vì nhờ vậy mà tôi buộc phải chuyển sang vẽ tranh kiếm tiền và phát hiện mình làm hoạ sĩ “có ăn” hơn làm nhà thơ”.
Thế nhưng việc những nhà biên tập tập sách ở báo TT xoá tên anh trong bài viết của tôi, về một thực tế đã có, chẳng chút liên quan gì đến chính trị, cho thấy đây là một hành động nhỏ mọn, không đàng hoàng, tử tế. Đó là nói một cách lịch sự.
Dù có “xử” ĐTQ như thế nào thì anh cũng vẫn là một nhà thơ được không ít người yêu thích. Không ai có thể xoá tên một nhà thơ trong lòng bạn đọc, trừ chính anh ta.
Tại sao có thể làm vậy hả các cựu đồng nghiệp?!
Buồn!