Một công trình quý về “Văn học vấn” trên Nam Phong tạp chí

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

I. Đã có một thời, và cho tới nay vẫn còn rơi rớt cái định kiến sai lầm đến cực đoan rằng: Nam Phong tạp chí là tác hại, phản dân tộc, ru ngủ thanh niên xa rời cuộc đấu tranh, phục vụ cho mưu đồ cướp nước, làm lợi cho thực dân…

305804425_6090355354355992_2857284967987064458_n

 

Sự thực là: năm 1917, Nam Phong tạp chí do chính phủ bảo hộ chủ trương ra đời, với mục đích phục vụ chính sách cai trị cuả Pháp tại Việt Nam. Nhưng qua mấy thời kỳ cải cách, học giả Phạm Quỳnh đã khéo léo chuyển nội dung của tạp chí hướng về học thuật, giúp đông đảo người Việt tìm hiểu về các nền văn hoá Đông – Tây, đặc biệt là văn hoá Việt Nam, với mục đích nâng cao dân trí và dân khí… Kể từ khi ra đời đến nay, Nam Phong tạp chí ngày càng cho thấy: bài học chấn hưng văn hóa Việt vẫn luôn là thời sự cấp bách, nóng hổi.

Chủ trương của Nam Phong tạp chí là "thổ nạp Á Âu, điều hòa tân cựu" (tiếp thu dung nạp tinh hoa văn hóa, văn học phương Tây, khơi dậy nền văn hóa, văn chương dân tộc, điều hòa cũ mới, trong đó có vấn đề ngữ văn). Trong bối cảnh ngặt nghèo của lịch sử dân tộc hồi đầu thế kỷ XX, có thể coi đó là một trong những con đường đưa nước ta đi lên.

Nam Phong tạp chí đã hướng tới mở mang kiến thức, giữ gìn đạo đức, bảo tồn quốc hồn, quốc túy trong quốc dân đồng bào, truyền bá các môn khoa học tiên tiến của phương Tây, đặc biệt là giới thiệu các tư tưởng học thuật của Pháp. Nội dung bài vở phong phú, sâu sắc, trang trọng, thiên về biên khảo văn học, lịch sử, khoa học, triết học, văn thơ Hán Nôm, tiểu thuyết dịch thuật từ tiếng Pháp, các thông tin về chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, v.v..

Nam Phong tạp chí đã góp phần quan trọng đưa nền văn học nghệ thuật của Việt Nam hòa nhập với nền văn học nghệ thuật hiện đại của thế giới, nhất là của văn học – nghệ thuật Pháp, và góp phần đáng kể vào sự phát triển của văn học nước nhà giai đoạn bản lề nửa đầu thế kỷ XX. Những trí thức yêu nước, những cây đại thụ văn hóa Việt Nam đều gắn bó chặt chẽ với Nam Phong tạp chí. Lâu nay tạp chí Nam Phong luôn là nguồn tư liệu di sản Hán Nôm quý của dân tộc, đồng thời rất bổ ích đối với giới nghiên cứu – phê bình – sáng tác văn học.

Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn từng viết: “Có những kẻ không hiểu biết gì về văn chương Pháp và Trung Hoa, nhưng với tạp chí Nam Phong họ có thể có được một trình độ tri thức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Những học giả chỉ cần đọc tạp chí này cũng có được một kiến thức rộng rãi. Và trong khi đọc tờ Nam Phong người ta cũng có thể học hỏi được nền văn hóa phương Đông”. Còn nhà văn Vũ Ngọc Phan coi tạp chí Nam Phong như một thứ “bách khoa toàn thư” và kết luận rằng, lịch sử văn học hiện đại không thể nào quên được tờ Nam Phong [ Dẫn theo: https://vanhocsaigon.com/nhan-dien-lai-nam-phong-tap-chi/ ].

II. Mấy chục năm qua, đã có khá nhiều công trình mang tính chuyên luận & bài báo nghiên cứu các mảng tri thức nói chung và về VĂN nói riêng trên Nam Phong, nhưng phải đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Thuận, mảng VĂN mới được sưu tầm, khảo cứu một cách hệ thống và đầy đủ nhất. Và công trình này là một sự khẳng định: Nam Phong tạp chí còn rất chú trọng tới thể loại Văn phê bình nghiên cứu – lý luận văn chương, mà học giả Phạm Quỳnh gọi là “Văn học vấn” theo tư duy khoa học phương Tây – một trong những dấu hiệu của một nền văn học hiện đại hóa, thể loại mà trước đó đang còn là một khoảng trống trong nền văn học của ta.

306540735_6090356191022575_3012847475727317509_n

 

Do có đầy đủ 210 số tạp chí Nam Phong, sau khi cho ra chuyên luận "Văn trên Nam Phong tạp chí" và cuốn sách “Đoản thiên tiểu thuyết, truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí” (NXB Văn học, HN 2013), năm năm sau, Nguyễn Đức Thuận lại cho ra tiếp cuốn sách khổ lớn dày 1200 trang về "văn học vấn" này: “Văn phê bình nghiên cứu – lý luận ngữ văn trên Nam Phong tạp chí” (NXB Khoa học xã hội, HN 2019).

Cuốn sách đã sưu tầm được trên 100 bài phê bình nghiên cứu lý luận ngữ văn đã in trên Nam Phong tạp chí, phân loại và biên soạn, giới thiệu, để bạn đọc thấy được tờ tạp chí này đã trở thành tạp chí chủ đạo về học thuật nước nhà giai đoạn đầu nguồn của tiến trình hiện đại hóa văn học, hội nhập với nền văn học thế giới ra sao, góp phần khẳng định vai trò và công sức của Phạm Quỳnh cùng các cây bút nghiên cứu văn học theo hướng khoa học, khách quan của phương Tây, khác với lối thẩm bình duy cảm của phương Đông trước đây.

Mặc dù định hướng chủ yếu của Nam phong tạp chí là các lĩnh vực tư tưởng chính trị và khoa học xã hội, song nội dung khảo cứu, dịch thuật, bình luận, trao đổi, tranh luận về sáng tác văn học cũng đã được coi trọng; và điều đó được thực hiện một cách khoa học, công khai, thẳng thắn, đầy nhiệt huyết.

Trong xu thế chung của quá trình hội nhập & giao thoa Đông – Tây và qui luật canh tân, phát triển, “thổ nạp Á – Âu”, “điều hòa tân cựu” nhằm hiện đại hóa nền văn học dân tộc đương thời, các tác giả Nam Phong tạp chí đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề lý luận mang tính nền tảng, khai mở, “lót đường”, đem cho người đọc một nguồn tri thức văn học phong phú chưa từng có trước đó, góp phần tác động tích cực đến quá trình hiện đại hóa quốc văn ở mảng báo chí, xuất bản, hình thành những khái niệm mỹ học mới mẻ về kiểu tác giả, đề tài, trào lưu, thể loại và các thủ pháp nghệ thuật, đồng thời giới thiệu khá nhiều hiện tượng văn học Pháp đặc sắc. Tiêu biểu là các bàI viết: “Luận về phương pháp”, “Bảo thủ với tiến hóa”, “Văn hóa Pháp đối với tiền đồ nước Nam”, “Bàn về tiểu thuyết”, “Khảo về diễn kịch”, Một thí nghiệm về diễn kịch, “Thơ mới với thơ cũ”, “Bàn về hý kịch của ông Molière”, “Lịch sử và học thuyết của Montesquieu”, “Bàn về nhà văn sĩ Pháp Guy de Maupassant”, ”Lược khảo về văn học sử nước Pháp”, v.v..

Trước nhu cầu thời đại là “điều hòa tân cựu”, “tồn cổ lục”, “tổ quốc túy ngôn”, các tác giả Nam Phong tạp chí cũng đã tập trung bảo tồn di sản văn hóa & văn học truyền thống: a. Đi sâu khảo cứu chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Việt, chữ Quốc ngữ; b. Khởi động tìm hiểu từ cội nguồn ngữ văn dân gian đến trung đại và hiện đại; c. Tổ chức kỷ niệm và đề cao vị thế danh nhân – tác gia văn học (như Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Vũ Quỳnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn…); d. Dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm tiêu biểu như thơ văn các thời Lý – Trần – Lê (Lĩnh Nam chích quái, Quân trung từ mệnh tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân thi tập, Hà Tiên thập cảnh, Thượng kinh ký sự, Văn tế thập loại chúng sinh…).

Nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên đã nói về bộ phận văn khảo cứu, lý luận và phê bình “bằng những phương pháp mới” này của tạp chí như sau: “Đây là mục phong phú hơn cả. Chúng tôi buộc phải phân chia ra làm nhiều tiểu đề mục. Sau mục bàn giải tổng quát về văn hóa, văn học, văn minh, hoặc so sánh hai văn hóa Âu – Á, chúng tôi xếp đặt tiểu đề về các thi nhân và văn gia. Các nhà văn lớp cũ như tác giả Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Trãi… đã được nghiên cứu tới, cũng như lớp nhà văn mới như Đông Hồ, Phan Kế Bính. Người ta phải chú trọng đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Có thể nói đây là nhân vật và tác phẩm được suy tôn hơn cả. Khởi điểm chính là ngày lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền và những bài diễn văn trong dịp này, có ông Trần Trọng Kim tham gia tích cực. Có thể đây là lần đầu tiên trong văn học sử nước nhà, một tác phẩm thơ văn chữ Nôm được trọng quý, suy tôn và phân tích bằng những phương pháp mới. Mục tiêu duy trì và cổ động nền học cũ một phần nào đã được thực hiện ở đây” [Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, Nxb Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002, Hà Nội, tr.32].

Cuốn sách này, tôi tin là vô cùng hữu ích, đặc biệt đối với những người cầm bút viết văn trẻ ở nước ta hôm nay!

“Công trình kể biết mấy mươi!” (Kiều). Công phu của PGS. TS. Nguyễn Đức Thuận thực đáng nể trọng. Xin được mạn phép riêng những người đọc yêu văn chương cám ơn nhà nghiên cứu văn học đất Cảng!

MA NAT

Comments are closed.