Một án văn nghệ ít người biết

Nguyễn Thông

Kỳ 1:

Hôm rồi, Ban Tuyên giáo của đảng tổ chức khá trọng thể lễ trao giải cho những cá nhân, tập thể, tác phẩm học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của cụ Hồ. Điều này nhà nước chính quyền thực hiện hằng năm nhưng năm nay là mốc kỷ niệm chẵn hoành tráng (130 năm) nên độ lễ cũng hoành tráng hơn.

Cứ như những hàng chữ “đại tự” và con số cũng to chẳng kém trên phông màn (ảnh kèm theo) thì cuộc lễ này là “Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020”. Nhiều giải lắm. Trao nhận tíu tít. Nhưng cảm thấy lạ nhất là ban tổ chức lại lần mò quá khứ, trao giải đặc biệt (tức là giá trị trên cả giải nhất) cho một bài thơ chỉ thế hệ tôi (và trước hoặc sau đó mươi năm) biết, bài “Hồ Chí Minh, tên người là cả một niềm thơ” của nhà thơ cộng sản Cuba Felix Pita Rodriguez. Có nhẽ ban tổ chức đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên mời cả con gái thi sĩ quá cố tới nhận giải ngay trên sân khấu, do đích thân nhân vật số 2 của đảng, ông Trần Quốc Vượng trao.
Phải nói như này, đó là một bài thơ viết về cụ Hồ vào hạng hay nhất. Mà lại do người nước ngoài viết. Tôi lẩn thẩn cho rằng còn hay hơn cả thơ Tố Hữu về cụ, vốn chỉ ca ngợi một cách thái quá, giọng điệu nịnh nọt lộ liễu. Có nhẽ chỉ bài thơ nội địa “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của nhà chính trị-thi sĩ Việt Phương mới sánh nổi. Lứa chúng tôi (sinh giữa thập niên 50) hầu như đứa nào cũng biết, thậm chí thuộc làu bản dịch bài thơ của Phê Lích (thời ấy cứ gọi nôm na tên của Felix Pita Rodriguez thành Phê Lích Pi Ta Rô Đri Ghết). Hình như người ngoài họ nhìn vào ta sẽ khách quan chân thực và táo bạo hơn. Đó là chưa nói thứ tư duy của Tây có những vượt thoát ra khỏi khuôn mẫu tầm thường (mà phương đông hay có), tạo ra những hình ảnh đặc biệt. Lúc ban đầu, chúng tôi đọc bản dịch thi phẩm trứ danh này do nhà thơ Đào Xuân Quý chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, thấy đã hay, sau có những người được học hành ở Cuba rành tiếng Tây Ban Nha dịch, cụ thể là bản của Hoàng Hiệp (không phải nhạc sĩ Hoàng Hiệp lá đỏ) thì càng hay hơn. Không phải kiểu hô khẩu hiệu mòn sáo như Tố Hữu “người là cha, là bác, là anh/quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, mà Felix có cách diễn đạt rất đắt về cụ Hồ, chả hạn “Bởi vì người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/Người đã chết hai triệu lần nǎm đói bốn nhǎm khủng khiếp/Bởi vì người đã mặc mọi tấm áo xác xơ/Đã đi đôi chân trần của người dân mất nước”… Thơ như thế này thì Chế Lan Viên cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Ở Việt Nam thời ấy, cụ Chế khi công khai, lúc ngấm ngầm, luôn coi mình là nhất, thi bá trong quần hùng. Đám chúng tôi, học sinh lớp 8 lớp 9, rồi sau này thành sinh viên, cứ đọc đi đọc lại thơ Felix, bảo nhau tài thật, tài đến thế là cùng, cha bố anh Phê Lích.
Hẳn nhiều người nhớ rõ, ông Phê Lích viết bài trứ danh này năm 1968 sau khi sang Việt Nam đang chống Mỹ và được gặp cụ Hồ. Tức là khi cụ còn sống. Nhà thơ chỉ cảm nhận một con người lừng lẫy của cách mạng vô sản và thể hiện ra thôi chứ hoàn toàn chả có ý “học tập và làm theo” gì. Thế giới phe tả khi đó còn mải học tập và làm theo Stalin, Brezniev, Mao Trạch Đông, mấy khi để ý đến người vùng sâu vùng xa. Những năm chiến tranh, nhiều người biết nó (bài thơ), thuộc nó (tôi chẳng hạn). Kể từ sau 1975, không mấy ai nhắc tới nó nữa, cũng như số phận của rất nhiều tác phẩm văn chương trong dòng ca ngợi, nhất thời, phải đạo, minh họa. Bây giờ, Ban Tuyên giáo cũng như nhà cai trị xứ này sực nhớ tới nó, cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, “biết ơn người có công” là một chuyện, nhưng gán cho thi sĩ Phê Lích và bài thơ của ông là kết quả của cuộc học tập và làm theo thì quả thật quá khiên cưỡng, nhất là lại của “giai đoạn 2018 – 2020” thì càng vênh lắm. Ừ, thì khi đã có quyền, người ta muốn làm gì chả được, kể cả những điều phi lý vô lý nhất.
Nhưng tôi vẫn chưa kể vào cốt lõi vụ án văn nghệ ít người biết đâu. Kể luôn thì dài quá, mệt người đọc. Muốn biết đó là gì, ai sống chết thế nào, xem kỳ 2 sẽ rõ. (còn tiếp)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Kỳ 2:

Nước Nam ta xưa nay, án văn nghệ thời nào cũng có. Không kể đến những án ghê gớm liên quan tới Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…, chỉ riêng thời cộng sản nắm quyền đã nẩy sinh nhiều vụ oan sai, tai tiếng, vẩn đục cả làng văn nghệ. Những người từng sống ở miền Bắc từ thập niên 50 về sau, chả mấy ai không biết không nghe về những vụ liên quan đến văn nghệ sĩ, đến những tác phẩm bị nhà cai trị “rút phép thông công” như nhóm Nhân văn giai phẩm (với Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thụy An, Đặng Đình Hưng, Trần Duy…), “Nhãn đầu mùa” của Trần Thanh – Xuân Tùng, “Phá vây” của Phù Thăng, “Hai trận tuyến” của Hà Minh Tuân, “Sắp cưới” của Vũ Bão, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Những người thợ mỏ” của Võ Huy Tâm, một số bài ký của Nguyễn Tuân… Sau nữa là “Cửa mở” của Việt Phương, “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát, “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú… Rồi “Đề cương văn nghệ năm 1986” của Nguyên Ngọc, “Ly thân” của Trần Mạnh Hảo, “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, những phát ngôn của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Minh Châu, v.v.. Có cái thành án, thậm chí tác phẩm bị cấm tiệt, tác giả bị tù tội; có cái chỉ do lệnh miệng vu vơ rồi chịu số phận dập vùi, cấm cửa ở các nhà xuất bản, không một tờ báo hoặc cơ quan truyền thông nào dám nhắc tới nữa. Tất cả chỉ bởi vì chính quyền-nhà cai trị không thích, không hài lòng, nhẹ thì cho nó là dao hai lưỡi, lập lờ hai mặt, ám chỉ, xuyện tạc, nặng thì bị quy thành chống đối, phản động, thù địch.
Nhưng như thế đã đi một nhẽ. Đằng này có cả không ít tác phẩm theo dòng chủ lưu ca ngợi, đề cao, tâng bốc, xu nịnh (những điều mà người cộng sản rất thích, rất chú trọng) cũng bị xử luôn. Tôi muốn nhắc ở đây trường hợp một bài hát từng khá nổi tiếng, bài “Khi ta nghe tiếng người” của nhạc sĩ Lê Lan.
Mấy hôm rồi, cả hệ thống chính trị ồn ào việc kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Hồ. Thôi thì đủ thứ được khai quật để “tưởng nhớ công ơn người”. Tivi, đài phát thanh, báo chí, hội nghị, hội thảo, cả những chuyện gia chuyên ăn theo đời cụ như Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Túc… được dịp nổ trời. Người cộng sản lúc nào cũng khẳng định tập thể là trên hết nhưng sự sùng bái cá nhân của họ thì không lực lượng nào sánh kịp. Khi họ đã huy động cả bộ máy nắm trong tay vào cuộc, có nhẽ trên thế gian này không còn thứ gì tồn tại ngoài điều mà họ đang ca ngợi. Tượng đài, khu tưởng niệm, bia nhớ ơn dày đặc trong cuộc đời thực vẫn chưa đủ, mà trong văn nghệ cũng phải tầng tầng lớp lớp mới chịu.
Thế hệ chúng tôi đã trải qua, chứng kiến thời điểm cụ Hồ mất và những ngày sau đó. Nếu ai không hình dung ra như thế nào thì cứ móc vào với Triều Tiên bây giờ sẽ phát lộ kha khá sự giống nhau. Trong thể chế cộng sản, mối liên hệ giữa lãnh tụ với phần còn lại của xã hội chẳng khác gì giữa thánh nhân, hoàng đế, thần tiên, siêu nhân với người trần mắt thịt. Nhiều cán bộ, đảng viên, dân chúng đã khóc thực sự khi được thông báo cụ từ trần. Giới văn nghệ sĩ, những người ăn lộc của cụ được dịp tỏ lòng biết ơn tái tạo sinh thành, nói theo kiểu Nguyễn Tuân là “cuộc tái sinh màu nhiệm”. Giữa những ngày tháng 9 lịch sử ấy, hạng khóc cao cấp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Xuân Diệu, Việt Phương nức nở là chuyện đương nhiên, ngay cả chú bé thần đồng Trần Đăng Khoa cũng “cháu buốt ở trong tim này/chỗ đeo tang suốt đêm ngày, Bác ơi”. Hình như viết văn làm thơ mà không có bài về cụ dịp cụ “lên đường theo tổ tiên” này (về sau Tố Hữu tự sửa thành “nhẹ bước tiên” làm hỏng cả câu thơ) thì sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn để chứng minh với chế độ lòng trung thành của mình nữa.
Các nhạc sĩ cũng vậy, không thể nằm ngoài vòng quản lý tâm hồn. Hầu như toàn bộ giới son phe đều ráng ít nhất mỗi người một bài, nhiều vị vài ba bài khóc bác. Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Trần Chung, Xuân Giao, Nguyễn Văn Tý, Lưu Hữu Phước, Văn Ký… đồng thanh rất cảm động. Không chỉ trông cây lại nhớ đến người mà trong mắt các nhạc sĩ trời đất đều thảm sầu, lòng người buồn héo hắt. Tôi còn nhớ đám học trò lớp 8 chúng tôi được tập 2 bài để kỷ niệm nhân sinh nhật 19.5.1970, hơn nửa năm sau khi cụ mất. Một bài của Huy Du, “Người sống mãi trong lòng con”, có những câu như trời sụp, chẳng hạn “Rừng Trường Sơn xót xa, bờ biển xanh sóng gào, trái tim nức nở nghẹn ngào”, hoặc “trời đất mây ngừng bay rơi nước mưa sầu, đàn chim xao xuyến bay, ngẩn ngơ bao luống cày, nước non vĩnh biệt cúi đầu”, vừa tập vừa khóc sụt sịt. Bài thứ hai, của một nhạc sĩ không nổi tiếng lắm, tuy nhiên khá cảm động. Cô Thanh chủ nhiệm gọi đó là bài “Khi ta nghe tiếng người”, tác giả Lê Lan.
Phải công nhận, ca từ và giai điệu bài hát của Lê Lan đều rất hợp với sự bi thương, ca ngợi, kính dâng. Dễ hát, xúc động, tình cảm sâu lắng. Trong không khí tang tóc mà viết được như vậy quả đáng nể. Lại càng đáng ghi nhận hơn nếu ta biết rằng Lê Lan là một nhạc sĩ quân đội, chuyên chém to kho mặn, nhiều bài kể lể như vè hoặc tấu hài, chỉ xoáy vào chuyện đánh nhau, chém giết. Lứa chúng tôi đều thuộc mấy bài của ông thường được phát trong chương trình ca nhạc đài phát thanh, như “Kèn tiến công vang dội”, “Tiểu đội ta đạt 3 danh hiệu”, giờ nghe lại thấy cứ sao sao ấy, chẳng hạn “thằng cầm đầu vừa lóp ngóp ngoi lên, lốc nhốc một bầy quỷ Mỹ theo sau. Một hai ba bốn năm sáu… tên. Bắn thôi. Chớ bắn vội đồng chí ơi, chờ chúng tới một vài mét thôi. Một loạt đạn lia ra bốn phía, khà khà”, đại loại cứ nhẩn nha kể lể vậy, chả ra hát mà cũng chả ra kịch. Nhạc Lê Lan là thế. Mà chẳng riêng gì Lê Lan, thời bấy giờ hầu hết nhạc sĩ đều gân cổ hò hét cho xứng tầm anh hùng thời đại, như Trọng Bằng, Trọng Loan, Hồ Bắc, Phạm Đình Sáu, Lưu Hữu Phước. Chiến tranh đã tạo cho nhạc sĩ cách mạng khuôn mặt thần chết rất dữ dằn.
Lại nói bài của Lê Lan. Tôi dù dốt nhạc nhưng phải tự nhận thuộc nhiều bài thời chiến tranh, ngay cả những bài chả mấy ai để ý cũng thuộc, chả hạn “Khúc hát đảo quê hương” của Phạm Đình Sáu, “Nổi trống lên rừng núi ơi” của Hoàng Vân, “Người Châu Yên em bắn máy bay” của Trọng Loan, “Con cua đá” của Ngọc Cừ-Phan Ngạn, hay mấy bài vè kể lể của Lê Lan đã nhắc. Bài Lê Lan khóc cụ Hồ, tôi thuộc không sót một chữ, đơn giản bởi nó hay. Vậy nhưng bẵng đi sau hơn 50 năm, chợt lẩn mẩn nghĩ cái bài ấy của cha nào mà mình quên béng tên. Tối 18.5 rồi, điện cho ông bạn Xuân Ba, bộ nhớ của lớp đồng môn, hỏi mày ơi, mày có nhớ cái bài hát viết về cụ Hồ bị cấm hồi xưa không. Y cười xoe xóe bảo quên thế đéo nào được, của Lê Lan, có thế mà cũng không nhớ. Tôi chưa kịp nói thêm, y hát ông ổng trong máy điện thoại viễn liên “Như dòng sông đưa phù sa, bốn mùa xanh một màu đất nước/Người là ánh nắng ban mai, như hoa thơm Tháp Mười/Trọn niềm tin khi ta nghe tiếng người/Thời đại mới đang bừng lên, Hồ Chí Minh sáng mãi tên người/Dìu toàn dân qua chông gai mỗi bước đường…”. Công nhận tài thật, cứ như cái máy cát xét xổ băng.
Tôi cũng nhớ chứ có quên hẳn đâu, chỉ hỏi lại cho chắc ăn thôi. Như đã nói, lời bài hát (bây giờ người ta hay gọi điệu đà là ca từ) rất hay, giản dị, hợp cảnh, hợp người, tràn đầy tình thương yêu. Cô Thanh động viên đám học trò, các em hát bài này thế nào cũng đoạt giải. Đám chúng tôi lại rơm rớm nước mắt, chả biết vì cô Thanh, vì cụ Hồ, hay vì bài hát hay.
Thế rồi đùng một cái, có nhẽ chỉ được gần 1 năm sau khi bài hát ra đời, Lê Lan và tác phẩm nghẹn ngào của ông bị lên đoạn đầu đài. Ca ngợi cụ Hồ cũng mặc. Quân pháp bất vị… cụ. Thiên hạ đồn ầm lên rằng nhạc sĩ ăn cắp nhạc (hồi ấy nói thẳng là ăn cắp chứ không ne né đạo điếc như bây giờ). Nhạc ca ngợi cụ mà lại là thứ ăn cắp thì càng phải xử nặng. Nghe đâu Lê Lan ăn cắp giai điệu một bản dân ca Trung Á, rồi lại đồn từ bài hát ca ngợi Sa Pa Ép (Sapaev là một tướng lĩnh nổi tiếng của hồng quân Liên Xô, sư trưởng sư đoàn kỵ binh trong binh đoàn kỵ binh của nguyên soái Budioni. Hồi những năm 60 ở miền Bắc có chiếu bộ phim “Sư trưởng Sapaev” rất hay, ta thắng địch thua, xem khoái lắm). Không biết lệnh cấm, rút phép thông công từ Ban Tuyên giáo của ông Tố Hữu, hay Hội Nhạc sĩ VN của ông Đỗ Nhuận, hay Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật của ông Nguyễn Đình Thi, hay từ cấp nào đó, Tổng cục Chính trị của ông Song Hào chẳng hạn, mà bài “Khi ta nghe tiếng người” với cái tên Lê Lan ngay lập tức chìm vào quên lãng. Không ai nhắc tới nữa. Không một lần phát lại trên đài nữa, mà chả riêng bài này, hình như tất cả những bài khác của Lê Lan cùng chịu chung số phận. Một khi phiên tòa vô hình của chế độ đã đóng ịch chiếc búa xuống mặt lim thì chỉ từ chết tới bị thương. Không phải ai khác, chắc Lê Lan ngấm được điều đó. 42 năm sau (năm 2012) dù Lê Lan có được chiêu tuyết, được nhà nước nghĩ lại, sửa sai, truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật thì cũng quá muộn bởi ông đã “khối hờn mang xuống tuyền đài chưa tan”.
Nghĩ cũng lạ, một bài hát viết về lãnh tụ, ca ngợi hay thế, chỉ khép vào án ăn cắp giai điệu mà tan nát một đời. Nếu thế, thì Đỗ Nhuận cũng phải chịu án ấy khi lấy gần như nguyên giai điệu hò Nghệ Tĩnh để ra đời bài “Trông cây lại nhớ đến người”, rồi còn bao nhiêu bài quan họ, xẩm xoan, chèo ca ngợi cụ Hồ từ những làn điệu cổ xưa. Đành phải chép miệng, có nhẽ Lê Lan đã không gặp may trong sự nghiệp ca ngợi của mình.

Nguồn: FB Nguyễn Thông, Kỳ 1, Kỳ 2

Comments are closed.