Nếm tranh Bùi Chát

TS Lê Thanh Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan

Goethe được nhiều hoạ sĩ và nhà phê bình mỹ thuật tôn vinh là bậc thầy cho màu sắc. Dù ông vẽ tranh bằng những áng thơ tuyệt vời. Kiểu như Trần Tiến "một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng" vậy. Ngồi trong hố xí tập thể nhìn qua khe cửa mà "vẽ" Mặt trời bé con. Nhà thơ Bùi Chát thì còn đi xa hơn thế. Anh làm thơ, hay chính xác hơn là biểu đạt cảm xúc, bằng màu sắc.

"Mình ra cửa hàng chọn mua màu, có loại người ta ít dùng, có loại mình chưa biết dùng," hoạ sĩ Bùi Chát chia sẻ như vậy về công đoạn đầu tiên trong kỹ thuật dựng tranh, tại triển lãm tranh của mình ở Alpha Art station. Chính xác. Đến 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển P10 QPN ngắm tranh của Bùi Chát, bạn sẽ cảm giác rằng hoạ sĩ này xây dựng bố cục tranh như một đầu bếp sáng tạo, thử nguyên liệu mới, thêm dần các loại gia vị cho tới khi đạt đến được cảm giác đủ ngon. Một lối tạo khẩu vị mới đầy chất improvisation, như tên gọi triển lãm này. Có những màu mà người học mỹ thuật theo công thức sẽ không dám dùng, như màu đen, thì lại được Bùi Chát không ngại ngần dùng để thể hiện nét cọ (stroke). Có những màu mà theo thông lệ phải đặt như vậy để tạo chiều sâu và độ xa gần, như xanh lá, nâu và xanh da trời, nhưng trên tranh của Chát chỉ là những nét cảm xúc càng lúc càng tự tin hơn. Anh vẽ trên những tấm canvas to, cũng cỡ như William Turner từng sử dụng để trải nghiệm chính cảm giác của mình như khi treo thân trên cột buồm trong cơn bão mà vẽ biển bằng màu vàng, một thứ hội hoạ không dễ gì hiểu được ngay lập tức.

Đến với Improvisation, nếu nội lực kiến thức và trải nghiệm thực tế về hội hoạ chưa đủ để thưởng thức, bạn có thể ghé xe trái cây lề đường mua một trái cóc xanh, phải là thứ cóc có hột, cắt khứa thành bông hoa, cùng gói mắm, và chai rượu vang đỏ Merlot California, mà tới phòng tranh, kéo ghế ra giữa nhà cho sắc màu của Bùi Chát vây lấy chung quanh mình, mà cảm nhận. Có chỗ màu chua, có chỗ màu đắng, nhưng được hài hoà cân bằng không phải bằng luật cân phương nóng lạnh chính phụ của bảng màu, mà bằng độ mặn sâu lắng, bằng cảm nhận của mỗi chúng ta về màu sắc, những màu sắc đẹp đến mê ly được chắt lọc từ cuộc sống, mà không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội trải nghiệm ở đất Sài Gòn luôn bận rộn này. Alpha Art đã làm được điều đó, dành tặng cho Sài Gòn một không gian đầy nghệ thuật như vậy, chờ bạn tới thưởng thức tranh Bùi Chát.

Mỗi người sẽ có chọn lựa và cảm nhận riêng, còn tôi thì đặc biệt chú ý tới những nét stroke màu xanh lá cây trên tranh của Bùi Chát. Tâm lý học màu sắc đương đại ghi nhận rằng màu xanh lá cây trên lớp sơn móng tay của phụ nữ thể hiện độ tự tim của người đó. Qui luật đó dường như cũng đúng với tranh Bùi Chát. Những bức tranh mà anh sử dụng stroke xanh tạo cho kẻ xem tranh khó tính cảm nhận rằng nhà thơ sau một giai đoạn thử nghiệm và loay hoay với đống tuýp màu, giờ đã tự tin rằng mình cũng là hoạ sĩ. Nếu như trường lớp ép người ta ngay từ đầu đã phải nhìn sự vật qua lăng kính hệ toạ độ ước lệ, thì sự luyện tập kiên trì trên con đường đi tìm cái đẹp (Mỹ học theo kiểu Hegel hay chính xác hơn là nhân học vị giác kiểu Kant) giúp Bùi Chát đạt tới cái góc video corda (Latin – nhìn bằng con tim) trong lao động nghệ thuật. Nói một cách khác, Bùi Chát bằng con đường riêng độc đáo của mình, đã vượt ra khỏi điều mà các nhà phê bình tranh nước ngoài như Nora Taylor gọi là "sự chật chội của các xưởng hoạ Việt Nam", mà giữ chỗ, dù thứ hạng chắc vẫn còn khiêm tốn, trong bản đồ tranh Đông Nam Á.

Khi mà trí tuệ cảm xúc (EQ), bên cạnh trí tuệ văn hoá (CQ) và trí tuệ logic (IQ) đang là tiêu chí cần thiết trong các tập đoàn kinh tế thành công, thì những bức tranh kiểu này của Bùi Chát chính là sản phẩm nghệ thuật đầy giá trị cần phải có trong phòng họp (khổ to) hay phòng làm việc (khổ nhỏ) đặng mà hoá giải cảm xúc tiêu cực, tạo ra năng lượng tích cực, làm động cơ thúc đẩy sáng tạo và phát triển. Nếu tranh ấn tượng của Seurat và Signat tạo ngẫu hứng cho máy in màu offset, thì tranh sắc màu của Bùi Chát ít nhất cũng sẽ điều phối các tế bào thần kinh sáng tạo của chúng ta phối hợp tốt hơn với nhau hơn, tạo ra một môi trường giao tiếp đầy hưng phấn – điều kiện cần cho thành công trong doanh nghiệp, hay cà phê nối kết.

Trân trọng cám ơn giám tuyển Nguyên Hưng đã phát hiện và giới thiệu vào làng hoạ sĩ Sài Gòn một gương mặt mới, một phong cách mới, và – đặc biệt là – một món ăn nghệ thuật hoàn toàn mới, lạ và rất ngon miệng, cho ai biết vượt qua chát mà đến được chỗ bùi.

Có thể là tác phẩm nghệ thuật

Nguồn: FB Lê Thanh Hải

Comments are closed.