Nếu không nghe tiếng trống, tiếng súng sẽ vang lên

(Rút từ facebook của Trần Vương Thuận)

Ngày hôm nay, phiên tòa xử Đặng Văn Hiến, nhân vật chính trong vụ hỗn chiến đầy tiếng súng khiến 3 người chết đã bị hoãn. Cái án tử vẫn treo lơ lửng trên đầu bị cáo. Những tiếng súng oan nghiệt ấy đã có thể ngăn lại, nếu những tiếng trống trước đó được lắng nghe, được chia sẻ, được giải quyết.

Những tiếng trống kêu oan, những tiếng trống vang lên thắc thỏm, đầy hi vọng ấy, đã từng có mặt và cứu với nhiều người, vào cái thời mà thông tin liên lạc còn là những điều gì mờ mịt.

Thời vua Minh Mạng phối hợp ba cơ quan là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (Viện Giám sát) và Đại Lý tự (Tòa Phá án) thành tòa án tối cao gọi là Tam Pháp ty, tức Tam Tòa, để giải quyết khiếu nại của dân. Cứ đến ngày mùng 6, 16, 26 hằng tháng, Tam Pháp ty mở hội đồng để xét xử. Trước Tam Pháp ty có một cái trống đại gọi là trống Đăng Văn. Chiếc trống ấy dùng để “thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn. Hội đồng nhận đơn cứ chiếu lý bàn xử, rồi hội hàm làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào quan hệ đến nha nào thì chép đưa cho nha ấy làm theo. Khi tiếp được tờ tâu phong kín thì lập tức dâng trình, không được tự tiện phát đi. Còn những ngày khác, mỗi nơi cắt một thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần dân nào có tờ tâu phong kín tố cáo việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đánh trống Đăng Văn, đưa đơn kêu”. Nghe thấy tiếng trống, dù lúc ấy nhà vua đang làm gì cũng sẵn sàng nhận đơn kêu oan. Nhà vua đọc xong, phê trên đơn và đưa xuống Tam Pháp ty xét xử.

Vào cái thời mà vua là cha mẹ dân chứ không phải là công bộc của dân ấy, đã có nhiều nỗi oan được tiếng trống ấy giải quyết. Như ông Bùi Hữu Nghĩa, người có tên trên cái đường xinh xinh hiện nay, vốn đã bị kết án tử, đóng gông chờ chém vì ông là tri huyện mà đã bảo vệ việc miễn thuế và độc quyền khai thác thủy sản của người Khmer ở rạch Láng Thé-Trà Vinh, động đến lợi ích nhóm của nhóm người Hoa và các quan lớn ở đây.

Bà Nguyễn Thị Tồn, vợ thủ khoa Nghĩa, nhờ người em bạn dì là Quản Kiệm tìm cách lùi ngày thi hành án, chờ bà quá giang ghe bầu ra Huế kêu oan. Đến Huế, bà Tồn đã tìm gặp Phan Thanh Giản đang làm thượng thư Bộ Lại trình bày sự việc rồi đến Tam Tòa đánh ba hồi trống kích cổ Đăng Văn, giải bày nỗi oan khuất với người đứng đầu nhà nước lúc bấy giờ là vua Tự Đức. Nhờ vậy, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết. Bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) đã mời bà Tồn vào cung và ban hưởng tấm biển chạm nổi bốn chữ vàng Tiết Phụ Khả Gia.

Ở một vụ khác, còn kinh hoàng hơn, khi đám nha lại câu kết, giết chết dân lành cướp của chia nhau, bịa ra một bộ hồ sơ giả để báo công và lĩnh thưởng thêm. Chuyện là một nhóm người Hoa ở phố Gia Hội (Huế) và Quảng Nam về quê Trung Quốc thăm nhà, bị quan quân tuần biển chặn lại giết người, cướp của. Nhóm tuần tiểu còn tâu lên triều đình xin thưởng công trừ giặc. Một người trong số quan quân nhà Nguyễn gần phố Gia Hội ăn nhậu không tiền trả, cầm chiếc nhẫn cho chủ quán. Mặt nhẫn có khắc tên người chủ nên vợ nạn nhân nhận ra và viết đơn, đánh trống.

Sau khi nhận đơn kêu oan; vua Tự Đức xem lại tờ tâu trước, bấy giờ mới phát hiện rằng giặc nhiều thế sao lại kháng cự yếu ớt, dễ dàng bị tiêu diệt đến thế; sinh nghi, vua sai quan bộ binh đi khám xét điều tra lại. Viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong là Trần Hựu thú nhận rằng: Ngày 18-5 năm Tân Hợi (17-6-1851), thuyền quan đậu ở cửa biển Thị Nại, được tin có ba chiếc thuyền lạ ngoài hải phận đảo Thanh Dữ. Phạm Xích chẳng hỏi ất giáp gì, đuổi theo bắn, không gặp sự kháng cự nào; chúng chỉ một mực bỏ chạy về hướng đông. Khi Xích áp gần một chiếc, bắn một phát thì thuyền ấy cuốn buồm, 33 người tới thuyền nan trình thẻ, nói là nhà buôn ở phố Thừa Thiên xin về thăm quê (Trung Quốc) và đã được cấp phép, lại có quen biết với Tôn Thất Thiều. Nhưng Thiều lại sai bắt chém hết; Xích cũng sai bọn suất đội Dương Cù đem 76 người còn lại trên thuyền giết luôn, ném xác xuống biển. Quan Bộ Binh cho rằng bọn Xích giết càn để cướp của, lại mạo xưng công lao, tâu vua giao cho Tam Pháp ty tra xét. Án thành, Thiều là chủ mưu, bị đổi họ và cùng với Phạm Xích bị xử tội lăng trì; Dương Cù xử tội trảm quyết, Trần Hựu biết thú nhận, được tha.

Ngày nay người ta có hàng triệu phương tiện thay cho chiếc trống kêu oan ấy, người ta có email, có tin nhắn, có điện thoại, có bưu điện giao hồ sơ… nhưng người lắng nghe tiếng trống sao vắng quá. Đặng Văn Hiến và nhiều người dân cùng huyện đã bao lần đưa đơn lên các cấp kêu đòi về cuộc sống khó khăn và nguy hiểm khi đối diện với các công ty lộng quyền, về sự bất công đang đè lên từng phân da thịt của những nông dân khổ ải, tiếng trống họ gióng lên không có một phản hồi nào cho đến khi bi kịch diễn ra.

Hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm đã rơi vào khốn khổ, những chứng tích lịch sử mở đất bị bứng đi, những người đã đội đơn lên đầu tìm đến cơ quan cao nhất để gióng trống, những tiếng trống vang vang mà báo chí nêu ra, tất cả đều rơi vào khoảng không im ỉm cho đến khi chuyện củi lò đã làm lộ những chi tiết không ngờ đến. Những chi tiết mà người dân đã vác đơn đi mong ai đó xem và giải quyết cho mình trong hàng chục năm, đáng buồn thay, chính là những chi tiết “bất ngờ” đấy.

Không chỉ là Đặng Văn Hiến, không chỉ là dân thủ Thiêm, còn bao nhiêu tiếng rên xiết còn đó, còn bao nhiêu ngàn người vẫn hàng ngày gióng trống Đăng Văn, mong có ai đó nghe thấy, nhìn thấy mình. Là trống hay là email, là tam ty hay phòng tiếp dân… cũng chỉ là phương tiện, nếu vẫn còn sự bưng tai bịt mắt để ấm vào thân của những ngữu trách, nếu không ai vội vàng bỏ bữa cơm để soi cho ra một số phận nào đó sắp bị hủy hoại bởi sự hung ác và gian trá, thì cơn cùng quẫn sẽ mang tiếng súng đến. Tiếng trống không được lắng nghe thì tiếng súng sẽ làm tan nát nhiều thứ.

Những người dân lành không muốn siết cò, họ cần ai đó hiểu rằng tiếng trống của họ mới là an nguy quốc gia, hiểu rằng tiếng trống của họ mới là mạch sống cho một xã hội khỏe mạnh, hiểu rằng tiếng trống của họ là tiếng cảnh báo cho tất cả.

Củi hay lò thì cũng phải vì tiếng trống ấy của người dân thì mới mang sức nóng thật sự. Hãy nghe tiếng trống, đừng chờ lúc đi núp tiếng súng.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mũ và ngoài trời

Comments are closed.