Nghẹt thở với “Đinh Trang mộng”

(Rút từ facebook của Nguyễn Thị Tịnh Thy)

“Đinh Trang mộng” là tác phẩm mà nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) phải xin lỗi người đọc bởi vì đã trao cho họ một câu chuyện quá đỗi buồn thảm, một nỗi đau đớn thắt lòng, “một khối tuyệt vọng khổ đau”.

*
Không có mô tả ảnh.Người kể chuyện của “Đinh Trang mộng” là linh hồn của cậu bé Tiểu Cường mười hai tuổi. Đinh Thủy Dương, ông nội Tiểu Cường, đã thành công trong việc vận động dân Đinh Trang bán máu để thoát nghèo. Khốn thay, ông vừa khiến cho họ đổi đời, vừa khiến họ mất mạng. Ông vừa làm tái sinh Đinh Trang, vừa hủy diệt Đinh Trang. Kiếm tiền quá dễ, người dân Đinh Trang lao vào bán máu như điên. Trên đường làng dày đặc bông sát trùng, đầu kim tiêm và bình thủy tinh bị vỡ. Trạm thu mua máu lưu động mọc lên khắp nơi. Người ta có thể vừa ăn cơm, vừa giơ cánh tay lên để lấy máu; đang làm đồng, có thể nhảy lên bờ bán máu. Kim tiêm và bông băng dùng chung, rất nhanh và rất tiện. Máu trong cơ thể như nước trong giếng, càng múc càng đầy. Nhà cửa khang trang, tiện nghi đủ đầy, cuộc sống như mơ. Người phất lên nhanh nhất trong cơ cuộc này chính là Đinh Huy – con cả của Đinh Thủy Dương. Đinh Huy trở thành nậu máu, vua máu của một vùng.
Hậu quả của bán máu là đại dịch AIDS lan tràn, trở thành thảm họa. Trong cơn bế tắc và cuồng vọng cuối cùng, những bệnh nhân AIDS và người chưa nhiễm AIDS hối hả phản bội nhau, ruồng bỏ nhau, trả thù nhau, tranh giành nhau, lừa gạt nhau, dan díu với nhau… Người chết như rạ, không còn quan tài để chôn. Cây cối trong thôn đốn trụi hết cũng không đủ để làm quan tài. Chính phủ cấp quan tài cho bệnh nhân AIDS. Nhưng qua tay Đinh Huy và các vị lãnh đạo, người dân phải mất tiền và lao tâm khổ tứ mới mua được. Người chết trẻ quá nhiều, Đinh Huy nghĩ ra một thương vụ mới. Hắn làm môi giới âm hôn (kết hôn cho người chết) và tiền lại tuôn vào nhà như nước, quyền lực lại càng cao… Hắn biến thôn Đinh Trang thành cõi chết và cõi chờ chết. Đứa con trai mười hai tuổi bị đầu độc chết, em trai bị quật mộ cũng không làm hắn chùn tay. Cuối cùng, ông già Đinh Thủy Dương đã dùng gậy đập chết con trai mình, chấm dứt chuỗi hành động độc ác của hắn. Ông già đi đến từng nhà trong thôn “báo hỉ” và xin lỗi dân làng. Nhưng Đinh Trang không còn ai nữa, người chết đã chết rồi, người sống đã bỏ đi hết. Nhà nhà vẫn còn, nhưng cửa sổ, cửa chính, rương hòm, tủ đứng thì không còn nữa. Tất cả đều bị dỡ làm quan tài hết rồi.
Đinh Trang tĩnh lặng. Đinh Trang trơ trụi. Đinh Trang chơ vơ. Đinh Trang tuyệt tận. Hàng trăm thôn làng, thị trấn trong vùng cũng giống hệt Đinh Trang.
“Đinh Trang mộng” đậm chất thời sự khi viết về đại dịch AIDS. Tuy nhiên, xét đến cùng, đây là câu chuyện ngụ ngôn về sự tàn lụi của con người. Diêm Liên Khoa đã đặt các nhân vật vào cửa tử để họ bộc lộ đến tận cùng bản chất đen tối của mình. Lòng tham, tiền bạc và danh vọng đã làm biến dạng con người hay điều đó mới chính là nhân dạng của họ? Một tình yêu muộn, một sự hối hận yếu ớt cũng trở nên chỏng chơ trong cơn sóng tàn ác của toàn tác phẩm.
Đan xen giữa tỉnh và mộng, thực và ảo, phồn vinh và đổ nát, chết chóc và hoan lạc, hy sinh và chiếm đoạt, công lý và báo thù…, “Đinh Trang mộng” là nỗi tuyệt vọng và khúc bi ca lớn lao về nông thôn Trung Quốc và dân tính Trung Hoa. Đối với người Trung Quốc xưa nay, đạo đức và đạo đức nông thôn là những nguyên tắc cơ bản để duy trì nền tảng xã hội. Nông dân đồng nghĩa với nhân hậu, chất phác và hiền lành; nông thôn là quê hương tinh thần, là chốn nương náu tâm hồn của mỗi một con người, đặc biệt là con người thời hiện đại. Vậy mà trong “Đinh Trang mộng”, nông thôn là chốn tham lam, lọc lừa, tàn độc đến kinh hoàng. Sự sụp đổ đạo đức nông thôn không phải do áp lực chính trị hay điều kiện sinh tồn, mà do chính trong bản chất người – người Trung Hoa. Muôn mặt của “người Trung Quốc xấu xí” lại một lần nữa được Diêm Liên Khoa dũng cảm phơi bày trong “Đinh Trang mộng”. Đó là chính là cái hiện thực hơn cả hiện thực, hiện thực tưởng như hoang đường, hiện thực nghiệt ngã đến mức không thể tin nổi đã được lôi ra từ trong sâu thẳm tâm hồn, tính cách, tâm lý và bệnh lý tinh thần của dân tộc Trung Hoa. Nguyên nhân của sự hủy diệt bạo tàn trong “Đinh Trang mộng” không phải do bệnh AIDS, mà chính do vực thẳm nhân tính này.
“Đinh Trang mộng” được kể bởi người đã chết với điểm nhìn toàn tri toàn năng. Giọng điệu kể chuyện chậm rãi, bình thản, lạnh băng đến nghẹt thở. Rất nhiều câu văn ngắn, thiếu hụt bất thường đến kinh hãi. Không gian đặc quánh màu máu, mùi máu, con bệnh, xác chết và quan tài đến rùng rợn. Nghệ thuật viết đã góp phần khiến hiện thực trong tác phẩm như dội thẳng vào người đọc, cuốn hút, ghê sợ, tuyệt vọng và đau xót tột cùng.
Cũng giống như Lỗ Tấn của thế kỷ XX đã từng cô độc như dũng sĩ múa kích một mình trên sa mạc khi đặt những nhược điểm của quốc dân tính Trung Hoa lên đầu bút, viết xong “Đinh Trang mộng”, Diêm Liên Khoa có cảm giác cô đơn và bất lực “như bị bỏ rơi giữa đại dương mênh mông không một bóng người”. Ông khóc, và “không nói được rõ ràng vì sao lại đau khổ, vì ai mà rơi lệ”. Tuy nhiên, đọc xong tác phẩm, ta sẽ lý giải được vì sao. Không phải là bệnh AIDS trên thân thể mà là bệnh AIDS trong tinh thần và tính cách dân tộc Trung Hoa đã khiến ông thất vọng, lo âu, khổ đau mà rơi lệ. Thành công và vinh quang của nhà văn có được khi viết về nỗi ô nhục của dân tộc mình thì thật đáng xót xa và tủi hổ biết nhường nào!
“Đinh Trang mộng” là giấc mộng Đinh Trang. Nhưng chính xác hơn, đó là ác mộng Đinh Trang, ác mộng Trung Hoa!

Comments are closed.