Nguyễn Hòa, “nhà phê bình mù”

(Rút từ facebook của Inrasara)

Bài “Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây” của Nguyễn Hòa đăng trên Vanvn.net, ngày 3-8-2016 phạm cả khối sai lầm về kiến thức, người đọc có hiểu biết cơ bản về hậu hiện đại không khó nhận ra. Ở đây tôi chỉ nêu lên 4 điểm lạ đời.

1. NH thiếu văn hóa… chú thích
Bài viết dằng dặc đến 7.180 chữ, với cả đống tên tuổi và trích đoạn, vậy mà vỏn vẹn 2 chú thích cụ thể được dẫn ra! Từ thiếu văn hóa chú thích dẫn đến nỗi khiếm danh. Cơ man là “có bài”, “có đoạn”, “ông cho rằng”, “những ai”, “dịch giả kể trên nói”. “Những ai” không ai biết là ai. “Có bài”, “có đoạn” càng không viết bài/ đoạn kia đăng ở đâu. Thao tác tối thiểu đòi hỏi ở một bài nghiên cứu phê bình mà nhà phê bình bỏ qua, không lạ sao?
Vụ khiếm danh này, lần trước khi viết phê bình hậu hiện đại, tôi đã hai lần lôi Nguyễn Hòa lên mặt báo hầu chuyện, vậy mà ông cứ tính nào tật nấy, không chừa.

2. Nguyễn Hòa quyết giành bản quyền lạc hậu về phần mình
Ngay phần vào bài, NH viết:
“Gần đây, một vài học giả / phê bình gia ở Việt Nam bắt đầu truyền bá ý tưởng rằng văn nghệ sĩ Việt Nam không nên tiếp cận văn nghệ hậu hiện đại, mà phải đi trở lại con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại” kèm theo ghi chú: “Người đưa ra ý tưởng bảo thủ vô nghĩa này là Hoàng Ngọc Hiến”.
Sợ mất bản quyền lạc hậu, NH thanh minh:
“Tôi đọc và thấy buồn cười, vì trước đó mấy năm trong bài Văn chương 2004 – oằn mình giữa “nhập nhòa” cũ – mới, tôi đã viết: “Vào lúc các lý thuyết gia đang quảng bá cho một nền văn học “hậu hiện đại”, tôi vẫn không tin lúc này văn học chúng ta đã bước vào giai đoạn “hậu hiện đại”, bởi liệu nền tảng là trình độ tư duy đã đi hết con đường “hiện đại” hay chưa. Phân tích kỹ lưỡng, chưa biết chừng trình độ tư duy của chính những người đang say mê quảng bá vẫn còn ở trong giai đoạn “tiền hiện đại”…!”.
NH tiếp:
“Tôi kể chuyện trên không để thanh minh, khoe khoang mà từ đó muốn đề cập đến việc trước khi viết tham luận này tôi đã tham khảo một số bạn bè, và đúng lúc tôi triển khai lại xuất hiện một số ý kiến khá gần gũi ý tưởng của tôi, vì thế có thể xuất hiện khả năng tôi “phụ họa, khai triển ý tưởng” của người khác!”
Lạc hậu mà không tự biết, mà còn bày ra cho thiên hạ thưởng ngoạn. Ẹ vậy đó. Thôi thì cứ để yên đấy. Hãy xem NH mù thế nào.

3. “Nhà phê bình mù” [là chữ của Nguyễn Hưng Quốc, tôi dùng lại].
NH viết:
“Tuy nhiên tôi vẫn nhớ năm 2004, trả lời phỏng vấn Thể thao và Văn hóa, dịch giả kể trên nói: “tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”, nhưng 12 năm đã qua vẫn chưa thấy lối viết hậu hiện đại “trở nên phổ biến ở Việt Nam”, phải chăng “chẳng bao lâu nữa” cũng chỉ là thời hạn tù mù? Thiển nghĩ, đưa ra một luận điểm “cấp tiến, hữu nghĩa” nhưng quá lâu chưa được kiểm chứng, thì cũng nên kiểm tra lại ý kiến của mình!”
Cả ở đây, NH cũng quyết làm chuyện mù mờ, khiếm danh: “dịch giả kể trên” là ai?
Đích thị đó là câu Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời phỏng vấn báo Thể thao & Văn hóa, ngày 6-1-2004, là một dự cảm đúng. Có mù mới không thấy.
Nếu chỉ đọc báo Văn nghệ, và báo văn nghệ nhà nước các loại thì nhận đinh kia không sai, nhưng tinh thần hậu hiện đại là phi tâm hóa. Mà đại bộ phận sáng tác hậu hiện đại nằm ở “ngoại vi”: Văn chương mạng, sáng tác của người Việt hải ngoại, văn học ngoài luồng, tác phẩm in phi chính thống.
12 năm, xuất hiện hơn trăm tác giả hậu hiện đại ở cả phía chính thống lẫn [sáng tác bị cho là] ngoại vi [không kể tác giả là người Việt hải ngoại] thuộc ba thế hệ khác nhau, thì “lối viết hậu hiện đại trở nên phổ biến ở Việt Nam” rồi là gì! Không nhận ra chúng mới là mù(1).
Còn có đọc, mà không thấy chúng “hay”, là mù kiểu khác.
NH không chấp nhận nó “hay” là vấn đề của anh. Riêng tôi, tôi có thể nêu ra hàng chục tác giả và tác phẩm sáng giá rất đáng đọc. Tạm kể vài tên tuổi: Nguyễn Đăng Thường, Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Nam, Bùi Chát, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Lê Anh Hoài, Dang Than Đặng Thân, Lê Vĩnh Tài, Đỗ Quyên, Phan Quỳnh Trâm…

4. Mù, nên nói bừa
NH viết:
“Như trong bài Hậu hiện đại thực chất và ảo tượng, sau khi nhận xét tình trạng “ngộ nhận… kết hợp, diễn giải một cách khá tùy tiện… vì không đọc kỹ Lyotard hoặc vì thiếu kiến thức văn học và ngoại ngữ”, Thụy Khuê khuyến cáo…”
Về người “quảng bá” hậu hiện đại, ai là kẻ “thiếu kiến thức văn học và ngoại ngữ”, không thấy tác giả bài báo nêu tên tuổi. Vậy mà NH tin, viết tiếp:
“Tôi đồ rằng từ kiểu ý kiến như vậy, Thụy Khê đã phải khuyên những ai đang sùng bái và cổ vũ cho văn học Hậu hiện đại ở Việt Nam: “Nên học từ gốc chứ không từ ngọn”!”
Những người “quảng bá” hậu hiện đại, tạm kê vài tên tuổi đáng tin cậy: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Bùi Văn Nam Sơn, Lê Huy Bắc, Hoàng Hưng, Ngân Xuyên, Trần Quang Thái, Inrasara, Phạm Viết Đào, Lã Nguyên, Nhật Chiêu, Đào Tuấn Ảnh, Trần Ngọc Hiếu…(2)
Ai trong những tên tuổi này chỉ học hậu hiện đại “từ ngọn” mà không “học từ gốc”? Hậu hiện đại có phải có mỗi Lyotard để phải khuyên nhau đọc kĩ?
Trời đất, ta mù [“ngoại ngữ và kiến thức văn học”] nên ta nghĩ ai cũng mù như ta!

5. Cuối cùng, cũng cần cho NH hay cái căn bản
“Yếu tố”, “tính” hậu hiện đại nó khác hoàn toàn với “chủ nghĩa” hậu hiện đại. Một tác phẩm trước đó có yếu tố hậu hiện đại, khác hoàn toàn với một sáng tác [theo trường phái] hậu hiện đại.
Truy tìm phả hệ hậu hiện đại, các nhà lý thuyết còn tìm đến tận Nietzsche, Heidegger; dù hai vị này không phải là lý thuyết gia hậu hiện đại. Phả hệ của sáng tác hậu hiện đại Việt cũng vậy, nhà phê bình có thể tìm đến tận Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, mà không sợ trật.

Chuyện Nguyễn Hòa còn dài, thông tin để anh biết là một chuyện, còn anh có hiểu nó không, là chuyện hoàn toàn khác.

Phan Rang, 5-8-2016

_______

(1) Về các tác giả thơ hậu hiện đại, có thể tham khảo 2 tập tiểu luận-phê bình: Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, Tienve.org, 2009, và Thế hệ thơ hậu hiện đại mới, Inrasara.com, 2014, cùng rất nhiều tiểu luận phê bình của tác giả khác.
(2) Đòi hỏi những người sáng tác hậu hiện đại phải hiểu biết sâu về lí thuyết văn học là điều phi lí, thế nên không lạ khi thấy ở đây đó các tác giả hậu hiện đại phát biểu có chỗ bất cập về trào lưu này. Ví dụ 2 tác giả hậu hiện đại hiện đang viết mạnh là Lê Vĩnh Tài và Lê Anh Hoài, không cần phải đọc nhiều lí thuyết hậu hiện đại, mà chỉ bằng cảm thức hậu hiện đại và cảm hứng thời đại, họ vẫn sản sinh nhiều tác phẩm hậu hiện đại giá trị.
Riêng người làm phê bình, dịch thuật, nghiên cứu, họ phải uống nước tận nguồn. Ở tầm như Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Bùi Văn Nam Sơn mà kêu hớt ngọn hậu hiện đại, thì không gì bậy hơn. Đứng giảng đường nói về hậu hiện đại như Nhật Chiêu, Lã Nguyên hay làm Luận án Tiến sĩ liên quan đến hậu hiện đại như Trần Ngọc Hiếu, mà không học từ gốc thì họ lấy gì để viết, nói? Cả bản thân tôi nữa, viết hai tác phẩm phê bình hậu hiện đại với cả mấy chục tiểu luận về hậu hiện đại, mà không tìm đọc tận Heidegger, Jacques Derrida, Jean-Francois Lyotard, J. Baudrillard, Fredric Jameson, Charles Jencks, Mary Klages, Barry Lewis, Mikhail Epstein… thì tôi phải đọc cái gì đây!

Comments are closed.