Nhà nước pháp quyền

Lưu Thủy Hương

 

Là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với đa số người Việt. Thời gian này nó thường xuyên được nhắc đến qua cố gắng xin vào EU của Ukraine.

°

Vậy, nhà nước pháp quyền là gì?

Đó là tiêu chuẩn đầu tiên để trở thành một nước thành viên của EU.

Nhà nước pháp quyền có nghĩa là chính phủ và chính quyền chỉ có thể hành động trong khuôn khổ các luật hiện hành.

Tất cả mọi người đều có quyền như nhau. Không người nào bị hạ thấp, bị thiệt thòi vì giới tính, nguồn gốc, ngôn ngữ hoặc tín ngưỡng… của họ. Các tòa án phải kiểm tra xem nhà nước có tuân thủ luật pháp và bảo vệ quyền của công dân hay không. Bằng cách này, công dân được bảo vệ khỏi sự tùy tiện, sự phân biệt đối xử và sự vi phạm nhân quyền của nhà nước.

Trong một nhà nước pháp quyền, công dân có thể tin tưởng rằng, quyền của họ được nhà nước bảo vệ.

Đối lập với nhà nước pháp quyền là một “nhà nước cảnh sát trị” hoặc “nhà nước độc tài”. Ở đó nhà nước không tuân theo bất kỳ hiến pháp hay luật cơ bản nào. Người dân ở đó không có cơ hội đấu tranh cho quyền lợi của họ trước tòa án. Trong nhà nước cảnh sát trị hoặc nhà nước độc tài, những người nắm quyền quyết định mọi hành động. Luật pháp và công lý không được xem là những nguyên tắc căn bản.

°

Hệ thống trách nhiệm của nhà nước pháp quyền được hình thành theo 4 nguyên tắc cơ bản:

▪ Trách nhiệm giải trình

Nhà nước pháp quyền được thiết kế để mọi người đều có trách nhiệm giải trình, bất kể địa vị của họ như thế nào. Điều này áp dụng cho cả chính phủ và các tổ chức, không cho phép các trường hợp ngoại lệ hoặc đối xử ưu đãi. Ví dụ, cảnh sát và quan chức chính phủ không được phép miễn trừ khỏi luật pháp vì vị trí quyền lực của họ.

▪ Luật lệ công bằng

Để một nhà nước pháp quyền trở nên công bằng, nó phải dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với công chúng, nó phải ổn định (không thay đổi lung tung) và được áp dụng bình đẳng, tức là không khắt khe hơn đối với một số đối tượng khác.

▪ Chính phủ minh bạch

Toàn bộ quá trình thi hành luật, bắt đầu từ việc ứng dụng cho việc thực thi, tất cả các bước này phải minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người biết và không được phép trì hoãn.

▪ Công lý khách quan

Những người thực hiện luật phải là người đại diện cho cộng đồng của họ, có trình độ chuyên môn cần thiết và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Cần có sự tách biệt về quyền lực giữa: những người thực thi luật pháp và những người nắm giữ quyền lực chính trị.

°

Người Đức cho ví dụ đơn giản về nhà nước pháp quyền:

Hãy tưởng tượng, vào một buổi chiều Chủ Nhật bạn đang phóng xe ngon trớn thì bị cảnh sát chặn lại. Họ bảo bạn chạy quá tốc độ quy định: 50 km/h. Trong khi họ đang viết giấy phạt, bỗng một chiếc xe sang trọng chạy qua với tốc độ kinh khủng. Bạn nhìn cảnh sát và hy vọng, nhưng họ xua tay, bảo – đó là thị trưởng, giới hạn tốc độ không áp dụng cho thị trưởng. Cuối cùng bạn nhận giấy phạt tiền – số tiền của bạn trả cho thành phố chính là để trả lương cho thị trưởng.

Đó là câu trả lời, vì sao bạn cần nhà nước pháp quyền.

*

Tài liệu:

https://www.liberties.eu/…/was-ist…/44270

https://www.hanisauland.de/…/grosses…/r/rechtsstaat.html

 

Nguồn FB Lưu Thủy Hương

https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/pfbid01TQ2ZGptWJs4V5HqNSG6SD63ju7Vtwp93QkLVJiuEcxpZY3JWX7PmYB63EuoJj7Ml

Comments are closed.