Nhạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn – Khúc chiến ca bi tráng của gã Digan đất Cảng

Codet Hanoi

Để hiểu hơn về nhạc sỹ Tuấn gà. Bạn đã đi xa…

Bẩy lần vượt biên, 4 năm sống trong địa ngục trần gian nơi xứ người, 7 năm chìm đắm trong ma túy, và một lần đứng dậy với đời, nhạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn với số phận đặc biệt đã trở thành một thành viên gây nhiều cảm hứng nhất trong nhóm nhạc M6.

7 LẦN THEO GIA ĐÌNH VƯỢT BIÊN

Tuấn sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hải Phòng, chính vì vậy, tuổi thơ của Tuấn là hình ảnh cậu nhóc có khuôn mặt hiền lành, mắt lúc nào cũng rưng rưng sắp khóc. Thế nhưng, Tuấn cũng nghịch ngợm, chuyên đầu têu những trò nghịch ngợm thần sầu cho bọn nhóc cùng phố. Những khi đi học về, Tuấn thường hay tha thẩn đầu đường xó chợ, xuống sông lấy đất sét nặn ra đủ trò, đá dế, đấu diều hai bên sông Lấp, rồi chia phe đánh nhau. Khi chiều muộn mới về tới nhà, vẻ mặt lại hiền lành không tì vết.

Tuổi thơ cứ thế trôi qua khá êm ấm cho đến khi gia đình Tuấn liên tục tổ chức các cuộc vượt biên sang Hongkong. Hồi đó, chẳng phải vì lý do gì, nhà tuy đã rất khá giả, nhưng bố mẹ Tuấn vẫn khát vọng đổi đời tại miền đất hứa. Sau nhiều lần vượt biên và bị bắt, đến lần thứ 7, khi đã vơ vét hết mớ tài sản để chơi “canh bạc” cuối, gia đình Tuấn cũng sang được tới nơi.

Đêm trước cuộc vượt biên đó, nơi gia đình Tuấn tập kết là một điểm tại vịnh Hạ Long, bầu trời đen kịt, âm u và buồn thảm. Trong ý nghĩ của một cậu bé còn non nớt nhưng cũng đã linh cảm được điều gì đấy nặng nề, Tuấn đã định cõng em trai trốn về Hải Phòng, dù không biết là sẽ về lại đó bằng cách nào.

Sau 2 tháng trời, vượt bao phen sóng lớn, đắm tàu, rất nhiều ngày phải húp cháo loãng cầm hơi, con thuyền chở gia đình Tuấn mới tới được miền đất hứa ấy! Nhưng khi vào đến nơi, mọi người mới biết được thông tin rằng họ đã đi sau cái mốc ngày 16/6/1988, ngày đóng cửa các trại tị nạn tại Hongkong để kiểm tra gắt gao hơn về lý do tị nạn của các thuyền nhân. Vì vậy, nơi đây đã không còn là một bước đệm để sang bên trời Âu trời Mỹ nữa… Nó chỉ là trại tù với hàng rào dây thép gai xung quanh nhìn ra phía biển, nơi đúng hướng chiều tà bóng đổ về quê hương.

HỌC NHẠC TẠI TRẠI TỊ NẠN

274687119_10224377704862883_627040883821580425_n

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Tuấn Gà)

Tại trại tị nạn này chứa hơn 2.000 người Việt Nam này, chú bé Tuấn mới 12 tuổi luôn nhớ về những ngày tự do vẫy vùng thỏa thích mà thèm khát, bởi lúc này, tất cả đang phải sống trong một không gian sống bó hẹp. Tuấn bắt đầu tìm kiếm những trò vui quên đi những năm tháng cầm tù không biết tương lai.

Tuấn lân la làm bạn với nhiều người để hiểu thêm những mảnh đời đã tìm đến đây. Giờ, khi ở cái độ tuổi 34 – đỉnh điểm của những bộn bề những suy nghĩ trong ngày, mấy ai ngồi mà hội chứng này nọ… Thi thoảng, trong giấc mơ, trại tị nạn vẫn còn đậm nét hệt như mới vừa đây thôi, và hễ ai đó bâng quơ nhắc đến hai tiếng Hongkong, trong trái tim Tuấn lại bồi hồi như đứa trẻ đã lâu không về quê.

Trong một không gian tù hãm như vậy, âm nhạc quả thực là món quà tuyệt vời nhất để an ủi cho những tâm hồn đa cảm. Tuấn hay bám theo mấy anh lớn tuổi vác đàn đi tán… gái và hát thâu đêm. Tuấn học lỏm được vài gam trong cây guitar của họ để rồi cứ thế tự mò mẫm mà chơi. Trong trại, Tuấn thân với một cậu cùng tuổi nhưng hỏng một mắt. Sau thời gian quá lâu để chờ đến lượt đi chữa bệnh, mắt nọ lây sang mắt kia, cậu ta mù hẳn. Từ ngày cậu bạn bị mù, Tuấn lành tính đi nhiều vì thương bạn quá. Tuấn dắt cậu bạn mù đi học đàn của một ông làm nghề thợ… rèn (nghề của ông này tại Việt Nam) nên cũng vô tình mà học trộm được của người bạn mù vài chiêu.

Hai cậu thiếu niên – 1 cậu mù và cái gậy dò đường là Tuấn, sau hơn 1 năm thì đánh đàn hơn hẳn những anh em khác. Hai thằng trẻ con lôi thêm 2 ông già lập ra một ban nhạc đặt tên là Cánh gà, và Tuấn chơi guitar bass. Thời đó, các ca sĩ hải ngoại thường vào giao lưu với dân tị nạn, nên chuyện chơi nhạc và hát cho họ, không còn là chuyện trong mơ với mấy “tép riu” như ban nhạc Cánh gà.

TRỞ VỀ VIỆT NAM, VẬT LỘN VỚI CÁM DỖ

Sau khi trở về Việt Nam, gia đình gặp khó khăn do đã bán hết gia sản để vượt biên nên sống rất chật vật, khác hẳn với quá khứ huy hoàng. Tuấn đã trải qua rất nhiều nghề như thợ mộc, làm biển quảng cáo, vẽ chân dung, lắp ráp xe máy, buôn phụ tùng xe đạp, rồi làm nghề xăm trổ… nhưng chất nghệ sĩ thì vẫn luôn âm ỉ.

Có lẽ, quãng đời đen tối nhất với Tuấn, đó là khoảng thập niên 1990, thời điểm khá nhiều thanh niên Hải Phòng bị dính vào ma túy. Tuấn cũng bập vào ma túy từ năm 1993, 16 tuổi, khi mới từ Hongkong trở về. Vì đã lâu bị kìm hãm trong trại cấm xứ người, nên khi được tự do bay nhảy, Tuấn khó có thể cưỡng lại cám dỗ của dám bạn bè nên đã thử hút.

Sau vài tháng, Tuấn trở thành con nghiện. Khoảng 7 năm sau, một đêm, trong cơn phê thuốc, khi Tuấn ngước lên và thấy ánh mắt của người yêu (sau này là vợ Tuấn) đang hốt hoảng đau đớn đến tột cùng. Tuấn bị ám ảnh bởi đôi mắt ấy. Không còn cách nào khác, Tuấn nghĩ, mình phải tự thoát ra khỏi vực thẳm bằng cách tìm đến đảo Vân Đồn – Quảng Ninh, đi tầu cá với anh bạn thân hồi ở Hongkong. Chỉ khoảng nửa tháng sau, Tuấn đã trở về béo tốt, với tinh thần mới. Cai nghiện thì khá dễ dàng nhưng câu chuyện hậu cai nghiện mới thực sự là cửa ải khó vượt qua nhất. Có lần Tuấn ngang qua nơi trước kia hay ”nằm vùng”, khi gần đến nơi, Tuấn đã qụy chân ngã chỉ vì một vài con nghiện đi qua, vô tình phả vào Tuấn những hơi thở nặng mùi ả phù dung…

Tuấn đã đấu tranh với bản ngã đến bật máu với những nắm đấm nện xuống lòng đường. Đôi mắt thảng thốt của người yêu và vùng ký ức trong trẻo ngày thơ bé đã về lại trên những giọt nước mắt để ân cần nâng đỡ tinh thần Tuấn. Và cuối cùng, Tuấn đã đứng bật dậy đi tiếp… Hai lần như thế, Tuấn đã bước qua một lát cắt cuộc đời đầy đen tối. Đó là thời gian của năm 2000.

Hồi còn làm thợ mộc, năm 1995, Tuấn vào một quán café sinh viên, thấy họ đàn hát rất vui vẻ, Tuấn nhớ lại cây guitar đã đập tan tành 3 năm trước với mục đích đoạn tuyệt âm nhạc để lao vào thương trường. Không lâu sau đó, những khuôn mặt sáng tươi ở quán café đã là khán giả của Tuấn, khi Tuấn năng đến quán luyện đàn. Ước mơ lại được khơi dậy, Tuấn không mỏi mệt với âm nhạc. Năm 1997, Tuấn tham gia ban nhạc The Ocean của trường ĐH Hàng Hải.

Nguyễn Minh Tuấn và họa sỹ Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Tại Hà Nội, Tuấn đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm (ban nhạc Đồng hồ báo thức) – người mà Tuấn cảm mến bấy nay, và thế là nhóm nhạc M6 (gồm nhà văn Ngô Tự Lập, nhạc sỹ Ngô Hồng Quang, nhạc sỹ Nguyễn Lê Tâm, nghệ sỹ Nguyễn Thắng, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến) đã cho ra đời album “Hà Nội M6 phố” nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của công chúng. Tuấn được sống trọn vẹn với âm nhạc, sáng tác thêm được nhiều bài hát mang đậm chất trữ tình dân gian, lời ca trong sáng, nhẹ nhàng. Anh tham gia nhiều chương trình âm nhạc, được lên sóng truyền hình, xuất hiện tại các tụ điểm và chương trình âm nhạc, tham gia viết ca khúc cho phim “Lục lạc huyền bí” – của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh.

Có lẽ, con đường riêng của Tuấn sẽ là các ca khúc trữ tình, yêu quê hương, đất nước, bạn bè, cảm nhận được những nét chân thực của giá trị sống bởi anh dù sao cũng là người đã từng trải qua những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Và bên cạnh người vợ nhẫn nại…, từ khi làm bố của một cô con gái xinh đẹp có tâm hồn nhạy cảm, với Tuấn, đó là bước ngoặt lớn nhất – một hạnh phúc không có sánh được!

—————

Bài viết trên đây của tôi cách đây 11 năm. Trong khoảng thời gian sau đó, Tuấn cũng như chúng tôi, có nhiều sự thay đổi, nhiều biến cố trong cuộc đời. Tôi vào Sài Gòn, vẫn thi thoảng cafe với Hậu, Tuấn, và Miêu.

Tuấn có thêm một người bạn đời nữa, có thêm cô con gái nhỏ. Cháu cũng rất có năng khiếu về âm nhạc giống như cha và mẹ của mình.

Hai cô con gái rất yêu bố.

Mấy năm gần đây, lần gặp cuối cùng với Tuấn ở quán Hiên cúc vàng trên Hồ Tây. Tuấn và Ly, người bạn gái cuối cùng của đời mình thuê ở đó, mở quán trà-cafe-âm nhạc. Hôm đó trời hơi lạnh, Tuấn gày, nhưng mặt mũi rất "khá" hơn so với trước. Dự định về một buổi biểu diễn đang chạy thì thành phố lại giãn cách, các hoạt động văn hóa, kinh doanh phải gác lại… Bẵng đi, vâng, lại bẵng đi… rồi sáng qua tôi nghe mấy người bạn gọi điện thoại hỏi xem có phải Tuấn đã đi không…

Tuấn hẳn là lại đi, lại trốn, lại chạy. Như có lần Tuấn bảo tôi vào trong rừng Tây Nguyên sống trong cái chòi. Hết thức ăn, hết đủ thứ, trong túi còn chút tiền, tôi đi mua thức ăn. Gặp mấy đứa bé tội quá, tôi quyết định tặng hết tiền cho các cháu. Có lúc chỉ còn sắn mà ăn, Tuấn cũng cho người khổ hơn… Còn mình thì sao? Tôi nghĩ, trời cho sống, sẽ sống, trời gọi, thì tôi đi…

Tuấn đi thật rồi đấy, tiếng gà của một phận người, hồn nhiên và có lẽ trời bắt phong trần phải phong trần, chứ Tuấn gà hiền thật sự…

Thôi Tuấn ơi, đi nhé. Các bài hát điệu nhạc, tiếng huýt sáo của Tuấn lấp lánh một tâm hồn trong sáng yêu tự do, nhưng cũng đầy vết thương lòng, đó cũng chính là những tâm sự luôn chất chứa của Tuấn chỉ còn bộc bạch duy nhất bằng âm nhạc.

Nguồn: FB Nguyen Thi Lan Anh

Comments are closed.