Nhân tài

(Rút từ facebook của Dương Đình Giao)

Mạng xã hội đang sôi sùng sục vì cái “màn đấu tố”. Nhưng có khi người “đặt” cái tên ấy cũng chưa thật hiểu cái sự đấu tố hơn nửa thế kỷ trước nó thế nào.

 

Hôm tới thăm thầy giáo cũ, tôi được gặp một người bạn của thầy, hai người là bạn từ thời trung học ở Hà Nội cũ (trước 1954). Ông là một nhà khoa học lớn tầm cỡ thế giới đang định cư ở nước ngoài. Nhưng nặng lòng với quê hương đất nước, ông hàng năm vẫn thường về giảng dạy ở một số nơi, trao học bổng cho những sinh viên xuất sắc ngành khoa học của ông.

Được biết tôi đang ở xứ Đoài, ông hỏi thăm nhiều cảnh vật và kể lại những kỷ niệm từ mấy chục năm trước. Những câu chuyện ông kể thật cảm động chứng tỏ đã xa nước hơn nửa thế kỷ nhưng ông vẫn nặng lòng với mảnh đất cha ông. Tôi hỏi ông, sao ông gắn bó với quê hương như thế mà lại ra đi? Như được gợi lại kỷ niệm cũ, ông chậm rãi kể lại với tôi:

– Từ năm 1951, gia đình tôi từ xứ Đoài chuyển về Hà Nội, vừa để tiện chuyện làm ăn của cha mẹ, vừa tiện việc học hành cho anh em tôi. Năm 1954, khi bộ đội chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, cả gia đình tôi quyết định đi Nam, vì lúc ấy, cha mẹ tôi có một sản nghiệp khá lớn, không dám ở lại. Ở Hà Nội nhưng chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những người giàu có ở vùng nông thôn bị đấu tố. Nhưng tôi nhất định không đi. Những tin tức, câu chuyện về những người kháng chiến ở vùng tự do được nghe trong những năm Hà Nội tạm chiếm khiến tôi muốn ở lại, để góp tuổi trẻ của mình cho công cuộc kiến thiết khi nước nhà đã độc lập. Cha mẹ tôi không ngăn cản vì tôi lúc ấy đã lớn, chuẩn bị bước vào năm học cuối của chương trình trung học. Tôi đã hòa trong dòng người nô nức đón chào bộ đội về tiếp quản Hà Nội, vẫy cờ, tung hoa, tham gia rất nhiều những hoạt động chào đón chế độ mới với tất cả niềm hân hoan của tuổi trẻ, nhiều hôm quên ăn quên ngủ…

Một hôm, trên đường từ xứ Đoài trở về Hà Nội, đạp xe đến Quai Chè gần đập Đáy, thấy có đám rất đông người trên bờ đê, tôi dừng lại xem có chuyện gì. Thì ra đó là một cuộc đấu tố địa chủ. Tôi có nghe tới phát động giảm tô, cải cách ruộng đất để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, cũng đã từng nghe nói đây là cuộc cách mạng “trời long đất lở” để xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ kẻ giàu người nghèo tiến tới thế giới đại đồng. Nhưng Hà Nội không có địa chủ nên chưa được biết “đấu tố” thế nào.

Rất đông nông dân ngồi trên sườn đê. Dưới chân đê là một cái bàn dài, có mấy người ngồi sau cái bàn ấy. Phía trên thấy có khẩu hiệu bằng vải đỏ, lâu ngày, không còn nhớ kỹ nhưng nội dung đều là đả đảo địa chủ, hoan nghênh cải cách ruộng đất… Một người đàn ông mặc bộ quần áo nâu đã cũ đứng cúi gằm mặt trước cái bàn ấy. Đó là “tên địa chủ” đang bị bà con nông dân lần lượt từng người lên kể tội. Ban đầu, vì đứng xa nên không nghe họ nói những gì, chỉ thấy những cánh tay xỉa xói, có người nhảy lên, rồi vỗ hai tay vào nhau như những người nhà quê đang cãi nhau. Thỉnh thoảng, lại nghe một người hô: Đả đảo địa chủ gian ác! Đả đảo địa chủ ngoan cố! Sau đó, cả đám người đồng thanh gào lên: Đả đảo! Tôi để ngả xe trên sườn đê, tới gần để nghe cho rõ xem tội ác của tên địa chủ này thế nào.

Lúc ấy, nghe một người đàn bà khoảng ba chục tuổi đang đứng kể tội tên địa chủ:

– Mày có biết không, mày thật độc ác, trời rét căm căm mà mày bắt tao đi cấy, rồi mày còn bắt tao ngủ với mày…

Tất cả đám đông lại đồng thanh: “Đả đảo địa chủ gian ác!”

Rồi tôi thấy “tên địa chủ” ngẩng mặt lên, nhìn người đàn bà, nói giọng thổn thức:

– Bẩm thưa bà, mẹ bà chết từ lúc bà mới 5 tuổi, con không ngủ với bà thì bà ngủ với ai!

Tôi cứ tưởng mình nghe nhầm. Xung quanh, lại đồng thanh: “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”

Từ đấy, tôi không còn nghe thấy gì nữa. Đứng một lúc, tôi dắt xe đi. Trên đường từ đó về tới Hà Nội, tôi quyết định phải đi thôi, không thể ở lại được. Một xã hội vô luân như thế, một người con gái dám tố cha như thế lại còn được đám đông đồng tình, mình làm sao sống nổi!

Thế là tôi về nhà thu xếp mấy thứ lặt vặt đi tàu hỏa xuống Hải Phòng.

Khi ấy, vẫn đang còn trong thời kỳ 300 ngày. Vẫn có những chuyến tàu thủy chở người vào nam. Tôi xa xứ Đoài từ ngày ấy.

Tôi nghe chuyện mà thầm cảm phục ông. Tài năng của ông trong khoa học tôi không am hiểu, nghe cũng chỉ như “vịt nghe sấm”, như “ếch ngồi đáy giếng”. Nhưng chỉ qua một câu chuyện, một chi tiết nhỏ đang lẫn lộn trong trăm ngàn chỉ tiết của cuộc sống mà một người thanh niên chưa qua trung học đã nhìn ra được tương lai của cả một chế độ thì quả thật đáng nể phục.

May ông đã ra đi, đất nước, loài người không mất đi một tài năng.

Comments are closed.