Những cảnh báo cay đắng

(Rút từ facebook của Vương Trí Nhàn)

 

Khác với thông lệ, một vài năm gần đây, giải Nobel văn học bị nhiều người kêu rêu, không chấp nhận và thậm chí là phản đối.
Năm 2004 là trường hợp Elfriede Jelinek (Áo), năm 2009 là trường hợp Herta Muller (Đức).
Sở dĩ hai tên tuổi này bị “đặt thành vấn đề” không phải do họ viết dở –  xưa nay không thiếu tác giả được giải Nobel xong là rơi vào quên lãng – mà cái chính là bởi cả Jelinek lẫn Herta Muller có nhiều tư tưởng lạ.
Có lần nhà văn Áo tự nhận mình là người chuyên đi dọn những thứ rác rưởi trong cảm xúc: “Có ai chịu làm công việc bẩn thỉu đó đâu? Tôi thì lại xem như được số phận giao phó”. Có lẽ vì thế Vatican có lần đã gọi Jelinek là người đàn bà điên loạn, hư vô.
Một hướng suy nghĩ tương tự cũng thấy ở Herta Muller. Trong tác phẩm của bà, con người được miêu tả như là họ bị nhốt trong ác mộng. Họ là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bởi hận thù. Bằng các nghi lễ và chuẩn mực giả dối, thế giới này đối xử với họ tàn ác, vô cảm.
Muller quan niệm: “Tôi không có bổn phận gì hết đối với văn học. Những gì tôi viết là để hoàn thành sứ mệnh đối với bản thân tôi”. Thủ tướng Đức A. Merkel thì bảo tác phẩm của Herta Muller là “bằng chứng về nỗi sợ hãi nhưng cũng chứng tỏ một lòng dũng cảm phi thường”.

Một điều đặc biệt là thái độ của hai nhà văn này với xứ sở mà họ lớn lên. Họ thường sống cô độc, ít người biết tiếng. Jelinek đã gây sốc cho chính đất nước quê hương, khi bà đay đi đay lại chuyện nước Áo trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Bà phát biểu vào năm 1980: “Áo là một quốc gia tội ác”.
Trường hợp Herta Muller hơi tế nhị một chút. Sinh ra ở Romania nhưng bà lại là người Đức và hiện sống ở Đức. Từ hoàn cảnh riêng, bà bảo “quê hương là thứ người ta không thể chịu đựng được mà cũng lại là thứ không buông tha người ta bao giờ” .

Với người có cách nghĩ cổ điển – luôn coi quê hương là một thứ khái niệm thiêng liêng – những phát biểu này chỉ gây những phản cảm.
Nhưng sự phát triển của lịch sử là thế. Nhìn chung cả giải Nobel văn học mấy chục năm nay, tôi có cảm tưởng nay là lúc những giá trị kinh điển, những đầu óc kỳ vĩ được cả nhân loại công nhận – cỡ như Sartre và Camus – không còn nữa.
Nhân loại đang quằn quại đi tìm những tư tưởng mới. Mỗi một tư tưởng mới mẻ này có phần độc đáo riêng của nó, nhưng nhìn chung, phần lớn giống nhau ở chỗ đều đi vào hướng nghịch thường. Nó gây sốc, bởi nó muốn vượt qua những giới hạn mà xưa nay người ta phải dừng lại. Nếu các tư tưởng cổ điển là thuộc về thần thánh, thì những tư tưởng mới nhiều khi có bộ mặt của quỷ dữ. Nó là cái người ta muốn từ bỏ mà không nổi.

Năm 2005, giải Nobel văn học được trao cho nhà văn người đảo quốc Trinidad là V.S.Naipaul. Trong lời phát biểu khi nhận giải, Naipaul chỉ cảm ơn nước Anh mà ông gọi là ngôi nhà của tôi, và Ấn Độ là đất nước của tổ tiên tôi. Lý do là, theo ông, nếu không có nước Anh, ông sẽ không hiểu được những gì xảy ra tại Trinidad. Khi có người hỏi ông sao không cảm ơn tổ quốc mình, ông bảo họ phải cảm ơn ông mới đúng, vì nhờ có ông mà người ta biết rằng có một xứ sở tên là Trinidad. Toàn cách trả lời mà giá như gặp phải dân mình thì ăn đòn!
Chung quanh con người hiện nay, thế giới cũng đang đi tới những quan niệm mà thoạt nhìn dễ cho là kỳ quặc, phi nhân đạo. Năm 1991, nhân dịp chiến tranh lạnh kết thúc, triết gia A. Gluksman (Pháp) đưa ra mấy điều tổng kết, trong đó cảnh báo: 1. Cái ác luôn ẩn chứa trong con người; 2. Cần phải luôn luôn hoài nghi về cái thiện, cần phải thừa nhận vĩnh viễn rằng thế giới là lộn xộn, có một nguy cơ hỗn loạn thường xuyên hiện diện. “Không có gì không thuộc về con người lại xa lạ với chúng ta cả”, Gluksman khái quát.
Nên nói ngay là cũng công thức này, nhưng một giáo sư đại học đồng thời là nhà văn, Umberto Eco, phát biểu một cách khác. Theo Eco, đang hình thành một hình thái mới của cái ngã, không còn chắc đặc và thống nhất nữa mà được cấu thành bởi tính cách vô chính phủ của các nguyên tử. Trở lại với Nietzsche, Eco giả định rằng nay không phải là thời của các siêu nhân mà là thời của những con-người-bên-kia-con-người. Tức nay là lúc con người tiến mãi về phía cái phi nhân. Một lời cảnh báo cay đắng!

Như vậy là Gluksman, cũng như Jelinek, Muller của giải Nobel, không đơn độc.
Từ mấy mẩu chuyện trên, trở lại với đời sống trí thức xứ mình, trong đầu óc tôi trở đi trở lại những câu hỏi. Có phải mọi dự báo đều có quyền tồn tại miễn nó đã được nghiền ngẫm một cách khoa học? Ai mà biết được sự vận động sẽ đưa nhân loại tới đâu? Đến bao giờ chúng ta mới biết rằng tiêu chuẩn của chân lý không phải là sự chấp nhận của đám đông? Cụ thể hơn, đến bao giờ những đầu óc ưu tú của cộng đồng mới được làm công việc thể nghiệm, rồi dự báo những xu thế sẽ tới của xã hội? Chúng ta đã có những đầu óc ưu tú loại đó chưa? Nếu chưa có thì làm sao để đào tạo? Mà với tình hình này, có đào tạo được không?

Comments are closed.