Phe ải, phe ai?

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Gã nhớ hồi bé tẹo cứ mỗi lần nhà gã có khách là gã kiếm mọi cớ để được ngồi hóng hớt. Ối chuyện, trừ chuyện cha gã và khách của cha gã bàn chuyện gái gủng là gã bị đuổi đi thôi, chứ còn lại thì từ văn chương, lịch sử, thời sự, chính trị, triết học gã được hóng tất.

Những năm của thập niên 60, gã thấy mỗi lần nhà văn Hoài Thanh, hoặc nhà thơ Chế Lan Viên đến nhà là có cãi nhau. Chỉ là chuyện bênh, thân Trung Quốc hay chống Trung Quốc mà thôi. Buồn cười nhất là cha gã là ủy viên ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Trung nhưng lại chống ông Mao kịch liệt. Gã thấy các cụ cãi nhau to giọng lắm nhưng khi thấy mạ gã lướt qua là im thin thít.

Hồi đó gã nghĩ có lẽ vì mạ gã đẹp, chả gì mạ gã được mệnh danh là hoa khôi xứ Huế mà. Chứng minh cho sắc đẹp của mạ gã, họa sĩ Mai Trung Thứ có lần lẻn vào nhà mạ gã ở gần chùa Từ Đàn, dốc Bến Ngự để ngó trộm mạ gã, vẽ một bức tranh chân dung mạ gã rồi tặng mạ gã.

Thực ra vì các cụ đều sợ cái tính thẳng của mạ gã, rất ghét chuyện phe phái, đất nước chỉ có một để yêu thương làm gì mà lắm phe phái thế? Mạ gã cũng cái luận điểm ấy đã đuổi thẳng cò o ngó nhà cách mạng Hoàng Minh Chính ra khỏi nhà vì muốn lôi kéo cha gã vào phe thân Liên Xô.

Xã hội miền Bắc lúc ấy rõ ràng bị phân hóa nặng. Đi đẩu đi đâu cũng xì xà xì xụp thằng ấy thân Xô, con ấy thân Trung. Đến nỗi lũ nhóc như gã cũng bị lôi cuốn vào.

Chả là năm gã học lớp bảy, thế quái nào gã lại lọt vào lớp 7C, trường cấp hai Lý Thường Kiệt, có hai cổng Sinh Từ và Nguyễn Thái Học. Lớp của gã hầu hết là con quan, thằng Phạm Sơn Dương con thủ tướng Phạm Văn Đồng, cái Võ Hòa Bình con đại tướng Võ Nguyên Giáp, cái Tưởng Hoài Nam cháu ngoại cụ Tôn Đức Thắng, cái Hoàng Minh Châu con tướng Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, cái Phan Thu Lương con tướng Đinh Đức Thiện, cháu ông Lê Đức Thọ, thằng Trần Thắng Lợi con đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Trần Tử Bình, thằng Lê Thành Công con tướng Lê Liêm, chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, thằng Tạ Quang Vinh con bộ trưởng Giáo dục Tạ Quang Bửu, v.v. Chỉ có gã là con một nhà thơ và thằng Nguyễn Anh Tuấn (sau này là con nuôi trong gia đình gã và là một đạo diễn điện ảnh), là con ông họa sĩ thôi.

Lúc nào thầy Vũ Linh* dạy vật lý kiêm chủ nhiệm lớp khuất mặt là tưng bừng chia phe cãi nhau. Đương nhiên bố đứa nào theo phe nào thì đứa ấy theo phe ấy.

Từ những cuộc cãi vã trẻ con ấy gã biết tỏng ông cốp (cao cấp) nào thân Trung Quốc, ông cốp nào thân Liên Xô. Mà hồi đó phe thân Liên Xô của ông Khơ-rút -sốp bị quy kết là xét lại, phản động.

Cha gã kể, tại cuộc Hội nghị phổ biến Nghị quyết Chín của Đảng ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khi ông Trường Chinh phát biểu tới đẫn nào nhắc đến các đồng chí Trung Quốc là cả Hội trường rào rào vỗ tay, còn đến đẫn nào nhắc đến các đồng chí Liên Xô của Khơ-rút-sốp thì chỉ có vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt trong đó có cha gã, ông Dương Bạch Mai, ông Bùi Công Trừng… Hê hê, chỉ vì cái vỗ tay ấy mà cha gã cũng bị quy kết là… xét lại.

Thực ra cha gã cũng như như mạ gã thôi chả ở phe nào cả. Sau này khi cha gã mất gã có tìm đọc được ghi chép của cha gã trong một cuốn sổ tay, cha gã kể lại có cuộc chuyện trò với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi cả hai đang ở Hải Phòng. Cha gã và ông Viện cùng quan điểm không ưa anh Trung Quốc của ông Mao vì thấy Cách mạng Văn hóa quá tàn ác, giết người như ngóe, rồi bao nhiêu công trình văn hóa bị đập bỏ, bao nhiêu bạn bè của cha gã là các nhà văn, nhà thơ bị tống đi cải tạo, trong khi đó ông Khơ-rút-sốp lại chống sùng bái cá nhân như Trung Quốc sùng bái ông Mao, Liên xô sùng bái ông Sít ta lin, ông Khơ-rút-sốp cũng không tán thành tập thể hóa như hợp tác xã mà cha gã và ông Viện thấy rõ là không hiệu quả. Vậy thôi.

Cha gã còn kể mỗi lần đưa vé xem kịch cho ông Hoàng Văn Hoan lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị một người rất mê xem kịch, kịch nào của Liên Xô là ông ấy dứt khoát không đi xem. Chả nói đâu xa, cha gã thường sai gã đi đưa vé xem kịch cho anh con bác ruột của gã là Lưu Trọng Uýnh, từng là tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình, sau này là lãnh đạo Cục Doanh trại quân đội, câu đầu tiên khi gặp gã là hôm nay kịch gì?

Gã bảo “Câu chuyện Iếc cút”, Liên Xô, anh ấy cầm lấy xé vé ngay trước mặt gã. Còn “Đứng gác dưới ánh đèn nê ôn” của Trung Quốc thì anh ấy hân hoan cầm lấy rồi nói toáng với vợ anh là chị Lê, trong kháng chiến từng là liên lạc cho ông Lê Duẩn: Cơm nước sớm nhé bà, tối xem kịch.

Cũng sau này gã có thấy trong ghi chép của cha gã, là cha gã đã bị phê phán kịch liệt vì đã cho phép Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở Câu chuyện Iếc cút (Không biết có phải do Vũ Đình Phòng một người bạn thân của cha gã dịch không, gã không nhớ nữa).Thật ra người kí quyết định vở kịch ra mắt là ông Cù Huy Cận, thứ trưởng Bộ Văn hóa, nhưng ông Cận có tật cứ vào Nhà hát là đánh giấc, thậm chí cho đến lúc… kéo màn, nên mọi trách nhiệm cha gã lãnh hết.

Hồi nhỏ gã không thể hiểu hết những dích dắc của người lớn này, nhưng vì cha mạ gã có xu hướng tư tưởng nào thì cứ thế gã theo thôi.

Chính vì vậy, gã là thằng nhóc chăm chỉ chầu chực ở Đại Sứ quán Trung Quốc đối diện vườn hoa Canh Nông, gần nhà gã để xếp hàng xin Mao tuyển với huy hiệu Mao. Hơ, hơ, gã thú thật gã kiếm không ít tiền ăn kẹo kéo với tào phớ của ông người Tàu vì bóc vỏ nhựa màu đỏ đựng sách ra bán cho mấy bác nông dân đi tàu điện làm ví đựng tiền, cuốn sách giấy cực trắng, in cực đẹp thì gã bán cho gã đồng nát mà trong Nam gọi là ve chai, còn huy hiệu thì gã chơi… đánh đáo.

***

Chuyện đã xa xưa rồi ai dè lại trở thành nóng hôi hổi ngày hôm nay khi đất nước của gã lại đang một lần nữa phân ly giữa thân Trung Quốc hay thân (không phải là Liên Xô đã bị sụp đổ nữa)… Mỹ.

Kiểu gì mà cứ phân ly cũng làm gã buồn, như cha mạ gã đã từng buồn.

Sau này khi cha gã mất mạ gã vào Sài Gòn ở với gã, gã có hỏi hồi đó tại sao mạ lại không thích chuyện phe phái, thân bên này, chống bên kia.

Mạ gã bảo đời mạ đã một lần ân hận là bỏ nhà theo kháng chiến để lại bà ngoại con một mình giữa vườn hoang, rồi bà ngoại con chết trong cô đơn. Mạ ước gì đất nước con người ta khỏi phải khốn khổ lựa chọn theo anh này anh nọ mà chỉ có một anh thôi đó là gia đình, quê hương.

Nhớ lại câu thơ của Nguyễn Duy:

Nói cho cùng mọi cuộc chiến tranh

Bên nào thắng thì Nhân dân đều bại

Vậy thì nói cho cùng để Nhân dân không bị bại thì chỉ còn một cách, một cách duy nhất thôi, tất cả hãy cùng đứng về một phe đó là phe Nhân dân.

16.7.2015

*Thầy Vũ Linh sau này là chồng của nữ nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi và hai ông bà thường tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

Comments are closed.