Quê hương thứ hai (Kỳ 2)

Thông Đặng

283585002_2488397771291461_2882614502985179565_n

 

THẾ GIỚI CAO BỒI GIỮA HAI BỜ HƯ-THỰC

Theo tạp chí “History”, trận thách đấu súng tay đôi thường được mô tả trong các phim cao bồi đã thực sự xảy ra lần đầu vào mùa hè năm 1865 khi James Butler Hickok đặt chân đến thị trấn Springfield bang Missouri để kiếm ăn bằng cờ gian bạc lận. Chàng trai 28 tuổi này sinh trưởng ở Illinois và từng làm trinh sát cho Bắc quân trong những năm Nội chiến. Mặc dù khi đến Springfield, anh đã mang biệt danh Wild Bill (“Bill bạt mạng”) nhưng chẳng ai thèm chú ý đến anh cho đến ngày 21 tháng 7 năm đó khi anh từ quán rượu bước ra quảng trường thị trấn chạm mặt với Davis Tutt, một cựu binh quân đội miền Nam và cũng là một tay cờ gian bạc lận.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc xích mích giữa hai người cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Một số cho rằng họ từng là bạn nhưng chỉ vì vấn đề gái gú mà trở mặt nhau. Một số khác tin họ hận nhau vì đã ở khác chiến tuyến và trong những năm chiến tranh Bill đã bắn chết bạn của Tutt. Nguyên nhân sâu xa thì không rõ, nhưng nguyên nhân trực tiếp, coi như một giọt nước tràn ly, là như sau: Tối ngày 20 tháng 7, khi Bill đang chơi xì-phé trong Khách sạn Lyon House thì Tutt tiến lại lớn tiếng đòi anh trả 35 đô tiền thiếu nợ bài từ một lần chơi trước. Bill cự, khẳng định chỉ nợ 25 đô và có ghi rõ như thế trong sổ tay của mình.

Tutt không đồng ý, tiện tay giật phắt chiếc đồng hồ hiệu Waltham mà Bill đang đeo trên ngực áo để làm vật thế chân, còn dọa nếu Bill không thanh toán đầy đủ 35 đô tiền nợ thì hôm sau sẽ đeo chiếc đồng hồ đi bát phố cho Bill tức chơi. Mọi người can ngăn, đề nghị hai bên uống ly rượu giải hòa, nhưng Tutt không thèm nghe, cũng không trả lại đồng hồ mà bỏ ra về. Khoảng 6 giờ tối hôm sau, Bill vừa từ quán rượu bước ra thì gặp Tutt đang từ bên kia Quảng trường Thị Trấn bước lại, bụng đeo tòng teng chiếc đòng hồ. Bill tức lắm, kêu to: “Trả đồng hồ đây”. Tutt đáp: “Không trả làm gì tao?” và hùng hổ bước thẳng về phía Bill.

Lúc này, tay hai người đã đặt trên báng súng đeo bên hông. Thấy Tutt cứ phăm phăm bước về phía mình với vẻ hung dữ, Bill hô: “Bước tới nữa tao bắn!” Nhưng Tutt cứ phớt lờ. Lúc chỉ còn cách nhau khoảng 60 mét, cả hai đột ngột rút súng và cùng bắn. Tutt hấp tấp nên bắn trật, Bill bình tĩnh hơn, dùng tay trái làm tựa ngắm, nhả một phát trúng ngay ngực Tutt. Cuộc đọ súng tay đôi kết thúc trong vài giây, Tutt gục chết còn Bill bị bắt. Tháng Tám năm đó, Bill ra tòa. Bồi thẩm đoàn xem xét súng của Tutt, thấy vòng đạn súng sáu thiếu một viên, vậy là cả hai đã cùng bắn, cuộc đấu súng theo luật như vậy là công bằng, Bill được xử trắng án chỉ sau 3 phút.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng một tháng sau, Thiếu tá George Nichols tình cờ đi ngang vùng và nghe kể lại. Ông viết ngay một loạt bài gửi cho Harper’s Tân Nguyệt san trong đó ông không những chỉ kể về trận đọ súng “bắn chậm thì chết” giữa Bill và Tutt mà còn ca Bill như một người hùng đã khử cả trăm tên cướp, thậm chí có lần một mình một súng đã hạ nguyên một băng 10 tên! Đọc những chuyện này, công chúng chết mê, doanh số Harper’s Tân Nguyệt san tăng vùn vụt. Thấy ngon ăn, mấy tờ báo khác, rồi tiểu thuyết lá cải, rồi phim ảnh cũng nhảy vào, khiến cuối cùng dư luận cứ đinh ninh những trận đấu súng tay đôi là nhan nhản ở miền Viễn Tây thuở đó.

Thật sự là, trong suốt những năm dân miền Đông kéo nhau đi mở đất và tạo nên miền Viễn Tây sau này, chỉ có khoảng hai hoặc ba vụ đấu súng tay đôi như giữa Bill và Tutt, và là những chuyện xảy ra hoàn toàn vì nóng giận nhất thời, ngay cả người tham gia cũng không muốn xảy ra, chứ không phải vì có tính toán trước để bảo vệ danh dự như được thấy trong các phim cao bồi kiểu “High Noon” hoặc “The Good, the Bad, and the Ugly”. Riêng kiểu chia cặp thay phiên bắn đua để xem ai cuối cùng sống sót sẽ nhận được tiền thưởng trong một thị trấn vô pháp vô thiên như trong phim ‘The Quick and the Dead” thì lại càng không có!

Del Cain, chuyên về Lịch sử Hoa Kỳ, kể lại: “Tôi đã đọc nhiều sách nghiên cứu về giai đoạn Viễn Tây và chẳng gặp một trường hợp nào kể lại người ta thách nhau đấu súng để giải quyết vấn đề “bảo toàn danh dự” cả. Một trường hợp duy nhất về thách đấu súng tay đôi được ghi lại là chuyện xảy ra ở một quán rượu bang New Mexico. Lần đó có hai gã tranh cãi ai bắn nhanh hơn ai, càng cãi càng hăng, không bên nào chịu bên nào. Cuối cùng họ thách cùng đấu súng xem ai nhanh hơn. Nghe lời thách và thấy họ khệnh khạng đứng dậy, khách đang uống rượu trong quán chạy tán loạn. Lúc đó, hai chàng mới phá ra cười. Hóa ra họ chỉ làm bộ để hù mọi người cho vui!”

Việc các anh chàng cao bồi mang súng là có thật, nhưng họ mang súng là để phòng thú dữ đến tha trộm bò, hoặc bắn đuổi những kẻ toan tính trộm bò, trộm ngựa, chứ không phải để nghênh ngang gây sự hay trừng trị kẻ xấu. Theo Al Carrroll và Christian Desaix, GS Sử học ở Đại học Louisiana State University: “Trị an ở miền Viễn Tây không loạn như mô tả trong phim ảnh và tỉ lệ phạm tội so ra còn ít hơn ngày nay. Hồi đó, bất cứ ai bước vào thị trấn thường buộc phải nộp vũ khí tại Văn phòng Cảnh sát trưởng, khi nào rời đi thì nhận lại. Còn khi có tin kẻ xấu đang lảng vảng trong khu vực của mình, Cảnh sát trưởng sẽ huy động dân vệ truy lùng, phục kích, gặp là bắn bỏ”.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, ngay cả khi một anh cao bồi có khả năng “bắn nhanh như điện”, rất hiếm có trường hợp nào bắn trúng đối phương ở khoảng cách 50 mét, nhất là sau khi đã nốc vài ly rượu. Thêm nữa, cũng chẳng ai dại gì lại thách đấu súng tay đôi để “ngộ nhỡ ăn đạn của đối phương”. Nếu thực sự muốn “hạ” nhau, cách họ hay chọn nhất là ra tay khi đối phương bị bất ngờ. Chính Wild Bill cuối cùng cũng bị đối thủ hạ sát từ phía sau khi anh đang mải chơi bài. Còn vụ quay súng vù vù trên ngón tay hoặc bắn hai tay cùng một lúc từ hông hoặc vừa bắn vừa gạt cơ bẩm để nhả đạn cho nhanh thì chỉ có trong rạp xiếc hoặc trong các tiểu thuyết lá cải!

Mà tiểu thuyết lá cải, một dạng truyện phiêu lưu-diễm tình mỗi quyển khoảng 100 trang bán với giá 10 xu vào những năm 1900, thì rất nhiều. Chẳng hạn, riêng số truyện kể về Buffalo Bill (không phải Wild Bill) đã là 200 quyển. Những “thành tích” của những nhân vật anh hùng trong những truyện lá cải này chân giả thế nào thật khó phân định, chỉ biết rằng cái “giả” thì sau này trở thành phim ảnh, còn cái “chân” — tức những nỗ lực vươn lên và những khát vọng rất người của các nhân vật trong truyện — sau đó đã đi vào những tác phẩm có tính văn học hơn của miền Viễn Tây, còn con cháu ngày nay của những chàng cao bồi ngày xưa thì sống trong cả hai thế giới ảo-thực đó.

BA TRONG “TỨ BẤT TỬ” TRONG HÀNH TRÌNH TRÌNH MỞ CÕI

Trong văn hóa dân gian Mỹ, có bốn nhân vật được coi là “Tứ bất tử” trong quá trình mở cõi. Nhân vật thứ nhất, tính lần lượt theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử, là Daniel Boone (1734-1820), một con người suốt đời chỉ mải đi, có lẽ là một nét di truyền từ đời trước bởi bố ông cũng đã từng phải bỏ đất Anh quốc trốn qua vùng Tân Thế giới để tránh các cuộc thanh trừng vì tôn giáo. Daniel Boone sinh ra ở Philadelphia khi nước Mỹ còn là thuộc địa của Anh và lớn lên trong cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, nhưng thay vì ở lại miền Đông để an tâm canh tác như phần đông người thời đó, ông đã tiên phong tiến về phía Tây và khai phá vùng đất mà ngày nay là Kentucky.

Nhận thấy Kentucky, vùng đất thiêng của người Da Đỏ, rất trù phú vì thú rừng ở đây như bò, hươu, v.v., nhiều vô kể, có đàn cả mười ngàn con, Daniel Boone đã trở lại miền Đông dẫn người qua định cư và lập nên ngôi làng đầu tiên là Boonesborough. Dĩ nhiên người Da Đỏ rất bực, lúc nào cũng tìm cách dọa để đuổi đi. Một lần họ bắt cóc con gái của ông và hai chị em bạn của nó khiến Daniel và cánh đàn ông làng phải truy đuổi hai ngày liền mới giải cứu được. Lần khác chính Daniel Boone bị bắt, phải đồng ý làm con nuôi của Tù trưởng Blackfish… Cuộc đời ly kỳ của Daniel Boone 60 năm sau đã là nguồn cảm hứng cho “The Last of the Mohicans” của James Fenimore Cooper.

Người thứ hai là Davy Crockett (1786-1836), mệnh danh “vua biên thùy”, phá rừng lập ấp và chống chọi với người Da Đỏ ở nơi mà những người như Daniel Boone đã khai phá. Chính vì sự khác biệt này mà trong tiếng Anh, Daniel Boone được gọi là “pioneer” (người tiên phong) còn Davy Crockett thì được gọi là “frontiersman” (dân biên thùy). Là cư dân bang Tennessee, Davy Crockett có thời gian tham gia quân đội, từng làm người dẫn đường và trinh sát cho Tướng Andrew Jackson trong cuộc chiến chống lại liên minh Anh-Da Đỏ, được phong hàm Thiếu tá, và khi Andrew Jackson được bầu làm tổng thống thì Davy Crockett cũng được bầu vào Quốc hội.

Tuy ông nội của Davy Crockett bị người Da Đỏ giết, nhưng khi Andrew Jackson được bầu làm tổng thống và ký Quyết định năm 1830 để di dời bằng vũ lực các bộ tộc Da Đỏ khỏi các vùng đất truyền thống của họ ở các bang như Georgia, Alabama, North Carolina, Florida, Tennessee, v.v, dồn cả về một khu định cư mới ở Oklahoma để lấy đất cho người da trắng trồng bông, gây ra “Những đoạn đường nước mắt” (Trail of Tears) với khoảng 10.000 người Da Đỏ bỏ mạng vì đói rét và bệnh tật trên một hành trình gần 2000km vừa bị xiềng chân vừa buộc phải đi bộ, Davy Crockett đã phản đối kịch liệt dù được nhắc nhở rằng làm như thế ông có thể thất cử chức dân biểu vào nhiệm kỳ tới.

Davy Crockett thất cử thật và Quyết định di dời người Da Đỏ vẫn tiếp tục được tiến hành, ngay cả sau thời Andrew Jackson. Chán nản, Davy Crockett dẫn một số bạn bè, để vợ con lại Tennessee, xuôi về Texas, lúc này vẫn còn là đất thuộc Mễ. Tại đây ông đã tình nguyện giúp dân địa phương chiến đấu cho quyền tự quyết và độc lập từ tay người Mễ. Ngày 8 tháng 2, ông có mặt ở Alamo. Ngày 23 tháng 2, vị tướng kiêm tổng thống Mễ là Santa Anna kéo 5000 quân đến vây. Ngày 6 tháng 3, khi đàn bà và trẻ em đã được phép rời thành và khi trong thành chỉ còn 182 tay súng nhất quyết không hàng, Santa Anna ra lệnh tấn công. 182 dân binh Texas đã chống trả đến hơi thở cuối cùng!

Davy Crockett được ngưỡng mộ vì những cuộc phưu lưu mạo hiểm của ông khi còn là một “frontiersman”, vì những đấu tranh cho người Da Đỏ được quyền ở lại trên chính mảnh đất của cha ông họ cũng như đòi cho người nông dân da trắng được cấp giấy chủ quyền cho mảnh đất mình đã bỏ công khai phá khi ông là một dân biểu Quốc Hội, nhưng chính cái chết oai hùng của ông trong trận Alamo mới là cái đã biến ông thành bất tử trong tâm hồn trẻ em Mỹ. Riêng với trẻ Sài Gòn trước 1975, Davy Crockett cũng rất được yêu mến qua tài phóng rìu tách đôi thân cây to và chiếc nón đuôi chồn ông đội trong một loạt phim chiếu ngày ấy hàng đêm trên Đài truyền hình Mỹ.

Người thứ ba trong “Tứ bất tử” và cũng rất quen thuộc với trẻ em Sài Gòn hồi đó là Kit Carson (1809-1868). Không hài lòng với việc phá rừng lập ấp ở vùng biên thùy như Davy Crockett, Kit Carson, trong huyết quản có máu của người anh em bà con họ ngoại của mình là Daniel Boone, lại lên đường khai phá những vùng đất phía Tây xa hơn, cho đến tận California. Cũng khác với Davy Crockett luôn ở thế đối kháng với người Da Đỏ để bảo vệ vùng đất biên thùy của mình, Kit Carson, tuy có lúc vẫn phải chiến đấu với người bản địa, lại có khuynh hướng thân thiện: Vợ đầu của Kit Carson thuộc bộ lạc Arapaho, vợ thứ hai là dân Cheyenne, vợ cuối cùng là một cô gái Mễ.

Nhờ công khai phá những vùng đất về phía Tây của những người như Daniel Boone, công định cư canh tác của lớp người thuộc thế hệ Davy Crockett, cũng như công mở đường đến California của Kit Carson, dân miền Đông vững tâm đổ về đây ngày càng nhiều, trước tiên là những dân nghèo muốn dựng xây cuộc sống mới bằng cần cù lao động và những tay nuôi chí làm giầu bằng cách lập trại chăn bò. Thế rồi đột biến xảy ra: Năm 1849, một thợ xẻ tên James Marshall phát hiện ra vàng lúc đang thi công một xưởng cưa ở Coloma thuộc hạt El Dorado phía thượng nguồn sông American, California. Tin tức này chấn động nước Mỹ. Người đổ về miền Tây, nhất là để tìm vàng, tăng vọt.

Theo sử sách cũng như các hồi ký, thì vào một sáng tinh mơ ấn định sẵn, các nhóm phưu lưu mơ tưởng đổi đời qua một đêm nếu tình cờ đào trúng mạch vàng, những kẻ bạc bịp đi lẻ, những tên trộm cướp lập băng chuyên rình chờ cơ hội… đã tề tựu cả về một địa điểm quy định, ai cũng thủ súng ngắn súng dài và ngồi sẵn trên lưng ngựa háo hức chờ đợi. Rồi, sau phát súng lệnh của nhà đương cục, tất cả nhất tề thúc ngựa phóng tới, ai đến chỗ nào thấy thuận lợi để đào đãi vàng hoặc dựng nhà lập trại thì cứ giăng dây cắm cọc rồi sẽ khai báo xin chủ quyền sau với chính phủ. Chuyện giành nhau một địa điểm tốt là chuyện không hiếm và dĩ nhiên chỉ được giải quyết bằng súng đạn.

Những người đổ xô đi tìm vàng sau này thường được gọi là “những người bốn chín” (the forty-niners) và được nhắc đến trong bản “Oh My Darling, Clementine” mà hầu như ai học tiếng Anh cũng biết hát. Cũng được nhắc đến luôn khi nói về cơn sốt vàng là “Cuộc diệt chủng California”. Những cuộc tranh dành đất giữa người da trắng và thổ dân đã xảy ra từ rất lâu rồi, nhưng cuộc tàn sát người Da Đỏ trong giai đoạn 1848-1870 ở California có lẽ là kinh hoàng nhất: Chỉ trong vòng 20 năm, dân số các bộ tộc Da Đỏ từ 150.000 rớt xuống còn 30.000. Đến 1900 thì chỉ còn 16.000! Cuộc diệt chủng này, cũng như “Những đoạn đường nước mắt” trước đó, dĩ nhiên có phần trách nhiệm của những người trong “Tứ bất tử”.

Th. Đ

(Còn tiếp)

Comments are closed.