Quê hương thứ hai (Kỳ 3)

Thông Đặng

284377417_2493704537427451_8860592285970178704_n

 

“NGƯỜI HOANG DÃ CAO QUÝ”

Người cuối cùng trong “Tứ bất tử” trong quá trình mở cõi của Hoa Kỳ, tuy hầu như chẳng ai ở Việt Nam trước 1975 nghe tên, thực ra lại rất nổi tiếng, thậm chí được coi là “người Mỹ nổi tiếng nhất trên thế giới”! Người này có tên William F. Cody, biệt danh “Buffalo Bill” (Bill săn bò), sinh năm 1846, tức là vào thời gian mà vùng đất được gọi là “miền Viễn Tây” coi như đã được hình thành song song với sự hình thành của thế hệ “cao bồi” đầu tiên, bao gồm những thị dân nghèo miền Đông bỏ xứ đi xây dựng cuộc đời mới, những người nuôi chí làm giầu nhờ lập trại chăn bò hoặc may mắn được thần vàng mỉm cười, và cả những tay cờ gian bạc bịp hoặc các băng nhóm trộm cướp nữa.

Sinh ra 3 năm trước khi nổ ra cơn sốt vàng, dĩ nhiên Buffalo Bill không thể không bị cuốn vào và hiểu rõ về cơn lốc này với tất cả những bạo liệt của nó, cả trong những cuộc đụng độ đẫm máu với người Da Đỏ, cả trong những khu vực đào vàng, cả trong những quán rượu nhan nhản ở các thị trấn miền Viễn Tây mà khách toàn những tên bặm trợn. Năm 11 tuổi, cha chết vì bị đâm và sức khỏe giảm sút sau nhiều năm hoạt động đòi bỏ chế độ nô lệ, Bill phải tự bươn chải, khởi sự bằng việc phụ giao liên cho một công ty vận tải đường sắt ngay trong bang nhà là Kansas. Năm 13 tuổi, Bill qua làm trinh sát và dẫn đường cho quân đội chính phủ trong các chiến dịch bình định thổ dân.

Chính trong thời gian làm trinh sát này, Bill đã giết một người Da Đỏ đầu tiên trong đời. Trong “Buffalo Bill Tự Truyện”, ông kể lại việc này như sau: “Mặt trăng tròn và to vành vạnh trên bầu trời đêm. Thế rồi, ngay giữa khuôn trăng đó nổi bật hình của một tên Da Đỏ đội mũ chiến binh bằng lông chim của bộ lạc Sioux đang đứng trên mỏm đá giơ súng ngắm bắn một người bạn của tôi đang bì bõm dưới sông dưới đó 10 mét. Tôi vội giương súng lên. “Đoàng!” Gã Da Đỏ rơi ầm xuống, nước tung tóe. Người bạn tôi là McCarthy hớt hãi lội vào bờ và hét toáng: “Gì vậy, Bill?” Tôi cũng hét trả lời: “Ở dưới sông đó!” Anh ta quay lại nhìn rồi cười to: “Vậy là chú nhóc đã hạ được một tên Da Đỏ!”

Năm 14 tuổi, Bill từ giã mọi người ra đi với ý định tìm vàng nhưng sau lại vào làm chân đưa thư chuyển hàng cho hãng liên vận Pony Express, rồi tham gia chuyển quân trang xuyên bang cho các đồn binh trước khi chính thức gia nhập hàng ngũ Bắc quân năm 17 tuổi. Được 2 năm quân ngũ, Bill xin về lại quê nhà ở Kansas nhưng vẫn tiếp tục dẫn đường và trinh sát cho quân đội. Một năm sau, khi hệ thống đường sắt được xây dựng ở Kansas, Bill chuyển qua săn bò để cung cấp thịt cho công nhân hỏa xa. Biệt danh “Buffalo” được thêm vào tên Bill chính là ở giai đoạn này khi, trong một lần tranh tài với William Comstock, Bill đã lập kỷ lục săn tổng cộng 68 con bò chỉ trong vòng 8 tiếng!

Trong những năm dẫn đường và trinh sát cho quân đội, Bill đã gặp và quen Wild Bill, người đã bắn chết Davis Tutt vào mùa hè năm 1965 trong cuộc đọ súng tay đôi ở Quảng trường thị trấn Springfield bang Missouri. Cũng trong những năm này Bill đã lập kỳ tích, đó là có lần Bill đã một mình một ngựa đưa tin hết từ đồn binh này đến đồn binh khác trên một hành trình dài 570km xuyên qua các vùng đất thù địch chỉ trong vòng 58 tiếng đồng hồ, trong đó gần 60km chặng cuối phải cuốc bộ vì ngựa chết! Vì kỳ tích đó nên năm 1872, Bill có vinh dự được mời hướng dẫn cho đoàn săn bắn của Đại công tước Alexei Alexandrovich của nước Nga khi ông này ghé thăm Hoa Kỳ.

Cuộc đời đầy những phiêu lưu mạo hiểm giữa vùng đất bạo liệt của miền Viên Tây và trải dài qua nhiều cuộc chiến của Buffalo Bill từ khi bỏ nhà ra đi năm 11 tuổi cũng đủ để biến ông thành huyền thoại, nhất là khi cuộc đời đó lại được các tay viết tiểu thuyết lá cải thêu dệt thêm cho tăng phần kịch tính. Người đầu tiên làm việc “lăng-xê” này là Ned Buntline và truyện ngắn đầu tiên về Bill đã xuất hiện trên “Thời báo Nữu Ước” năm 1869. Ngay sau truyện ngắn này, Buntline viết tiếp một truyện dài có tựa “Buffalo Bill, ông hoàng vùng biên thùy”. Truyện này ăn khách đến nỗi tờ “Diễn đàn Chicago” sau đó đã phải xin phép cho đăng lại thành nhiều kỳ.

Sau Ned Buntline, Prentiss Ingraham và nhiều tác giả khác cũng đua nhau viết về Bill, không tháng nào là không có tác phẩm mới và cứ dài dài như thế trong hơn 30 năm! Khi tiếng tăm đã nổi như cồn, Bill được các gánh xiếc rong mời diễn lại những mẩu chuyện của đời mình, đặc biệt là chuyện “lột da đầu” một thủ lãnh người Cheyenne trong một chạm trán tay đôi. Những nhà phê bình nghệ thuật thường dè bửu các show diễn của ông, nhưng đám khán giả, nhất là những khán giả miền Đông lâu nay vẫn háo hức được trải nghiệm một chút cuộc sống miền Viễn Tây hoang dã mà không phải lo mất mạng hoăc mất công mạo hiểm, thì hoan hô ông nhiệt liệt, buổi diễn nào cũng cháy vé.

Là một người từng nghĩ đến việc bỏ mạng đi đào vàng để “gây dựng cơ đồ” từ năm 14 tuổi, nên khi thấy mình rất thành công với nghề diễn xuất, Buffalo Bill đã quyết định thành lập show diễn tạp kỷ của riêng mình. Đó là vào năm 1872. Show diễn được tổ chức rất đình đám có tên “Buffalo Bill’s Wild West”, mục đích là để mang mọi mặt của cuộc sống “như nó là” ở miền Viễn Tây hoang dã đến cho mọi người, cả ở khắp nước Mỹ lẫn khắp Âu châu. Xin nói qua về quy mô. Để quảng cáo cho show diễn, Bill đặt in bốn màu rất nhiều tấm pa-nô mỗi tấm 20 mét vuông (khoảng 7mx3m), tổng chi phí chỉ cho việc làm pa-nô cho một mùa cũng đã là 100.000 đô (2.000.000 đô theo thời giá hiện tại)!

Về nhân sự, mỗi show diễn bao gồm 500 người di chuyển trên 3 xe lửa, trong đó diễn viên là 25 cowboys, 12 cowgirls, 100 Da Đỏ nam, nữ và trẻ em. Diễn viên luôn gồm những nhân vật khét tiếng của miền Viễn Tây thời đó như Wild Bill đã được nói ở bài trước, Annie Oakley, một cowgirl có dáng dấp “yểu điệu thục nữ” nhưng tài bắn súng lục thuộc loại “quỷ khốc thần sầu”: Từ chỗ chồng ngồi (chồng là Frank Butler và cũng là một tay “bách phát bách trúng”, chỉ thua Annie ở loạt bắn chim thi vào phát đạn thứ 25, lúc Annie mới 15 tuổi), Annie bước tới 30 bước rồi quay phắt lại rút súng bắn bay điếu xì gà Frank đang ngậm trên môi! Cũng ở cự ly đó, cô có thể bắn gãy đôi một lá bài!

Dĩ nhiên còn có cả Calamity Jane, thường tham gia show diễn của Bill trong vai người dẫn truyện. Là một trái tim nhân ái nhưng Calamity Jane luôn mặc áo quần đàn ông, nhai thuốc lá, uống rượu như nước lã, sống bạt mạng hơn cả đám đàn ông, và dĩ nhiên cũng là một người lính rất can trường và bắn súng rất giỏi. Các tính cách “gai góc” này của Calamity Jane đã được rất nhiều sách báo và phim ảnh khai thác, ngay cả Morris & Goscinny cũng dành hẳn một số Luc-ki Luc-ke để mô tả nhân vật nữ độc đáo này. Người diễn viên đáng chú ý cuối cùng là Tù trưởng Sitting Bull bất khuất, bạn của Annie Oakley và rất ngưỡng mộ tài bắn súng của cô nên đã đồng ý tham gia show của Bill.

Về nội dung, show diễn bắt đầu bằng một màn diễu hành hoành tráng giữa tiếng kèn trống inh ỏi. Đầu đoàn là cao bồi nam nữ trên ngựa, trên xe kéo, tiếp sau là chiến binh Da Đỏ, trang phục sặc sỡ, mặt vằn vện, cung tên trên vai, mũ lông chim trên đầu. Sau diễu hành là các tiết mục quăng dây bắt bò, cưỡi ngựa một chân, biểu diễn bắn súng, v.v. Náo nhiệt nhất là các hoạt cảnh xe chở tiền bị cướp, xe lửa bị Da Đỏ tấn công, trận Little Bighorn đẫm máu nơi Đại tá Custer với 210 quân đã bị 3000 quân của tù trưởng Sitting Bull do thủ lãnh Ngựa Điên cầm đầu giết sạch, lại có cả màn lột da đầu thủ lãnh Cheyenne do chính Bill thực hiện khi còn tại ngũ để, theo lời ông, “trả thù cho Custer”!

Các show diễn của Bill không chỉ thành công vang dội ở Mỹ mà còn ở Âu châu nữa: Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Áo-Hung, Đức, v.v. Nữ hoàng Victoria đã yêu cầu Bill tổ chức hẳn một show riêng cho bà, sau đó còn đặt thêm một show nữa để chiêu đãi khách quý của Hoàng gia nhân lễ kỷ niệm ngày đăng quang “Diamond Jubilee”. Khi Bill đưa show qua diễn ở Ý, ông và đoàn cũng được Giáo hoàng Leo XIII mời thăm Tòa Thánh. Ở Mỹ, các tổng thống từ Ulysses S. Grant đến Woodrow Wilson đều tham khảo ý kiến ông về những vấn đề liên quan đến miền Viễn Tây. Ngoài ra, Bill cũng là bạn của nhiều văn nghệ sỹ, đặc biệt là Frederic Remington nổi tiếng với những bức họa miền Viễn Tây…

Được cả miền Đông và Âu châu ca tụng là “Người hoang dã cao quý”, Buffalo Bill dĩ nhiên không chỉ là “Vua biên thùy” hoặc “bầu các show diễn”, mà còn là một người bình dị với trái tim nhân ái và tầm nhìn chiến lược. Tuy đã tham gia những trận chiến chống lại người Da Đỏ, ông luôn tôn trọng nhân phẩm của họ, trong các show diễn luôn trả lương họ ngang người da trắng, còn khuyến khích vợ con họ dựng lều sinh hoạt giữa sân diễn để khán giả hiểu thêm về nền văn hóa nhân bản của họ. Ông thường phát biểu: “Bất kỳ cuộc nổi loạn nào của người Da Đỏ cũng đều do sự bất tín của chính phủ”. Về nữ quyền, ông chủ trương: “Làm như nhau, hưởng như nhau”.

Riêng về tầm nhìn chiến lược, tuy là sản phẩm tinh chất nhất của miền Viễn Tây hoang dã, Bill luôn phóng tầm mắt về tương lai cho một xã hội sung túc và tốt đẹp hơn. Với tiền kiếm được từ các show diễn khắp nước Mỹ và Châu Âu, ông luôn đầu tư vào các dự án khuếch trương nền công-thương-nghiệp của quê hương Viễn Tây: Khai thác mỏ ở Arizona, xây khách sạn ở Wyoming, lập trại nuôi bò, khai thác dầu hỏa và than đá, lập xưởng phim, xây dựng nhà đô thị, làm du lịch, xuất bản sách, thậm chí ra hẳn một tờ báo tên “Cody Enterprise” để khai trí cho dân chúng, khơi mào những cuộc vận động cho quyền phụ nữ được bỏ phiếu và quyền được đối xử bình đẳng của người Da Đỏ.

Như vậy, hành trình mở cõi về miền Viễn Tây, bắt đầu với cuộc ra đi của những người như Daniel Boone, Davy Crockett, Kit Carson, v.v., đã kết thúc bằng sự trở về vẻ vang của Buffalo Bill. Miền Đông đã giang tay vinh dự đón chào những đứa con “Tây tiến”. Những gì tốt đẹp nhất của hai miền cuối cùng đã hòa quyện: Cái nữ tính miền Đông được làm rắn rỏi thêm bởi cái nam tính miền Tây, cái văn minh có thêm nét quyến rũ của hoang dã, cái khôn khéo được bổ xung bằng dám nghĩ dám làm, cái nhân văn song hành cùng quyết đoán, cái minh bạch đi kèm rạch ròi với cái hào phóng… Tất cả đã hòa thành một thể thống nhất và hoàn chỉnh để hun đúc nên tính cách của người Mỹ hôm nay.

MÔN HỌC CHỈ CÓ Ở VÙNG ĐẤT CAO BỒI

Năm 2004, tôi được nhận vào chương trình M.A. chuyên ngành Ngôn ngữ Ứng dụng Mỹ. Ngoài các môn “truyền thống”, tôi phải học thêm môn “Văn chương, Nghệ Thuật và Văn hóa miền Viễn Tây”. Lúc ghi danh môn này, tôi thấy rất mắc cười, bụng bảo dạ: “Viễn Tây thì chỉ mấy anh cao bồi, tối ngày uống rượu, cưỡi ngựa, bắn nhau thì làm gì có văn chương với văn hóa mà học!” Tôi nghĩ vậy là bởi hồi nhỏ ở Sài Gòn đã được coi rất nhiều phim cao bồi, lớn lên một chút đã đọc hầu hết các tác giả Mỹ, phiêu lưu mạo hiểm lắm thì cũng chỉ James Cooper hoặc Jack London, phiêu lưu ít mạo hiểm hơn thì chỉ Mark Twain hoặc Henry Thoreau, chứ làm gì có cái gọi là “Văn học Viễn Tây”!

Đến ngày học, bước vào lớp tôi càng ngạc nhiên. Trời mùa đông mau tối, lớp không bật đèn. Khi sinh viên đã an vị, GS. Wood bước vào. Thường ở đại học, giáo sư dạy ban ngày các lớp cử nhân khá tề chỉnh, nữ mặc đầm, nam khoác vét không cà vạt, ban đêm lớp cao học thoải mái hơn, nhất là nam, chỉ mặc sơ-mi bỏ trong quần tây. GS. Wood thì khác, đã trọng tuổi, người gầy gầy cao ráo, đầu và lưng thẳng băng kiêu hãnh, quần bò xanh, áo sơ mi ca-rô thụng tay bỏ trong quần, đầu đội nón cao bồi trắng, lúc nào cũng đội, chân mang ủng da bò màu vàng vằn vện hoa văn hệt như loại cao bồi hay mang. Tôi lom lom xem GS có đeo thêm khẩu ru-lô bên hông không, may là không!

Ở Mỹ, các GS không “dạy” như cách hiểu ở Việt Nam, tức là theo bài bản “năm bước”, bước một làm gì, bước hai làm gì, bước cuối cùng phải “củng cố kiến thức” ra sao, v.v., giáo sư không dạy đúng trọng tâm bài là sinh viên phàn nàn. Ở Mỹ thì miễn, GS chỉ đến lớp như một nguồn tham khảo, bài vở có ghi sẵn trong chương trình phát đầu học kỳ, cứ theo đó mà tự học, ai có thắc mắc thì nêu câu hỏi trong lớp cùng thảo luận, thường khi vấn đề được đẩy đi rất xa, có vẻ chẳng liên quan đến bài, bàn cho kín kẽ mọi nhẽ thôi, chứ chẳng kết luận. Dĩ nhiên tôi chỉ nói theo trải nghiệm cá nhân, bởi giáo sư cũng người này người kia, chẳng ai dám “bắt” họ phải dạy như thế nào.

Kiểu học và dạy ở Mỹ như thế là rất “thoáng”, vậy mà lớp của GS. Wood lại càng “thoáng đến choáng”! Trước khi kể thêm, xin phép được nói qua về GS. Wood: Sinh ở Canada và tốt nghiệp TS văn chương Mỹ ở Đại học Stanford lừng danh năm 1974 với luận án “Trật tự và Phương pháp trong thế giới của Emerson” (Emerson là bậc đàn anh và cùng nhóm văn học vùng New England với Henry Thoreau), GS đã viết trên 60 quyển sách và bài báo về ba lãnh vực: Văn chương Mỹ, Môi trường, và Big History, trong đó “Big History” là một ngành học mới nghiên cứu về vai trò lịch sử của con người trong vũ trụ, một ngành học liên quốc gia mà GS là một thành viên sáng lập.

Thành tích học thuật của GS đã ấn tượng, nhưng thành tích “phi học thuật” còn ấn tượng hơn: Năm 1972, GS tạm xếp luận án TS viết dở để “đi phượt bằng chân”, muốn cắm trại ở đâu thì xin quá giang đến đó, tổng cộng đi được 14.000 dặm khắp Hoa Kỳ và Canada. (Nước Mỹ đi từ bờ Tây sang bờ Đông cũng chỉ mới hơn 3.000 miles!) Chưa đã, Wood còn chèo ca-nô vượt thác ở California, Idaho và Oregon. Năm 1987-1991, Wood qua Đông Nam Á, làm trưởng nhóm Hướng đạo sinh Hoa Kỳ trong nhiều chuyến cắm trại và đi bộ đường dài trong rừng rậm Malaysia, cả những chuyến lặn scuba ở Biển Đông nữa. Dĩ nhiên Wood cũng mê leo núi, đã leo ở British Columbia, California, Colorado và Borneo, lên tận đỉnh Kinabalu cao nhất Đông Nam Á!

Trở lại lớp học “Văn chương, Nghệ Thuật và Văn hóa miền Viễn Tây” của GS Wood. Như đã nói trên, so với các lớp tôi đã học, lớp của GS. Wood “thoáng đến choáng”. Lớp khoảng 15 sinh viên nam nữ đến từ nhiều cơ sở khác nhau. Trời mùa đông, 5 giờ chiều đã nhọ mặt người, tôi tưởng sinh viên lười bật đèn, để GS vào tự bật. Ai ngờ, GS bước vào cũng không thèm bật đèn, và cũng không bật đèn suốt buổi học! Với phong thái từ tốn, thoải mái, với vẻ mặt lúc nào cũng bỡ ngỡ, với giọng nói nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng như sợ kinh động bóng đêm, GS kéo ghế, ngồi duỗi chân mang ủng gác xéo lên mặt bàn, dĩ nhiên quay về hướng không có sinh viên ngồi, rồi bắt đầu buổi học

Gọi là “buổi học” nhưng thật ra chẳng có buổi học nào cả! Câu chuyện giữa GS và sinh viên trong 30 phút đầu chỉ thuộc kiểu “bà tám”: Sinh viên này sống ở đâu, gia đình sinh hoạt hàng ngày như thế nào, các sinh viên khác ngồi nghe, nghe xong thì góp một vài ý, rồi cũng kể chuyện mình và gia đình, lúc thì cười vui với nhau, lúc thì chăm chú vẻ nghiêm trọng, GS. Wood chốc chốc cũng chêm một câu, vừa như bình phẩm vừa như để dẫn dắt câu chuyện. Tôi ngồi nghe mà thấy hoàn toàn lạc lõng, chẳng biết họ đang nói chuyện gì! Chuyện vãn xong khoảng 30 phút đầu, GS. Wood cầm một cuộn băng VHS ông mang theo vào lớp thay giáo trình, bỏ vào đầu máy, rồi cả lớp coi phim!

Trong suốt ba tháng học kỳ đó, hầu như buổi học nào cũng thế. Vậy mà sau khóa học, tôi lại “ngộ” ra nhiều điều. Chẳng hạn, tôi đã luôn nghĩ rằng đối với người Mỹ, không có khái niệm “quê quán” trong những câu hỏi kiểu của người Việt như “Anh quê ở đâu?” Dĩ nhiên điều này vẫn đúng với các gia đình Mỹ ở các thành phố lớn, nhưng với các gia đình ở các thị trấn nhỏ, vấn đề có khác. Đại đa số các bạn trong lớp của GS. Wood hầu như ai cũng có quê, và quê họ là những trại chăn bò bát ngát, và các câu chuyện mà tôi cho là “tầm phào” giữa họ chính là họ đang nói về nền văn hóa “cao bồi” thực của họ, một văn hóa đậm sắc Viễn Tây xưa mà gia đình họ vẫn giữ suốt 200 năm qua.

Như vậy, Viễn Tây là cả một lối sống, một văn hóa có chiều dài lịch sử và được chăm chút. Nó không chỉ là những cưỡi ngựa, uống rượu và thách nhau bắn súng mà còn là đỡ đẻ bò, vắt sữa bò, chữa bệnh bò, đem bò qua những cách đồng cỏ mượt để vỗ béo trước khi ra lò mổ, là những lễ hội tranh tài quăng thòng lọng bắt bò, cưỡi ngựa hoang, phi ngựa một chân, là những buổi họp mặt đại gia đình bên bếp lửa barbecue bập bùng xèo xèo những súc thịt bò to tướng, cùng những nhảy nhót vui nhộn giữa các chàng trai cô gái khỏe mạnh và trong sáng theo điệu của những bản nhạc đồng quê réo rắt mà các nhạc công cây nhà lá vườn chơi say sưa giữa bát ngát của trời đêm.

Cái văn hóa Viễn Tây mà các sinh viên lớp GS. Wood ngồi “tám” với nhau mà tôi thấy hoàn toàn xa lạ đó được chính các bộ phim mà GS đem vào chiếu trong những buổi học “không đèn” làm rõ nét thêm. Những bộ phim này hoàn toàn không “dữ dằn, bạo liệt” như các phim cao bồi thường được chiếu ở Việt Nam trước 1975 mà “hiền hòa” hơn, ca tụng sự cần cù lao động, sự can đảm vượt qua các trở ngại, thái độ “live and let live”, ca tụng sự sòng phẳng và trọng danh dự, sự chung thủy và tình yêu trong sáng không giống hệt như thời của các hiệp sỹ trung cổ xưa nhưng cũng có dáng dấp của tình yêu mà chàng Đông-Ki-Sốt dành cho Công nương Dulcinea làng Toboso của Cervantes.

Trong 5 phim cao bồi được GS. Wood cho xem, tôi nhớ nhất phim “Red River” do John Wayne thủ vai chính. Phim rất hấp dẫn, nói về giai đoạn các tay cao bồi đi tìm và dựng rào lập trại nuôi bò ở Texas, về công việc hàng ngày của họ, về những quan hệ bạn bè, thù địch, tranh chấp, về tình yêu tình bạn, về việc dẫn đàn bò cả ngàn con qua các vùng đất hiểm nguy của người Da Đỏ về tập trung ở Kansas trước khi được lùa lên tàu hỏa đến các lò mổ ở miền Đông. Ngoài coi phim, sinh viên cũng phải tự đọc một chút văn học miền Viễn Tây nữa. Tác phẩm được chỉ định là “The Virginian” của Owen Wister, được coi quyển tiểu thuyết đã sản sinh ra cả một nền văn học mới: Văn học miền Viễn Tây.

Th. Đ

(Còn tiếp)

Comments are closed.