(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Nhiều ngày hành quân gã đã bắt đầu quen với cái việc cuốc bộ, leo đèo, vượt dốc trong rừng rậm, quen với những cơn khát.Nói là quen với những cơn khát thì thú thật gã hơi nống. Con suối cạn hết nước, đào mãi trong lòng suối thấy có chút cát âm ẩm thế là gã là khách, được ưu tiến… liếm trước. Liếm để láp cái chút ẩm đó thôi mà mát mà tê cả đầu lưỡi.
Bé Nê, con trai gã nếu đọc cái đẫn này chắc sẽ không thể tin nổi là cha nó liếm cát ẩm để vượt qua cơn khát đang sôi họng. Đúng là làm sao con trai gã có thể tin được đó là sự thật? Nhưng con ơi, cha được liếm đầu tiên khi hơi nước còn nhiều nhất, cha được ưu tiên đấy, và sau đó khi thấy mấy cậu lính liếm cuối cùng trên mép chỉ là những hạt cát khô khốc, cha đã ân hận vì, vì sao không là chính những người lính cuối cùng ấy, những người lính tuổi 20 như con bây giờ, như cha hồi ấy. Cái tuổi mà đám trai trẻ trên thế gian này chỉ liếm mép, môi, mút lưỡi của các cô gái tìm cái vị ngọt ngào nhất của ái tình chứ không ai liếm… cát để nhón cái hơi nước còn sót lại của một dòng suối kiệt cạn.
Chưa hết.
Chưa hết.
Trên một con đường rừng, bất ngờ thấy một vũng nước bằng cái nôi gà đẻ, gã đã thấy hơn chục người dân già trẻ tranh nhau bò xuống liếm vũng nước ấy.
Gã có thể quen được với tất cả nhưng không thể quen được nỗi thống khổ của người dân dù đó là dân của quốc gia nào, của dân tộc nào.
Và đây, trong lúc có những con người chủ nhân của cả một nền văn minh Khmer rực rỡ, chủ nhân của các đền đài Ăng ko vĩ đại bậc nhất nhân loại, chủ nhân của một đất nước vô cùng xinh đẹp với đức tin nhà Phật thánh thiện đang bị đang như bầy thú hoang dại tranh nhau lết, bò lè những chiếc lưỡi trắng nhợt liếm cái vũng nước kia, thì như một thước phim quay chậm xuất hiện từ đâu một bóng đen.
Nhích gần.
Nhích gần rồi đột ngột đứng trước mặt gã.
Mắt chòng chọc trắng dã. Môi như miệng một chiếc bình đất nung quá lửa vênh, nứt bên trong thè ra chiếc lưỡi méo, mốc cố phát ra một thứ âm thanh rờn rợn: Bai.
Rồi cái bóng đen ấy vén chiếc áo đen rách rưới ra để lộ đôi vú tong teo, hai núm vú như hai hòn than cháy thui đã xịt lửa.Những ngón tay như ngón tay của thần Chết ngọ nguậy trên cái bụng không tạo nên dù một tiếng vỗ: Bai!
Bai là cơm đấy.
Mẹ ơi, mẹ đói quá rồi! Mẹ bằng tuổi mạ của con đấy. Mẹ bằng tuổi của những thằng lính từ đất nước Việt Nam kia.
Điều gã bất ngờ là cái đám đông đang tranh nhau bò liếm vũng nước tự dưng dãn ra chừa một khoảng trống cho ứng cử viên gần nhất trên con đường đến địa ngục vừa xuất hiện.
Nhưng người đàn bà kia không thể đứng được nữa, mọi cố gắng đã tới cùng kiệt rồi, bà đổ gục xuống…
Mẹ kiếp, không thể quen được. Kẻ nào quen được với nỗi khổ của con người thì kẻ đó đang tới gần thế giới của loài thú.
Vậy mà trời ơi trên thế gian này, ngay cả không ít đồng bào của gã từ đâu không biết nữa đã trở nên những kẻ vô cảm. Vô cảm trước những giá trị bình thường nhất mà con người đương nhiên được hưởng bị tước đoạt. Mẹ – người mẹ Campuchia kia bị tước đoạt tất cả, quyền làm người, quyền làm mẹ, quyền làm vợ, quyền được ăn, quyền được uống, quyền được xấu hổ khi phơi đôi vú ra.
***
Sáng nay, 22.7.2015, gã dậy sớm, lướt đọc tin tức trên báo mạng chính thống, có hình ảnh ngài đại tướng Tea Banh bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia thân mật bắt tay các cố vấn quân sự Trung Quốc tại một đơn vị quân đội Hoàng gia Campuchia.
Gã bật cười xót xa.
Và nhớ lại một cuộc hỏi trong cánh rừng Ora l- Cánh rừng Chết với một tù binh Khmer đỏ.
Người hỏi cung là đại úy Cưu, trung đoàn phó trung đoàn 209.
Anh tên gì? Sovi.Đơn vị? Đoàn 22. Cuốn vở này của ai? Của ông chỉ huy Smukai. Anh biết hình gì đây? Búa liềm, cờ Đảng. Đảng nào? Đảng Cộng sản.
Gã nổi nóng xen vào. Mày có phải đảng viên không? Dạ không. Không ạ.
Điêng đọc những dòng chữ trên đầu cuốn vở cho trung đoàn phó Cưu và gã nghe:
Các đồng chí phải trung thành tuyệt đối với lãnh tụ Pôn Pốt.
Tình hữu nghị chiến đấu chung chiến hào Khmer – Pây Kang muôn năm!
Cưu hỏi cung tiếp.
Sao không thả dân trong rừng ra?
Cố vấn Pây Kang dạy,muốn đánh du kích lâu dài tiêu diệt kẻ thù Việt Nam phải giam dân lại .
Anh có biết Pôn Pốt đuổi hết dân ra khỏi Phnom Pênh không ?
Biết.
Tại sao?
Pốt sợ dân thành phố có học chống lại.Cố vấn Pây Kang dạy làm cách mạng phải triệt để.
Không cho dân làm ăn thì ai nuôi Pốt?
Pây Kang.
***
Pây Kang – Trung Quốc.
22. 7. 2015