Rồi thành sẹo vĩnh viễn

(Rút từ facebook của Đỗ Hoàng Diệu)

clip_image001

Lễ hội treo trâu tại đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái năm 2016. Nguồn: Dân Việt

Nhìn ảnh trâu bị thắt cổ lủng lẳng, tôi nhớ nghé con của mình. 

Số là hồi những năm 80, thời hợp tác hóa nông nghiệp, nhà tôi được giao nuôi và bóc lột sức cày một trâu cái. Ngày thường, trâu ra đồng ăn cỏ, tối về nhai rơm, ị ra những đống phân to để mẹ tôi bón ruộng. Vụ cấy cày, mẹ tôi dong trâu ra đồng cày bừa ruộng cho hợp tác xã, đôi lúc lia trộm vài nhát trên đất vườn nhà mình. Rồi một ngày trâu động cỡn ngoài triền đê nên mang thai. Tôi vẫn nhớ như in bữa trâu sinh con. Đêm dài, gió thục rách những mảnh chiếu cói quây quanh chuồng, đôi mắt vốn đã buồn thêm sự đau đớn thành xót xa, trâu quằn lầy cả nửa cây rơm nghé con mới ra đời

Cuộc sống trâu và người dù đói kém, tù túng nhưng cứ thế trôi qua. Cho đến một sáng cán bộ hợp tác xã đến nhà thông báo xã viên Vũ Thị Liễu phải luân chuyển trâu cho xã viên khác. “Nhà chị có thể giữ lại con nghé”. Giọng viên cán bộ lạnh te.

 

Nghé con là cả tài sản lớn. Giữ chứ. Chúng tôi đâu phải thánh. Ngày người ta dắt trâu mẹ đi, cả nhà buồn. Rổ khoai lang lóc nhóc chỏng chơ không ai đụng. Chập tối, tiếng nghé con rên gọi mẹ nhập vào trái tim non nớt của tôi hóa ác mộng triền miên. 

Cả nhà tôi chăm nghé như chăm em nhỏ. Cỏ tươi xanh và chuồng ấm áp. Nhưng nghé vẫn còi cọc, vẫn gọi mẹ hàng đêm. Đôi lần, tôi mò sang làng bên, đến nơi ở mới của trâu mẹ, len lén rình mò. Thấy trâu gầy rộc, da tróc vảy. 

Tuổi thơ tôi gắn liền với nghé cho đến khi đi học xa. Tôi đi một thời gian, mẹ bán nghé. Cũng được một khoản tiền chu cấp cho các con. 

Có những việc xảy ra, người lớn cho là bình thường, nhà nước cho là đúng đắn nhưng hậu quả thì khôn lường. Nó có thể làm tổn thương, xé ngắt tâm hồn non nớt của con trẻ rồi thành sẹo vĩnh viễn đến hết cuộc đời.

Comments are closed.