(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Ngày 17 tháng hai năm 1979 càng lùi xa, ấy vậy nỗi đau thương về ngày quốc hận ấy lại không phai nhòa đi mà ngược lại. Khác hẳn với những tháng ngày lịch sử quốc hận khác mà dân Việt từng chịu nhưng cái đựng nỗi đau vơi dần, rơi rụng dần theo thời gian.
Vì sao?
Vì sao ư?
Gã nhớ 17 tháng hai năm 2014 gã thắp nén nhang trên mộ của những trai, gái Việt ngã xuống ở Bát Xát, Lao Cai đúng ngày ấy năm 1979. Gã thổn thức đau vì các chị, các anh hy sinh cho biên cương tổ quốc lúc quá trẻ nhưng nỗi đau của gã tăng lên gấp bội vì thấy sự thờ ơ của ai đó trong cộng đồng của chính cái tổ quốc này đối với những người ngã xuống kia.
Vì sao ư?
Mới đây thôi gã đến nghĩa trang và Đài tưởng niệm 29 chàng trai Việt cũng ngã xuống vì quân xâm lược Trung Quốc ở Lai Châu.
Các anh cũng quá trẻ.
Đau một.
38 năm rồi thời gian lùi xa nửa một đời người, nhưng không ít sĩ quan những người trong quân ngũ các anh, cả không ít quan chức đất nước này đến dâng lễ cho các anh tưởng nhớ các anh một phần, còn lại là cầu lộc cầu vinh, cầu chức vì họ tin rằng các anh chết trẻ rất thiêng.
Đau ấy là đau bao nhiêu hở giời?
Và gã được một người lính biên phòng cho coi ống nhòm chĩa qua biên giới. Người lính trẻ bảo: Chỗ mỏm đá ấy, chỗ lùm cây ấy, chỗ đỉnh cao ấy là súng của Trung Quốc chĩa sang đất mình đấy anh.
Đau ấy là đau thêm bao nhiêu nữa hở giời?
Và gã biết mỗi ngày 17 tháng hai này hàng năm những ai muốn thắp nhang tưởng nhớ những người con của đất nước này ngã xuống chống quân xâm lược Trung Quốc dã man luôn bị xô đẩy, ngăn chặn.
Chính gã thấy có những vòng hoa tưởng niệm bị hất đổ, bị dẫm nát.
Hy vọng ngày 17 tháng hai này sẽ không có cảnh xé ruột xé gan như thế.
Vết thương sẽ lành theo thời gian chỉ khi và chỉ khi nhân dân không còn nỗi ám ảnh có những kẻ đang phản bội nhân dân, phản bội sự hy sinh của nhân dân cho Độc lập, toàn vẹn của non sông.