Thuyết trình cho sinh viên nghệ thuật (kỳ 2 – hết)

Oscar Wilde

Nguyễn Đình Đăng dịch

Song, có lẽ các bạn sẽ nói với tôi rằng vẻ đẹp bên ngoài của thế giới đã hoàn toàn rời bỏ chúng ta, rằng nghệ sỹ không còn sống giữa môi trường đáng yêu bao quanh, mà trong những thời đại quá khứ đã từng là di sản tự nhiên của mỗi người, và rằng nghệ thuật là rất khó trong cái thành phố vô duyên này của chúng ta, nơi mà mỗi khi bạn đi làm vào sáng sớm, hay trở về lúc chiều hôm, bạn phải đi từ phố này qua phố khác của thứ kiến trúc ngớ ngẩn và ngu xuẩn nhất mà thế giới từng thấy; kiến trúc trong đó mọi hình khối Hy Lạp đáng yêu đã bị xúc phạm và hiếp dâm, và mọi hình khối Gothic đáng yêu đã bị hiếp dâm và xúc phạm, khiến ba phần tư nhà cửa London đã bị giáng cấp đơn thuần thành những cái hộp vuông với những tỷ lệ hèn hạ nhất, vừa cáu bẩn lại vừa hốc hác, và vừa kiêu căng lại vừa bần tiện – cửa tiền sảnh luôn sai màu, còn cửa số luôn sai cỡ, và ở nơi, thậm chí sau khi đã mệt mỏi vì các ngôi nhà, bạn quay ra ngắm chính con phố, thì bạn cũng chẳng có gì để nhìn ngoài những cái mũ ống khói, những người đeo bảng quảng cáo, những thùng thư màu đỏ son, và thậm chí có nguy cơ bị xe buýt màu lục ngọc bảo cán.

Các bạn sẽ nói với tôi, liệu nghệ thuật có khó trong một môi trường xung quanh như vậy không? Tất nhiên là khó, song nghệ thuật chẳng bao giờ dễ; bản thân các bạn cũng sẽ không muốn nó dễ; và, mặt khác, chẳng có gì đáng làm ngoại trừ cái mà thế giới nói không thể làm được.

Tuy vậy, các bạn vẫn chẳng bận tâm được trả lời đơn thuần bằng một nghịch lý. Nghệ sỹ có những mối quan hệ gì với thế giới bên ngoài, và sự mất mát của môi trường đáng yêu xung quanh dẫn đến kết quả gì đối với các bạn là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của nghệ thuật hiện đại; và cái mà ông Ruskin cứ một mực khẳng định chẳng có gì khác ngoài sự suy đồi của nghệ thuật là do sự suy đồi của các thứ đẹp đẽ gây ra; và rằng một khi nghệ sỹ không thể nuôi dưỡng mắt mình bằng vẻ đẹp thì vẻ đẹp rời bỏ tác phẩm của y.

Tôi nhớ trong một trong những thuyết trình của ông, sau khi mô tả diện mạo bẩn thỉu của một thành phố lớn ở Anh, ông đã vẽ cho chúng tôi một bức tranh về cái từng là môi trường nghệ thuật xung quanh xưa kia.

Hãy hình dung, ông nói, bằng những từ ngữ giàu hình ảnh hoàn hảo và lộng lẫy như một bức tranh, mà tôi chỉ có thể gợi lại tiếng vọng yếu ớt từ vẻ đẹp của chúng, hãy hình dung cảnh tượng đã từng hiện ra trong cuộc tản bộ buổi chiều của Nino Pisano, nhà thiết kế trường phái Gothic ở Pisa, hoặc bất kỳ cộng sự nào của chàng:

“Trên mỗi bờ của dòng sông rực sáng, chàng nhìn thấy mọc lên một dãy cung điện còn rực sáng hơn với các cửa vòm và cột đỡ ốp đá ban nham đỏ sẫm và có hình rắn cuốn; dọc theo bờ sông trước các cổng cung điện là những đoàn hiệp sỹ, nét mặt và hình hài cao quý, mũ đâu mâu và khiên sáng loáng; ngựa và người tạo thành một mê cung màu sắc kỳ lạ sáng lấp lánh – những tua rua màu tím, màu bạc và màu đỏ thắm tuôn chảy trên những bắp chân rắn chắc và giáp trụ loảng xoảng, như sóng biển dâng tràn lên đá lúc hoàng hôn. Từ mỗi sông mở ra những khu vườn, những sân đình, và những hàng hiên tu viện; những hàng dài các cột trắng nối tiếp nhau giữa những vòng cành nho; những vòi phun nước vọt qua những chồi lựu và cam: và dọc theo những lối đi trong vườn, dưới bóng màu đỏ thẫm của những cây lựu, những tốp phụ nữ đẹp nhất mà nước Ý từng thấy đang chậm rãi bước đi – đẹp nhất, bởi thuần khiết nhất và sâu sắc nhất; được học toàn bộ kiến ​​thức cao siêu, cũng như toàn bộ nghệ thuật nhã nhẵn lịch thiệp – trong khiêu vũ, trong ca hát, trong sự hóm hỉnh ngọt ngào, trong sự cao thượng, trong lòng dũng cảm còn cao thượng hơn, trong tình yêu cao thượng nhất – và đều biết cách cổ vũ, mê hoặc hoặc cứu rỗi linh hồn đàn ông. Trên toàn khung cảnh này của cuộc sống con người hoàn hảo, mọc lên mái vòm và gác chuông rực cháy ngọc thạch trắng và vàng kim: sau mái vòm và gác chuông là sườn những ngọn đồi hùng vĩ um tùm ô liu bạc; xa về phía bắc, vượt lên một biển cả trập trùng những đỉnh nhọn màu tím của rặng Apennine oai nghiêm, những dãy núi Carrara rõ ràng và sắc nét thổi những ngọn lửa không lay động của đá cẩm thạch lên bầu trời màu hổ phách; và biển lớn, ngập tràn ánh sáng thiêu đốt, trải dài từ chân các dãy núi này đến tận các hòn đảo Gorgon; và trên tất cả những thứ này, luôn hiện diện, gần hay xa – được nhìn thấy qua những chiếc lá nho, hoặc in hình cùng toàn bộ cuộc diễu hành của các đám mây trong nước dòng Arno, hoặc với màu lam sẫm sâu thẳm làm nền cho mái tóc vàng và gò má nóng bỏng của công nương và hiệp sỹ – chính là bầu trời thiêng liêng không vẩn đục, mà với tất cả mọi người, trong những ngày đó của đức tin ngây thơ, đã thực sự là nơi cư ngụ hiển nhiên của các linh hồn, như trái đất là của con người vậy; và những cánh cửa mây và màn sương của nó mở thẳng vào sự khủng khiếp của thế giới vĩnh hằng; – một thiên đường, nơi mọi đám mây bay qua đều đích thực là chiến xa của một thiên thần, và mọi tia sáng Hoàng hôn và Bình minh của nó đều tuôn trào từ ngai vàng của Thượng Đế.

Các bạn nghĩ thế nào về cái đó như một trường học của thiết kế?”(*)

Và rồi hãy nhìn vào diện mạo đơn điệu và thảm đạm của bất cứ một thành phố hiện đại nào, y phục tối tăm của đàn ông và đàn bà, kiến trúc vô nghĩa và cằn cỗi, môi trường khủng khiếp bao quanh. Thiếu một cuộc sống công dân đẹp đẽ, không chỉ đơn thuần điêu khắc, mà mọi nghệ thuật đều sẽ chết.

Còn về xúc cảm tôn giáo trong phần cuối của đoạn văn tôi vừa trích dẫn, tôi không cho rằng tôi phải nói về điều đó. Tôn giáo sinh ra từ xúc cảm tôn giáo, nghệ thuật từ xúc cảm nghệ thuật: các bạn sẽ chẳng bao giờ nhận được cái này từ cái kia; trừ khi bạn có cái gốc chuẩn bạn sẽ không nhận được bông hoa chuẩn; và, nếu một người nhìn thấy chiến xa của một thiên thần trong đám mây, y chắc hẳn sẽ vẽ nó rất không giống một đám mây.

Song, về ý tưởng chung trong phần đầu của đoạn văn xuôi dễ thương đó, liệu có thật sự đúng là môi trường đẹp đẽ là cần thiết cho nghệ sỹ không? Tôi cho là không. Tôi chắc chắn là không. Thật vậy, đối với tôi điều phản nghệ thuật nhất trong thời đại chúng ta không phải là sự dửng dưng của công chúng trước những cái đẹp, mà là sự dửng dưng của nghệ sỹ trước những cái được gọi là xấu xí. Bởi, đối với một nghệ sỹ, hoàn toàn chẳng có cái gì tự nó là đẹp hay xấu cả. Y chẳng liên quan gì tới những sự thực về vật, mà chỉ liên quan tới vẻ bề ngoài của nó. Mà bề ngoài là vấn đề của ánh sáng và bóng tối, các mảng, vị trí và độ đậm nhạt.

Vẻ bề ngoài, thực chất, chỉ là một vấn đề của hiệu ứng đơn thuần, và cái các bạn phải xử lý chính là các hiệu ứng của tự nhiên, chứ không phải các điều kiện thực sự của vật. Cái mà các bạn, như các họa sỹ, phải vẽ không phải là các vật như chúng hiện hữu mà là các vật như chúng trông có vẻ như vậy, không phải là các vật như chúng là mà là các vật như chúng không là.

Chẳng có vật nào lại xấu xí tới mức, trong một số điều kiện nhất định về ánh sáng và bóng tối, hoặc để gần các vật khác, mà trông lại không đẹp; chẳng có vật nào lại đẹp tới mức, trong một số điều kiện nhật định, mà trông lại không xấu. Tôi tin rằng, trong vòng hai mươi tư giờ đồng hồ cái gì đẹp trông thành xấu, và cái gì xấu trông thành đẹp, ít nhất một lần.

Và, đặc tính sáo mòn của phần lớn hội họa Anh đối với tôi dường như do là một sự thực là rất nhiều họa sỹ trẻ của chúng ta chỉ đơn thuần nhìn vào cái mà chúng ta có thể gọi là “cái đẹp được làm sẵn”, trong khi các bạn tồn tại như các nghệ sỹ không phải để sao chép cái đẹp mà để tạo ra nó trong nghệ thuật của các bạn, để chờ đợi và theo dõi nó trong tự nhiên.

Các bạn sẽ nói gì về một nhà viết kịch chỉ lấy những người chính chuyên làm các nhân vật trong vở kịch của mình? Liệu các bạn có không nói rằng y đã bỏ lỡ một nửa cuộc đời hay không? Thế còn về họa sỹ trẻ không vẽ gì khác ngoài các thứ đẹp, tôi sẽ nói rằng y đã bỏ quên một nửa thế giới.

Đừng mong đợi cuộc sống phải đẹp như hội họa, mà hãy cố gắng nhìn cuộc sống trong những điều kiện hội họa. Các bạn có thể tạo ra những điều kiện này trong xưởng vẽ của các bạn, bởi chúng chỉ đơn thuần là các điều kiện của ánh sáng. Trong tự nhiên, các bạn phải đợi chúng xuất hiện, lựa chọn chúng; và, nếu các bạn chờ đợi và canh chừng thì chúng sẽ đến.

Ở phố Gower ban đêm các bạn có thể thấy một thùng thư trông hội họa; trên kè đá sông Thames các bạn có thể thấy những viên cảnh sát trông hội họa. Thậm chí chẳng phải lúc nào Venice, hay nước Pháp, cũng đẹp.

Vẽ cái các bạn nhìn thấy là một quy tắc tốt của nghệ thuật, nhưng nhìn thấy cái đáng vẽ thì tốt hơn. Hãy nhìn thấy cuộc sống trong các điều kiện hội họa. Sống trong một thành phố có thời tiết thay đổi tốt hơn trong một thành phố có môi trường bao quanh đẹp đẽ.

Bây giờ, sau khi đã thấy cái gì tạo nên nghệ sỹ, và nghệ sỹ tạo ra cái gì, ai là nghệ sỹ? Có một người sống giữa chúng ta, người hợp nhất trong mình tất cả các phẩm chất của môn nghệ thuật cao quý nhất, người mà tác phẩm của ông ta là niềm sung sướng cho mọi thời đại, người mà bản thân là bậc thày của mọi thời đại. Người đó là ông Whistler.

Nhưng, các bạn sẽ nói, y phục hiện đại, cái đó là xấu. Nếu các bạn không thể vẽ vải đen thì các bạn đã không thể vẽ áo chẽn lụa. Y phục xấu xí thì tốt hơn cho nghệ thuật – vấn đề là ở các sự thực của thị giác chứ không phải ở chính đồ vật.

Một bức tranh là cái gì? Trước hết, một bức tranh đơn thuần chỉ là một bề mặt được lên màu đẹp, chẳng có một thông điệp tinh thần hay ý nghĩa gì đối với các bạn hơn là một mảnh thủy tinh Venice vi diệu hay một viên gạch ốp tường ở Damascus. Trước hết, đó là một đồ trang trí thuần túy, một lạc thú để nhìn.

Mọi bức tranh khảo cổ khiến các bạn nói: “Kỳ lạ thật!” mọi bức tranh đa cảm khiến các bạn nói: “Buồn thảm thật!” mọi bức tranh lịch sử khiến các bạn nói: “Thú vị thật!” Mọi bức tranh không tức thời truyền cho các bạn niềm sung sướng khiến các bạn nói: “Đẹp thật!” là những bức tranh tồi.

Chúng ta không bao giờ biết hoạ sỹ sẽ làm gì. Dĩ nhiên là không. Hoạ sỹ không phải là chuyên gia. Mọi sự phân loại như hoạ sỹ vẽ động vật, hoạ sỹ vẽ phong cảnh, hoạ sỹ vẽ gia súc Scot trong sương mù Anh, hoạ sỹ vẽ gia súc Anh trong sương mù Scot, hoạ sỹ vẽ ngựa đua, hoạ sỹ vẽ chó sục, đều nông cạn. Nếu một người là hoạ sỹ, y có thể vẽ được mọi thứ.

Mục đích của nghệ thuật là rung lên những hợp âm siêu phàm và xa xăm nhất tạo ra âm nhạc trong tâm hồn chúng ta, và màu sắc tự nó thực sự là một sự hiện diện huyền bí trên sự vật, còn sắc điệu là một loại lính gác.

Vậy liệu tôi có đang biện hộ cho kỹ thuật đơn thuần không? Không. Chừng nào còn bất kỳ dấu hiệu nào của kỹ thuật, bức tranh còn được vẽ xong. Thế nào là vẽ xong? Một bức tranh được vẽ xong khi mọi dấu vết của lao động, và của các phương tiện được áp dụng để đạt kết quả, đã biến đi hết.

Trong trường hợp của các thợ thủ công – thợ dệt, thợ gốm, thợ rèn – trên tác phẩm của họ là các dấu vết của bàn tay họ. Song với họa sỹ thì không thế.

Nghệ thuật phải không được có cảm xúc nào về nó ngoài vẻ đẹp của nó, không có kỹ thuật nào ngoài cái mà bạn không thể quan sát thấy. Người ta phải nói được về một bức tranh không phải là nó ‘được vẽ tốt’, mà là nó ‘không được vẽ’.

Sự khác nhau giữa nghệ thuật hoàn toàn trang trí và một bức tranh là gì? Nghệ thuật trang trí nhấn mạnh chất liệu của nó: nghệ thuật tưởng tượng thủ tiêu nó. Thảm thêu cho thấy các sợi dệt như một phần vẻ đẹp của nó; một bức tranh thủ tiêu canvas của nó: nó chẳng cho thấy gì từ canvas cả. Đồ sứ nhấn mạnh nước men của nó, màu nước bác bỏ mặt giấy.

Một bức tranh không có ý nghĩa nào ngoài vẻ đẹp của nó, chẳng có thông điệp nào ngoài niềm vui sướng nó đem lại. Đó là chân lý đầu tiên về nghệ thuật mà các bạn không bao giờ được quên. Một bức tranh là một đồ trang trí thuần túy.

____

(*) John Ruskin, The two paths (Smith Elder and Co., London, 1859) Lecture III: Modern manufacture and design.

Nguồn: FB Nguyễn Đình Đăng

https://www.facebook.com/ng.dinhdang/posts/pfbid02BbHHgmu9vBRShmmKSPLeAmDemVFLZRZez7GRCnqhesUiRFPebdX1qGD4sevsFyLNl

Comments are closed.