Tiễn biệt dịch giả Đỗ Tư Nghĩa

Trần Tuấn

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều ngườiVậy là một người con ưu tú nữa của đất Quảng Trị vừa ra đi. Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (1947- ngày 16/9/2021).

Mới hơn mươi ngày trước, tôi còn giới thiệu trên fb này cuốn "Phiếm thần luận" của Paul Harrison do ông dịch. Một bản dịch tinh tế, cẩn trọng và rất chỉn chu phụng sự người đọc để họ không lâm vào thế khó hiểu rất thường gặp khi đọc loại sách này.

 

Đó là phong cách khiêm kính, trân trọng độc giả vốn quen thuộc của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa. Đầu mỗi cuốn sách, ông đều có phần "Đôi lời của người dịch", hoặc "Đôi dòng của người dịch bản tiếng Việt", với những chú dẫn cẩn thận. Và ông cũng luôn ẩn mình thật kín sau những trang sách dịch.

Như lời tâm sự của ông trong cuốn "Cuộc đời của Luận sư Rajneesh Chandra" (NXB Trẻ, 2007). "Tôi có đủ tỉnh táo để biết rằng, sự hấp dẫn đó là dành cho cuộc đời của Rajneesh Chandra (Osho) hơn là dành cho bản dịch. Dù vậy, người dịch cũng được vui lây – vì đã được ‘ăn theo’ Rajneesh Chandra (Osho). Ông quả là một con người kỳ lạ! Thế mới biết, khi được ở gần một bông hoa thơm, thì dường như mình cũng vương một chút mùi hương trên áo!…".

Dịch giả không quên cám ơn những người đã góp phần đưa bản dịch này ra đời. Những người ‘không muốn phô bày danh tánh của mình’. Và cuối cùng là cám ơn cuộc đời: "Có một lúc nào đó trong đời, bỗng nhiên ta chợt nhận ra là mình đã mắc nợ cuộc đời quá nhiều – những món nợ không tài nào trả nổi! Đôi khi ‘chủ nợ’ có thể là một bông hoa nở sớm mai, một giọt sương trên lá cỏ, một nụ cười của em bé thơ ngây, một trang sách nuôi dưỡng tâm hồn – chưa kể đến những hạt gạo mình ăn, những giọt cà phê mình uống… Nhìn đâu cũng thấy những ‘chủ nợ’ dễ thương như vậy, những ‘chủ nợ’ không biết mình là ‘chủ nợ’!"…

Tôi và nhiều người cũng đã ‘mắc nợ’ Đỗ Tư Nghĩa. Nhờ ông, từ bao giờ tôi đến được với những Kahlil Gibran, Osho, Lev Tolstoy,… bên những trang sách đầy suy niệm.

Nhưng cuộc đời Đỗ Tư Nghĩa ta rất ít bắt gặp bên ngoài trang sách. Tiểu sử về ông ta cũng chỉ loáng thoáng biết rằng ông là cựu học trò trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị, Cử nhân Triết tại Đại học Văn khoa Huế, rồi từ đó suốt cuộc đời gắn với Dalat dạy Triết và dịch sách. Gia đình đã định cư tại Mỹ từ 30 năm trước nhưng ông vẫn ở lại, một mình, và trường trai, gần như ẩn dật…

Tìm hiểu thêm, tôi còn biết dịch giả Đỗ Tư Nghĩa có làm thơ. Ông có bản thảo tập thơ ‘Gởi tình yêu, gởi cuộc đời’ hoàn thành từ năm 1983 mà chưa xuất bản. Trong đó có bài ‘Sẽ có một ngày’ viết từ 38 năm trước, với những câu thơ thế này: "Sẽ có một ngày/tôi sẽ cười vui/mỗi một lần tiễn biệt/mỗi một lần chết đi/mỗi một lần sống lại/-vì cuộc đời vẫn giết chết tôi/và hồi sinh tôi/trong từng khoảnh khắc…".

Trong cuốn "Phiếm thần luận", viết rằng người Phiếm thần là người biết THỞ CÓ Ý THỨC. Hơi thở nối kết chúng ta với mọi người khác đã từng sống trên trái đất này. Trong hơi thở của chúng ta chứa đựng hơn 400.000 nguyên tử khí Argon mà M. Gandhi đã thở trong suốt sinh thời của ông. Có khí Argon hơi thở của những nhà thơ cổ đại, của những tiếng thở dài và lời thề ước của những đôi tình nhân cổ xưa, và từ những tiếng khóc trên chiến trường Thermopylate cách nay 2.500 năm….

Giờ đây tôi biết có cả hơi thở của triết gia trầm lặng Đỗ Tư Nghĩa nơi Dalat mù sương suốt cuộc đời 74 năm.

Tiễn biệt Ông, như một Pantheist

trần tuấn|16.9.2021

Có thể là hình ảnh về sách, ngoài trời và văn bản

 

Có thể là hình ảnh về 2 người và sách

Nguồn: FB Trần Ngọc Tuấn

Comments are closed.