Tiếng vọng từ mộ bia…

Trích bút ký của Lưu Nhi Dũ

Hỡi những đồng đội tôi, hỡi những chàng trai 18 đôi mươi, giờ bạn đang ở đâu? Hãy cất lời đi, dù từ bia mộ, lời cầu nguyện chứ không phải lời giáo huấn, rằng hãy sống sao cho ra sống, để xứng đáng với máu của những người trẻ tuổi, đang nằm dọc theo biên giới tổ quốc. Ở những nơi đó, hình như họ vẫn đang cầm súng…

**

Tháng 7, mùa mưa, vậy mà suốt chặng đường chúng tôi đến với đồng đội, bầu trời cứ xanh ngăn ngắt. Nhưng thật lạ khi chúng tôi đến nghĩa trang Tân Biên (Tây Ninh), mây đen lại vần vũ ngập trời và mưa rơi lã chã. Nghĩa trang nào mà chẳng buồn, nỗi buồn của những người đang sống chứ bia đá thì vĩnh hằng và im lặng.

Người quản lý nghĩa trang còn trẻ bảo mấy chú đến muộn quá, cách đây mấy hôm có đại lễ cầu siêu ở “Nghĩa trang Quốc tế” này – những người dân ở đây gọi nghĩa trang Tân Biên như vậy, vì nơi đây chủ yếu là nơi an nghỉ của bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia. Cuộc chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm, vậy mà… Dẫu sao đó vẫn là những hình thức của những con người đang sống nghĩ ra, có lẽ để cho chính mình.

Ngôi mộ của hạ sĩ trinh sát Nguyễn Văn Minh trước mặt chúng tôi. Minh là đồng đội mà tôi có dịp quen thân trong một lần học chính trị ở Pailin – một huyện của tỉnh Bát Tam Bang, gần biên giới Thái Lan. Anh quê Quảng Nam, hy sinh năm 1979. Khi tôi gặp anh, dù về trung đoàn bộ học chính trị, anh vẫn ăn mặc như lúc đang luồn rừng, với bộ quân phục sờn rách, đặc biệt hai ống quần tả tơi mà anh cắt bên ngắn bên dài. Vài tháng sau, anh hy sinh vì vướng một quả mìn KP2. Minh là con trai một trong gia đình còn có hai chị gái nữa. Năm nào ba Minh cũng từ Quảng Nam vào “ngủ” với con trai một đêm, ông nói vậy và ông làm như vậy trong nhiều năm liền.

Có lần ông vào TPHCM, đồng đội của Minh đưa ông lên nghĩa trang, sau khi thắp nhang xong, anh em cố mời ông về một khách sạn ở thành phố nghỉ ngơi nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông bảo để ông “nói chuyện” với con một đêm… Sáng hôm sau chúng tôi đến đón ông, ông bảo ông không chỉ nghe được tiếng của con mình mà còn nghe được tiếng đồng đội của Minh. Đó là những âm thanh của đất, của bia mộ, ông nói rì rầm như lời nguyện cầu vậy. Ông chỉ về những đám cỏ lau đang phất phơ trên ngọn đồi Tân Biên, nói rằng Minh và các đồng đội của chúng tôi đang nằm đây như những ngọn cỏ lau lay gió trên đồi, đến mùa khô nó mất đi, lặn vào đất, mùa mưa lại trồi lên như sự sống. Minh không chết, ông tin thế.

Anh Nguyễn Hữu Bằng nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 812, Sư 309 bảo rằng, cuộc chiến tranh Capuchia là cuộc chiến tranh du kích và mìn. Hồi đánh chiếm ngọn đồi có tính chiến lược 367 Mỏ Vẹt, thuộc tỉnh Bát Tam Bang, gần biên giới Thái Lan, trong đêm tối anh và đồng đội phải lấy xẻng xúc từng xẻng mìn 652A lật qua hai bên để tiến lên. Đây là loại mìn do Trung Quốc sản xuất, đạp lên mới nổ, khác với loại 652B tự động nổ. Đó là cuộc chiến với tử thần.

Tôi cũng từng chứng kiến một rừng mìn ở Pailin khi công binh dùng mìn DH thổi từng đoạn ngắn để mở đường. Pailin và nhiều khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan đã từng chứng kiến quá nhiều cái chết, đặc biệt mìn đã góp phần rất lớn loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn bộ đội ta với mức sát thương cực kỳ tàn khốc, chủ yếu làm bị thương ở chân. Ở đó công nghệ mìn độc ác nhất mà một nước có công nghiệp sản xuất vũ khí bên cạnh chúng ta được dịp thử nghiệm. Quả mìn KP2 chẳng hạn, được xem là “máy chém chân”, nó biết nhảy lên để gây sát thương chủ yêu đôi chân đối thủ một cách ngọt lịm. Bạn tin không, gần như mỗi tấc đất biên giới ở Pailin đều có mìn. Cho đến nay, Tổ chức phòng chống bom mìn quốc tế (MAG) vẫn đang có gắng tìm mọi cách làm sạch bom mìn nơi đây nhưng nỗ lực đó vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Cuộc chiến tranh Campuchia để lại hậu quả rất lớn do mìn gây ra. Hàng vạn thương binh vì mìn đang có tuổi đời trên dưới 60, là hậu quả dễ thấy nhất dù cuộc chiến tranh ấy đã trôi qua mấy chục năm.

Tôi nhớ, năm 1982 đang ở trạm thu dung của sư đoàn, đóng ở đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình, TPHCM), lúc này lòng vui phơi phới khi được trở về trường đại học. Buổi sáng xuống phòng vệ sinh tập thể chợt thấy anh MaiThanh Bình, trước là Trưởng ban quân lực trung đoàn, sau đó nhận nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Anh đang đánh răng nhưng chỉ còn một chân, cái chân cụt ngủn gác lên bệ bể nước làm tôi bàng hoàng. Hình như anh là giáo viên, tôi nghĩ anh có thể hoà nhập với đời sống dễ dàng, dù là thương binh nặng. Nhưng không, hình như anh có chuyện gia đình để rồi sau đó anh lưu lạc một đời thương binh thật buồn. Đó cũng là một số phận. Những người bạn tôi, có người mất một chân, có người mất cả hai chân, như Nguyễn Văn Thạnh (Khánh Hoà), Lê Văn Châu (Quảng Ngãi) lại vượt qua được mặc cảm của số phận từ chiến tranh. Nguyễn Văn Thạnh giờ là một doanh nhân thành đạt dù phải “lái xe tăng” – tức luôn luôn phải ngồi xe lăn. Anh vẫn sống như phong cách người lính, ngay thẳng, táo bạo và đầy ắp nghĩa tình đồng đội. Tết nào anh cũng cùng đồng đội dong ruổi từ Nam chí Bắc chỉ để được gặp mặt đồng đội, nhớ lại những kỷ niệm ở rừng, để hát những bài ca đời lính. Châu cũng mất hai giò nhưng may mắn hơn Thạnh nhiều vì còn có thể mang chân giả, tay chống tó. Ở nhà Châu lết trên hai cái đòn, nuôi heo để nuôi con học đại học và các cháu đều thành đạt. Hôm đám cưới con gái Châu ở Tân Bình, nhìn Châu mặc bộ đồ vest, hai quần quần phất phơ, gương mặt mãn nguyện, tôi nghĩ anh đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người lính sau những trận đánh khốc liệt của cuộc đời.

Họ tất cả đều có gia đình, những người vợ tuyệt vời, hay nói thẳng ra đó là những người phụ nữ vĩ đại. Làm người vợ của một thương binh nặng chỉ còn 5%, 10% quả là một thách thức vô cùng. Chính các chị là những người tiếp tục hy sinh cho cuộc sống này chứ không phải những đồng đội thương binh của chúng tôi.

Những người vẫn tiếp tục hy sinh còn có những bà mẹ, ông bố, thân nhân của các liệt sĩ. Năm kia, nhân ngày thương binh – liệt sĩ, tôi đưa mẹ của liệt sĩ Nguyễn Lân lên nghĩa trang Bình Dương thăm con. Nghĩa trang mênh mông nhoà trong nhang khói. Đồng đội nằm la liệt, lặng im. Mẹ Lân hỏi nhỏ: “Mình chết nhiều vậy sao cháu” – một câu hỏi làm nhói tâm cang. Bác ơi, nhiều lắm, các bạn ấy nằm la liệt ở nhiều nghĩa trang khắp biên giới. Trong tay họ hình như vẫn còn cầm súng…

Nắng chiều lọt qua khe mây, chiếu một vệt qua nghĩa trang buồn. Mẹ Lân không chịu về. Bà đứng đó tóc bạc trắng, như đợi con. Tôi đến bên mẹ và nhìn thấy những gịot nước mắt đục lăn trên gò má nhăn nheo. Bất ngờ bà ôm lấy tôi: “Con ơi, nếu thằng Lân còn sống…”. Những giọt nước mắt của người mẹ già như làm không gian nghĩa trang thẫm lại.

Tôi như nghe từ bia mộ vọng lên: “Mẹ ơi, mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi/ Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng/ Ai gọi đò bơ phờ bến vắng/ Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương…” . Lời thơ thật buồn, bài thơ Trong chiều nghĩa trang của Nguyễn Quang Thiều làm nhói tim tôi.

****

Một chiều tháng 7, tôi ghé vào một sạp bán hoa gần ngã tư Bình Thái. Một chị hình như là công nhân của một nhà máy gần đó đang chọn hoa. Chị chọn 18 bông hồng đỏ thắm. Chị giúp tôi khi thấy tôi loay hoay mua hoa tặng cho người bạn thương binh chỉ còn 5%, chị chỉ những đóa hồng đỏ, nói: “Bạn anh vẫn còn hạnh phúc. Anh Hai tôi hy sinh ở biên giới phía Bắc khi mới 18 tuổi…”. Tôi thấy những đóa hồng nhoà đi trong chiều tháng 7…

Tháng 7, những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước này nhạt nhoà khói nhang và nước mắt.

Hỡi những đồng đội tôi, hỡi những chàng trai 18 đôi mươi, giờ bạn đang ở đâu? Hãy cất lời đi, dù từ bia mộ, lời cầu nguyện chứ không phải lời giáo huấn, rằng, hãy sống sao cho ra sống, để xứng đáng với máu của những người trẻ tuổi, đang nằm dọc theo biên giới tổ quốc. Ở những nơi đó, hình như họ vẫn đang cầm súng.

Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 3 người, trong đó có Nhi Dũ Lưu, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng, tượng đài và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 11 người, trong đó có Nhi Dũ Lưu, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang đứng, tượng đài và ngoài trời

 

Nguồn: FB Lưu Nhi Dũ

Comments are closed.