Tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" nhìn từ Mỹ

(Rút từ facebook của Phạm Xuân Nguyên)

 

Tin Bảo Ninh “trượt” Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm nay ở hội đồng cuối cùng, tôi nghe mà mừng cho anh và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của anh. Biết là anh không thích các thứ giải thưởng, nhưng như thế là anh đã cho thấy những người không bỏ phiếu cho anh là thế nào. Bằng trường hợp của mình, anh đã cho thấy làm văn chương đích thực là văn chương ở nước mình khó đến thế nào, khổ đến đến thế nào. Nhưng văn chương đích thực đứng ngoài sự hủy hoại của thời gian và những toan tính dập vùi của những kẻ đo văn chương bằng những cái ngoài văn chương. Tôi đăng lại đây trích đoạn bài viết của mình về dư luận ở Mỹ đối với cuốn NBCT. Bài này là tham luận tại hội thảo Hoa Kỳ học tổ chức ở Huế (11/2008) và đã in trong cuốn sách của tôi Nhà văn như Thị Nở (2014).

Phạm Xuân Nguyên

 

Trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi từ phía Mỹ, còn gọi theo phía Việt Nam là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước) kéo dài trong hai thập niên giữa thế kỷ XX là một biến cố lớn. Đề tài này chắc chắn sẽ còn được các giới chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa của hai nước tiếp tục đi sâu phân tích, tìm hiểu. Trong ngành Hoa Kỳ học, đây cũng sẽ phải là một trọng tâm nghiên cứu. Và trong phạm vi giảng dạy bộ môn Hoa Kỳ học ở nhà trường, việc tham chiếu, so sánh các cách nhìn của Việt Nam và Mỹ về cuộc chiến tranh này trên mọi bình diện cũng là điều cần thiết và cấp bách. Ở đây, tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực của mình là văn học, và giới hạn hơn nữa là từ cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh soi chiếu dưới sự tiếp nhận và giảng dạy ở Mỹ.
Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh khi đến Mỹ đã nhận được sự đồng cảm và tiếp nhận tích cực. “Hội chứng Việt Nam” ở Mỹ sau cuộc chiến đang cần được giải phẫu và chữa trị. Như báo Anh The Guardian đã viết: “Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt xuống. Bất kỳ nhà chính trị hoặc nhà hoạch định chính sách nào của Mỹ cũng cần nên đọc cuốn sách này. Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó quá hấp dẫn để xứng được thế”. Những cựu binh Mỹ nói riêng và người dân Mỹ nói chung muốn được biết những con người ở phía bên kia, phía kẻ thù của mình, là như thế nào, để từ đó đi tìm câu trả lời giải thích và cắt nghĩa cho số phận và hậu quả cuộc chiến mà nước Mỹ đã bị lâm vào và phải bị rút ra. Vượt lên và vượt thoát khỏi sự tuyên truyền từ cả hai phía, tác phẩm NBCT trả lại bộ mặt người cho người lính tham chiến ở phía bên kia mà một thời chỉ được gọi là “gooks”, “Charlie”, hay “VC”. Một nhà phê bình Mỹ viết trên tờ Philadelphia Inquirer rằng cuốn tiểu thuyết ‘đã làm cho những người lính Bắc Việt thành ra con người” vì nó “rốt cục đã đặt một bộ mặt người khả dĩ chấp nhận được lên một nhóm người lâu nay không có mặt”. Cách viết mang thái độ tàn nhẫn và khinh miệt, nhưng là đối với người Mỹ, để nói với người Mỹ. Nhà báo Kenneth Champeon khi điểm sách cuốn này đã diễn dịch ý kiến của nhà phê bình trên ra là: “Chúng ta chưa bao giờ thực sự coi những người đó là con người cho đến khi Bảo Ninh, một người Việt Nam và có lẽ là một con người, nói với chúng ta như vậy”. Một nhà phê bình khác táo bạo hơn cho rằng NBCT “vượt lên trên tất cả các tác phẩm văn xuôi của Mỹ đã viết về cuộc chiến Việt Nam” . Một cựu binh Mỹ viết sau khi mua NBCT năm 1999: “Tôi đã đọc sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị móc vào nó. Là một lính thủy đánh bộ, tôi đã chiến đấu chống lại kẻ thù này vào năm 68 và 69 và đã có mặt ở Sài Gòn khi anh ta vào đấy năm 75. Tôi tự thấy mình có sự hối tiếc đối với những người lính Bắc Việt và chút gì đó xấu hổ vì đã gây ra những nỗi buồn mà anh ta đã viết ra. Cuốn sách này cần cho tất cả các cựu binh Việt Nam. Bạn sẽ thấy kẻ thù cũng y như chúng ta về mọi mặt”. Gần đây nhất, ngày 3/10/2008, Dennis Mansker, thành viên của hội cựu binh vì hòa bình và hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh, tác giả sách A Bad Attitude: A Novel from the Vietnam War, đã bất ngờ khi được đọc NBCT. Ông chỉ mới mua một bản sao của sách này gần đây tại Sài Gòn, mua từ một phụ nữ bán hàng rong trên phố. Lúc đầu ông nghĩ là mua vậy thôi để giúp cho người bán có chút tiền. Nhưng khi trên máy bay về nước ông giở sách đọc thì không thể dứt ra được khỏi nó vì choáng váng và xúc động. Ông viết: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên xung đột, và cuốn sách này là nên đọc đối với những ai chọn nghề “binh nghiệp”. Tôi đặc biệt giới thiệu nó cho các bạn bè cựu binh của mình; Bảo Ninh thực sự là “bạn chiến đấu” của chúng tôi, bất kể việc anh ta đứng ở phía bên kia. Hết sức giới thiệu”.
Khi đọc cuốn sách của Bảo Ninh, độc giả Mỹ thường so sánh với tác phẩm của các nhà văn cựu binh Mỹ, và rộng ra là đặt nó trong tương quan với các tiểu thuyết viết về chiến tranh nổi tiếng trên thế giới. Tác phẩm này kết hợp được ba yếu tố: một câu truyện cổ điển về chiến tranh (theo kiểu All Quiet on the Western Front), một câu truyện tình cổ điển (theo kiểu Love Story) và suy nghĩ của cá nhân về bản chất “cuộc sống”. Cho nên nhiều độc giả Mỹ khi đọc NBCT thường nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Erich Remarque để khen ngợi và lấy làm điểm quy chiếu cho cả Bảo Ninh và các nhà văn cựu binh Mỹ. NBCT được liên hệ, đối chiếu với A Rumor of War của Philip Caputo, Paco’s Story của Larry Heinemann, If I Die in a Combat ZoneThe Things They Carried của Tim O’Brien. Tác phẩm của Bảo Ninh đối với người Mỹ là lời chứng từ bên thắng. Nhưng Bảo Ninh cũng như Caputo sớm ra trận và sớm vỡ mộng về chiến tranh, chỉ khác là Caputo ở chiến trường có một năm còn Bảo Ninh thì trải mười năm. Và nhân vật Kiên cũng giống như nhân vật Paco bị cuốn đi trong dòng hồi tưởng về những đồng ngũ đã mất và kinh nghiệm bao lần cận kề cái chết ở chiến trường. Kiên thậm chí còn bị chấn thương thể xác và tinh thần mạnh hơn Paco, khi anh cảm nhận thấy sự thờ ơ và vô ơn của mọi người xung quanh đối với xương máu hy sinh của anh và đồng đội trong chiến tranh. Tập truyện ngắn The Things They Carried của Tim O’Brien có nhiều nét gần gũi với NBCT của Bảo Ninh. Cả hai đều là cựu binh của hai phía. Cả hai đều đưa kinh nghiệm chiến trận của mình vào văn học và đều chọn cách không vinh danh chiến tranh và sự nghiệp chiến tranh. Cả hai không tìm cách lăng nhục kẻ thù trong tác phẩm, mà cố gắng đưa lại cho người đọc những người lính sống thực, có nhân tính, ở cả hai phía. Vì từ hai phía họ hiểu rằng dù anh đứng ở bên nào, theo ai hay chống ai, rốt cuộc những con người thực là chết. Cái chết không chừa một ai. Cả Tim O’Brien và Bảo Ninh đều có viết về trường hợp đụng độ và đồng cảm giữa hai người lính ở hai bên chiến tuyến (không biết có cùng chịu ảnh hưởng của E. Remarque trong tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ không). Ở NBCT đó là câu chuyện của Phán về người “lính ngụy” bị anh đâm nhưng khi nghe anh ta kêu cứu thì anh đã chạy đi tìm bông băng nhưng khi quay lại thì không thấy cái hố hai người nằm chung lúc nãy đâu nữa, cả trận địa đã bị ngập tràn trong nước mưa. Còn người kể chuyện trong The Things They Carried đã giết chết một anh lính và cứ tự hỏi người đó có làm thơ không, anh ta người đó là người thế nào. Trong khi các đồng ngũ vui mừng trước cuộc giết ấy thì anh ta vẫn day dứt với ý nghĩ là mình đã cướp đi mạng sống của một con người. Như vậy, ở hai tác phẩm, hai tác giả đều cho thấy người lính phía bên kia cũng là nạn nhân của chiến tranh. Tim O’Brien có một nhận định rất đúng cho ông, cho Bảo Ninh, và cho những cái viết về chiến tranh của các cựu binh từ cả hai phía: “Các truyện về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, chúng không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”.
Cảm nhận về một nền văn hóa khác tồn tại ở Việt Nam được thể hiện trong NBCT cũng đã được độc giả Mỹ chú ý. Susan L., một nữ quân nhân, đọc cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh rất chú ý đến vai trò phụ nữ trong chiến tranh, và thấy ra sự khác biệt văn hóa của hai đất nước qua việc thể hiện hình ảnh người phụ nữ ở vai trò đó. Bà viết: “Văn hóa phương Tây không thường mô tả phụ nữ là người bảo vệ quê hương mình và là chiến binh cho đất nước mình. Với tư cách một phụ nữ và là một phụ nữ làm lính tôi cảm thấy thân thuộc với những phụ nữ trong truyện này. Chưa ai từng bảo họ là họ không thể chiến đấu và chết cho tổ quốc mình. Tôi khâm phục họ. Tôi đã thấy cách họ được mô tả và tôi hiểu rằng trong nền văn hóa Mỹ của mình tôi có lẽ sẽ không bao giờ thấy được một chủ nghĩa anh hùng như thế. Phần lớn các nữ nhân vật trong tiểu thuyết này hoặc bị giết hoặc bị hãm hiếp, thế nhưng họ vẫn được phép coi là những anh hùng. Tôi thấy đây là sự khác nhau lớn giữa NBCT và các bộ phim, cuốn sách của Mỹ. Đọc sách này đã thêm một chiều kích mới cho cuộc chiến tranh Việt Nam đối với tôi. Tôi mừng là đã có cơ hội thấy được nhiều phía của vấn đề”. Một bạn đọc khác lại quan tâm đến NBCT ở khía cạnh các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam như tình cảm cha con, việc chôn cất và tưởng nhớ người chết. Thái độ của Kiên đối với người cha họa sĩ, khi còn nhỏ anh không hiểu cha mình, không đồng cảm được với cảnh ngộ của ông, mãi sau này đi lính về anh mới hiểu ra và thương xót. Điều này cung cấp cho độc giả Mỹ thấy mối quan hệ cha con, rộng ra là quan hệ giữa các thế hệ, trong gia đình Việt Nam. Việc những người lính tử trận không được chôn cất tử tế, cẩn thận do hoàn cảnh chiến trường, nên biến thành những hồn ma lang thang, không nơi cư ngụ và thường ám ảnh Kiên, cũng thể hiện một nét văn hóa tâm linh Việt Nam đối với độc giả Mỹ. Đặt trong khung cảnh cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh, những khía cạnh này được độc giả Mỹ cảm nhận là cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm đã hủy hoại hệ thống giá trị của văn hóa Việt Nam. Đất nước, làng mạc, gia đình bị tan hoang trong chiến tranh. Sau chiến tranh văn hóa, lối sống của người Việt Nam phải xây dựng lại. Và nhân vật Kiên cho thấy hoàn cảnh khó khăn của người dân Việt Nam trước, trong và sau chiến tranh là thế nào.
Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh không phải dễ đọc, ngay cả đối với độc giả Mỹ. Lối viết theo “dòng ý thức” của nhân vật Kiên, đảo lộn trình tự thời gian, chắp nối, đứt đoạn sự kiện, lồng “truyện trong truyện”, đã khiến nhiều người khó theo dõi nội dung tác phẩm. Hầu hết các bài viết điểm sách, phê bình NBCT ở Mỹ đều nói tới điều này. Một số người còn nói thẳng là họ đã tính bỏ sách xuống sau vài trang đầu, nhưng rồi cố rán đọc và càng đọc thì mới càng thấy lôi cuốn, thấy hay. Thậm chí có độc giả mang tên (hay nickname) Shogun Len ở New York còn kể rằng đọc các bài điểm sách khen NBCT nên mua sách về và đọc hai lần, cả hai lần đều không thấy vào, đành bỏ. Người này nêu lý do là có thể do bản dịch, nhưng cũng có thể là do cách viết “dòng ý thức” nên thấy truyện cứ rời rạc, ngắt quãng. Theo Susan L. cuốn sách có một số điểm phi thực. Thứ nhất là vận may của Kiên khi anh sống sót được qua bao lần ốm đau, thương tích trong chiến tranh. Thứ hai là sự tương phản giữa bản tính tốt đẹp và hành động phá phách của con người. Thứ ba, phi thực nhiều hơn cả, là truyện các hồn ma. “Tôi hiểu và tôn trọng thực tế là các nền văn hóa khác nhau nhìn thế giới vô hình theo những cách khác nhau. Phương diện này của truyện khiến nó hai lần phi thực đối với tôi. Hồn ma không phải là một phần thường ngày trong thế giới của tôi và văn hóa của tôi nên tôi khó mà chia sẻ với phương diện này trong nhân tính của Kiên. Tôi tôn trọng cách nhìn của anh về các hồn ma nhưng tôi không liên kết được với sự hiện diện của chúng. Chúng không thực với tôi nên làm cho câu truyện có phần phi thực”, độc giả này viết.
Tóm lại, NBCT đến Mỹ là đã mang người lính ở hai bên chiến tuyến đến gần nhau, giúp hai bên hiểu nhau, nhìn nhau thấy cùng là con người, cùng chung thân phận người lính, khắc phục tâm lý một thời đối lập “họ” và “chúng ta”. Câu truyện của Kiên cũng là truyện của nhiều lính Mỹ, nhưng là được kể từ một người lính Bắc Việt, và khi mở sách ra người lính Mỹ và người dân Mỹ bắt gặp kẻ thù một thời và thấy – anh ta là chúng ta. NBCT khám phá cho nước Mỹ thấy một Việt Nam rất riêng về dân tộc và văn hóa và cũng rất chung về con người với những đức tính và phẩm chất phổ quát. Chính Bảo Ninh trong một lá thư gửi cho Marc Levy, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và đã gặp gỡ trò chuyện với nhà văn khi anh sang Mỹ, cũng nhấn mạnh điều này. Anh yêu cầu Marc Levy khi tường thuật lại cuộc trò chuyện giữa hai người phải nhấn mạnh được tính người, chất người của người lính Bắc Việt.
Đánh giá cao nhất NBCT ở Mỹ có lẽ là ý kiến của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Torkelsen viết: “Liệt kê đầy đủ các phẩm chất của sách này ở đây là không thể. Liên quan đến văn học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất cả các tác phẩm khác cùng lĩnh vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì chỉ có Phía Tây không có gì lạ là may ra có thể so sánh được. Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình yêu và nghệ thuật đều được mô tả kỹ lưỡng dưới ánh sáng gắt của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh. Hỗ trợ cho cách trình bày chủ đề không gì so sánh nổi của cuốn sách là thứ văn xuôi tuyệt vời của tác giả. Cuốn sách được viết bằng một văn phong nên thơ nhưng súc tích, nó là một mô hình tiết kiệm. Mỗi dòng của cuốn tiểu thuyết tương đối ngắn này chất chứa vẻ đẹp thẩm mỹ và chiều sâu tinh thần. Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người. Đây là một trải nghiệm đọc không thể bỏ qua”. Còn có một độc giả Mỹ khác đã nảy ra một ý tưởng độc đáo: chấm điểm NBCT là cuốn sách 4 sao trong bảng xếp hạng 5 sao (but overall I rate the Sorrows Of War a 4 star out of 5 star book!).

Comments are closed.