Tìm xem gen của vua Hùng qua con qua cháu…

(Rút từ facebook của Lê Minh Hà)

 

Nói thì lại bảo con cháu mất gốc. Nhưng mà thực như mình, có khi nào nghe nhắc tới các đời vua Hùng thì xoè tay đếm một hồi biết có mười tám đời Hùng Vương, và Tổ quốc của chúng ta dưới thời các cụ – nước Văn Lang – thì chỉ là một khoảnh áng chừng bằng cái phần to nhất của miền Bắc nước ta ngày nay. Lại tự kiểm tra lực học một hồi nữa thì biết mình biết rõ nhất cụ vua Hùng đời thứ sáu, vì cụ là người nhận bánh chưng bánh dày hoàng tử thứ mười tám dâng hiến và cảm động mà truyền ngôi cho cụ con Lang Liêu. Lại biết thêm cụ bà của vua Hùng đời thứ bảy là bà chúa Thượng ngàn. Túm lại, mình nghe nói và tự nói nhiều nhất về các vua Hùng loay hoay chỉ vì bánh dày tròn bánh chưng vuông. Hết. Nhưng mà túm một người bất kì trong dòng người sắp lũ lượt đổ về đền Hùng vào ngày 10. 3 này mà hỏi vẫn câu hỏi mình vừa dành cho mình xem, e cũng chẳng biết nhiều hơn mấy mảy. Gì chứ tin chắc là sang tới thế kỉ 21 sẽ vẫn rất nhiều con dân Việt nghĩ y như đã nghĩ từ thế kỉ 20, rằng ta có lịch sử đất nước 4000 năm, khởi từ vua Hùng đời thứ nhất, không cần biết ấy là con cả của Long và Tiên – một cặp vợ chồng bất tử, vì làm quái gì có. Và tính đúng tính đủ từ đời Hùng Vương đầu tiên, nếu cháu con cho rằng cụ là người lập nước, thì chiều dài lịch sử của người Việt Nam mình còn tít tắp lắm mới tới được con số bốn ngàn (4000).

 

Nhưng mà, lại thế nhưng mà, có nên hạch hỏi nhau về sự hiểu biết nhân cái sự cháu con đầy hứng cảm kéo nhau về giỗ tổ không nhỉ, ngay cả khi không biết, và cũng cóc cần biết đấy là ai. Thì cứ Hùng Vương mà nói, thì cứ đền Hùng mà trèo. Thành tâm không nhất thiết phải thành nhân. Nhể? Miễn là lời ta khấn khứa nó hiển linh. Mà rõ là linh. Không linh sao suốt bao đời không triều đại chế độ nào dám sao nhãng việc cúng tế. Xa xưa lắm, thần dân đất mở nước Văn Lang đã được các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam giao cho coi sóc Đền Hùng và tự làm giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính. Thế gọi là hậu duệ được ăn lộc tổ, nhà với nước cùng hưởng chữ nhàn. Trang trọng hơn, qua thế kỉ 20, dưới triều vua Khải Định, bộ Lễ đã sức cho quan hàng tỉnh phải thay mặt triều đình Huế cúng tổ. Vậy là từ một nước Văn Lang nhỏ tí, ngoạm hết Chiêm Thành, qua tới Phù Nam Chân Lạp, nước Việt bao đời mở đất, to ra dài ra, người Việt vẫn không quên nơi chốn đầu tiên lập quốc. Là đất Văn Lang, gọi khác đi khá là hay tuy có hơi hướng chịu ảnh hưởng anh bạn lúc nào cũng gầm ghè nằm ở phương bắc thì là đất Phong Châu, mà thế quái nào có báo lại nhầm thành Châu Phong, chán chả buồn đọc hết xem bạn nhà báo ấy có hiểu chữ châu như là đơn vị hành chính không nữa. Đến thời phong kiến ngắc ngoải, rồi vua thì tự thoái, chế độ quân chủ bị khai tử, đình chùa miếu mạo sau đó bị đập phá để khai trí cho dân, thì riêng đền Hùng vẫn năm hàng năm được tổ chức cúng giỗ đều đều. Mười tám đời vua Hùng tính ra là hạnh phúc nhất trong thế giới những người tài người hùng người hiền đã khuất của người Việt mình. Các cụ chưa bao giờ bị bỏ giỗ. Có khi còn được tranh làm giỗ như năm 1946, giữa người cộng sản và người quốc dân đảng. Bây giờ đảng mất đảng còn, nhưng người năm đó thì đã khuất lâu lắm rồi, và trước đấng Hùng vương lập quốc, có ai còn tranh với ai không nhỉ, hay tự biết sống hay chết cũng đều là con cháu các cụ cả?

Nghĩ đến cùng, Văn Lang của các vua Hùng chưa phải là một nước, một quốc gia xây dựng trên nền tảng một xã hội có giai tầng và được quản lí bằng một thể chế chính trị thật sự. Thế sao con dân Việt mình lại lo làm giỗ các cụ bao đời? Đã nói giỗ tổ thì chính ra phải giỗ cụ ông Lạc Long Quân và cụ bà Âu Cơ đã sinh ra vua Hùng đời đầu chứ nhỉ? Nhưng mà tình yêu của các cụ lung linh quá như là không thật, vả làm sao biết các cụ gặp nhau ở đâu hôm nào yêu nhau hôm nào ở đâu để hoài thai ra cái bọc trăm trứng nở trăm con. Với lại sau này, cháu con chả ai bắt chước nổi nên cũng chẳng muốn bắt chước tổ tiên ở kiểu truyền tử truyền tôn thế, thế nên thôi chốt Tổ là vua Hùng. Đủ xa xôi thời gian để thấy lịch sử là mờ mịt và đủ bằng chứng để biết rằng có thật, để rồi từ đó huyền thoại hóa, rồi tin, rồi có hẳn một tín ngưỡng Unesco công nhận. Từ xưa đến nay, từ tây sang ta, đã bao giờ có một niềm tin vào anh linh dân tộc nào không được huyền thoại hóa, và nếu không được phủ lên một lớp sa mù óng ánh mê mị của thời gian thuở văn sử bất phân ấy, có sự thực nào trở thành được niềm tin? Thực lòng tôi tự hào lắm lắm vì ngày giỗ tổ này của dân tộc mình. Ở xứ này bao nhiêu năm trời, ăn theo thổ dân bao nhiêu là ngày lễ, có lễ nhà thờ, có lễ mừng ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai (trong tư thế dân tộc thảm bại), có ngày thống nhất hai miền Đông và Tây…, nhưng xoay dọc ngang cuốn lịch in đủ các ngày lễ mà nhìn vào thì phấn khích lắm, vì cả nhà được nghỉ, cấm thấy ngày giỗ tổ của người ta.

Chẳng như chúng ta bao đời ngâm nga: Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Nhưng mà cũng tự hào thế thôi, chứ có ở nhà lúc này tôi cũng chả dám lai vãng tới nơi giỗ tổ. Đông đúc quá, ồn ào quá, diêm dúa loè loẹt quá các nghi thức cúng tế bây giờ. Linh thiêng thì nó phải trầm trầm u u mới làm cho người như tôi tin và sợ. Làm cho người ta sợ là mặt tích cực của lòng tin đấy, nó giữ chân giữ tay nhau trước việc không lành. Nhưng mới rảo một vòng các báo, thấy lũ lượt người dù chưa chính hội, rực rỡ cờ và cả nóc nhà chóp lều ở hội cũng đỏ rực dưới nắng tháng tư hơn cả cảnh phim Bollywood, lại thấy các cơ quan đoàn thể tuyên bố dẹp nạn ở lễ hội, nạn bán thịt thần dân của Sơn Tinh con rể vua Hùng trước cửa đền, nạn biểu diễn văn nghệ phản cảm, (đất này hát ghẹo hát xoan, diễn viên đi ghẹo xin tiền hay là bị ghẹo cho tiền chăng?). Yên lòng nhất, nhưng cũng làm rùng mình nhất là nạn „chặt chém“ cũng sẽ bị dẹp. Ừ thì các nạn sẽ bị dẹp, nhưng thông tin đầu tiên ập vào đầu là đi hội sẽ gặp nạn. Rồi gì nữa: Bắn pháo hoa tại đền Hùng? Ừ thôi pháo hoa. Nhưng làm gì mà ở tận tít mù tắp Sài Gòn còn có lệnh cơ quan đoàn thể nào mang tên Hùng Vương, Âu Cơ, Văn Lang, Hồng Bàng, Âu Lạc phải tổ chức giỗ tổ ở trụ sở. Lịch sử, cái khúc thời gian nằm ở sau lưng mỗi dân tộc, là nơi để con người hôm nay quay về, tưởng tiếc, để rồi đi tiếp. Một khi lăm lăm nắm lấy cái khúc đó, ứng xử với tổ tiên theo cách bày biện lòng thành, chuyến này giỗ tổ vua Hùng còn được dâng cả bánh chưng hai tấn rưỡi nữa cơ đấy, tôi cứ thấy thế nào ấy. Chỉ mong là bánh to vật thế luộc không bị nửa sống nửa chín, và không độn giằng bằng gỗ lạt hay là hộp xốp bên trong như đã từng. Tôi tin vào các huyền thoại lịch sử linh thiêng dù sự hiển linh không phải bao giờ người ta cũng thấy. Tôi, chẳng biết có cổ hủ không, chỉ mong đất của vua Hùng trở lại với thời xa xưa, khi dân sở tại được hưởng lộc để coi sóc đền, hàng năm cúng tế, bánh chưng bánh dày đúng là bánh chưng bánh dày từ thuở Lang Liêu tự giã tự gói, quốc thái dân an. Ở đất này, tôi cũng kể sự tích vua Hùng cho con nghe. Rằng đó là huyền thoại, nhưng huyền thoại nào cũng có sự thật ở sau những mù mờ đầy mê mị ấy. Tổ của mẹ là Rồng và Tiên, Rồng Tiên ấy yêu nhau, sinh ra vua Hùng, người khởi dựng Văn Lang và từ đó có Việt Nam hôm nay đấy. Rằng dịp giỗ tổ, giỗ là có thắp hương và chắp tay khấn vái ấy, người Việt sẽ được nghỉ lễ bù. Cái đó thì ta hơn đứt tây, tây nhiều khi ngày lễ trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, tức và tiếc mà vẫn phải trật tự đi làm cho bọn tư bản nó bóc. Rằng, mẹ chưa khi nào dự một cuộc giỗ tổ. Ngoài những lí do ngần ngại kể trên, còn vì không đủ sức trèo lên tới cửa đền. Giá mà có cáp treo và hi vọng rằng người ta không đổ về đền Hùng vì có cáp treo như đang đổ về một đỉnh cao khác, một hôm nào đó, trở về, tôi…

Comments are closed.