(Rút từ facebook của Tuấn Khanh)
Tranh của họa sĩ Kuang Biao (Trung Quốc)
Mới đây, anh bạn trẻ làm trong ngành phê bình điện ảnh kể rằng anh bực tức khi xem đến đoạn kết ngớ ngẩn trong phim The Assassin (2015). Nữ sát thủ trong tác phẩm dày công của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền rốt cuộc từ bỏ nhiệm vụ giết kẻ ác vì sợ thế gian loạn lạc, nhân dân không còn “yên ổn làm ăn”. Sự bực tức của anh bạn trẻ, bởi anh quá bất ngờ khi tên tuổi đạo diễn, diễn viên… cùng một kinh phí cao ngất đã bị biến thành một mệnh đề chính trị tuyên truyền hết sức kỳ quặc.
Không phải mới đây, mà nhiều thập niên trước, chính quyền Trung Quốc đã ráo riết vận dụng điện ảnh cho mục đích tuyên truyền của mình – nhằm vào người dân trong nước cũng như bên ngoài. Ngân sách cho đường lối này không có giới hạn, tuỳ theo chủ trương hay tình hình thời sự. Vỏ bọc của một nền điện ảnh đầy chất “nghệ thuật” nhưng lồng chứa những âm mưu chính trị đang là một xu hướng rất rõ của Bắc Kinh.
Cuối năm ngoái, phát biểu tại Đại hội điện ảnh Trung Quốc, ông Liu Qibao (Lưu Kỳ Bảo), Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Trưởng ban tuyên truyền Trung ương nhấn mạnh rằng “làm gì thì phim ảnh cũng phải phản ánh cho được tầm nhìn của của chủ tịch Tập Cận Bình và giấc mơ Trung Quốc”. Việc công khai biến nền điện ảnh của mình thành một bộ máy tuyên truyền cho thế hệ mới, tiêm vào họ những liều vĩ cuồng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang là một trong những tiêu chí quan trọng của từng sản phẩm từ đại lục.
Để làm được như vậy, Bắc Kinh đang từng bước đồi truỵ hoá những thế hệ điện ảnh tài năng của mình bằng ép buộc, bằng danh và lợi. Người ta nhìn thấy được biểu đồ đi xuống đáng buồn của các danh tài như Trương Nghệ Mưu, Từ Khắc, Thành Long… chỉ vì thoả hiệp với chính quyền. Cũng từ chính sách này mà điện ảnh Trung Quốc xuất hiện nhiều siêu phẩm tốn kém, cực kỳ nghệ thuật, công phu như ý nghĩa thì tầm ruồng, khiến khán giả hụt hẫng.
Từ lúc kinh tế phát triển, Bắc Kinh nhận ra rằng điện ảnh là một vũ khí quan trọng để quảng bá tư tưởng của mình. Trở thành một trong 3 quốc gia sản xuất phim nhựa nhiều nhất thế giới, chỉ sau Mỹ và trên Ấn Độ, với hơn 500 phim nhựa mỗi năm, tự Bắc Kinh cũng xem đây như là một mặt trận văn hoá. Tháng trước, ông Zhang Hongsen (Trương Hồng Sâm), Cục trưởng Quản lý Phát thanh, Phim và Truyền hình đã nói trên báo chí rằng điện ảnh Trung Quốc cần phải luôn xem như mình đang có chiến tranh với Hollywood vậy.
Một trong những kế hoạch lớn lao mà Trung Quốc từng vận lực để trình diễn, đó là việc thực hiện bộ phim “Kiến Đảng Vĩ Nghiệp”. Bộ phim này được coi như là chiến dịch quảng bá quan trọng cho lễ kỷ niệm 90 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là cách mà Bắc Kinh âm mưu viết lại lịch sử Trung Quốc, rằng nền văn minh tốt đẹp nhất của đất nước này chỉ đáng nhớ, đáng học kể từ khi cộng sản quốc nội ra đời vào năm 1949.
Chính quyền Trung Quốc đã tài trợ đến 12 triệu USD cho phim này, kêu gọi tất cả các nam nữ diễn viên danh tiếng tham gia và buộc các học sinh, sinh viên, công nhân… phải đi xem bằng cách đưa vé, trừ thẳng vào tiền lương, tiền học bổng. 6.200 rạp hát trên đại lục được lệnh phải công chiếu cùng lúc. Hàng ngàn dư luận viên được lệnh trực trong các rạp và bắt nhịp hát các bài ca cách mạng ca ngợi đảng ngay khi phim vừa hết. Thậm chí không ngại tốn kém, Bắc Kinh còn bỏ tiền cho công chiếu ở 29 rạp tại nước Mỹ, trong đó, bắt buộc phải có ở New York và Los Angeles, tức nơi có nhiều Hoa kiều cư ngụ. Cùng lúc đó, phim Wuxia (Võ hiệp / Dragon) với Chung Tử Đơn và “yếu tố nước ngoài” là Takeshi Kaneshiro (Kim Thành Vũ / Đài Loan – Nhật) có vẻ lấn sân, lập tức mọi nơi đều được lệnh không được quảng cáo phim này hàng ngày.
Mỗi ngày, các lý thuyết gia và tư tưởng văn hoá của Trung Quốc được lệnh nghiên cứu các kịch bản để làm sao lồng vào đó các mầm mống tuân phục, trung thành và chấp nhận sự lãnh đạo, dù như thế nào đi nữa. Đừng ngạc nhiên là từ năm 2002, Trương Nghệ Mưu đã làm phim Hero (Thích Khách Kinh Kha) với tư duy là Kinh Kha thà chết, chứ không giết Tần Thuỷ Hoàng vì nghe tay Hoàng đế này hỏi rằng liệu hắn ta chết thì liệu sẽ có được một chế độ tốt hơn và ổn định hơn không, và thiên hạ sẽ ra sao, khi không còn “yên ổn làm ăn” bởi đại loạn. Ngay trong The Assassin (Đồng Tước Đài – 2012), đạo diễn Triệu Lâm Sơn cũng có một kịch bản Tào Tháo nói như khóc với vua, rằng hãy tiếp tục trị vì bởi “Ngài là hoàng thượng, quỷ thần đều phải kinh sợ”. Tào Tháo được vẽ lại với khuôn mặt hung dữ bề ngoài, bởi luôn muốn mạnh mẽ để bảo vệ bời cõi và sống chết với thuyết Khổng Tử: mãi mãi tôn thờ bề trên dù đó là hôn quân.
Không được nghĩ đến một cuộc cách mạng nào khác, trung thành và chấp nhận như một sĩ khí mới mẻ là cách mà Trung Quốc đang bơm vào đầu thế hệ mới thông qua phim ảnh. Bất chấp trong lịch sử, Đảng Cộng sản lại là kẻ luôn kêu gào cách mạng, luôn âm mưu thay đổi, tiếm quyền.
Sáng tạo và thâm độc hơn cả P.J. Göbbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, Bộ Chính trị Trung Quốc thiết kế một hệ thống tuyên truyền êm dịu và kiên nhẫn để đối nội và cả đối ngoại. Trong nhiều thập niên, phim ảnh của Bắc Kinh được chia sẻ với giá rẻ mạt hoặc biếu tặng thường kỳ cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc được mến mộ qua phim cổ trang, lịch sử Trung Quốc được nhồi đến trẻ em cũng thuộc lòng, và nhân dân thì quen dần với cuộc sống chấp nhận mọi thứ, như lý lẽ cao siêu được phát đi từ màn ảnh.
Bắc Kinh tin rằng điện ảnh của mình, cùng với sức mạnh kinh tế, sẽ phát tác ở những nơi mình nhắm đến. Đầu năm nay, Nam Phi bắt đầu xếp tiếng Hoa làm một trong những ngoại ngữ chính ở bậc tiểu học. Thầy giáo bản ngữ cũng được cung cấp miễn phí từ Bắc Kinh. Sau nhiều năm chia sẻ và thuận hoà với chính quyền Trung Quốc, Nam Phi bắt đầu xem nhiều phim kungfu hơn và từ chối cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Trẻ em Nam Phi khi học tiếng Hoa, xem phim lịch sử Trung Quốc cũng được dạy rằng Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không được chào đón ở quê hương của chúng, vì ông ta là một kẻ không cần thiết.