Ukraina và Nga chỉ có thể chia tay êm đẹp nhờ dân chủ

(Dự cảm tiên tri của văn hào Nga Alexander Soljenitsyne về tương lai quan hệ Ukraina-Nga)

Trọng Thành

Hôm nay, 01/03/2022, cuộc chiến của Nga chống Ukraina bước sang ngày thứ sáu. Cuộc chiến tranh mà nhiều người coi là huynh đệ tương tàn. Cách đây hơn nửa thế kỷ, văn hào Nga Soljenitsyne đã cảm nhận được sự chia ly không thể tránh khỏi giữa hai dân tộc, vốn gắn bó vô cùng mật thiết qua nhiều thế kỷ. Có lẽ hiếm nơi nào lại như vậy, trên hành tinh này.

Sự chia ly có thể đã là êm đẹp, nếu quyền quyết định thuộc về người dân, như Soljenitsyne từng hy vọng.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra: hơn 30 năm sau khi độc lập, Ukraina chìm trong lửa đạn. Chiến dịch quân sự tàn khốc của chính quyền Putin nhân danh diệt trừ chính quyền “phát xít mới”, và thế lực quân phiệt thân phương Tây, đang đẩy hai dân tộc anh em Nga và Ukraina vào thế đối đầu.

Trong bài diễn văn dài hơn một giờ đồng hồ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 21/02/2022, được nhiều người ví như một “bài giảng” về lịch sử chính trị, về mối quan hệ đặc biệt phức tạp giữa Nga và Ukraina, có một điểm nổi bật nhất là việc ông Putin không thừa nhận một dân tộc Ukraina hiện đại bên ngoài chế độ Xô Viết. Không có Ukraina lìa khỏi nước Nga. Tổng thống Putin lên án lãnh tụ cộng sản Lênin đã cắt đất Nga cho quốc gia Ukraina nhân tạo, nhưng lại đưa quyền ly khai khỏi Liên Xô vào Hiến pháp, và theo ông ta, đây chính là “Quả bom nổ chậm” dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.

DIỄN VĂN của ông PUTIN mở đường cho cuộc tấn công UKRAINA:

https://www.facebook.com/100009197912801/posts/3054344921548742/?d=n

Quan điểm của Soljenitsyne có thể phần nào được ông Putin sử dụng để biện minh cho việc can thiệp vào Ukraina. Nhưng về cơ bản, tác giả “Quần đảo Gulag” đã nhìn sâu, và xa hơn Tổng thống Nga rất nhiều. Để tái lập quan hệ Nga-Ukraina, dự cảm mang tính bất bạo động, và dân chủ triệt để của Soljenitsyne ắt hẳn vẫn luôn thời sự.

Xã hội Ukraina giờ đây có thể chính là nơi mà hai văn hoá Ukraina và Nga giao kết không có vấn đề, nhờ có nền dân chủ. Một thử nghiệm đầy triển vọng có lẽ đã bắt đầu hình thành cho một xã hội đa văn hoá. Cuộc can thiệp của Putin giáng đòn khốc liệt vào xã hội đó, bởi đa văn hoá có lẽ chính là điều mà những kẻ độc tài căm ghét?

Một tháng trước cuộc xâm lăng của Nga, tuần san Pháp L’Express giới thiệu một số trích đoạn tác phẩm của Soljenitsyne, tác giả “Quần đảo Gulag” (1973) (tên tác phẩm của Soljenitsyne về hệ thống trại cải tạo kinh hoàng tại Liên Xô, nơi ông bị lưu đày từ 1945 đến 1959).

@@@

TUẦN BÁO PHÁP L’EXPRESS giới thiệu SOLJENITSYNE

https://www.lexpress.fr/…/ukraine-russie-il-y-a-50-ans…

Ukraina-Nga: 50 năm trước, những lời tiên tri đáng lo ngại của Alexander Soljenitsyne

Hơn nửa thế kỷ trước, nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng và là tác giả của "Quần đảo Gulag" đã dự cảm sự giằng xé sắp tới giữa người Nga và người Ukraina.

Trong một số tác phẩm, mà tác phẩm lâu đời nhất ra đời từ nửa thế kỷ trước, Soljenitsyne (1918-2008), nhà văn Nga, nhà ly khai chống đối chế độ Xô Viết nổi tiếng nhất trong những năm 1970 và 1980, đã gợi lại mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Ukraina. Những dòng viết đầy tính tiên tri của nhà văn Soljenitsyne dưới đây chứng minh cho phần có lý và phần sai trái trong quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Putin có lý: Đúng như vậy, bởi lịch sử và vận mệnh của hai dân tộc Nga và Ukraina liên hệ vô cùng mật thiết với nhau, theo Soljenitsyne. Putin sai: khi nhà văn khẳng định rằng việc lựa chọn tương lai của Ukraina là do chính người Ukraina, trong trường hợp Liên Xô tan rã. Matxcơva không nên ép buộc mọi thứ, theo Soljenitsyne.

Giải mã quan điểm của Soljenitsyne, nhà tiểu luận và triết gia Michel Eltchaninoff, một chuyên gia về nước Nga và về Vladimir Putin, nhận xét: “Tác giả của ‘Quần đảo Gulag’ ở trong một vị trí đầy sự trái ngược”. Một mặt, nhà văn tin tưởng hai dân tộc Nga và Ukraina gắn bó vô cùng mật thiết với nhau bằng lịch sử và quan hệ huyết thống. Mặt khác, nhà bất đồng chính kiến cũng là người triệt để chống chủ nghĩa đế quốc. Đối với ông, nếu phải chia ly, mọi quyết định cần phải được bắt đầu từ cơ sở (đây chính là điều mà chúng ta thường gọi là Dân Chủ – Trọng Thành bổ sung).

Ba văn bản dưới đây đã được Russia Beyond, một cơ quan thông tấn thuộc sở hữu của chính phủ Nga, đăng tải gần đây. Các đoạn văn trong ngoặc vuông là được ban biên tập của tuần báo Pháp L’Express bổ sung.

***

Năm 1968: "Với Ukraina, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng đau đớn"

“Quần đảo Gulag”, Phần 5, Chương 2 (viết năm 1968; xuất bản năm 1974):

[…] Tôi rất đau đớn khi viết điều này, bởi vì Ukraina và Nga hòa quyện trong máu của tôi, trong trái tim và trong suy nghĩ của tôi. Nhưng kinh nghiệm lâu dài qua những cuộc tiếp xúc thân thiện với người Ukraina trong các trại cải tạo [tức “gulag” trong tiếng Nga, ghi chú của biên tập viên] đã cho tôi thấy, họ có mối hận thù đau đớn đến nhường nào. Thế hệ chúng ta sẽ không thoát khỏi trả giá cho những lỗi lầm của ông cha mình.

[…] Theo học thuyết Mác, chủ nghĩa dân tộc sẽ phải lụi tàn, nhưng dự báo này đã không được hiện thực hóa. Điều này có vẻ rất đáng ngạc nhiên. Ngược lại, trong thời đại của nghiên cứu hạt nhân và điều khiển học, vì một lý do nào đó, chủ nghĩa dân tộc đã phát triển mạnh mẽ. Và đã đến lúc chúng ta [tức người Nga], dù muốn hay không, phải đền đáp tất cả những lời hứa về quyền tự quyết và về độc lập, và hãy tự mình thực hiện nó chứ không phải đợi bị thiêu trên cọc, dìm xuống sông hay bị chặt đầu [bởi người Ukraina].

Chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta là một quốc gia vĩ đại, không phải bằng sự rộng lớn của lãnh thổ hoặc số lượng các cộng đồng dân cư mà chúng ta chịu trách nhiệm, mà phải bằng sự vĩ đại của những việc làm của chúng ta. Và với mức độ mà chúng ta sẽ cày xới những gì chúng ta còn lại, sau khi những quốc gia không muốn ở lại với chúng ta quyết định ly khai. Với Ukraina, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng đau đớn. Nhưng bạn phải hiểu mức độ căng thẳng mà họ cảm thấy. Vì điều này đã không thể giải quyết được trong nhiều thế kỷ, vì vậy mà chúng ta cần phải thực thi điều đó với lương tri sáng suốt.

Chúng ta phải để cho họ quyền quyết định: những người theo quan điểm liên bang [liên kết với Nga] hay những người ly khai [tức độc lập với Nga], bất kể bên nào là bên thắng [tức quyết định theo đa số]. Không nhượng bộ [Ukraina] sẽ là điên rồ và độc ác. Chúng ta càng tha thứ, kiên nhẫn, kiên định, thì càng có nhiều hy vọng khôi phục sự đoàn kết trong tương lai [giữa hai quốc gia của chúng ta]. Hãy để họ trải nghiệm sự độc lập, hãy để họ thử nghiệm độc lập. Họ sẽ nhanh chóng hiểu rằng không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết được bằng cách tách biệt. Vì tuỳ theo từng khu vực tại Ukraina, tỉ lệ là khác biệt giữa những người tự coi mình là người Ukraina, những người tự coi mình là người Nga, và những người tự coi mình thuộc hẳn bên này, hay bên kia. Vì vậy sẽ có rất nhiều khó khăn.

Có thể cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở mỗi khu vực và sau đó đảm bảo đối xử ưu đãi và tế nhị đối với những ai muốn rời đi. Tất cả Ukraina, trong biên giới chính thức của Liên Xô hiện tại, không thực sự là Ukraina. Một số khu vực ở tả ngạn [sông Dniepr] rõ ràng nghiêng về phía Nga nhiều hơn. Về phần bán đảo Crimée, quyết định nhượng lại nó cho Ukraina là quyết định hoàn toàn tùy tiện của Khrushchev. […]

***

1981: "Trong trái tim tôi không có chỗ cho xung đột Nga-Ukraina"

Trích từ một bức thư tháng 4 năm 1981 gửi tới hội nghị Toronto về quan hệ Nga-Ukraina, Viện Nghiên cứu Ukraina của Harvard. Đăng trên tạp chí Russkaya Mysl, ngày 18 tháng 6 năm 1981, sau đó tại Nga, trên tạp chí Zvezda, số 12, năm 1993.

"Tôi hoàn toàn đồng ý rằng vấn đề Nga-Ukraina là một trong những câu hỏi lớn hiện nay và chắc chắn, có tầm quan trọng thiết yếu đối với các dân tộc của chúng ta. Tuy nhiên, đối với tôi, đam mê cháy bỏng với kết quả là gây giận dữ sẽ có hại về mặt tinh thần cho việc tìm ra phương hướng.

[…] Tôi đã tuyên bố nhiều lần và tôi nhắc lại ở đây và bây giờ, đó là không nên để ai bị khống chế bằng vũ lực, cả giữa những người đối địch, không nên dùng đến sự ép buộc của bên này chống lại bên kia, hoặc chống lại chính bên của mình. Bởi toàn thể nhân dân hay bất kỳ một thiểu số nhỏ nào tự nó, đến lượt mình, cũng bao hàm một thiểu số riêng của mình … Trong mọi trường hợp, cần phải xác định được quan điểm mang tính địa phương, và thực thi nó. Đây là lý do tại sao tất cả các vấn đề chỉ có thể thực sự được giải quyết bởi người dân địa phương chứ không phải bằng các cuộc thảo luận xa xôi đâu đó trong nội bộ của nhóm dân di cư, những người mà nhận thức của họ vốn đã bị méo mó.

[…] Tôi nhận thấy có sự bất khoan dung dữ dội khi thảo luận về vấn đề Nga-Ukraina (thật khốc hại với hai dân tộc, và chỉ có lợi cho kẻ thù của họ). Đây là điều đặc biệt đáng buồn, vì bản thân tôi mang hai dòng máu Nga và Ukraina. Tôi lớn lên dưới ảnh hưởng chung của cả hai nền văn hóa này và tôi chưa bao giờ nhìn thấy, và không thấy bất kỳ sự đối kháng nào giữa hai văn hoá. Nhiều lần, tôi đã viết và nói trước công chúng về Ukraina và về người dân Ukraina, về thảm kịch nạn đói Ukraina [gây ra từ 2,5 đến 5 triệu người chết trong các năm 1932 và 1933 do chính sách nông nghiệp của Stalin]; tôi có nhiều bạn cũ ở Ukraina; tôi luôn biết rằng người Nga và người Ukraina cũng có những đau khổ tương tự, giống như những đau khổ do chủ nghĩa cộng sản gây ra.

Trong trái tim tôi không có chỗ cho xung đột Nga-Ukraina, và nếu Chúa cấm, mọi thứ đến cực điểm, tôi có thể nói: Không bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi và các con trai của tôi cũng sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột Nga-Ukraina, ngay cả khi một số những người nóng máu nhất định thúc đẩy chúng tôi làm như vậy.

***

1990: "Tách Ukraina ra hiện nay đồng nghĩa với việc hàng triệu gia đình phải chia ly"

Bài phát biểu trước người Ukraina và người Belarus, được viết và xuất bản năm 1990 (“Tái thiết nước Nga”):

[…] Tách Ukraina ngày nay đồng nghĩa với việc chia ly hàng triệu gia đình và con người: Chỉ cần nhìn vào mức độ hỗn hợp của dân số; có nhiều khu vực [ở Ukraina] nơi dân cư chủ yếu là người Nga; bao nhiêu người cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn mình thuộc quốc tịch nào trong hai quốc tịch; có bao nhiêu người có nguồn gốc hỗn hợp; Có bao nhiêu cuộc hôn nhân hỗn hợp (vả lại, cho đến nay không ai coi chúng là hỗn hợp). Trong toàn bộ dân số, không có một chút dấu vết nào về sự không khoan dung giữa người Ukraina và người Nga.

***

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Một cuộc gặp giữa văn hào Soljenitsyne và Tổng thống Nga Vladimir Putin, năm 2000.

 

Nguồn: FB Trọng Thành

Comments are closed.