Vì sao tôi bỏ việc Tòa án?[i]

FB Đỗ Hoàng Diệu

“Giang hồ đất cảng” học cùng khóa với tôi hoặc trên một khóa gì đấy ở đại học Luật, không nhớ nổi. Thú thực hồi sinh viên tôi chỉ học và yêu với chết, ít quan tâm đến đoàn hội, bạn bè này kia.

Dù tôi không thích đánh giá của anh về người Do Thái, không đồng ý cách anh gọi cuộc chiến Việt Nam, nhưng bài viết của anh đã làm tôi xốn xang.

Những chuyện anh kể, chúng ta không ngạc nhiên, nhưng nhiều thứ chỉ nghe hoặc đoán. Đọc anh nói thẳng thế này, thật đau thật buồn.

Tòa án, cơ quan đáng ra phải trong sạch nhất, lại đục thối đến mức này ư?

“Vì sao tôi rời bỏ Tòa án

1. Xin bắt đầu bằng chuyện của Bố tôi, trong chiến tranh chống Mỹ.

– Sợ nhất đụng độ với lính Pắc Chung Hy (lính đánh thuê từ Hàn Quốc). Bọn này khỏe, giỏi võ, thông thạo địa hình rừng nhiệt đới và rất tàn ác.

– Sợ nhất bom Napan của Mỹ, cả cánh rừng biến thành biển lửa, người với cây hóa thành than trong phút chốc.

– Sợ nhất đạp phải mìn lá, hai ống chân dập nát, người ta chết dần vì mất máu…

Toàn những thứ “sợ nhất”, chẳng có “sợ nhì”. Vì sơ suất là chết mất xác và chẳng có mộ.

Vậy mà Bố tôi sống sót trở về, sau 12 năm khắp các chiến trường.

Về già, Bố tôi đâm ra sợ cả mùi hương thắp trong đám tang. Bố tôi giải thích, vì ngày ấy tiễn đưa quá nhiều đồng đội; sau trận đánh nào cũng có những bó hương rất to được đốt lên…

Có phải do trải qua như vậy, nên tôi luôn cảm nhận rằng, người yêu tôi nhất trên thế gian này là Bố.

2. Tốt nghiệp đại học, Bố xin cho tôi làm việc ở Tòa án gần nhà, để cha con gần nhau. Khỏi phải nói khó khăn thế nào khi có một biên chế trong Tòa án, chỉ có Bố tôi làm được việc đó.

Vậy mà, sau 3 năm 5 tháng 23 ngày, tôi nghỉ việc ở Tòa án do lòng tự trọng ảnh hưởng từ Bố.

Chúng tôi đã có vài đêm thức trắng:

– Tôi kể chuyện đồng lương bèo bọt, Tòa hoặc Viện chỉ trông chờ thu nhập duy nhất từ đương sự, bị can, bị cáo. Chấm hết.

– Tôi kể chuyện người ta ăn tiền thế nào. Ly hôn thường giá bao nhiêu, nhanh giá bao nhiêu, để hợp pháp hóa định cư ở nước ngoài giá bao nhiêu, lý lịch bị cáo có nhà mặt đường sẽ thế nào, bị cáo có người thân ở nước ngoài sẽ thế nào. Ai là người dò la những thông tin ấy, ai mặc cả, ai làm giá, tiền ghi chép ở quyển sổ nào, ai giữ…

– Tôi kể chuyện được giao trông chừng cửa dưới cơ quan mỗi tối, để a H chánh án have sex với chị H phó chánh án, ngay trong phòng làm việc trên tầng 2.

Nói thế để thấy rằng tôi không phải là kẻ lập dị, ẩm ương dở ông dở thằng, dốt nát đến mức người ta cho ngồi chơi xơi nước mà phải nghỉ. Trái lại, tôi rất được tin tưởng, thời sau đấy chức chánh án chắc đến lượt tôi chứ không ai khác!

– Tôi kể những chuyện lạm dụng tình dục của chánh án trong cơ quan, với những ai, những ai, ở đâu, ở đâu, vào việc gì, việc gì…

– Điều kiện làm việc, sinh hoạt nhom nhem, lắm hôm buồn đi vệ sinh cố nhịn về nhà, cứ như học mầm non ấy, hihi.

– Tôi kể chuyện sợ bị quả báo.

3. Bố tôi đương nhiên buồn.

– Bố kể chuyện, Tòa án tôi đang làm việc đến xin tiền Doanh nghiệp của Bố trong những dịp lễ tết, lần nào Bố tôi cũng cho kế toán mang tiền ra, chứ không tiếp.

Bố tôi bảo, tiền có thể cho, nhưng Bố không coi những kẻ đi ăn xin ngang hàng với mình.

– Bố tôi bảo, những người như Bố tôi, như Bác cả nhà tôi đã hy sinh rất nhiều vì cuộc chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, duy nhất cũng vì độc lập, tự do của đất nước này. Rất nhiều đồng đội của Bố tôi vĩnh viễn nằm xuống còn chẳng tìm thấy mộ…

– Bố coi việc con rời bỏ quê hương, đi làm ở xa là sự hy sinh tiếp theo của Bố, cũng vì độc lập tự do của con, nên từ nay về sau đừng vì vài đồng bạc mà làm nô lệ cho bất cứ ai. Tiền bạc không mang lại tự do, phúc đức, nhiều khi chẳng đủ để mà chữa bệnh.

4. Trước khi nghỉ việc, tôi gặp chị H đương kim chánh án, anh H nguyên chánh án, khi đấy là đương kim phó chánh án thành phố, anh Th đương kim giám đốc Sở tư pháp; trình bày ngắn gọn, đàng hoàng:

– Em học luật tư pháp chính quy, về tòa án làm là đúng chuyên môn.

– Những gì được học có thể vận dụng trong công việc, thực tế Em hòa nhập với mọi người, và có thể giỏi chuyên môn.

– Em xin nghỉ vì không hợp; Em thấy mình còn có lòng tự trọng.

5. Có lần ngồi cà phê sáng với Bố, tôi đùa:

Giá con cứ làm ở Tòa án, giờ có khi đang là chánh án rồi cũng nên, tối tối cũng phịch một con nào đấy trong phòng làm việc, giờ chắc có nhiều đứa xin canh cổng.

6. Đứa bạn thân bảo: những chuyện ở Tòa qua lâu rồi, nó như đống phân đấy, nhắc làm gì, thối hoắc.

Đúng là im lặng là vàng, nhưng im lặng có thể cầm tinh con hến.

Thử tưởng tượng xem, nếu đứa con của bạn ở hoàn cảnh như tôi. Những đứa con mà bạn yêu quý, chăm chút, nuôi dạy; hồi hộp khi nó qua mỗi năm học phổ thông, hồi hộp khi nó đỗ đại học, khi nó tốt nghiệp đại học, để rồi đứa con trai phải khom lưng uốn gối mang về vài đồng bạc, đứa con gái chấp nhận đổi tình lấy việc… Bạn có xót xa, im lặng không?

Và bạn có biết tại sao dân tộc Do Thái thông minh, giàu có thế nhưng luôn bị khinh thường, bị xua đuổi không?

Vì dân Do Thái hèn nhát. Chỉ cần 100 lính Đức quốc xã đã có thể lùa 10 nghìn dân Do Thái vào trại tập trung để mà tàn sát.

Tôi là người hiền lành nhưng không bao giờ hèn.

7. Có thể những thứ tôi kể chỉ là chuyện cá nhân; hoặc người đọc hy vọng nó chỉ ở phạm vi hẹp theo cảm nhận của tôi.

Nhưng tôi được dạy rằng, pháp luật là thứ thuộc về kiến trúc thượng tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định. Nên dĩ nhiên chẳng thể mong nhiều từ nền tư pháp của một nước chưa phát triển, những chuyện tôi gặp không còn là cá biệt, nó dần trở lên phổ biến.

Sự thật thường khó nghe và khó chấp nhận, nhưng nếu cứ cúi đầu nghe diễn văn ca ngợi những cái mà thực tế chẳng bao giờ có, sẽ chẳng thể biết được xã hội đánh giá thế nào về cái ngành tôi đã từ bỏ.

Nếu rủi sau này con tôi học Luật, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận chúng làm việc cho cơ quan tư pháp. Còn nếu trót, thì đành khấn thầm cho những người tử tế trót làm trong Tòa án đừng hèn nhát mà bán mình cho quỷ.”

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=342385979553113&id=100013451416651

[i] Tựa đề của Văn Việt

Comments are closed.