Văn hóa và Phát triển (kỳ 10)

Đặng Văn Dũng

SỬ HỌC QUÀNG XIÊN VÀ TINH THẦN TIỂU NHƯỢC

“Sách lược thao suy xét đã tinh/

Lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ”

(Bình Ngô đại cáo)

Có lần nói chuyện với một anh bạn là phó giám đốc một viện nghiên cứu quốc tế, có hàm đại sứ và đã từng ở Việt Nam những năm 1970s. Anh bảo:

– Khi tôi ở Việt Nam, người ta bảo tôi: Việt Nam có 4000 năm đói nghèo!

Tôi sững người!

Sau tôi mới hiểu rằng, hồi đó người Việt cho rằng nước mình đói khổ là đương nhiên, rằng chúng ta “Ở một đất nước hình tia sét/ Chọn vùng tâm bão để sinh con”; rằng chúng ta tự hào là một đất nước đói nghèo, lạc hậu mà “đánh thắng 2 đế quốc to”(!)

Thật không có gì sai lầm hơn!

Chúng ta đều nghĩ như thế bới vì được dạy thế!

Nền sử học của chúng ta đều viết về các cuộc khởi nghĩa nông dân, về các cuộc chiến tranh giữ nước, về vua quan phong kiến đàn áp bóc lột nhân dân, về đói khổ dưới chế độ cũ (theo quan điểm đấu tranh giai cấp) vân vân và vân vân…

Thật không có gì ngớ ngẩn hơn!

Tôi nói với anh bạn:

– Nếu nước tôi suốt 4000 năm đói nghèo thì dân tộc tôi bị tuyệt diệt từ lâu rồi!

Nước ta có phải như những nhà sử học minh hoạ và dốt nát nói không?

Không!

Đất nước ta đã có nhiều thời kỳ phát triển huy hoàng.

Từ thế kỷ 14 trở về trước trình độ phát triển của Việt Nam vượt xa các khu vực như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam ngày nay; về tổ chức xã hội thì hơn hẳn Champa, Khmer, Ayuthaya, Pagan… Đế quốc Khmer huy hoàng là vậy, đem quân đánh Việt Nam mấy lần, mà chỉ đến Nghệ An là đại bại, đến nỗi vị vua Khmer oai hùng Suryavarman II cũng bỏ mạng tại Vụ Quang.

Thời nhà Lê, quân đội Việt Nam có mức độ trang bị hoả khí hơn hẳn mọi quốc gia châu Á, kể cả nhà Minh Trung Quốc; “khí giới chỉ dùng pháo hỏa, đao kiếm là thứ yếu”. Nói không ngoa, một đế quốc phương Tây lúc bấy giờ muốn đọ kiếm với Việt Nam lúc đó cũng sẽ dễ dàng bị đánh bại.

Vua Lê Thánh Tông đánh bại hoàn toàn Champa, Ai lao, tiến quân đến tận sông Irawady của Myammar. Thời Lê, Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gốm sứ, xuất khẩu hàng hoá… Thời Lê – Trịnh, Đàng Trong là một trong những trung tâm thương mại của phương Đông. Nửa cuối thế kỷ 18, các công sở ở Đàng Trong đã có đồng hồ treo tường (quả lắc) do Việt Nam sản xuất…

Ngay đến đầu thế kỷ 19, thành Gia Định là đô thị phồn vinh ở châu Á.

Không có mô tả ảnh.

Hội An thế kỷ 17

Người Việt Nam cũng cởi mở về văn hoá, tôn giáo. Việc đố kỵ và đàn áp đạo Thiên chúa chỉ khốc liệt từ thời Minh Mạng (hệ quả là ngày nay tâm lý đố kỵ, thù ghét Thiên chúa giáo vẫn còn rất mạnh và là khởi đầu cho tâm lý dè chừng phương Tây).

Cuối thế kỷ 19, một trong những lý do mà Việt Nam thua Pháp dễ dàng là do người dân Việt Nam buông vũ khí, không đồng hành cùng triều đình tham nhũng thối nát chống ngoại xâm. Họ lờ mờ hiểu rằng: người Pháp đến thì chúng ta mất độc lập nhưng về mặt xã hội lại được giải phóng phần nào. Và đau hơn là những ao ước canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, không thể làm được với chính quyền Việt Nam độc lập thì lại được chính quyền đô hộ làm gấp 5 hoặc 7 lần (lời nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Lanh – một nhà nghiên cứu sử học tự do). Thành phố Hà Nội là thủ đô đầu tiên ở châu Á có điện. Cho tới 1925, Việt Nam là nước phát triển thứ 2 ở châu Á. Một số chỉ số phát triển của Việt Nam năm 1938 mà đến cuối thế kỷ 20 vẫn còn thua.

Chỉ nhấn mạnh đến đói nghèo, đến vua quan bóc lột, đến đấu tranh giai cấp mà quên đi các thành tựu của cha ông (chỉ nhớ đến thành tựu chiến tranh) là một cách phỉ báng lịch sử. Khi thắng thì phóng đại lên rõ to, tưởng thế là anh hùng, vĩ đại hơn; thua thì nói thật vắn tắt, đến nỗi người học hiểu sai cả lịch sử, là một sự xuyên tạc không giúp ích gì! Mà những kinh nghiệm thất bại mới đáng nghiền ngẫm để không thất bại khi gặp những hoàn cảnh tương tự… trong tương lai!

Không sòng phẳng với quá khứ sẽ tiếp tục sai lầm trong tương lai./.

07/8/2018

Đ.V.D

(Còn tiếp…)

Comments are closed.