Văn hóa và Phát triển (kỳ 11)

Đặng Văn Dũng

Văn Việt: Loạt bài Văn hóa và Phát triển, như tác giả Đặng Văn Dũng chia sẻ với chúng tôi, là vẫn chưa kết thúc; tuy nhiên, do một số nguyên nhân mà phải tạm dừng. Khi tác giả tiếp tục hoàn thành, Văn Việt xin đăng tải để phục vụ bạn đọc. Trân trọng cảm ơn tác giả Đặng Văn Dũng và quý bạn đọc của Văn Việt!

***

ĐIỀU GÌ ĐANG CHỜ ĐỢI CHÚNG TA TRONG TƯƠNG LAI?

Gần đây người ta bàn đến tầm nhìn tới năm 2045, có vị còn dự đoán: đến năm 2045 thu nhập bình quân của Việt Nam (VN) sẽ đạt 40 000 usd?!

Tôi dám chắc rằng trong thế kỷ 21 này, không một cơ quan hoạch định quốc gia nào trên thế giới dám làm cái việc hoạch định phát triển đến năm 2040 chứ đừng nói đến 2045, và càng không thể dự báo mức thu nhập bình quân cho thời điểm đó!

Vì sao?

Vì trong thế kỷ 21 không ai dám dự báo thế giới sẽ như thế nào trong vòng 20 năm nữa. Người ta chỉ có thể dự báo xu hướng phát triển còn sự phát triển đó sẽ định hình như thế nào thì… chịu, do khoa học và công nghệ đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Một nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã nói sau khi thuyết trình về đề tài của ông ta và được hỏi:

– Ông chờ đợi điều gì với công trình này?

Ông ta điền nhiên trả lời:

– Tôi mong rằng nó không trở nên lạc hậu khi bước ra khỏi khán phòng này!

Khoa học công nghệ đã làm thay đổi thế giới qua 3 lần “đại nhảy vọt”:

Lần thứ nhất: việc phát minh ra động cơ hơi nước (1763) khởi đầu cho giai đoạn CƠ KHÍ HOÁ nền sản xuất và cuộc sống con người. Cơ khí hoá làm cho năng xuất lao động tăng cao, sản phẩm công nghiệp trở nên dư thừa và con người vượt qua các giới hạn của thời đại thủ công, con người có thể đến mọi ngõ ngách của thế giới. Cơ khí hoá làm cho nền văn minh phương Tây phát triển, bành trướng ra khắp thế giới và trở thành mẫu mực cho quá trình phát triển của nhân loại. Văn minh hoá đã trở thành giá trị chung của loài người.

Lần thứ hai: ĐIỆN KHÍ HOÁ (1870) Việc phát minh ra điện và điện khí hoá đã thay đổi hoàn toàn xã hội loài người trên tất cả các lĩnh vực. Không có điện khí hoá sẽ không có xã hội loài người hiện đại với radio, vô tuyến truyền hình, các phương tiện liên lạc tức thời, động cơ đốt trong và ô tô, máy bay cùng với các đô thị hiện đại. Điện khí hoá làm nền tảng cho các phát minh của xã hội hiện đại. Người ta không thể tưởng tượng nổi thế kỷ 20 nếu không có điện khí hoá.

Lần thứ ba: mạng INTERNET. Internet đã biến đổi thế giới và biến thế giới thành một cái làng. Với internet người ta có thể tương tác đa phương tiện với nhau ở bất cứ đâu và bất cứ nơi nào. Cùng với việc thiết lập mạng vệ tinh viễn thông và GPS cả thế giới trở nên gần gũi với mọi người. Internet chi phối mọi lĩnh vực của đời sống bởi lợi thế hiển nhiên của nó. Internet là cho đời sống con người trở nên công khai, minh bạch hơn; những mánh lới chính trị dễ bị vạch trần hơn và đời sống công cộng trở nên dân chủ hoá hơn. Chưa bao giờ các chế độ độc tài gặp phải thách thức như hiện nay.

Vậy bước đại nhảy vọt tiếp theo là gì?!

Thực ra tôi không phải là người thích hợp nhất để viết về đề tài này và tôi chờ đợi ai đó sẽ viết hoặc dịch để tôi share (chia sẻ) nhưng chờ mãi không thấy. Sở dĩ tôi không thích hợp để viết về đề tài này vì lĩnh vực này đối với tôi chỉ là tự học. Tuy tôi có học ngành kỹ thuật nhưng ngành này tương đối xa các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn và công việc tôi làm cả đời, oái ăm thay, lại là lĩnh vực chính trị!

Thôi thì không ai làm thì tự làm vậy; phần này tôi dựa vào bài giảng của tiến sỹ KAIFU LEE. Tiến sỹ Lee là nhà tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; những phát kiến đầu tiên của ông ra đời cách đây 50 năm và ngày nay trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng ở một loạt lĩnh vực của đời sống.

Như vậy, bước đại nhảy vọt tiếp theo của nhân loại sẽ là TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (Artificial intelligence)

Vậy trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến xã hội loài người như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi xã hội loài người hệt như điện khí hoá và internet đã làm. Khoa học công nghệ đã làm thay đổi cách chúng ta sống, cách chúng ta lao động, cách chúng ta hưởng thụ, vui chơi và cách chúng ta tương tác, liên lạc giữa người với người. Trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho quá trình này đi vào chiều sâu mà đồng thời sẽ mở rộng sự thay đổi trên tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bảo thủ nhất, là giáo dục.

Các ngành nghề cần lao động giản đơn, thường nhật và lặp đi lặp lại sẽ biến mất. Các ngành nghề không cần mức độ dự đoán phức tạp trong thực thi công vụ như tiếp tân, văn phòng, kế toán, thư ký, quản lý, thanh tra, giám sát… cũng sẽ biến mất. Ở mức độ dự đoán ít phức tạp thì trí tuệ nhân tạo làm tốt hơn con người. Các công việc như quản lý vận hành của nhà máy, kho bãi, xuất nhập, v.v., sẽ do trí tuệ nhân tạo đảm nhiện. Một loạt ngành nghề tưởng như không thể thay thế được sẽ biến mất.

Giao thông vận tải sẽ trở nên tự động hoá, nghề lái xe sẽ biến mất.

Trong nông nghiệp, trí tuệ nhân loại tạo sẽ đánh giá các yếu tố liên quan đến vật nuôi cây trồng như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, mức độ tương thích của vật nuôi cây trồng và tự đưa ra các chế độ chăm sóc, tưới tiêu, bón phân, thức ăn, phòng chống dịch bệnh phù hợp và trong lĩnh vực này chắc chắn các đánh giá, dự báo của trí tuệ nhân tạo sẽ chính xác hơn con người. Các hoạt động khác như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, nghiên cứu khoa học sẽ được tự động hoá một phần và số lượng các phát minh, sáng chế sẽ tăng lên nhiều lần.

Sẽ có nhiều lo lắng về công ăn việc làm vì một loạt ngành nghề sẽ mất đi. Tuy nhiên, sẽ có hàng loạt ngành nghề mới xuất hiện và số lượng công việc mới sẽ nhiều hơn số lượng công việc sẽ mất đi.

Cuộc sống của chúng ta cũng sẽ thay đổi kể cả trong phạm vi riêng tư. Trí tuệ nhân tạo phát hiện đánh giá chính xác phản ứng, xúc cảm của con người (qua nhiệt độ thân thể, mạch đập, phản ứng của đồng tử mắt, v.v.) và đưa ra phương án đáp ứng phù hợp. Ngôi nhà chúng ta ở sẽ thông minh và biết tự mở cửa khi ta về. Nhưng không chỉ có thế, ngôi nhà sẽ biết rõ bạn đang phấn khích hay thất vọng, đang buồn hay đang vui và sẽ tự động điều chỉnh mức độ ánh sáng, mầu sắc phù hợp, tự bật loại nhạc bạn thích… để bạn giải toả trạng thái tâm lý tiêu cực, không thuận lợi. Một số người sẽ có một cô robot ra mở cửa và cô ta sẽ biết lựa chọn nét mặt như thế nào thích hợp với tâm trạng của bạn, biết nói những lời bạn muốn nghe, biết an ủi, biết pha trò, biết dọn nhà và nấu món ăn nào bạn thích…, và tất nhiên là biết cả lên giường cùng bạn nếu bạn lựa chọn. Khả năng lựa chọn lối sống cách sống riêng tư của con người sẽ nhiều lên và sẽ tiếp tục là vấn đề cá nhân.

Có một số lo lắng như các nhà làm phim viễn tưởng đặt ra là trí tuệ nhân tạo sẽ khống chế, thậm chí tiêu diệt con người để thay thế loài người và hình thành nền văn minh người máy?!

Điều này gần như không có khả năng xảy ra vì trí tuệ nhân tạo dù phức tạp đến đâu, hiệu quả đến đâu cũng không thể thay thế trí tuệ con người. Về bản chất trí tuệ nhân tạo khác trí tuệ con người.

Vì sao?

Vì trí tuệ nhân tạo thiếu một điều căn bản: ý chí!

Trí tuệ nhân tạo không có ý thức, không tự ý thức và khả năng tự sáng tạo của nó rất giới hạn, chỉ trong phạm vi thuật toán (algorithms) mà nó đã được quy định. Nó có khả năng tự điều chỉnh, tự sửa chữa nhưng chỉ là để trở về phạm vi thuật toán nó đã được quy định. Trí tuệ nhân tạo chỉ giải quyết những nhiệm vụ mà người sáng tạo ra nó dự báo được.

Vì sao?

Vì trí tuệ nhân tạo không có cảm xúc, không thấy buồn khi thất bại, không thấy vui khi thành công, thậm chí không hiểu vì sao phải làm công việc mà nó được giao. Do không có cảm xúc nên trí tuệ nhân tạo không có khả năng tưởng tượng và vì thế không có khả năng sáng tạo và không có động lực sáng tạo. Cô vợ robot như nói ở trên có thể làm bạn ngạc nhiên lúc đầu nhưng không làm bạn ngạc nhiên về sau và không thể thay thế được cô bạn gái người thực vì nội tâm con người là cả một thế giới mà một người dành cả đời cũng không khám phá hết.

Có một chuyện thể hiện rõ điều này. Có một nhà vô địch cờ vây Trung Quốc (cờ vây có lượng biến số phức tạp hơn các loại cờ khác) đấu với máy AlfaGo và giữa trận đấu anh ta gục xuống khóc nức nở. Vì sao? Vì anh ta không thể chấp nhận mình lại thua một cái máy. Còn AlfaGo thì sao?! Tất nhiên là nó không có cảm xúc gì hết; nó không vui, không buồn và cũng không hiểu vì sao nó phải đấu cờ với anh bạn kia.

(Còn tiếp: Machine learning và deep learning – 3 bước phát triển của trí tuệ nhân tạo)

20/10/2020

Đ.V.D

Comments are closed.