Văn hóa và phát triển (kỳ 13)

Đặng Văn Dũng

SỰ RỐI LOẠN TRONG TƯ DUY VÀ SỰ U MÊ CỦA NÔ LỆ

Tranh luận với người việt rất khó; khi tranh luận họ sẽ nhảy lung tung từ chủ đề này sang chủ đề khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác…, nói chung là tả phí lù! Đúng như cha ông ta nói: “ông nói gà, bà nói vịt”!

Tại sao lại như vậy?

Có nhiều lý do, chỉ xin kể ra 2 lý do dễ nhận thấy nhất.

Thứ nhất, do bị ảnh hưởng bởi truyền thống, xã hội dân gian Việt Nam chỉ dựa vào kinh nghiệm mà coi thường tri thức và cũng là vì tầng lớp trí thức Nho học ngày xưa lại xa rời cuộc sống của người dân. Trí thức Nho học viết và đọc bằng thứ ngôn ngữ mà người bình dân không hiểu và cũng không có nội dung nào giúp ích cho đời sống sản xuất của họ. Trong khi đó người nông dân chỉ quan tâm đến những gì sát sườn với cuộc sống mà xa lạ với kinh sách, thơ phú của Nho sĩ. Người nông dân cũng coi khinh tầng lớp trí thức Nho học vong bản vô dụng: “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”.

Tầng lớp Nho sĩ này bám chặt lấy chính quyền, tìm kiếm lợi lộc ở việc phục vụ chính quyền nên việc chạy vạy, mua danh bán tước là đương nhiên. Ông nào không bám được vào chính quyền thì trở về với thân phận “hàn sĩ”, địa vị không hơn anh xã dân là mấy. Người trí thức Nho giáo hoàn toàn không có tâm thế độc lập, lý trí phê phán như người trí thức phương Tây ở các đô thị.

Cấu trúc xã hội kiểu này làm cho người dân không mấy coi trọng người trí thức, không coi họ như những người thầy, người khai sáng cho cuộc sống của họ và do đó sẵn sàng “đôi co” tay đôi với người có kiến thức hơn mình nhiều lần, bất chấp phải trái mà không biết rằng càng làm vậy càng bộc lộ sự dốt nát, ngu xuẩn của mình.

Thứ hai, do đặc thù lịch sử, có quá nhiều ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài vào Việt Nam, có quá nhiều quan niệm về văn hoá, xã hội, tôn giáo xâm nhập vào xã hội Việt Nam. Với thói quen “thuật nhi bất tác”, tin vào tín điều, tin vào những gì không hiểu mà không hề phản bác hay tìm hiểu đến cội nguồn hình thành những thứ tư tưởng kia; thấy hợp với mình, với hoàn cảnh xã hội, đặc điểm tâm lý của mình là tin. Thậm chí tin một cách “tả phí lù” theo kiểu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Mở miệng ra, ông thì nói theo Lão (tử) bà thì nói theo Phật, ông lại vẫn “tam cương ngũ thường” của cụ Khổng. Có ông quanh đi quẩn lại lại quay về Marx – Lenin. Lại có ông lúc đầu thì nói “tuỳ duyên” (Phật), lúc sau lại “vô vi” (Lão), sau nữa lại “tam cương ngũ thường” (Khổng), rồi đến “duy vật lịch sử”(Marx)…, thật là rối loạn. Kiểu tranh luận đó nhiều khi là để các ông kễnh này khoe kiến thức mà thực ra các thứ kiến thức đó chưa được “tiêu hoá”hoàn toàn.

Trái ngược với cái “chợ trời” trí thức này là đám quần chúng u mê, chỉ tin theo tín điều. Thấy hợp là tin mà không phê phán hay nghi ngờ gì cả. Thấy chùa to là vào lễ Phật, thấy người khác thắp hương cũng thắp hương. Họ tin tất cả, thờ tất cả theo phương châm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thứ tôn giáo phù hợp với họ nhất là đạo Phật nhưng không phải thứ đạo Phật tôn nghiêm mà là đạo Phật đã được “Việt Nam hoá” hay đã “XHCN hoá”. Vì sao vậy? Vì đây là thứ tôn giáo mở, sẵn sàng dung nạp mọi niềm tin, không phải xưng tội, không phải sám hối…, thích thì đọc kinh không thì chỉ cần niệm “nam mô Adida Phật” hay “nam mô Quán Thế Âm bồ tát” là được rửa sạch tội lỗi và sau này được “độ” về Tây phương cực lạc, dù cho trước đây đã buôn gian bán cướp, lừa đảo hay tham nhũng cướp đoạt đất đai, của công. Đám thầy chùa ma mãnh nhân thế xui đám người này “cúng dường”, rằng cúng càng nhiều càng được “xá tội” và bày ra hết trò “cúng vong” đến “bán vong”.

Không có mô tả ảnh.

Chùa giả Tam Chúc, 14/3/2021

Thực ra đám người u mê này không tin một thứ gì hết. Sở dĩ họ cúng tiền vào chùa và thắp hương bừa bãi, bỏ tiền vào mọi loại hòm công đức từ chùa nọ đến đền kia vì “sợ” và mong muốn chuộc bớt những điều sai trái mà lối sống tranh đoạt bất chấp đạo lý ngày nay đã đẩy họ vào. Mặt khác đám người này cũng tìm đến thần thánh để cầu lợi như thói quen sống vốn có của họ: cầu thi đỗ, cầu thăng quan tiến chức, cầu phát tài phát lộc. Quan to, quan nhỏ chen nhau giành giật ấn đền Trần mà không biết rằng đây chỉ là cái ấn mới đúc, ghi 4 chữ “Trần triều từ ấn” (ấn của đền thờ phụng triều đại nhà Trần), nào có thiêng liêng gì!?

Để phụ hoạ cho đám quần chúng u mê và tìm cách lợi dụng để mưu lợi, đám trí thức giả hiệu đã bày ra đủ trò nào là “văn hoá tâm linh”, nào là “khoa học tâm linh”…, toàn thứ văn hoá và khoa học giả hiệu! Điều nguy hại là sự u mê này rất dễ bị lợi dụng để biến thành công cụ nô dịch quần chúng. Càng u mê họ càng không hướng tới ánh sáng của lý trí và lẽ phải, càng không có tư duy độc lập và thái độ phê phán.

Ngày nay, khi con người đã lên tận mặt trăng, máy móc của con người tới tận sao hoả, ống kính thiên văn của con người đã vươn tới khoảng cách cả hàng tỷ năm ánh sáng thì tư duy của con người phải được đặt trên cơ sở khoa học, phải dựa trên thực chứng, phải cân đong, đo đếm, soi nhìn thấy được… Những suy luận logic của các trường phái tư tưởng triết học chỉ có giá trị hạn chế trong phạm vi các tiên đề vốn là các tín điều mà họ tin theo. Ngày nay, không còn ai tin có thứ triết học là “khoa học của mọi khoa học” giả hiệu nữa. Vì vậy, đời sống tinh thần của một xã hội lành mạnh không thể đặt trên các tín điều, và bổn phận của người trí thức là phải phá bỏ thứ xiềng xích tinh thần này cho nhân dân./.

15/3/2021

Đ.V.D

(Còn tiếp)

Comments are closed.