Văn hóa và Phát triển (kỳ 4)

Đặng Văn Dũng

(Bài 5) TÂM THẾ TỰ DO 2

Tâm thế tự do đương nhiên xuất phát từ những người tự do, những người tự do có hiểu biết. Họ là công dân từ các thành bang tự do của Hy Lạp và châu Âu cổ đại. Đó là ý thức về bổn phận và quyền công dân.

Khi Alexander đại đế thích thú với kiểu quỳ lạy và hôn chân vua của các triều thần Ba Tư (với văn hoá Ba Tư, vua là thần thánh) một vị tướng của ông ta đã nhắc:

– Này Alexander, ngài hãy mang tự do đến cho người Ba Tư chứ đừng mang xiềng xích đến cho người Hy Lạp.

Người Hy lạp chỉ coi vua là thủ lĩnh chứ không coi họ là thần thánh. Truyền thống này được các quý tộc châu Âu tiếp nối, cho nên họ chỉ cúi đầu chào vua chứ không quỳ lạy. Vì vậy, đặc sứ của nước Anh đến Trung Quốc đã dứt khoát không quỳ lạy vua Càn Long với lý do:

– Chỉ quỳ lạy Chúa trời chứ không quỳ lạy người sống!

Cho dù hành động này làm hỏng mục đích của chuyến đi là thiết lập quan hệ thương mại với Trung quốc.

Tâm thế tự do chính là luân lý để hình thành xã hội công dân và là cơ sở của tự do chính trị. Thế kỷ 13, các quý tộc nước Anh nổi dậy chống vua John và bắt buộc nhà vua phải ký vào bản hiến chương nổi tiếng của họ để khẳng định một nguyên tắc quan trọng cho tương lai dân chủ của xã hội loài người:

– Người cai trị phải phục tùng ý chí của những người bị cai trị!

“Tự do hay là chết” là khẩu hiệu của rất nhiều cuộc cách mạng cận – hiện đại ở phương Tây.

Không có mô tả ảnh.

(Tranh Charles-Louis de Secondat, Nam tước de La Brède et de Montesquieu, tác giả mô hình tam quyền phân lập và sự ngự trị tối cao của luật pháp trong xã hội)

Trái với cách hiểu thông thường, tự do không phải là lý tưởng của những người nô lệ hoặc nông nô. Những người này có khát vọng được tự do nhưng họ không có ý tưởng tự do (trừ một vài cá nhân xuất chúng trong số họ). Như một tầng lớp, thứ mà họ có trong lòng chỉ là thù hận, mong muốn cướp phá và muốn được thay thế những kẻ đã từng bóc lột và đàn áp họ. Khi có quyền lực các cựu nô lệ này sẽ đàn áp tất cả những ai muốn chống lại họ.

Khi Trosky tranh luận với nhà trí thức Nga rằng cách mạng Bolsevich đem đến tự do cho người Nga, nhà trí thức Nga trả lời:

– Các anh đã mang xiềng xích đến cho nước Nga!

– Vậy sao nhân dân Nga đã ủng hộ chúng tôi?!

– Nhân dân Nga không ủng hộ các anh mà chỉ những kẻ khốn cùng ủng hộ các anh do bị câu nhử và đe doạ!

Tất nhiên khái niệm nhân dân rộng lớn hơn khái niệm vô sản và ở nơi nào nghèo khó, thất học, tuyệt vọng ngự trị thì các chế độ độc tài dễ dàng thiết lập bởi vì nền dân chủ chỉ thực sự cần thiết cho tầng lớp trung lưu là những người có tài sản và hiểu biết.

Muốn xây dựng nền dân chủ phải có xã hội công dân và tầng lớp trung lưu đông đảo. Họ là những người có tâm thế tự do, hiểu biết quyền và nghĩa vụ của họ. Tất nhiên yếu tố văn hoá chính trị sẽ chi phối quy luật này. Ở đâu ý thức tự do chưa phát triển thì các quan niệm dân chủ trở nên méo mó và trước sau gì cũng sẽ quay lại mô hình độc tài. Để có thể thay đổi những cản trở văn hoá cho nền dân chủ cần những công cuộc khai sáng giống như những gì đã xảy ra ở phương Tây với những cố gắng của Montesquieu, Voltaire, Diderot…, và nhiều trí thức khác.

Sự nghiệp khai sáng vĩ đại thay!

05/9/2020

Đ.V.D

(Còn tiếp)

Comments are closed.