Văn hóa và Phát triển (kỳ 6)

Đặng Văn Dũng

ẢO TƯỞNG THÁNH NHÂN

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

(Nguyễn Đình Chiểu)

Tâm lý trông chờ vào một cá nhân siêu việt, ra tay cứu nhân độ thế, là rất phổ biến ở Việt Nam. Theo niềm tin như vậy, cá nhân này thông minh xuất chúng, anh hùng tài lược, đạo đức sáng ngời, lời nói như chân lý, xứng đáng để quần chúng u mê quỳ rạp xuống ngưỡng vọng.

Người dân ở các xã hội trồng trọt lạc hậu, trong những hoàn cảnh tuyệt vọng, thường trông chờ vào các “trang dẹp loạn”. Bình thường họ tự coi mình như giun như dế; đến khi được đi theo “trang dẹp loạn” thì họ liều lĩnh xông pha, hy sinh tất cả, mê tín đến mù quáng, tàn nhẫn với những kẻ nào dám chống lại thần tượng của họ.

Các “trang dẹp loạn” này là ai?! Họ có thể là một kẻ ăn mày như Chu Nguyên Chương, một chàng đánh cá như Mạc Đăng Dung, một tay dệt chiếu đóng dép như Lưu Bị, một viên công chức nhỏ như Tào Tháo, một anh đình trưởng (lý trưởng) như Lưu Bang, một anh tiểu trí thức như Mao, thậm chí một anh chàng được nước ngoài đưa về đặt trên ngai vàng như Kim Il Sung…, đặc điểm chung của những nhân vật này là khả năng lôi kéo mua chuộc người khác và giả vờ rất giỏi.

Những người này ban đầu họ chưa được coi là thánh nhân nhưng do uy tín tuyệt đối và quyền hành tuyệt đối nên họ dần tạo ra hào quang che dấu con người thực của họ. Họ luôn luôn đúng và sẵn sàng tiêu diệt bất cứ kẻ nào nghi ngờ hay thách thức quyền lực của họ. Tất cả sự hy sinh cống hiến của những người khác dần dần tập trung vào họ. Trong mắt quần chúng, họ là thần thánh, công lao họ như trời biển, họ gần như bất tử.

Đương nhiên không phủ nhận công lao tổ chức xã hội của họ nhưng tài năng của họ chỉ bừng sáng trong giai đoạn đầu rồi dần dần quyền lực làm họ tha hoá. Họ nghi ngờ những người xung quanh và đề phòng những kẻ mà họ nghĩ có thể tiếm quyền. Có người trong số họ có thể mất quyền lực vào tay cấp dưới do trong hàng ngũ những “trang dẹp loạn” này toàn những kẻ ghê gớm. Lúc đó đám quần chúng kia sẽ than thở: – giá như…!

Tâm lý tôn sùng người lãnh đạo là bình thường ở các xã hội ít mở mang thương mại, dân cư chủ yếu ở nông thôn, trồng trọt là chính, không sống tập trung trong các đô thị. Việc mở mang thương mại yêu cầu cá nhân phải tự tin và táo bạo. Việc nắm những nguồn vốn lớn làm cho những thương nhân thấy mình có quyền lực và luôn ở thế cạnh tranh với người khác. Thương mại giúp hình thành một tầng lớp người làm chủ vận mệnh của mình, biết tự làm chủ cuộc sống của mình. Nếu họ lại sống tập trung ở đô thị thì sẽ hình thành một tập hợp xã hội mạnh mẽ nhưng giữa họ phải tìm kiếm sự đồng thuận chứ không thể áp đặt bởi vì họ không mù quáng tin vào bất cứ điều gì, bất cứ kẻ nào. Cái này gọi là ý thức công dân. Điều này giải thích vì sao ở cộng hoà Rome, ở thành bang Atenna không có độc tài…, vì sao sau cách mạng Mỹ không xuất hiện đế chế (lúc đó, cuối thế kỷ 18, chế độ chính trị trên khắp thế giới là quân chủ). Thậm chí 30 năm sau Mexico, Haiti giành độc lập và các vị thủ lĩnh đều lên ngôi hoàng đế.

Tranh của Renbrant: “Các nhà buôn vải” – các vẻ mặt trí tuệ, láu cá nhưng đầy tự tin và độc lập của các thương nhân Holland thế kỷ17. Với những người này thì không lừa họ được!

Ở các xã hội nông nghiệp, những người nắm quyền phải dùng vũ lực để đoạt quyền lực vì hoạt động chính trị trong các xã hội nông nghiệp chỉ có một hình thức duy nhất: nội chiến. Khi kết cấu xã hội cũ đổ vỡ, các anh chàng liều lĩnh, mạnh bạo, gọi một cách văn vẻ là anh hùng hào kiệt, liền xông ra, cầm đầu một đám anh em, ra tay chém giết, cướp lấy quyền hành, thu lấy thóc gạo, bò ngựa:

“Tuấn kiệt nổi dậy như ong

Gian hùng bay ra như cắt!”

(TQDN)

Bọn này vốn thực sự là lũ cướp. Chiếm đoạt được gì lập tức “một nửa chia cho các đầu lĩnh, một nửa chia cho lâu la” (TH). Sau đó, trong số các vị thủ lĩnh, có kẻ có từ tâm như Đậu Kính Đức hoặc có kẻ có tầm nhìn xa như Chu Nguyên Chương liền: “lấy của nhà giàu, quan lại tham nhũng chia cho dân nghèo”; rồi ổn định xã hội, lập lại trật tự ở những vùng chiếm được làm căn cứ địa và hình thành thế cục phân tranh cho tới khi kẻ mạnh nhất tiêu diệt quần hùng, lên ngôi hoàng đế. Ngay từ khi chưa chiếm được thiên hạ nhiều kẻ cũng đã xưng đế, xưng vương rồi, tự coi mình hoặc được tay chân tôn lên làm thần thánh. Chu Nguyên Chương đã phì cười khi đọc bài chiếu lên ngôi do Tống Liêm viết:

“Khi trẫm ra đời hồng quang khắp nhà, rồng vàng xuất hiện! …”

Ông ta bảo với những người xung quanh:

– Viết thế anh em Hoài tây chúng nó lăn ra cười. Khi ta ra đời nhà nghèo đến nỗi không có áo mặc, mẹ ta quấn ta trong manh chiếu rách!

Chu Trùng Bát là người sáng suốt nên đã hạ lệnh cho Lưu Cơ viết lại:

“Trẫm vốn là người áo vải, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người ghét thời loạn nên dấy nghĩa binh…”

Câu này trở thành “văn bia” cho các chiếu lên ngôi của các hào kiệt từ Trung Quốc đến Việt Nam về sau.

Tranh vẽ Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương

Đó là thời trước, thần thánh hoá nguồn gốc xuất thân hoặc “thiên mệnh” của thủ lĩnh. Sau này không làm thế được nữa thì thần thánh hoá con người, tư cách, đạo đức, trí tuệ … của lãnh đạo. Dựng bia tưởng nhớ bên cạnh hòn đá mà “Lãnh tụ vĩ đại” đã ngồi nghỉ trên đường đi công tác; tổ chức để Mao chủ suý bơi trên sông Trường Giang; coi “ngữ lục” của lãnh tụ như kinh thánh, vô phúc cho kẻ nào mà bày tỏ cảm xúc tiêu cực với những lời lẽ này. Lãnh tụ còn được tô vẽ như thần tiên, có khả năng báo trước các sự kiện hàng chục năm sau. Họ được ngợi ca như thần thánh:

“Mao chủ tịch,

Tôi đã thấy bóng người cao lồng lộng,

Ấm hơn ngọn lửa hồng;

Trên mặt người mặt đất mênh mông!” (TH)

Hoặc:

“Ông Xit-ta-lin đứng giữa mây hồng,

Tóc ông trắng xoá, môi ông mỉm cười.

Trên đồng xanh người nông dân Nga hát” (TH)

Tóm lại, trong các xã hội nông nghiệp trồng trọt xuất hiện nhu cầu phải thần thánh hoá các thủ lĩnh để tập hợp lực lượng và tạo niềm tin cho đám quần chúng u mê. Đám quần chúng nông nghiệp thật thà, cả tin này vốn thích nghe và không bao giờ nghi ngờ các huyền thoại. Ngược lại, họ rất ghét đám trí thức hay nói lý, cãi lý. Cái gọi là lý lẽ vốn rắc rối, lôi thôi, lại phải động não mới hiểu; điều này không phù hợp với đầu óc lười biếng của họ. Đây cũng là lý do giải thích vì sao ở các xã hội này các trí thức chân chính không được trọng vọng mà đám nguỵ trí thức, đám mua bằng, mua danh lại được trọng vọng hơn.

Ngày nay, cho dù xã hội công nghiệp hoá đã phát triển ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam nhưng cấu trúc tâm lý xã hội truyền thống: THỦ LĨNH – BẦY ĐÀN vẫn còn ảnh hưởng rất nặng và cản trở khả năng tổ chức xã hội dân chủ. Nên nhớ, trong lịch sử, xã hội thương mại tự do mới thúc đẩy sự ra đời của nền dân chủ còn nền sản xuất công nghiệp hiện đại lại gần với mô hình xã hội độc tài hơn. Điều này giải thích vì sao chế độ độc tài đã từng có thể xuất hiện ở Germany, Italia, là những nước công nghiệp phát triển đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, chế độ độc tài thường xuất hiện hơn ở các xã hội nông nghiệp chậm phát triển, có đông người nghèo. Chính vì vừa dễ lừa vừa sợ đám đông nghèo khó này nên tầng lớp cầm quyền sử dụng bàn tay sắt và những lý lẽ bịp bợm.

13/03/2020

Đ.V.D

(Còn tiếp)

Comments are closed.