Văn hóa và Phát triển (kỳ 9)

Đặng Văn Dũng

NGUỒN GỐC TINH THẦN PHƯƠNG TÂY

Loạt 10 bài về Văn hoá và Phát triển chủ yếu bàn về các vấn đề của chúng ta, của dân tộc ta. Có đối chiếu với một số nước. Tuy nhiên ngày nay ảnh hưởng của văn minh phương Tây đã bao trùm cả thế giới và rất nhiều yếu tố của văn minh phương Tây đã trở thành tài sản của chung nhân loại.

Sự khác biệt của phương tây với chúng ta là rõ rệt, không chỉ hình thức bên ngoài mà cả nội hàm tinh thần bên trong. Nội hàm bên trong này là điều không dễ nhận ra vì đa số người Việt không được chuẩn bị và cả vì không tò mò về những vấn đề này.

Phạm trù tinh thần phương Tây đề cập ở đây là tinh thần phương Tây hiện đại chứ không phải tinh thần phương Tây nói chung và ở đây người viết chỉ giới hạn bàn về tinh thần phương Tây ở khu vực “phương Tây” nhất, đó là các nước phương Tây theo văn hoá cải cách (protestant).

Các nước theo tôn giáo cải cách (protestantism) đạt được trình độ phát triển cao nhất nhân loại. Nếu tính theo tỉ lệ giải Nobel khoa học từ 1901 đến năm 1990 thì các nước protestant chiếm 64%, người Do Thái chiếm 22%, phần còn lại (14%) thuộc về các nền văn hoá khác.

Tôn giáo cải cách ra đời thế nào?!

Trước thế kỷ 16 người phương Tây cũng sống dưới sự chuyên chế về tư tưởng của nhà thờ Công giáo (catholic) với Giáo hoàng ở Rome và hàng giáo phẩm ở các nơi. Ở thời đại đó nếu lơ tơ mơ có thể bị chụp cho cái mũ phù thuỷ hoặc phản đạo và bị thiêu chết. Tuy nhiên các vị lãnh đạo tôn giáo đã trở nên sa đoạ, tham nhũng đến mức rao bán cả “giấy phép chuộc tội” (indulgence); chỉ cần bỏ tiền ra mua giấy này là coi như đã hết tội lỗi. Người ta nói một cách khôi hài: “Tiền reo thì cổng thiên đường mở!”. Sự thối nát của Nhà thờ dẫn đến sự bất bình của một số giáo sỹ có tư cách. Năm 1517, Martin Luther đã công bố 95 luận đề đả phá thẳng vào các nguyên tắc cơ bản của nhà thờ Công giáo và mở đầu một thời đại tinh thần hoàn toàn mới ở châu Âu.

Không có mô tả ảnh.

Luther công bố các luận để trên cánh cổng nhà thờ năm 1517

Quan điểm cải cách cho rằng con người có thể hiệp thông với Chúa Trời thông qua việc tự mình nghiên cứu Thánh kinh mà không cần thông qua sự diễn giải của người khác, kể cả Giáo hoàng và hàng giáo phẩm. Quan điểm này vô cùng quan trọng vì nó dẫn đến một hệ quả hiển nhiên: muốn đọc được Kinh thánh thì phải biết chữ. Tuy nhiên vì Kinh thánh viết bằng chữ Latin nên phải dịch ra chữ của các nước cho đa số giáo đồ đọc được; nước nào chưa có chữ thì phải tạo ra chữ và từ đó củng cố và phát triển văn hoá của các dân tộc, do đó xuất hiện ý thức dân tộc về sau. Thứ hai, muốn đọc được thánh kinh thì phải biết chữ và như vậy phải mở trường và phổ cập giáo dục. Năm 1536, tại Geneve người ta đã mở trường học miễn phí và bắt buộc đầu tiên cho trẻ em. Ngay trong thế kỷ 16, nhiều dân tộc tây bắc Âu đã phổ cập giáo dục, thí dụ, ở Scotland 100% các thôn bản có trường học. Muốn mở trường học thì phải có hệ thống giáo dục đại học ở các thành phố. Như vậy, nhờ có phong trào kháng cách mà người châu Âu được giải phóng khỏi sự dốt nát. Năm 1620, tàu Mayflower chở những người di cư đến Mỹ thì trên tàu đó 80% đàn ông và 70% phụ nữ biết chữ. Đây là con số biết nói nếu so sánh với Việt Nam năm 1945 chỉ có 5 % biết chữ còn 95% mù chữ.

Hiệp thông với Thiên chúa qua Kinh thánh đã trở thành vấn đề của cá nhân chứ không còn là vấn đề của hệ thống vì vậy không cần phải trừng phạt phù thuỷ vì đó là ân tứ của Thiên chúa và phù thuỷ không được hưởng. Đây chính là mầm mống của tự do tôn giáo.

Vì việc hiệp thông vơi thiên chúa là thông qua việc tự nghiên cứu thánh kinh nên con người có thể tự diễn giải Thánh kinh theo cách hiểu của mình, do đó, con người có thể tự nghiên cứu các sự vật liên quan và đối chiếu với Thánh kinh để tìm hiểu ý nghĩa, quy luật của tồn tại từ đó hiểu được đâu là “ý định của Chúa”. Đây chính là mầm mống đầu tiên của tư duy khoa học sẽ phát triển mạnh mẽ vào các thế kỷ sau.

Quan điểm thứ hai của kháng cách là: do Kinh thánh là văn bản thiêng liêng nên không có gì cao hơn Kinh thánh. Dù là Giáo hoàng thì lời nói và hành vi cũng phải đối chiếu với Kinh thánh và các lời răn trong Kinh thánh là pháp luật, kể cả Đức thánh cha cũng phải phục tùng. Điều này mở ra truyền thống bình đẳng trước pháp luật, không ai được đứng cao hơn pháp luật. Và vì mọi người cùng phải phục tùng pháp luật nên mọi người bình đẳng trước pháp luật. Tinh thần pháp luật này ăn vào ý thức của người phương Tây hàng thế kỷ. Vì thế chế độ độc tài chỉ là bất thường trong lịch sử châu Âu. So sánh với châu Á vào giai đoạn này, tất cả các nước chỉ có một chế độ: chế độ độc tài chuyên chế phương Đông và người dân chỉ là con sâu cái kiến trước vua quan. Như vậy phong trào kháng cách đã giải phóng con người khỏi các thể chế. Các thể chế ngang bằng với con người trước Chúa chứ không thiêng liêng hơn con người và các thể chế sinh ra để phục vụ con người chứ không phải con người phải phục vụ thể chế.

Quan điểm thứ ba của phong trào kháng cách là Chúa trời tạo ra con người cùng với lao động, và sau khi bị trục xuất khỏi vườn địa đàng thì ông tổ của loài người vẫn tiếp tục lao động và tôn thờ Thiên chúa. Như vậy mọi lao động từ nội trợ đến sản xuất đều nằm trong lời răn của Chúa vì vậy mọi loại lao động dù là lao động chân tay hay tri thức đều là thiêng liêng. Cũng vì vậy mà thành công của một người trong cuộc sống chính là phần thưởng của Thiên chúa cho sự phấn đấu của anh ta. Quan niệm về lao động này khác hẳn quan niệm về lao động của người Việt khi coi khinh lao động chân tay với các nhà Nho để móng tay dài hàng tấc (để chứng tỏ địa vị cao quý của họ: không phải lao động chân tay). Cũng vì quan niệm chính đáng về lao động nên trong các nền văn hoá cải cách người ta hỗ trợ người nghèo bằng việc tạo việc làm chứ không bằng cách cho tiền ăn mày. Cùng với tinh thần cải cách con người được giải phóng khỏi nghèo đói với lao động chân chính của mình.

Không có mô tả ảnh.

Nhà Nho Việt Nam với móng tay dài

Tinh thần cải cách tạo lên nền tảng tinh thần phương Tây thuận lợi cho phát triển; đó là sự giải phóng con người với tư cách cá nhân. Điều này lý giải vì sao họ luôn đi đầu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra các tiến bộ vật chất, tinh thần và tổ chức xã hội.

05/10/2020

Đ.V.D

(Còn tiếp…)

Comments are closed.