Về nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh

Như Không

Thật lòng, khi viết về Thiếu Khanh, tôi cũng không biết phải dùng “danh xưng” nào để nói về anh.

 Không có mô tả ảnh.

Nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh

Giới văn học biết nhiều đến anh vì trước hết anh là một dịch giả uyên bác, từng dịch hàng chục đầu sách ngoại văn về nhiều chủ đề khác nhau, kể cả các lãnh vực chuyên môn về kỹ thuật. Vì anh là một nhà thơ tên tuổi từ hàng chục năm nay với nhiều thi phẩm đã xuất bản từ trước 75 cho đến nay. Vì anh là tác giả của hàng chục đầu sách dịch từ sách vở nước ngoài cùng rất nhiều bài viết trong và ngoài nước về văn học, về chính trị, lịch sử, nhân văn và về những đề tài xã hội khác. Mà có lẽ những thứ “danh xưng” màu mè nào đó anh cũng chẳng cần.

Có lẽ trường hợp của anh cũng như học giả Nguyễn Hiến Lê, anh chẳng cần phải là thạc sĩ, tiến sĩ gì cả nhưng tôi tin rằng có nhiều người có học vị này phải trân trọng gọi anh bằng Thầy. Và như vô cùng ít những học giả chân tài thực học khác, anh khiêm tốn và hoàn toàn không quan tâm đến việc đánh bóng tên tuổi cá nhân bởi những tác phẩm của anh tự thân đã tỏa sáng, đã xác định tầm cỡ của anh trong giới văn chương.

Giới văn học và học thuật nhìn nhận giá trị của anh. Bè bạn văn nghệ trong và ngoài nước quý anh và nể phục tài năng anh. Hai lần ngồi trò chuyện với nhà thơ, nhà khảo cứu Ngô Nguyên Nghiễm, cả hai lần anh Ngô đều nhắc đến anh Thiếu Khanh với sự mến mộ rất chân tình. Cả hai vị, anh Ngô Nguyên Nghiễm và anh Thiếu Khanh, đều là những bậc tiền bối đối với tôi về đủ mọi mặt.

Trong buổi ra mắt gần đây về bộ biên khảo “108 nhà văn, nhà thơ Việt giữa thế kỷ XX” của anh Ngô có tên của anh Thiếu Khanh. Tên của tôi, Như Không, được xếp gần tên anh vì anh Ngô sắp xếp tác phẩm của mình theo thứ tự Alphabet, nhưng rất tiếc hôm đó anh không đến được. Cách đây khoảng một tuần, anh Thiếu Khanh có lời đề nghị tôi tham gia vào chương trình # Poet Me Not Leave, một chương trình thi ca mang tầm quốc tế mà người tham dự phải gửi thơ của mình liên tục trong 8 ngày, với hình ảnh cá nhân và – nếu có thể – bản dịch bằng tiếng Anh cho mỗi bài thơ. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì trước cho một chương trình như thế, hình ảnh cá nhân cũng không có và trong vòng 8 ngày thì chuyện dịch thơ mình ra tiếng Anh lại càng không thể vì thời gian và kiến thức có hạn. Đành xin phép anh từ chối.

Anh Thiếu Khanh là một cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như nhiều người khác, sau 1975 anh đi tù. Có lẽ vì những lý do riêng, anh không đi theo diện H.O. Trong bài viết ngắn này – rất không đầy đủ về một chân dung văn học lớn – xin được trình bày một mảng rất nhỏ, một vài bài thơ trong sự nghiệp văn học đồ sộ của anh.

Thơ của nhà thơ Thiếu Khanh – theo tôi nghĩ – sẽ tồn tại theo thời gian trong số rất ít, vô cùng ít những nhà thơ nổi tiếng đã thành danh trong văn chương Việt Nam từ mấy mươi năm nay. Chỉ trong thi ca thôi, tài năng của anh đã là một hiển nhiên mà bất cứ ai – dù thiếu thiện chí đến đâu – cũng phải thừa nhận. Cũng như âm nhạc hay văn chương, trình độ của người thưởng thức có sự khác biệt rất lớn, nhất là về âm nhạc hay thi ca. Nhưng sự ngưỡng mộ dành cho anh của những tên tuổi đã thành danh lâu năm trong giới văn chương và học thuật là một bằng chứng rất rõ về Thiếu Khanh, một tài năng đa dạng và hiếm có.

Xin được trích đăng vài bài thơ của anh cùng các cảm nhận riêng của người viết.

TRÒ CHUYỆN TỪ XA VỚI BẠN VĂN LUÂN HOÁN

Người xưa bảy chục là hiếm lắm

Nhiều vị quân vương chỉ hưởng dương

Chúng mình đang sống phần khuyến mãi

Dẫu chẳng là vua cũng chẳng buồn.

Tôi lỡ nhiều phen ra biển lớn

Câu thơ từ đó chẳng nên lời.

Nơi anh tuyết trắng nhiều hơn nắng

Chén rượu vui buồn nhớ bạn chơi?

Tôi suốt cả đời không nghiện rượu

(Vui bạn vài chai cũng chẳng sao)

Mặc người cười giễu "Nam vô tửu…"

Cờ nắm vào tay hẳn biết nhau!

Luân Hoán là nhà thơ xứ Quảng

Rất mê người đẹp của sông Hàn

Tôi – chàng Từ Thức quê Bình Thuận

Lạc đến nơi này gặp Giáng Hương!

Ôi xót một thời ta chiến bại

Đã làm khổ lụy đến giai nhân

Câu thơ nhai nuốt không đầy bụng

Bạc dần manh áo Trác Văn Quân

Kẻ sĩ có thời như tráng sĩ

Mài dao bên suối ở ven rừng

Chém tre đẵn gỗ làm sinh kế

Khoai bắp vui cùng núi Thú Dương

Đất nước ngày càng thêm khốn khó

Làm thơ tình mãi nghĩ không đành

Bầu trời vắng bóng chim biền biệt

Chắc chúng dời sang phía đất lành

Anh ở bên trời đang nhớ nước

Tôi từ trong nước nhớ trời xanh

Mỗi khi anh gặp điều không toại

Hãy nghĩ bên nhà có Thiếu Khanh! (*)

(*) Nhà thơ Thiếu Khanh đang sống ở Việt Nam, khó khăn hơn nhiều những điều anh Luân Hoán có thể gặp ở Canada.

Thiếu Khanh

Sài Gòn, 25/09/2017

“Kẻ sĩ có thời như tráng sĩ

Mài dao bên suối ở ven rừng

Chém tre đẵn gỗ làm sinh kế

Khoai bắp vui cùng núi Thú Dương”

May mà anh còn trồng được khoai bắp để sống qua ngày, không đến nổi phải ăn rau Vi rồi chết đói như Bá Di, Thúc Tề ngày xưa ở núi Thú Dương. Tìm đọc khá nhiều những bài thơ của tác giả Thiếu Khanh, tôi biết anh chị và gia đình đã có một thời gian rất “thảm khốc” theo đúng nghĩa đen của chữ dùng – một kẻ sĩ đã quen tay với cây bút phải dùng cây rựa hay cái rìu để mưu sinh. Trong tâm hồn mênh mông của anh khi trải qua những tháng ngày áo cơm cơ cực đó, trong những bài thơ đã viết anh đã không hề có sự oán thán nào. Nhà giáo, nhà thơ nổi tiếng Phạm Ngọc Lư (tác giả Biên Cương Hành) cũng đã từng có lần …ngồi bán dừa giữa chợ gần núi Chứa Chan (Gia Rai).

Tự hỏi lòng mình đã chán hay chưa

Nhìn núi Chứa Chan mắt buồn chan chứa…

(Phạm Ngọc Lư)

Nhà thơ Khoa Hữu còn đau đớn hơn. Thơ Khoa Hữu có chút gì phảng phất Tô Thùy Yên nhưng cả hai vị – có lẽ đã gặp nhau về một khía cạnh nào đó trong thơ – nhưng độc lập với nhau và cả hai đều là những bậc chân tài. Thơ Khoa Hữu cay đắng và chát chúa, xoáy sâu vào những dời đổi đau thương của lịch sử mà người là bạn mới hôm qua bỗng dưng hiện nguyên hình là một kẻ thù dấu mặt đã nhiều năm. Con người phải tự bóc trần bản thân ra từ bao nhiêu đời trước, cả đến thứ “tương lai” mờ mịt chưa xảy ra cũng phải thành khẩn tường trình, nỗi oan khiên của một dân tộc bất hạnh bị ràng buộc chằng chịt bởi quá khứ, bởi sự căm thù mù quáng và không thể hóa giải được do đã bị nhào nặn nhiều năm từ những học thuyết chính trị.

Người đổi mặt, đổi thân thành giặc

đổi anh em, thay bạn làm thù

đời đã khác, ruột gan cũng khác

giữa quê nhà đâu chốn thân sơ ?

Tra khảo đến cả điều đã mất

đến điều chưa thấy của tương lai

dây trước thắt, sợi dây sau buộc

nối oan khiên cột đến bao đời?

(Thơ Khoa Hữu)

Nhà thơ Thiếu Khanh thì khác. Trong câu thơ “Khoai bắp vui cùng núi Thú Dương” của anh, ai mà biết được lòng anh “vui” tới cỡ nào?

“Đất nước ngày càng thêm khốn khó

Làm thơ tình mãi nghĩ không đành

Bầu trời vắng bóng chim biền biệt

Chắc chúng dời sang phía đất lành

Anh ở bên trời đang nhớ nước

Tôi từ trong nước nhớ trời xanh

Mỗi khi anh gặp điều không toại

Hãy nghĩ bên nhà có Thiếu Khanh! “

( Thơ Thiếu Khanh)

Trong hai câu đầu của đoạn thơ đã thấy được tấm lòng của người viết. Anh làm thơ tình là chuyện của riêng anh, là nhu cầu cá nhân, có tổn hại gì đến ai? Nhưng anh lại:

“Làm thơ tình mãi nghĩ không đành”

Đâu cần hoa hòe hoa sói làm gì? Câu thơ giống như một lời nói trong lúc vô tình buột miệng đã hé lộ tâm tư và tính cách của người viết.

“Bầu trời vắng bóng chim biền biệt

Chắc chúng dời sang phía đất lành”

Đất không “lành” thì chim không đậu. Thì cũng như chim, anh có muốn về “đậu” ở núi Thú Dương đâu! Lẽ đời suy thịnh, anh mặc nhiên chấp nhận nhưng dẫu gì trong tâm tư của một kẻ sĩ cũng lắm nỗi bộn bề.

“Anh ở bên trời đang nhớ nước

Tôi từ trong nước nhớ trời xanh

Mỗi khi anh gặp điều không toại

Hãy nghĩ bên nhà có Thiếu Khanh!”

Thử hỏi các nhà thơ “lưu vong” như anh Lê Mai Lĩnh, Hạ Thái, Du Tử Lê, Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Du My Du My, chị Bùi Tuyết Linh, Hoàng Lộc, Tô Thùy Yên và rất nhiều vị khác có ai là không nhớ nước?

“Tôi từ trong nước nhớ trời xanh”

Một câu thơ bảy chữ mà nội hàm rất mênh mông, người hời hợt đọc qua làm sao mà hiểu nỗi lòng của anh? Chợt nhớ câu thơ của ai đó hình như đã nói rằng “Trăng Liên Xô tròn hơn trăng Mỹ”. Thôi, đem những thứ đó vào chỉ làm bẩn thơ Thiếu Khanh!

“Mỗi khi anh gặp điều không toại

Hãy nghĩ bên nhà có Thiếu Khanh!

Lại cũng bảy chữ, không cần nói nhiều. Bài thơ này nhà thơ Thiếu Khanh viết tặng nhà thơ Luân Hoán đang sống ở Canada. Một điều “không toại” của nhà thơ Luân Hoán chắc chỉ bằng kiểu “nhà giàu đứt tay” so với một bằng hữu thi ca “ăn mày đổ ruột” ở quê nhà. “Tôi từ trong nước nhớ trời xanh”. Quá hiểu rồi, Thiếu Khanh sư huynh!

Thơ tình của nhà thơ Thiếu Khanh êm đềm và nồng nàn, ngôn từ dung dị, gần gũi dễ thấm vào lòng người. Có lẽ cũng như bao nhiêu nhà thơ khác, trong quá khứ xa xôi của anh từng có một “cố nhân” nào đấy dẫu trong cuộc sống hôn nhân sau này, anh là một người chồng cực kỳ chung thủy, một người cha gương mẫu tận tụy với gia đình.

“Quê người chạm dấu chân nhau

Giữa nơi phố khách bay màu áo xưa

Chiêm bao sương khói còn ngờ

Hay đâu dáng lụa bây giờ vẫn xanh

Vô tình em bước qua nhanh

Chỉ riêng vạt áo quen anh

Ngoái nhìn”

(Kể chuyện áo quen xưa – Thơ Thiếu Khanh)

Không thể thay thế bất cứ một chữ nào trong đoạn thơ trên vì quá đẹp. Anh không nói kiểu như Nguyễn Bính:

“Tình cờ gặp giữa phố Đông

Em đi ríu rít tay chồng tay con”

Ở đây nhà thơ Thiếu Khanh vô tình “chạm dấu chân” người xưa nơi đất khách. Câu “chạm dấu chân nhau” hay đến nghẹn thở, mông lung và cực kỳ lãng đãng. Cuộc hạnh ngộ bất chợt rất mơ hồ ấy với nhà thơ cứ như chiêm bao. Có lẽ anh đã rất mong gặp cô và trong buổi tao ngộ rất tình cờ ấy anh cứ nghĩ như mình đang mơ.

“Chiêm bao sương khói còn ngờ

Hay đâu dáng lụa bây giờ vẫn xanh”

Cố nhân của anh vẫn vậy. Cô vẫn thướt tha nền nã, vẫn tươi trẻ như ngày xưa dù có thể giữa họ lúc đó đã là một khoảng cách nghìn trùng.

“ Vô tình em bước qua nhanh

Chỉ riêng vạt áo quen anh

Ngoái nhìn”

Có lẽ cô đã không nhìn thấy anh trên đường. Nhưng cái “vạt áo quen” mà cô đang mặc thì quen với anh lắm, thân thiết với anh lắm, gần gũi lắm. Nghĩa là cũng có thể cả cái thân hình trong vạt áo ấy cũng đã quen với anh. Cô đã bước vào đời anh và vì một lý do nào đấy đã bỏ đi xa. Cái tà áo dài “rất quen” ấy ngoái lại với anh một lần cuối cùng trong câm lặng. Không hề có một chữ nào mô tả những “ nỗi đau “ thường thấy như các ông “ mần thơ “ màu mè khác. Anh gặp lại người xưa nơi phố lạ và họ tình cờ đi ngang qua nhau nhưng chỉ có mình anh nhìn thấy cô. Hẳn giữa họ đã có những ngày tháng rất đẹp và cái vạt áo… còn nhớ hơi người ấy đã quay lại ngoái nhìn anh lần cuối cùng. Những câu thơ để lại những khoảng trống mênh mông trong một mối tình đã xa và trong cả lòng người.

Nói về thơ, đã có những người làm thơ để lại cho đời những câu thơ rất đẹp. Như nhà thơ Trần Tuấn Kiệt chẳng hạn:

“Sầu bữa nọ ngóng sang bờ bến mới

Thấy hai hàng con gái đứng trông Xuân

Bừng mắt dậy ôi lạ lùng quá đỗi

Đã gọi em sao tiếng thốt ngập ngừng “– Xin lỗi, người viết quên tên bài thơ.

Hay như Hoài Khanh:

“Rồi em lại ra đi như đã đến

Giòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù

Tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu

(Ngồi lại bên cầu – Thơ Hoài Khanh)

Những câu thơ trong bài thơ “Kể chuyện áo quen xưa” của nhà thơ Thiếu Khanh cũng vậy. Cách viết lên tâm sự của lòng mình rất độc đáo vì anh vốn dĩ như vậy. Không phải là người mà chỉ là cái vạt áo ngoái lại nhìn theo anh. Mấy ai viết nổi một câu thơ như thế ! Thơ tình của Thiếu Khanh rất nhiều, trong một bài viết ngắn không thể nào nói hết.

Một bài thơ khác của Thiếu Khanh viết từ năm 1967:

ĐỜI KHÔNG DUNG NGƯỜI HÀO KIỆT

Ngày rỗi nằm khoèo xem tiểu thuyết

Kiều Phong ngộ sát ả A Châu

Hỡi ơi đời chẳng dung hào kiệt

Càng lắm tài hoa chóng bạc đầu

Ta đâu muốn cao như ngọn núi

Suốt đời bịa đặt những tình nhân

Rừng sâu ngày tháng đi lầm lũi

Nhớ thương hờ cho đỡ mỏi chân

Lòng người hẹp như chữ O nhỏ mọn

Nên không dung nổi một chân tài

Em từ chối cùng ta mưu việc lớn

Đời chỉ dùng ta một chú cai

Làm đứa thất phu mang áo giấy

Hồ đồ nhập bọn với nhân gian

Em chả yêu ta

Ta biết vậy

Tâm hồn hào kiệt vốn cô đơn

Ta vẫn sống nồng nàn và hào sảng

Mắt em không chứa hết bóng ta đâu

Dù thơ ta có chút gì lãng mạn

Không giúp em khuây khỏa một cơn sầu

Thời loạn

Người làm thơ thành tên tiểu tốt

Lời hay ho không đủ để đời tin

Em vẫn nghĩ ta điên rồ dại dột

Sống lạ lùng bên cạnh đời em

Buổi chiều hành quân về

uống la ve trong quán

Súng vất dưới chân

Mũ sắt dưới bàn

Lắc cục đá trong ly

mĩm cười khinh mạn

Đời không hắt hủi một thi nhân

Người chẳng yêu ta

cũng không chống đối

Chỉ làm ngơ như cây cỏ vô tình

Ơi hỡi Kiều Phong

Người đừng chết vội

Ngươi có A Châu

Ta chỉ một mình!

Thiếu Khanh

Hậu Nghĩa 1967

Ai đọc Kim Dung hẳn biết Thiên Long Bát Bộ. Và biết nhân vật Kiều Phong tuyệt thế võ công cùng cuộc đời oan khuất của ông, biết mối tình đau đớn của ông với nàng A Châu. Mắt xanh tri kỷ trong đời được mấy người? Bài thơ được viết như một nỗi xót xa của một hảo hán bị vùi dập tơi tả trong đời:

“Hỡi ơi đời chẳng dung hào kiệt

Càng lắm tài hoa chóng bạc đầu”

Nỗi cô đơn tột cùng của một tài hoa sinh bất phùng thời, trong buổi chiến tranh ly loạn anh chỉ là một người lính tác chiến, một cái ốc nhỏ nhoi trong cả một guồng máy khổng lồ vận hành bằng máu bởi những mưu mô chính trị từ những phương trời xa xôi. Như Luân Hoán, như Trần Hoài Thư, như Tô Thùy Yên. Họ bất lực trước bộ máy phi nhân đang chầm chậm, từ từ nghiền nát từng cá nhân và cả một dân tộc một cách chắc chắn.

“Thời loạn

Người làm thơ trở thành tên tiểu tốt”

Ngay cho đến bây giờ khi chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng những người lính già thuở “Nguyên phong đầu bạc” vẫn là những tên tiểu tốt, không có tiếng nói và cũng không thể hiện được mình trong những nhiễu nhương giữa cuộc trần ai.

“Ơi hỡi Kiều Phong

Ngươi đừng chết vội

Ngươi có A Châu

Ta chỉ một mình!”

Kiều Phong lao xuống vực tự sát vì những oan khuất của riêng mình nhưng trong tim còn có hình ảnh của A Châu. Nhà thơ Thiếu Khanh đơn độc trong cuộc chiến chung của cả dân tộc và cả sự lẻ loi của riêng anh, một người buộc lòng chấp nhận cuộc đen đỏ bằng máu và mạng người, bằng thanh danh của cả một dân tộc.

“Làm đứa thất phu mang áo giấy

Hồ đồ nhập bọn với nhân gian

Em chẳng yêu ta

Ta biết vậy

Tâm hồn hào kiệt vốn cô đơn”

Dẫu sao thì cũng đã may mắn cho anh và cho cả chúng ta. Những ngày khói lửa trong cuộc chiến tranh dẫu đã xa xôi nhưng còn để lại những vết sẹo và những nỗi đau đớn kinh hoàng cho một dân tộc đầy những hận thù, những chia cắt và những tan vỡ không thể nào hàn gắn được. Vì, nếu trong những ngày chinh chiến đó mà anh “từ giã cuộc chơi” thì đã không có một nhà thơ lẫy lừng tên tuổi hôm nay. Để kết thúc bài viết, xin trân trọng cảm ơn nhà thơ, nhà biên khảo Ngô Nguyên Nghiễm vì qua anh và tác phẩm “108 nhà thơ, nhà văn VN giữa thế kỷ XX” mà anh đã biên khảo, chúng tôi được biết, được đọc những bài thơ tuyệt vời của những tác giả lẫy lừng mà nhà thơ Thiếu Khanh là một trong những tài hoa đó.

Viết tặng anh Thiếu Khanh

Tháng 9/2020

Như Không

Nguồn: FB Như Không

Comments are closed.