Vụ nổ Thiên Tân: sự cấu kết quyền – tiền hay là sự nguy hiểm của “kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc”

(Rút từ facebook của Đào Tiến Thi)

Báo Tuổi trẻ hôm nay (25-8-2015) cho biết, “Sau vụ nổ ở Thiên Tân (Trung Quốc), các điều tra của giới truyền thông đã cho thấy những mối “liên minh ma quỷ” bất chấp hiểm nguy cho tính mạng dân chúng”. Cụ thể liên minh ma quỷ này là: Công ty Thụy Hải có quan hệ mật thiết với giới chức chính quyền Thiên Tân để chạy giấy phép xây dựng, giấy phép vận hành nhà kho chứa hàng hóa và hóa chất nguy hiểm. Hai cổ đông lớn nhất của Thụy Hải là Du Học Vĩ (nắm 55% cổ phần) và Đổng Xã Hiên (nắm 45% cổ phần) đều là những người có thần thế ở Thiên Tân. Du Học Vĩ là cựu giám đốc Tập đoàn dầu khí Sinochem Thiên Tân. Đổng Xã Hiên có cha là cựu giám đốc công an Thiên Tân, nhờ đó, Thụy Hải chạy được những giấy phép và vượt qua vòng kiểm tra an toàn của cơ quan chức năng.

Thực ra hiện tượng trên chẳng riêng gì Thiên Tân, vì nó là đặc trưng của “kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc”. Nghĩa là kinh tế thị trường nhưng do Đảng CS lãnh đạo. Chính xác là Đảng CS toàn quyền chỉ đạo, điều hành. Nó không chấp nhận nhà nước pháp quyền với mô hình tam quyền phân lập, không chấp nhận xã hội dân sự, không chấp nhận tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nghĩa là nó không chấp nhận sự kiểm soát của bất cứ ai ngoài chính nó. Cho nên mặc dù biết các “liên minh ma quỷ” là nguồn gốc của tham nhũng và vô vàn tệ nạn xã hội khác, những thứ làm mục ruỗng chế độ, nhưng nó không chống được, chính xác là không dám chống cho đàng hoàng. Thỉnh thoảng đánh một, hai con chuột con con đã phải ngắm đi ngắm lại xem có dây mơ rễ mái gì với họ chuột nhà mình hay không (hầu hết là có liên quan, nên chỉ đánh được nửa chừng thì phải dừng lại). Nhưng cái mà nó sợ nhất là đánh chuột thì dễ vỡ bình. Vỡ bình thì tất cả chuột to chuột bé, chuột “ta” chuột “nó” đều chết.

Thực ra thì cuối cùng cái bình chứa đầy chuột đó thế nào cũng phải vỡ. Chỉ riêng chuột đánh nhau cũng đã đủ làm vỡ bình rồi, huống chi còn có cả một ngàn lẻ một lý do. Khi cái bình cộng sản rạn nứt, chính những người cộng sản cầm quyền ở các nước XHCN châu Âu đã khôn ngoan “thay bình” một cách chủ động (chứ không chờ cho đến khi bình vỡ). Còn nước Trung Quốc vĩ đại với hơn một tỷ người nhưng lại chịu chết trong vòng kim cô? Đúng ra thì chế độ XHCN ở Trung Quốc cũng đã mấy lần suýt sụp đổ nhưng họ lại cố lèo lái để tồn tại, thậm chí có cú thoát hiểm “ngoạn mục” (cải cách mở của của Đặng Tiểu Bình, 1978). Chế độ chính trị Trung Cộng chưa bao giờ yên ổn, vững vàng. Sự mục ruỗng của nhà nước cộng sản này là tất yếu khi nó xây dựng trên một nền tảng bất hợp lý và càng phát triển thì càng nguy hiểm, cái kết cục sụp đổ là chắc chắn.

Comments are closed.