Vườn xưa không người về nữa

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)

 

Vào nửa đầu thập niên 1970, đang là sinh viên Đại học Khoa Học Sài Gòn, tôi biết ông qua những bài viết ký tên Lý Chánh Trung trên báo cũng như trên sách. Chức danh giáo sư gắn liền với tên ông phản ảnh đúng phẩm chất con người ông: một trí thức nhà giáo, một công dân yêu nước, một con người khí tiết. Ông đã cùng với những người đồng hành chung lý tưởng dân tộc, là lớp cha chú đáng kính, chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ chúng tôi. Những bài viết của ông có tính thuyết phục cao, bộc lộ một trái tim nhiệt thành yêu nước, ngập tràn cảm xúc gọi mời. Giữa thời điểm chiến tranh đang vào giai đoạn ác liệt nhất, tuổi trẻ đang khao khát tìm đường nhập cuộc, những bài viết thấm đẫm tình tự dân tộc ấy đã đóng góp không nhỏ vào việc hình thành lớp người trẻ biết suy tư và “dấn thân” theo nhiều cách khác nhau.

 

Sau 1975, những trí thức Sài Gòn phải tìm chỗ đứng và việc làm thích hợp cho mình, sau khi niềm vui thống thất và vị ngọt hòa bình đã loãng tan vào những thực tế hậu chiến chẳng mấy điều vui. Từ một giáo sư triết ở các trường đại học miền Nam, ông chuyển sang công việc của một cán bộ mặt trận, là Phó Chủ tịch Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Những tháng năm ấy, cả dân tộc vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh dai dẳng nhất của thế kỷ 20 lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới với Trung Quốc ở cả hai phía biên giới bắc-nam. Người ta phải nhanh chóng lau khô dòng nước mắt cũ và cố nuốt vào trong những nỗi buồn, nỗi đau mới. Chiến tranh lớn hơn, mạnh hơn bất kỳ sự phân ly nào, cho dù trong từng gia đình, từng dòng họ, từng tình thân xưa cũ, những bi kịch lớn nhỏ vẫn đang tiếp diễn…

Trong công việc mới, ông vẫn giữ được cốt cách của mình: nói đúng những gì mình nghĩ và quyết làm những việc cần làm. Đó chẳng phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì, một gia đình đông con mười miệng ăn với người vợ yếu đuối mong manh chỉ nặng có ba mươi hai ký là trách nhiệm quá lớn cho ông, trụ cột của gia đình.

Vào đầu thập niên 1990, khi làm việc ở báo Tuổi Trẻ, đánh bạn với các bạn ở báo Phụ Nữ mà tòa soạn đối diện nhau, tôi được biết Lý Tiến Dũng con trai ông, chàng đại úy trẻ mới trở về từ chiến trường Kampuchia, đang bắt đầu “học việc” làm báo sau khi ra quân. Ấy là bởi anh đã “bật lại” một ông tướng trong cuộc họp sĩ quan ở quân khu 7, khi ông này nhắc tới cha anh như một người cần phải “cảnh giác”. Từ một phóng viên, Lý Tiến Dũng đã học “nhảy lớp” rất nhanh, rất giỏi, trở thành cây viết sắc sảo phụ trách mảng chính trị xã hội của báo Phụ Nữ. Khi tổng biên tập Thế Thanh “rời khỏi chức vụ”, phó tổng biên tập Minh Hiền chuyển về báo Đại Đoàn Kết, Lý Tiến Dũng cũng ra đi. Chính ở báo Đại Đoàn Kết, sau thời gian dài khẳng định bằng công việc rồi được giao trách nhiệm tổng biên tập, Lý Tiến Dũng một lần nữa lại làm điều mà không phải ai cũng dám. Anh đã cho đăng bức thư đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý kiến về việc phá bỏ hội trường Ba Đình để xây mới sau khi nhiều tờ báo đã từ chối không đăng. Cộng thêm một số việc rất “cả gan” đúng khí chất dân Sài Gòn, Lý Tiến Dũng cũng đã được “thôi giữ chức” Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.

Trước đó, tháng 6 năm 1988, trong cuộc họp đề cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới sau khi Chủ tịch Phạm Hùng qua đời, giáo sư Lý Chánh Trung cùng một số đại biểu quốc hội khóa XIII đã giới thiệu ứng cử viên thứ hai Võ Văn Kiệt (ngoài ứng cử viên Đỗ Mười được đảng đề cử). Lý lẽ của đại biểu Lý Chánh Trung là: “Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ, chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm”.

Trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 13 tháng 11 năm 1988, giáo sư Lý Chánh Trung đã có một bài viết gây xôn xao dư luận: Về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học, nói về triết học Mác- Lênin trong chương trình giáo dục của Việt Nam. Đó là năm 1988, khi Việt Nam chưa “đổi mới”, vẫn còn tình trạng tem phiếu trong sinh hoạt, mọi thứ nhu cầu cơ bản nhất của con người đều được định lượng và phân phối bởi bộ máy nhà nước. Nói ra một điều như vậy đồng nghĩa với chuyện sẽ trả giá. Và đúng là ông đã được “thôi giới thiệu” ra ứng cử đại biểu quốc hội khóa sau.

Khi chuyển công việc về báo Thanh Niên, tôi lại gặp người con trai út của giáo sư Lý Chánh Trung cũng đang làm việc ở đây: Lý Trung Dũng. Sinh năm 1970, Trung Dũng khi ấy đang ở lứa tuổi hai mươi rạng rỡ, sử dụng tiếng Pháp tốt, có lẽ học từ trong gia đình. Mặt mũi dáng dấp sáng đẹp, viết hay, cá tính, với đồng nghiệp cùng thế hệ Trung Dũng là người bạn thú vị, với lớp đàn anh, Trung Dũng là cây bút đầy hứa hẹn. Ngay trong tên riêng, Trung Dũng đã được người cha lấy tên mình làm chữ lót, như gởi gắm vào em rất nhiều thương yêu, kỳ vọng. Vậy mà vào một đêm tối trời năm 2000, khi từ tòa soạn trở về nhà, Trung Dũng đã bị đâm xe rất nặng. Em đã nằm một mình trên mặt đường trước khi được phát hiện và đưa đi bệnh viện. Trung Dũng đã mất một phần sọ não đáng kể và các bác sĩ đều buồn rầu cho biết hy vọng sống của em chỉ là 1/100.

Gia đình, tòa soạn đều chấn động vì tai nạn của em. Cha mẹ và các anh chị túc trực bên giường bệnh suốt thời gian dài em trong cơn thập tử nhất sinh. Và như một phép lạ, sau thời gian gần như tuyệt vọng, em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Gia đình mang em về nhà chăm chút hết lòng. Suốt mấy năm dài, cha em mỗi ngày vẫn ngồi tỉ tê trò chuyện cùng em, như thể em chỉ đang ngủ và vẫn nghe vẫn hiểu. Mẹ em thì mang tiều thuyết Hoàng tử bé nguyên bản tiếng Pháp để đọc cho em nghe. Có lẽ mẹ muốn đánh thức em bằng những cảm xúc đẹp đẽ từ văn chương và câu chuyện mà em vốn rất yêu thích…

Và quả thật ơn trên đã nghe lời cầu nguyện từ cha mẹ và anh chị của em. Sau mấy năm dài nằm bất động, một ngày nọ em bắt đầu mở mắt và sau đó, từng ngày từng tuần từng tháng, em dần dần trở lại với cuộc sống. Dù rất chậm, rất từ từ, song em đã tập nghe, tập hiểu, tập nói và sau đó nhớ lại một phần ký ức… Nhưng em đã là một Trung Dũng khác. Em chỉ có thể nằm tại chỗ và đã mất hẳn khả năng ghi nhớ tất cả những gì xảy ra sau tai nạn. Mười năm, em đã sống cùng người thân trong tình trạng ấy, cho đến ngày em thực sự ra đi, năm 2013… Khi đó, cha em đã trở thành người lãng trí, quên nhiều hơn nhớ. Có lẽ cuộc sống quá nhiều thử thách này đã vượt quá sức chịu đựng của tâm trí ông…

Cô bạn Nông Thanh Vân – vợ Lý Tiến Dũng, kể tôi nghe trong nước mắt ngân ngấn rằng, vào những ngày cuối cùng nằm bệnh viện và chỉ duy trì sự sống nhờ máy móc, ông bỗng ra khỏi chứng lãng trí, nhớ lại mọi thứ, và muốn gặp đông đủ người thân. Gia đình đã làm tất cả những gì có thể cho ông…

Khi chút năng lượng cuối cùng đã cạn, bác sĩ đã rút ông thở, ông lại không thể ra đi một cách nhanh chóng dễ dàng. Những hởi thở cuối của ông đầy khó khăn đau đớn. Có lẽ ông còn quá nhiều điều chưa thỏa nguyện trong cuộc sống không vui này. Con người yêu nước trong ông, từ khi bỏ ngang luận án tiến sĩ đang làm ở Bỉ để về nước cho đến ngày rời bỏ cuộc sống, vẫn canh cánh trong lòng bao nhiêu ước nguyện… Và nhiều thứ cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Ước nguyện vẫn chỉ là ước vọng…

Trong khuôn viên nhà ông chiều hôm ấy tràn ngập hoa tươi. Rất nhiều người dù khác nhau về các khuynh hướng chính trị xã hội nhưng đã cùng có mặt để tiễn đưa ông…

Giáo sư Lý Chánh Trung, một gương mặt không thể thiếu trong lịch sử tràn ngập biến động của thành phố Sài Gòn… .

Con đường trong vườn nhà ông đầy lá rụng, bên ngoài cánh cổng là đường Công Lý vẫn giữ tên cũ của Làng Đại học Thủ Đức. Con đường này hẳn ông đã hằn dấu hàng vạn lần bước chân ông đi về. Giờ đây, sỏi đá và những chiếc lá rụng sẽ không còn in dấu chân ông thêm nữa. Ông đã ra đi, nhưng có lẽ một phần nào đó trong ông vẫn còn ở lại…

“Báo chí, tự nó không bao giờ là một sức mạnh. Sức mạnh báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân”. Điều mà Lý Chánh Trung viết từ rất lâu rồi, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa.

 

Vô cùng thương tiếc người cầm bút, người yêu nước Lý Chánh Trung.

Hoa thay tiếng khóc…

Không còn bước chân đi về nữa…

Hai tổng biên tập từng “thôi chức vụ” gặp nhau trong ngày kỷ niệm báo Phụ Nữ 40 năm: Thế Thanh (báo Phụ Nữ) và Lý Tiến Dũng (báo Đại Đoàn Kết).

Comments are closed.