Xã hội công dân ở nước Nga

Trần Công Tâm

LỜI GIỚI THIỆU

Trong lịch sử phát triển nhân loại, xã hội công dân (civil society) luôn là một kênh truyền bá kiến thức nâng cao dân trí, giáo dục trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng đơn giản, hiệu quả nhất. Xã hội công dân thực hiện những công việc, mà vì những lý do khác nhau, các thiết chế nhà nước không “với đến” hoặc “bao quát” hết được.

Đồng thời, cũng là một kênh trao đổi thông tin – cầu nối giữa người dân với chính quyền hữu hiệu nhất. Nói cách khác, xã hội công dân luôn là một điều kiện đủ, một thiết chế xã hội khác có tiềm năng tạo đồng thuận “từ dưới lên”.

Rõ ràng khi những thiết chế xã hội này hoạt động nhịp nhàng, mọi mâu thuẫn xã hội tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, kể cả việc đấu tranh bằng hình thức biểu tình – tuần hành sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để diễn ra một cách có tổ chức, trong khuôn khổ pháp luật. Điều này được thực hiện thông qua việc thảo luận, truyền bá hiểu biết thấu đáo về nguyên nhân và những hậu quả của một mâu thuẫn xã hội, cũng như về những cơ chế, đòn bẩy, biện pháp hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn này, trong sự phối hợp và tương tác với chính quyền.

Tiền đề cho việc hình thành và phát triển một phong cách tư duy và quan hệ cộng đồng xã hội hợp lý. Một phong cách đề cao trách nhiệm liên đới tự nguyện, sự đồng thuận từ trên xuống và từ dưới lên, một sự “thông thái tập thể” của xã hội. Những cộng đồng như vây, vừa có khả năng “tháo ngòi nổ” cho những mâu thuẫn xã hội thường nhật. Vừa có khả năng tìm giải pháp hợp lý cho những mâu thuẫn xã hội có nguồn gốc sâu xa. Kể cả cho những xung đột của một nhóm xã hội với chính quyền, hay những vấn đề có ảnh hưởng xã hội rộng lớn và lâu dài.

Chúng tôi xin phép giới thiệu kinh nghiệm của nước Nga trong việc hình thành và phát triển xã hội công dân. Một quá trình đi lên từ tốn, chậm rãi với “từng bước nhỏ” vững chắc. Một công viêc được sự quan tâm chăm chú, sự ủng hộ và hỗ trợ khá mạnh mẽ của những người lãnh đạo quốc gia, của chính quyền các cấp, của các nhà hoạt động chính trị xã hội hàng đầu, của các tổ chức xã hội nước Nga và quốc tế. Cũng như của toàn thể xã hội Nga.

XÃ HỘI CÔNG DÂN PHẢI TRỞ THÀNH TRỢ LÝ ĐẮC LỰC CHO NHÀ NƯỚC

Ở nước Nga hiện đại, từ giữa thập niên 1990 phải nói rằng, việc xuất hiện các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã góp phần đáng kể cho sự hình thành xã hội công dân. Quá trình này diễn ra đồng thời với việc nước Nga chuyển đổi sang hệ thống chính trị dân chủ, nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường. Về nguyên tắc, trong quá trình chuyển đổi này, xã hội công dân có thể rất hữu ích cho nước Nga. Hay nói cách khác xã hội công dân chính là một trong những “động cơ” chủ yếu trong quá trình này.

Hiện tại, vấn đề xã hội công dân đang nằm ở trung tâm chú ý của xã hội. Trong các bài phát biểu của mình, tổng thống Putin và các nhà chính trị và hoạt động xã hội hàng đầu nước Nga, liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một xã hội công dân thực sự hiệu năng. Cũng như họ luôn nhấn mạnh việc cần có một tương tác hiệu quả, giữa nhà nước, các cơ quan chính quyền và các thiết chế của xã hội công dân. Đặc biệt, trong việc đề xuất và hình thành những dự luật cơ bản trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội ở Nga.

Hiện nay nước Nga đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng như chủ nghĩa khủng bố, hiệu quả và tốc độ cải cách các thiết chế nhà nước còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp và mức độ nghèo đói cao, sự phân hóa thu nhập trong xã hội, giữa các vùng miền có xu hương gia tăng, quan chức địa phương lộng hành và nhận thức của người dân thay đổi chậm.

Rõ ràng, chỉ trong sự phối hợp chặt chẽ với xã hội công dân, nhà nước mới đủ năng lực đương đầu với những thách thức này, và trong việc giải quyết những vấn đề nói trên, xã hội công dân đương nhiên một trợ thủ đắc lực của nhà nước.

Có thể nói các nhà lãnh đạo nước Nga hiện nay nhận thức được tầm quan trọng của xã hội công dân. Putin tuyên bố “Nếu không có một xã hội công dân trưởng thành, thì không thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề bức thiết của người dân”. “Chỉ có một xã hội công dân phát triển, mới có khả năng đảm bảo sự bất khả xâm phạm của tự do dân chủ, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.”

XÃ HỘI CÔNG DÂN NGA HIỆN NAY

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nga, đến tháng 12/2018 cả nước Nga có 90.835 tổ chức xã hội được đăng ký chính thức, bao gồm: 54.533 các tổ chức xã hội, các tổ chức từ thiện (2932), các phong trào xã hội, các quĩ xã hội và 31.404 các tập hợp công dân xã hội kiểu khác, bao gồm: các công đoàn, các cộng đồng văn hóa dân tộc tự trị, đảng phái chính trị (64).

Đồng thời tính đến 12/2018 cả nước Nga có 90.787 tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký chính thức, bao gồm: các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức từ thiện (8677), chi nhánh hoặc đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài (117).

Hiện nay ở nước Nga những yếu tố xã hội công dân có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống cộng đồng xã hội (chính trị, kinh tế, xã hội, tinh thần …), bao gồm những đảng phái chính trị, các cơ quan chính quyền tự quản địa phương, các phương tiện truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các phong trào về nhân quyền và môi trường, các cộng đồng dân tộc và tôn giáo, các hiệp hội thể thao, hiệp hội sáng tạo nghệ thuật, các tổ chức khoa học và văn hóa, các hiệp hội doanh nghiệp và người tiêu dùng …

Tuy nhiên nhiều tổ chức, đoàn thể, hiệp hội và phong trào chỉ độc lập một cách hình thức. Trong thực tế, mọi chuyện không hẳn như vậy. Nhưng dù thể nào đi nữa, thì vẫn có thể nói rằng, xã hội công dân ở Nga đã bắt đầu hình thành và đã có những hoạt động hiệu quả có ý nghĩa xã hội to lớn. Một trong những tổ chức tiêu biểu là “Liên minh các Bà mẹ lính”.

Tổ chức này đã đưa thành công ra công luận nhiều vụ bạo hành đối với tân binh, góp phần bài trừ tệ nạn “ma cũ bắt nạt ma mới (дедовшина)” trong quân ngũ có từ thời Liên Xô. Hay là “Quỹ Bảo trợ Xã hội Bà mẹ và Trẻ em” đã có nhiều đóng góp trong việc cải thiện chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Dưới thời Putin, chính quyền Nga đã có những cố gắng tịch cực thúc đẩy hoạt động xã hội công dân. Năm 2005, “Phòng Xã hội Cộng đồng” Nga được thành lập. Đây là một là một cơ quan tư vấn nhà nước có vai trò chính, là đảm bảo sự tương tác giữa các công dân, các tổ chức xã hội công dân, với các cơ quan nhà nước và các cơ quan chính quyền địa phương. Mục tiêu chính thức của tổ chức này, là hỗ trợ việc hình thành, duy trì và phát triển môi trường tham gia của công dân, vào việc xây dựng, hình thành và thực hiện các chính sách của nhà nước Nga.

Trong thực tế họat động của mình, “Phòng Xã hội Cộng đồng” đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Trước hết, thể hiện trong việc tạo điều kiện cho công luận tham gia vào việc soạn thảo, phát triển và thông qua “Luật về Giáo dục”.

Trong quá trình này, những nhà làm luật đã tính đến nguyện vọng của công luận xã hội. Kết quả là một số điều chỉnh, sửa đổi đã được bổ xung vào dự luật. Một điều tương tự cũng diễn ra, khi Quốc hội soạn thảo, phát triển và thông qua “Luật về các Tổ chức Phi thương mại”, “Luật về cải cách Dịch vụ Bảo trì Nhà ở”.

Ngoài ra, còn có ”Hội đồng Xúc tiến các Tổ chức Xã hội Dân sự và Nhân quyền” trực thuộc Tổng thống Nga, một tổ chức nhà nước. Mục đích chính của tổ chức này là đảm bảo và bảo vệ nhân quyền, dân quyền và tự do của công dân, là thúc đẩy sự hình thành và phát triển của xã hội công dân.

Tóm lại, các thiết chế xã hội công dân luôn là cầu nối giữa nhà nước và cá thể. Những thiết chế này biểu đạt những quan tâm, nguyện vọng của các thành viên xã hội, là cơ sở cho việc hình thành và thông qua các điều luật. Những tín hiệu và xung động phát ra từ xã hội ở Nga, có vai trò điều chỉnh và kiểm soát hành vi của chính quyền.

Mặt khác, phải nói rằng khác với các nước phát triển, hiện nay ở Nga sự hình thành xã hội công dân mơi bắt đầu đi những bước đầu tiên và có những điểm đặc biệt riêng. Chẳng hạn, một trong những yếu tố cơ bản nhất để phát triển xã hội công dân, là một hệ thống truyền thông độc lập. Về phương diện nay, nước Nga vẫn thuộc số những quốc gia có mức độ tự do báo chí thấp nhất thế giới. Cụ thể năm 2016, theo xếp hạng của tổ chức Phong viên không biên giới, Nga xếp hạng 148/180 quốc gia về Chỉ số tự do báo chí (Press Freedom Index).

Sau khi Nga sát nhập Crimea và can thiệp vào Ukraina, từ đầu năm 2015, kinh tế Nga bắt đầu suy thoái rõ rệt do giá dầu hỏa trên thị trường quốc tế sụt giảm mạnh và bị Phương Tây cấm vận. Năm 2017, theo báo cáo của bà Natalia Pochinok, Chủ tịch Ủy ban Chính sách xã hội và Quan hệ lao động thuộc “Phòng Xã hội Cộng đồng” Liên bang Nga, gần một nửa số người Nga được thăm dò trả lời rằng, họ chỉ có đủ tiền để mua thực phẩm. Việc mua quần áo đối với họ đã trở nên rất khó khăn.

Thế nhưng mặt khác, cũng theo báo cáo của “Phòng Xã hội Cộng đồng” Liên bang Nga, ngày càng có nhiều người Nga tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Năm 2017, bất chấp những khó khăn về tài chính, khối lượng đóng góp của các cá nhân cho các mục đích từ thiện lên đến 143 tỷ rúp (xấp xỉ $2.5 tỷ).

Đồng thời, kết quả thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội Toàn Nga (VCIOM) tiến hành vào 09/2017 cho thấy, số lượng công dân tham gia từ thiện dưới hình thức này hay hình thức khác đã tăng 20% trong vòng 10 năm qua. Nếu vào năm 2007, 50% số người được hỏi đã xác nhân việc tham gia làm từ thiện, thì hiện nay năm 2017, tỷ lệ này là 69%.

Từ đầu 2018, Quốc hội và Thượng viện Nga chính thức thông qua dự thảo “Luật về Hoạt động Tình nguyện”, được Putin ký và có hiệu lực từ 01/05/2018. Hiện nay, phong trào hoạt động tình nguyện ở Nga đang phát triển rất nhanh chóng trong thanh niên, sinh viên, học sinh. Vừa qua trong World Cup 2018, lực lượng này đóng vai trò chính trong việc tiếp đón và hướng dẫn fan bóng đá đến từ khắp thế giới.

Tức là về phương diện này, nước Nga đang tiếp nối một truyền thống có ở Châu Âu và nước Nga từ trước 1917, và hòa mình vào một phong trào ngày càng phát triển mạnh trên toàn thế giới.

THAY CHO LỜI KẾT

Trong gần 30 năm qua kể từ ngày Liên Xô sụp đổ, người Nga có nhiều cố gắng xây dựng một nước Nga mới, một thể chế dân chủ, bao gồm một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế thị trường đầy đủ và một xã hội công dân. Nhưng kết quả còn rất hạn chế. Nước Nga vẫn được coi là “nhà nước chuyên chế” với Chỉ số dân chủ (Index of democracy) là 2.94, và xếp hạng 144 trong số 167 quốc gia.

Tuy nhiên những cố gắng trong phát triển xã hội công dân, dù sao cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc khuyến khích và kích hoạt sự tích cực chủ động trong cuộc sống, ý thức cộng đồng xã hội và ý thức trách nhiệm công dân của người dân ở nước Nga hiện nay. Vốn là một dân tộc không có truyền thống sinh hoạt dân chủ, người Nga rất thiếu truyền thống đối thoại trong sinh hoạt cộng đồng xã hội.

Trước đây cho đến những năm 1990, người Nga vẫn thường có khuynh hướng sử dụng bạo lực trong xử lý mọi mâu thuẫn cuộc sống. Thời kỳ đó ở các thành phố Nga lớn nhỏ, sáng nào cảnh sát cũng phải đi lượm hàng loạt xác người, là kết quả của các cuộc thanh toán băng đảng. Khuynh hướng bạo lực còn thể hiện phổ biến thậm chí kể cả trong va chạm giao thông.

Nói chung việc người Nga có truyền thống bạo lực cách mạng từ lâu đã trở thành một trong những huyền thoại chủ yếu của lịch sử thế kỷ 20. Tuy nhiên hiện nay, người Nga đã thay đổi. Khuỵnh hướng ủng hộ việc giải quyết xung đột, mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn xã hội bắng bạo lực đã giảm đi rất nhiều.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga, Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội Toàn Nga (VCIOM) đã tiến hành những cuộc thăm dò dư luận xã hội rộng rãi. Trong đó, có vấn đề thái độ của người Nga hiện nay, đối với cách mạng và bạo lực cách mạng. Kết quả thăm dò cho thấy, chỉ có 5% người Nga ủng hộ việc tiến hành cách mạng để thay đổi xã hội. Trong khi đa số tuyệt đối 92% người Nga, coi mọi cuộc cách mạng đều là không thể chấp nhận. Ngoài ra, chỉ có 30% số người được thăm dò cho rằng cách mạng hiện vẫn có thể diễn ra ở nước Nga, trong khi 61% người được thăm dò cho rằng điều đó là không tưởng.

Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, ở Nga diễn ra hàng ngàn cuộc biểu tình, tuần hành với một lượng người tham dự khổng lồ. Nhưng tuyệt đại đa số những cuộc biểu tình tuần hành này, kể cả của những người đối lập, đều ít nhiều có phối hợp với chính quyền. Tất cả đều diễn ra một cách ôn hòa. Có thể nói rằng, ở nước Nga đa sắc tộc và tôn giáo ngày nay, hầu như không còn khả năng xảy ra những biến cố như “mùa xuân Ả Rập”, hay là những cuộc “cách mạng sắc mầu”.

Nghĩa là, mặc dù con đường đi đến một thể chế dân chủ đầy đủ, một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững ở nước Nga còn rất nhiều chông gai. Nhưng người dân Nga ngày càng trưởng thành hơn, càng tốt đẹp hơn với tư cách một công dân có trách nhiệm trong cộng đồng, trong xã hội. Các thiết chế xã hội ở nước Nga cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn.

Vì vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, mọi cuộc đấu tranh và chuyển giao quyền lực ở Nga sẽ diễn ra một cách ôn hòa, trong khuôn khổ pháp luật và hợp hiến. Một thành quả có được, chính nhờ sự phát triển của Nhà nước Pháp quyền và Xã hội công dân ở Nga, trong những năm vừa qua. Đồng thời, có lẽ việc phát triển xã hội công dân đang là yếu tố đóng vai trò chủ yếu trong mọi thay đổi tích cực ở Nga hiện nay và trong tương lai.

PS. Trong phần tiếp theo của bài này, chúng tôi xin phép trình bầy về vai trò của các xã hội công dân Nga trong việc bảo tồn các di sản văn hóa, các công trình lịch sử kiến trúc.

Nguồn: FB Tam Tran

Comments are closed.