Chiều buông…

(Đôi dòng về Không đứng mãi trong tranh của Lê Chiều Giang)

Đỗ Nghê

Không biết nên gọi Không đứng mãi trong tranh của Lê Chiều Giang là gì cho đúng. Tùy bút? Không phải. Tản mạn? Không phải. Viết ngắn? Không phải. Thơ… Ừ, thơ. Đúng là thơ rồi. Nó cuốn hút. Nó xao xuyến. Nó ray rứt. Nhưng, thực ra thì nó có hơi hướm của một hồi ký hơn với rất nhiều những năm, những tháng, những ngày… cùng với những yêu thương, khóc giấu, khổ đau… Nhưng hình như vẫn không phải là hồi ký, tuy dàn trải cả một đời người, một kiếp người. Tôi biết mình vẫn cứ lẽo đẽo tìm theo những rêu phong của ngày tháng cũ (tr. 64). Nó trộn lẫn thơ với nhạc với họa, âm thanh và màu sắc, tưởng tượng và sự kiện. Nó tuôn chảy như một dòng sông, “yên ba giang thượng” mỗi khi chiều xuống…

image 

Ta có thể hỏi tò mò: Khi muốn Không đứng mãi trong tranh thì người ta làm cách nào? Mà thiệt ra có mấy cách đâu! Những bức tranh đời đó. Một bức bị xé toang với những lời chát đắng. Một bức bị giấu nhẹm với nước mắt và giận hờn. Một bức với những sắc màu sặc sỡ như để bù đắp mà không kịp hoàn tất, để rồi vùi theo với nhan sắc trăm năm.

Không đứng mãi trong tranh là lúc muốn xổ lồng bay xa. Thiệt không dễ! Bởi muốn bay mà vẫn còn ngập ngừng e sợ. Cái gì làm cho ngập ngừng, e sợ, nấn ná?

Và tôi cứ lẳng lơ, tôi rất lẳng lơ viết những chữ mông lung, vật vờ như gió… sáng trưa chiều tối với hằng tỷ bức email như vậy.

Vẫn có một bờ vực còn đó. Một giới tuyến không thể vượt qua.

Tôi biết mình không được bước xa hơn, dù chỉ là một inch nhỏ. Chúng tôi  dừng lại, đứng ngay ngắn ngay lằn ranh khắt khe nhất của định mệnh. Với tới nhau qua khoảng không gian xa vời ngàn dặm, mù tăm (tr. 156).

Nhưng tuổi vẫn chẳng tha người. Đó là khi người ta “Kên” với tuổi đời. Khi chợt nghĩ tới số 60, tôi nhắm mắt uống thêm ba hớp café một lúc…  Nếu café mà làm tan biến mất được cái số đáng sợ này, chiều nay tôi tình nguyện uống thêm vài ngàn ly nữa…

Phản ứng với số 60 dễ ghét, tôi tiếp tục mặc jeans bó sát, áo trễ xuống thêm chút nữa và luôn đi giày cao gót… khua vang, vọng theo mỗi bước chân. Tôi cố gắng hết sức để nhìn như 50 hay trẻ hơn thế… (tr. 145).

Để rồi chợt nhận ra “thế gian hằng như mộng”:

Thiên hạ hay bàn về những điều bất biến, những bền bỉ trăm năm… tôi tính theo phút theo giây.

Những bóng những bọt của đời người (tr. 148).

Giật mình,

Ta

Chắc phải… yêu thôi.

(Liều mạng, tr. 151).

Khi yêu thương và được yêu thương, tháng ngày như ngắn lại, tôi sợ đời sẽ hết, tôi sợ ngày sắp hết… Và chúng tôi hấp tấp vội vàng. Vội vàng nhưng… “tinh khiết”.

Một thứ “tình yêu hàm thụ”.

Tôi về lại vị trí mình đang đứng, ngó mông ra cuối chân trời, thấy có những óng ánh của hai chữ “Đạo đức”. Với tôi, nó không chỉ phù phiếm mà rất nhiều khi mang ý nghĩa của những người Dại dột, không biết sống và chẳng bao giờ dám sống. (tr. 159).

Thấy không, xổ lồng bay xa đâu có dễ.

Đứng mãi trong tranh

Đóng vai:

Góa phụ

Sáng nay ta

Ra với mặt trời

Như kẻ xa xôi về lại trái đất…

Rồi nhìn quanh quất, vội vã lại bước vào trong tranh:

…Diễn tiếp

Hỡi thế gian

Ta

Bỏ cuộc chơi.

(Đầu hàng, tr. 103).

Duyên chăng? Nghiệp chăng? Từ những ngày còn thơ đọc mà chẳng cần hiểu với Krishnamurti, Tagore, Khalil Gibran, Hermann Hesse… Những ngày lang thang phòng tranh, Pagode, Givral… Những ngày trốn học, cà phê góc phố, bỏ lễ nhà thờ, canh giờ về muộn…

Những ngọn lửa nhỏ cứ ngún dần như thể đợi một cơn gió. Và gió đã bùng lên.

Bước vào trong tranh, có lúc như ngựa chứng, tóc bờm tung bay như phi nước đại, cổ vươn cao ngoằng hí vang, cho nên không ngạc nhiên khi tranh thiếu nữ của Nghiêu Đề luôn kề bên một bóng ngựa phi đường xa dưới bóng trăng huyền hoặc lẫn bóng tối u mê giữa ngàn lá biếc.

Sự cách điệu không hài hòa làm cho gương mặt có sắc sáng như trăng, lại thêm chút bóng tối của u mê. (tr. 11).

Lê Chiều Giang viết Không đứng mãi trong tranh có khi như thơ, có khi như nhạc, như họa. Giọng điệu đôi khi ngổ ngáo, khinh bạc, nhưng ẩn chứa bên trong là rụt rè, bẽn lẽn, đắn đo…

Cái đó làm cho Không đứng mãi trong tranh đáng đọc, để thấy thương hơn một nhan sắc, một tính cách, một số phận như dòng sông những buổi chiều về…

Chiều buông

Trên dòng sông cuốn mau…

…………………….

Về đâu?

Bọt bèo tuôn khắp nơi…

Để rồi, nhận ra cõi vô lượng tâm:

Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu…

(Chiều về trên sông, Phạm Duy)

Sài Gòn, 12.2021

Comments are closed.